Khác nhau giữa đánh giá và nhận xét

(LSVN) - Đây là nội dung tại dự thảo Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông.

Khác nhau giữa đánh giá và nhận xét

Dự thảo nêu rõ, mục đích đánh giá nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, xác định được kết quả học tập, rèn luyện của học sinh so với mục tiêu giáo dục và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục.

Nguyên tắc đánh giá là bảo đảm công bằng, trung thực và khách quan; đánh giá bằng nhiều phương pháp, hình thức, kĩ thuật và công cụ khác nhau; kết hợp giữa đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết; kết hợp đánh giá bằng nhận xét và bằng điểm số; kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ.

Theo dự thảo, các môn học: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật, nội dung giáo dục của địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được đánh giá bằng nhận xét.

Các môn học còn lại được đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số.

Đánh giá bằng nhận xét được thực hiện trong quá trình dạy học các môn học, bao gồm: Nhận xét của giáo viên đối với học sinh hoặc nhóm học sinh; học sinh tự nhận xét và nhận xét lẫn nhau; nhận xét của cha mẹ học sinh và các tổ chức, cá nhân có liên quan, trong đó nêu rõ ưu điểm nổi bật, những điểm còn tồn tại, sự tiến bộ rõ nét của học sinh trong quá trình học tập, rèn luyện theo yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học.

Đối với bài kiểm tra, đánh giá bằng nhận xét, đánh giá theo 2 mức: Mức Đạt: Đáp ứng yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học; Mức Chưa đạt: Các trường hợp còn lại.

Đánh giá bằng điểm số được thực hiện qua đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập và rèn luyện của học sinh theo yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học. Thời gian làm bài kiểm tra, đánh giá định kì bằng bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính từ 45 phút đến 90 phút, đối với môn chuyên tối đa 120 phút.

Đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10. Điểm kiểm tra, đánh giá là số nguyên hoặc số thập phân được lấy đến chữ số thập phân thứ nhất sau khi làm tròn số.

Về đánh giá kết quả học tập của học sinh trong học kì và cả năm học, dự thảo quy định, kết quả học tập của học sinh được đánh giá thành 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

GD&TĐ - Không đơn giản là con số đơn thuần, đánh giá bằng nhận xét đòi hỏi GV phải hiểu HS từ hoàn cảnh gia đình, tính cách đến năng lực, sở trường.

Đây cũng là những lưu ý để GV và HS tìm hướng khắc phục nhằm có kết quả học tập, rèn luyện tốt hơn.

Theo dõi, đánh giá quá trình

Kết thúc học kỳ I, thầy Đặng Ngọc Lam – Hiệu trưởng Trường THCS Lê Thánh Tôn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) có những lưu ý đối với hai HS N.T và Đ.A.T.T – lớp 6/1 về điểm số môn Sinh học. “Từ học kỳ II, hai em này được ưu tiên gọi phát biểu xây dựng bài trong giờ học với những câu hỏi ở mức độ kiến thức đơn giản để tạo được sự hứng thú học tập. Tùy theo sự tiến bộ và khả năng đáp ứng của HS, mức độ khó của các câu hỏi có thể tăng lên”. Từ những lưu ý này, thầy Lam ghi nhận xét ngắn gọn vào bảng nhận xét HS “cần cố gắng trong học kỳ II”.

Theo thầy Lam, thay vì viết vào sổ ghi chép cá nhân, GV sẽ nhận xét ngắn gọn những tiến bộ của HS hoặc những đặc điểm cần lưu ý cả về kiến thức, thái độ và kỹ năng trên phần mềm. Dựa trên những lưu ý này, GV sẽ có những giải pháp giúp đỡ HS có kế hoạch học tập phù hợp với bộ môn. Ví dụ, với môn Toán, 3 HS lớp 6/1 có mốc điểm tổng kết từ 8,4 - 8,7 nhưng với mỗi HS, GV đều có nhận xét khác nhau dựa trên quá trình học tập: “Chưa cẩn thận”, “chưa ổn định” và “tốt”. Dù ngắn gọn nhưng đây là những lưu ý của GV để có những điều chỉnh trong quá trình lên lớp như dành thời gian hướng dẫn HS trong cách trình bày bài, gọi HS tham gia phát biểu xây dựng bài…

Dưới góc độ quản lý, thầy Đặng Ngọc Lam cho rằng: Đánh giá HS theo Thông tư 26 không làm tăng thêm khối lượng công việc của GV, hỗ trợ tích cực cho quá trình dạy học chứ không mang tính hình thức. “Không thể nói, với GV bộ môn, số tiết ít, lượng HS lớn không nhớ được mặt HS chứ đừng nói nhớ đến sự tiến bộ của từng em.

