Hướng dẫn trò chơi tìm đường mê cung

Ai cũng biết trò chơi mê cung giúp tăng tính tập trung, khả năng xử lý thông tin và giải quyết vấn đề. Nhưng làm thế nào để bé chơi hiệu quả mà không chán?

A. Độ tuổi thích hợp chơi mê cung

  Quan điểm cá nhân của mình là từ 3 tuổi, bé đủ nhận thức và độ tập trung để hiểu luật chơi và chơi hiệu quả dưới sự hướng dẫn của bố mẹ. Ngoại trừ những bé đặc biệt thông minh.

B. Sách mê cung

  Sách trò chơi mê cung rất nhiều loại trên thị trường, nhưng sau khi xem xét chán chê trên các trang thương mại điện tử rồi lượn mòn gót ở hiệu sách thì mình chốt ra được vài quyển sách mê cung rất hay, mức độ khó tăng dần, từ rất dễ cho tới khó – khó đến nỗi bố mẹ cũng phải chau mày suy nghĩ ^^

1. Bộ sách Follow của Priddy books – Level 1

  Mình mua 3 quyển: Follow me, Follow my heat, Follow my santa

– Ưu điểm

  + Đường mê cung đơn giản và được làm thành rãnh sâu. Đây là một điểm thú vị nhất của bộ sách này. Đối với những bé lần đầu chơi mê cung, bé sẽ có xu hướng đi theo “đường chim bay” chứ không chịu đi theo “đường chuột chạy” từ điểm xuất phát tới đích. Vì thế khi dùng ngón tay lần theo từng đường rãnh sâu trên sách, bé sẽ hiểu hơn về luật chơi mê cung.

Hướng dẫn trò chơi tìm đường mê cung

  + Sách dầy dặn, cứng cáp, rất khó làm rách được. Hình minh họa siêu dễ thương. Vừa chơi lại vừa học được rất nhiều các loài động vật hoang dã, vật nuôi trang trại, côn trùng …

Hướng dẫn trò chơi tìm đường mê cung

– Nhược điểm

  + Nhược điểm duy nhất là quá dễ :)). Lúc đầu bé sẽ hơi lóng ngóng vì chưa nắm được cách chơi. Nhưng chỉ một lúc sau là quen ngay.

2. Bộ sách của Usborne – Mê cung phát triển tư duy – Level 1,2,3,4

  Bộ sách này gồm 4 quyển: 1 quyển my first maze book và 3 quyển Big maze book.

– Ưu điểm

  + Sách của Usborne thì miễn chê rồi, nội dung hay, hình ảnh đẹp. Mình mua sách dịch nên rẻ hơn rất nhiều sách nhập khẩu. Tiền mua một quyển nhập khẩu bằng mua cả bộ sách dịch này đấy!

Hướng dẫn trò chơi tìm đường mê cung

  + Quyển đầu tiên My first chỉ khó hơn hơn bộ Follow phía trên một chút xíu, bé sẽ phải tập trung di tay sao cho không lệch ra khỏi đường vẽ trên giấy. Sau mỗi mê cung còn có hoạt động tương tác khác rèn tinh mắt: tìm 3 con vịt hay gì đó…

  + Các quyển tiếp theo Big maze được đánh số 2-3 và không có số :)), không hiểu sao quyển thứ 4 người ta lại lại không đánh số nữa. Mê cung sẽ có mức độ khó và phức tạp tăng dần. Bé 3 tuổi sẽ chỉ làm được một số dạng mê cung ít điều kiện, bé 4 – 5 tuổi sẽ hoàn thành sách tốt hơn.

– Nhược điểm

  + Sách dịch này không chắc chắn lắm, kể mà gáy sách đóng chặt hơn chút, không biết sách nhập khẩu thì thế nào. Cũng có thể con mình chơi nhiều quá nên bong cả gáy, cả quyển sách dán băng dính chi chít luôn.

C. Cách chơi mê cung sao cho không nhàm chán

  Khi viết bài này thì bé 5 tuổi nhà mình đã hoàn thành xong tất cả các cuốn trên trong vòng 2 tháng. Còn bé 3 tuổi hơn thì đang làm quyển số 2 của bộ Mê cung phát triển tư duy.

1. Cho bé chơi theo thứ tự

– Thực tế: sách mua về đẹp lắm thế là lật tùm lum làm chỗ này một ít, chỗ kia một ít…cuối cùng không nhớ mình đã làm được những gì, → chán, bỏ, sách đẹp nhưng chỗ nào cũng liếc mắt qua cả rồi.

– Giải pháp:

  + Hướng dẫn bé làm lần lượt từ quyển đơn giản nhất, từ đầu sách đến cuối sách. Nếu gặp bài khó quá bé không nghĩ ra được, đập phá ăn vạ → giúp bé bình tĩnh và nói hay để khi khác mình làm nhé! Mình ngoài đọc luật chơi cho con ra thì sẽ không giúp hay gợi ý đường cho con, con phải tự suy nghĩ, hôm nay không nghĩ ra thì cất sách đi làm việc khác, mai nghĩ tiếp. Không vì bài này khó mà bỏ qua làm bài sau, hãy nói với con “bài sau còn khó hơn bài trước, nếu dễ chưa làm được thì sao làm được khó”….

  + Lúc đầu có những mê cung sẽ mất của bé cả tuần suy nghĩ (dĩ nhiên là mỗi ngày cỡ 5ph – 10ph nghĩ không ra lại hằm hằm đi cất sách :)). Hãy yên tâm thời gian đó sẽ thu hẹp càng ngày càng ngắn lại. Khi tìm ra đáp án bé sẽ rất sung sướng và hào hứng lật tiếp mê cung ở trang sách phía sau. Theo quan sát của mình thì quyển số 2 trong bộ sách Usborne là tốn nhiều thời gian nhất, không phải vì nó khó nhất, mà vì nó là quyển “những khó khăn khởi đầu”, kiên trì vượt qua được quyển 2 thì quyển 3-4 làm băng băng.

  + Cứ như thế bé sẽ chơi hết tất cả bộ sách với sự hào hứng, tò mò không biết những mê cung phía sau sách có gì thú vị, bố mẹ sẽ được chứng kiến từng cung bậc cảm xúc của con khi nghĩ mãi không ra – bực tức vì không nghĩ ra – lai suy nghĩ tiếp và vui sướng khi tìm ra đáp án.

2. Chơi lại

  + Mê cung hôm nay chơi được nhưng mai làm lại chưa chắc đã làm được, phong độ chỉ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi ;)). Bạn bé nhà mình có thói quen mỗi lần chơi sẽ chơi lại từ đầu sách đến chỗ mê cung đang làm dở. Cũng có thể chơi vài mê cung gần đây nhất để đỡ nhàm chán. Việc chơi lại này có hơi mất thời gian nhưng bù lại:

    → Bé sẽ tìm được cảm giác vinh quang trong quá khứ để đối diện với hiện tại tốt hơn – là cái mê cung dang dở nghĩ mãi không ra từ hôm qua :))

     → Chơi càng nhiều càng tăng kỹ năng.

3. Dùng ngón tay thay vì bút

  Nhà đông con sách phải để cho em, cấm viết bậy kể cả bút chì :))

  Chơi bằng cách di tay bé sẽ chơi lại quyển sách được nhiều lần, đồng thời giúp tăng trí nhớ, độ linh hoạt ngón tay và khả năng quan sát nữa đấy.