Hiện nay, các trường học, tùy theo điều kiện thực tế, đã triển khai nhiều phương pháp dạy học tiệm cận với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như tổ chức làm việc theo nhóm, dạy học theo dự án, giáo dục STEM, hoạt động trải nghiệm sáng tạo… GV bộ môn cũng phải ghi nhớ quá trình làm việc của HS dựa trên từng nhiệm vụ phân công cụ thể chứ không chỉ vào lớp truyền thụ một chiều cho xong 45 phút như trước kia”, thầy Lam nhận định.

Học sinh tự tin, tiến bộ

Cô Nguyễn Thị Hồng Yến - GV lớp Một, Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) nhận xét: Để có thể hỗ trợ HS học tập tốt, GV buộc phải hiểu rõ hoàn cảnh gia đình, tâm tính của từng em. Với những HS có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, như bố mẹ ly hôn, mồ côi cha hoặc mẹ… cần được GV động viên, gần gũi nhiều hơn. Với HS rụt rè, GV thường biểu dương, động viên khi các em chủ động xây dựng bài. GV sẽ phải chủ động gọi HS phát biểu, đọc bài trước lớp nhiều hơn các bạn khác để em mạnh dạn.

Với những trường hợp đọc còn chậm, trong giờ dạy, ở phần đọc âm, từ, GV ưu tiên gọi các em đọc để không tự ti trước bạn bè. Giờ ra chơi, cô giáo sẽ kèm riêng cho em đọc những câu dài, khó… Lựa theo từng tính cách, mức độ tiếp nhận của HS, GV có những lời nhận xét, khen thưởng phù hợp như stick, bông hoa, gắn cờ thi đua… tạo sự háo hức trong học tập và rèn luyện. Những nhận xét trực tiếp của GV trong giờ học cũng giúp cho sự tương tác giữa HS và GV, giữa HS và HS tốt hơn.

Nhiều năm tiếp nhận HS “đặc biệt” học hòa nhập, cô Hồng Yến cho rằng: Những động viên, khuyến khích trong đánh giá, nhận xét bằng lời sẽ tạo cho các em sự tin cậy, giữ được cảm xúc ôn hòa, giúp các em có sự ổn định trong quá trình tương tác với thầy cô, bạn bè.

Nhận xét về những đánh giá bằng nhận xét của GV chủ nhiệm cũng như GV bộ môn, chị Trần Thị Thu Hương (trú tại đường Nguyễn Thị Minh Khai – quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ: Từ những trao đổi trực tiếp của cô giáo kết hợp với nhận xét bằng chữ trong vở, phụ huynh biết chi tiết quá trình học tập của con ở lớp học.

Đặc biệt, những đánh giá nhận xét cuối học kỳ của GV rất quan trọng, giúp phụ huynh định hướng được những gì cần hỗ trợ con em mình trong học tập để học kỳ II có kết quả tốt hơn. Ví dụ như môn Tiếng Việt, mức đạt giữa kỳ và cuối kỳ của con tôi đều Tốt, điểm kiểm tra định kỳ đạt điểm 10, nhưng nhờ lời nhận xét của cô giáo “đọc thành thạo nhưng đọc còn nhỏ, cần khắc phục”, chúng tôi biết được những hạn chế của con để có hướng dẫn học tập tốt hơn.

Thầy Thái Quốc Khánh – Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thế Hiếu (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) nhận xét: Có tình trạng giáo viên nhìn điểm số HS để nhận xét, đánh giá. Ví dụ, điểm ở mức trung bình, yếu sẽ có chung mẫu “cần cố gắng hơn nữa”, “cần cố gắng nhiều hơn”, “học trung bình cần cố gắng”… Trong khi đó, quá trình học, mỗi HS có mức độ tập trung, sự chuyên cần, khả năng tiếp thu bài khác nhau, chưa kể là tính cách, sở trường… của các em cũng khác.

Trong các tiết trả bài kiểm tra, giáo viên đều có nhận xét bài làm, so sánh sự tiến bộ hoặc một số lưu ý cho HS về những kiến thức, kỹ năng cần đạt được. Nhưng không phải 100% HS được GV nhận xét bằng lời. Vì vậy, việc GV nhận xét vào cuối học kỳ sẽ giúp HS nhìn lại quá trình học của mình được những gì, cần điều chỉnh gì. Sẽ tốt hơn nữa nếu GV có những nhận xét đi cùng cột điểm kiểm tra định kỳ.

Nếu GV theo sát quá trình học tập của HS, nắm được tính cách của từng em, việc nhận xét sẽ không mang tính hình thức và cũng không áp lực, nặng nề. Mục đích cuối cùng của việc đánh giá bằng nhận xét là GV khích lệ hoặc hỗ trợ cho HS khắc phục khó khăn, thực hiện nhiệm vụ học tập. Và nhận xét trực tiếp hay bằng chữ cũng đều hỗ trợ cho quá trình này. Lâu nay, GV đã thực hiện nên không có gì quá mới mẻ, bỡ ngỡ. - Cô Lê Thị Em (Hiệu trưởng Trường TH Hai Bà Trưng quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng)