Kiến trúc dân gian là gì

Không chỉ bây giờ chúng ta mới quan tâm đến tính dân tộc trong kiến trúc. 45 năm trước, ngay sau khi đất nước thống nhất, các kiến trúc sư thế hệ thứ nhất được đào tạo từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khi đó nhận trách nhiệm gánh vác nền kiến trúc Việt Nam trong thời kỳ mới, độc lập – thống nhất, đã sớm coi trọng tính dân tộc trong kiến trúc hiện đại. KTS Nguyễn Cao Luyện viết cuốn “Từ mái nhà tranh cổ truyền” [1977], trong đó bày tỏ sự trân trọng với vẻ đẹp bình dị nhưng sâu sắc của những ngôi nhà dân gian. Năm 1976,  KTS Trần Hữu Tiềm cũng có một bài viết quan trọng viết về tính dân tộc trong kiến trúc, in trong cuốn “Tính dân tộc của nghệ thuật tạo hình”, NXB Văn hóa. Dù được viết ra cách đây 45 năm, nhưng nhiều vấn đề mà KTS Trần Hữu Tiềm đặt ra vẫn còn nguyên tính thời sự. Kienviet.net xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Nước ta là một nước có một nền văn hóa lâu đời. Lịch sử dân tộc ta là một lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh chống ngoại xâm để bảo vệ nền độc lập tự chủ của mình, đồng thời xây dựng, gìn giữ và phát triển nền văn hóa dân tộc xứng đáng với một dân tộc anh hùng. Là một bộ phận của nền văn hóa dân tộc, nền kiến trúc Việt Nam cũng có một lịch sử và truyền thống lâu đời.

Trải bao thế kỷ, do bị phá hủy bởi các cuộc xâm lăng, bởi các cuộc thay triều đổi ngôi cũng như bởi khí hậu, vốn kiến trúc ông cha ta để lại thật còn ít ỏi. Ngoài kiến trúc dân gian, đa số công trình kiến trúc còn lại ngày nay chỉ là một số đền chùa, miếu mạo của thời kỳ phong kiến.

Trong những thời kỳ đất nước bị đô hộ, nền kiến trúc Việt Nam trên những nét chính vẫn giữ vững được tính độc lập tự chủ của nó, chống được ảnh hưởng ngoại lai. Từ khi cách mạng thành công, chúng ta bước vào xây dựng một nền văn hóa mới theo phương châm  “dân tộc, khoa học và đại chúng”.

Nhưng nước ta lại phải trải qua một thời kỳ chiến tranh lâu dài và ác liệt. Thời gian còn lại để xây dựng hòa bình thật là ít ỏi. Với nỗ lực phi thường, nhân dân ta vừa chiến đấu oanh liệt, vừa xây dựng được một số cơ sở vật chất và kỹ thuật đầu tiên cho chủ nghĩa xã hội.

Chiến thắng vĩ đại mùa xuân năm 1975 đã mở ra một giai đoạn mới hết sức huy hoàng: hoàn thành thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Chỉ bước vào thời kỳ xây dựng thực sự, xây dựng những thành phố, những thôn xóm, những khu công nghiệp với quy mô chưa từng thấy ở nước ta.

Để xây dựng được đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, chúng ta phải ra sức xây dựng cho được một nền kiến trúc Việt Nam và hiện đại. Trình độ thẩm mỹ nhân dân ta mỗi ngày một cao đòi hỏi những công trình xây lên phải đẹp, phải hiện đại và phải Việt Nam.

Một vấn đề được đặt ra cho những người làm công tác kiến trúc là phải có đường lối và phương pháp sáng tác để công trình kiến trúc xây lên phải mang được tính dân tộc và tính hiện đại. Tính dân tộc, tính hiện đại thể hiện ở các công trình kiến trúc như thế nào? Nó xuất phát từ đâu? Nội dung và hình thức – khai thác vốn dân tộc v, v… Đây là những vấn đề lý luận chúng ta cần bàn đến để giúp chúng ta sáng tác được tốt, để soi sáng con đường tiến lên một nền kiến trúc Việt Nam và xã hội chủ nghĩa.

Thế nào là một công trình kiến trúc mang tính dân tộc và tính hiện đại?

Trước tiên chúng tôi thấy cần nhắc lại ở đây những đặc trưng của nghệ thuật kiến trúc. Kiến trúc khác nghệ thuật ở chỗ nào và giống ở chỗ nào? Kiến trúc vừa là khoa học kỹ thuật vừa là nghệ thuật. Một công trình kiến trúc vừa là một sản phẩm vật chất, là một hiện thực đồng thời phản ánh hiện thực. Một ngôi nhà không chỉ tạo nên một không gian thỏa mãn nhu cầu đời sống vật chất của con người với những phương tiện vật chất mà còn phải thỏa mãn được nhu cầu về mỹ cảm: một công trình kiến trúc còn phải có tư tưởng tính nghệ thuật tính. Hai mặt yêu cầu vật chất và tinh thần thống nhất với nhau và phải được thỏa mãn cùng một lúc. Cho nên, một công trình kiến trúc xây lên là phải thích ứng, phải hợp lý về mặt kinh tế – kỹ thuật, và phải đẹp. Ba yêu cầu đó [có thể nói bốn yêu cầu] phải gắn khăng khít với nhau thành một thể thống nhất và hữu cơ. Nghệ thuật kiến trúc giống các nghệ thuật khác ở chỗ nó cũng có khả năng như nghệ thuật khác phản ánh hiện thực bằng hình tượng nghệ thuật. Nhưng nó khác các nghệ thuật khác là ở phương pháp và phương tiện phản ánh hiện thực. Xây dựng lên ngôi nhà không phải chỉ cần đến giấy bút mà chủ yếu là phải có gạch, có bê tông, có máy móc thiết bị, có lao động kỹ thuật… Các môn nghệ thuật khác nói chung tái hiện cuộc sống hiện thực: mô tả con người cụ thể, thể hiện nhân vật điển hình, hoàn cảnh điển hình. Nhưng bản thân nghệ thuật kiến trúc không mô tả cụ thể như các nghệ thuật khác. Do ngôn ngữ kiến trúc bị hạn chế, hình tượng nghệ thuật kiến trúc chỉ có thể gợi lên một cách khái quát, một cách trừu tượng những khái niệm, những tư tưởng có tính chất chung chung như tinh thần yêu nước, khí phách anh hùng, những cảm giác trang nghiêm, vĩ đại, nhẹ nhàng, thanh thoát mà không biểu hiện được những tình tiết cụ thể như các nghệ thuật khác.

Để biểu hiện được phần nào tình tiết cụ thể, kiến trúc phải nhờ đến sự kết hợp một phần với các nghệ thuật tạo hình như hội họa, điêu khắc,…

Do đặc điểm trên, tính dân tộc, tính hiện đại của một tác phẩm kiến trúc phải thể hiện ở hai mặt: thỏa mãn nhu cầu về sử dụng vật chất và thỏa mãn nhu cầu về tinh thần, về mỹ cảm. Nói đến thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của con người tức là phải nói đến nội dung sử dụng, nói đến hình thức bề ngoài, nói đến hình tượng nghệ thuật của công trình kiến trúc. Tính dân tộc là cái gì đặc sắc, cái gì quen thuộc, gần gũi với dân tộc về nội dung bên trong công trình cũng như về hình thức bên ngoài công trình. Đồng chí Hà Huy Giáp định nghĩa tính dân tộc:

“Nói đến tính dân tộc trong văn nghệ là nói đến những đặc điểm, tính độc đáo cả về nội dung lẫn hình thức của nghệ thuật do sinh hoạt vật chất và tinh thần cùng những truyền thống riêng biệt của dân tộc tạo nên, có sức sống rất bền bỉ, lâu dài”.

Kiến trúc của mỗi dân tộc, của mỗi vùng mang những nét độc đáo của nó. Ngôi nhà sàn Tây Bắc khác với ngôi nhà sàn phía Bắc hay Đông Bắc. Ngôi nhà gỗ vùng trung du khác ngôi nhà gạch ở đồng bằng Bắc Bộ, v.v..

Những nét độc đáo, riêng biệt của từng ngôi nhà đó xuất phát từ yêu cầu lao động sản xuất, từ yêu cầu sinh hoạt từng dân tộc, từng vùng, xuất phát từ những đặc điểm về khí hậu thiên nhiên, từ điều kiện vật liệu và kỹ thuật xây dựng của dân tộc đó, của vùng đó. Những hệ thống kèo – cột bằng gỗ, những mái cong cao vót, những chi tiết trang trí, chạm trổ trên gỗ, trên đá thường thấy ở những ngôi nhà Việt Nam là những hình thức mang những nét độc đáo dân tộc của những công trình kiến trúc Việt Nam của những thời đại trước.

Ngôi nhà cổ truyền ở nông thôn nước ta bằng tranh hay bằng ngói đều được thừa nhận là xinh đẹp, là “thơ mộng”. Chỉ một mái hiên với bức rèm, bức dại, chỉ một giàn hoa lý, chỉ một hàng rào dâm bụt, một mảnh sân với bức tường hoa cũng đủ gợi cho chúng ta hình ảnh những cái gì độc đáo, quen thuộc, gần gũi với dân tộc ta. Đó mới chỉ là những nét toát ra từ hình thức bên ngoài ngôi nhà. Nhưng phong cách dân tộc còn phải toát ra từ nội dung ngôi nhà, từ bố cục, sắp xếp trong ngôi nhà phản ánh được tập quán sinh hoạt, nếp suy nghĩ, tình cảm của người nông dân Việt Nam. 

Ngôi nhà cổ truyền nông thôn nước ta có những nét đặc sắc dân tộc và có một giá trị nghệ thuật nhất định. Nhưng nó phải biến đổi và phải mang một nội dung mới của thời đại. Nền sản xuất nông nghiệp tiến lên quy mô lớn đòi hỏi ngôi nhà nông thôn phải có những biến đổi sâu sắc. Bộ mặt thôn xóm đang được đổi mới với hệ thống thủy nông đường sá, với màng lưới trạm bơm, kho xưởng, với những khu trường học, vườn trẻ, trạm xá, những khu chăn nuôi quy mô lớn chưa từng thấy.

Ngôi nhà thay đổi từ nội dung đến hình thức. Về nội dung bắt đầu đã có thay đổi đáng chú ý. Công thức 3 gian 2 chái không còn cố định như xưa. Bàn thờ tổ tiên hoặc được thu lại, hoặc không còn nữa; điện tích, quy mô ngôi nhà không cần thiết lớn như xưa. Chỗ ăn, nằm của các thành viên gia đình đã bắt đầu có ngăn nắp. Người cán bộ xã viên có chỗ làm việc, chỗ tiếp khách, trẻ em có góc học tập có chỗ sinh hoạt riêng ; người phụ nữ bây giờ không còn phải sống trong những gian buồng bưng bít tối tăm; gian kho, sân phơi không còn cần rộng như trước. Những công đồ sộ, những tường rào dày kín nay được thay thế bằng những hàng rào cây xanh, xén vuông vắn, xinh xắn. Những cối xay, cối dã dần dần được đẩy lùi vào dĩ vãng với sự xuất hiện máy xát của hợp tác xã. Ngoài cây xoan, cây tre, bê tông, sắt, kính, sơn, đá hoa cũng là những vật liệu mới ở nông thôn làm cho hình dáng, cấu tạo, trang trí màu sắc ngôi nhà cũng thay đổi. Ở một vài nơi đã xuất hiện những ngôi nhà hai tầng, vừa cao ráo, thoáng mát, vừa đẹp, vừa tiết kiệm đất xây dựng. 

Nội dung, quy mô, hình thức các thành phố cũng thay đổi cho phù hợp với nền sản xuất đại công nghiệp, với đời sống của những thành phố xã hội chủ nghĩa. Những thành phố cũ với cơ cấu đường sá, với phân bố dân cư trước đây không còn phù hợp với nền sản xuất mới, với đời sống mới. Nó cần phải được cải tạo, mở rộng..

Các khu nhà ở kiều mới, những công trình văn hóa, xã hội có quy mô phục vụ hàng nghìn người như cung văn hóa, cung thể dục thể thao, cũng thiếu nhi, nhà hát, bệnh viện là những công trình mới mang một nội dung mới, một hình thức mới.

Lăng Bác Hồ là một công trình nghệ thuật cao, kỹ thuật xây dựng hiện đại. Yêu cầu về sử dụng phải cao. Lăng cần đáp ứng được yêu cầu bảo vệ thi hài một cách tuyệt đối trong thời gian vô hạn. Lắng sẽ phải là một công trình mang tính chất thiên niên vạn đại, thể hiện ở hình khối vật liệu, ở kỹ thuật xây dựng.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngoài tính hùng vĩ, tính nghiêm trang, tính vĩnh hằng, kiến trúc lăng còn thể hiện tính giản dị, khiêm tốn như đức độ của Bác. Hình khối, đường nét, trang trí, màu sắc đều cố gắng gắn một cách hài hòa với khung cảnh quảng trường Ba Đình lịch sử. Lăng Bác cũng có những nét độc đáo của nó, khác với những lăng khác trên thế giới, thể hiện không những ở hình dáng, đường nét, màu sắc mà còn ở bố cục bên trong lăng, ở cách bố trí phòng thi hài, lễ đài, lối ra vào, ở chất lượng một số vật liệu quý trong nước, ở những loại cây, hoa đặc sắc của địa phương trồng xung quanh lăng. Tất cả cái đó nói lên những nét đặc sắc của lăng Bác Hồ.

Lăng là một công trình kiến trúc hiện đại vì nó mang một hình thức mới, vì nó phục vụ được tình cảm của thời đại đối với Bác, vì nó được được xây bằng vật liệu và trang thiết bị hiện đại.

Kiến trúc hiện đại là khi nó phản ánh được cuộc sống dân tộc đương thời, khi nó nói lên được tư tưởng tâm hồn của dân tộc, của thời đại. Nó thể hiện ở nội dung sử dụng, ở tiện nghi và thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất tiên tiến, ở vật liệu và phương tiện hiện đại. Những công trình xây dựng theo phương pháp lắp ghép cơ giới cấu kiện đúc sẵn hàng loạt thể hiện đường lối công nghiệp hóa xây dựng và thể hiện tính hiện đại của công trình.

Tính hiện đại còn thể hiện ở chất vật liệu, ở hình dáng, ở kích thước, ở khẩu độ của hệ thống cấu kết mới như vòm mỏng, dây treo mà chúng ta không thể thấy được ở thời kỳ đồ đá, đồ gỗ ngày xưa. Tính hiện đại và phương pháp kỹ thuật tiên tiến không đòi hỏi trang trí trạm trồ vụn vặt tốn công, tốn của. Do đó, tính hiện đại còn gắn với tính giản dị về hình dáng và đường nét và phù hợp với điều kiện sử dụng và quản lý hiện tại.

Tính dân tộc ở một công trình kiến trúc xuất phát từ con người, từ xã hội và từ thiên nhiên là những yếu tố quyết định

Kiến trúc là một sản phẩm mang tính chất xã hội. Nó trực tiếp hàng ngày với đời sống con người. Nó gắn liền với lịch sử phát triển dân tộc, với chế độ xã hội, với thực tế sản xuất và đời sống. Cho nên con người, chế độ xã hội quyết định phần lớn phong cách của một công trình kiến trúc, của một thành phố. 

Phương thức sản xuất cá thể và thủ công trong chế độ phong kiến đã đẻ ra ở nông thôn ngôi nhà cổ truyền. Chế độ thực dân phong kiến đã đẻ ra những thành phố cũ còn lại bây giờ. Ngôi nhà, thôn xóm của chúng ta đương có những biến chuyển mạnh mẽ cho phù hợp với nền sản xuất hợp tác hóa cao và quy mô lớn, phù hợp với đời sống tiến lên xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở ngôi nhà truyền thống của nông thôn Việt Nam.

Điều kiện sản xuất, điều kiện kinh tế thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần con người cũng thay đổi, ngôi nhà cũng thay đổi. Nếp sống, lối suy nghĩ, tâm tư tình cảm cũng có những thay đổi cho phù hợp với tình cảm của thời đại.

Người Việt Nam có những tập quán ăn ở tốt đẹp, có những truyền thống xây dựng phong phú, thể hiện ở những giải pháp kiến trúc trong bố cục không gian, trong ngôi nhà và xung quanh ngôi nhà. Những tập quán tốt đẹp về ăn ở, những truyền thống xây dựng quý báu của ông cha ta phải được giữ lại và được phát triển phù hợp với yêu cầu của nền sản xuất mới, của đời sống và tình cảm mới. Bên cạnh những tập quán tốt đẹp còn những tập quán lỗi thời, những phương pháp xây dựng còn kém khoa học cần được loại dần để có được những nét độc đáo dân tộc của một nền kiến trúc Việt Nam và hiện đại.

Ngôi nhà Việt Nam thường là giản dị, nhẹ nhàng, thanh nhã, thể hiện được phong cách con người Việt Nam với đức tính khiêm tốn, giản dị, thanh nhã, thuần hòa dịu dàng, kín đáo, vui tươi,..

Trong Hội nghị tổng kết thiết kế nhà ở năm 1963, đồng chí Lê Thanh Nghị có nêu ý kiến về phong cách dân tộc theo phương châm: lao động cần cù, sinh hoạt giản dị, vui tươi, có mỹ quan – thanh lịch tao nhã, kết hợp với phong cách thiên nhiên. Những nét phong phú về phong cách dân tộc đều được thấy ở nền kiến trúc nước ta từ miền xuôi đến miền ngược. Tiêu biểu là những công trình kiến trúc cổ còn lại ngày nay, có một giá trị nghệ thuật cao như chùa Keo, chùa Tây Phương, chùa Bút Tháp, Văn Miếu Hà Nội, Tháp Bình Sơn, v,v… Ở đây chúng ta thấy những giải pháp kiến trúc về kết cấu độc đáo, những trang trí đặc sắc của kiến trúc dân tộc với những mái cao vót, đường nét cong, lượn mềm mại nhẹ nhàng, những con sơn, những con tiện, xếp đặt khéo léo, những không gian kiến trúc kết hợp với khung cảnh cây có nhiều hình, nhiều vẻ… 

Văn Miếu, Hà Nội

Tiếc rằng hiểu biết của chúng ta về kiến trúc dân tộc còn quá ít. Việc tìm hiểu về vốn kiến trúc dân tộc mới ở bước đầu, cho nên nhiều công trình kiến trúc được xây dựng trong thời gian vừa qua như nhà ở, trụ sở cơ quan, hội trường, nhà máy chưa đáp ứng tốt yêu cầu về sử dụng và chưa phù hợp với phong cách dân tộc ta. Nhiều công trình nghiên cứu còn sơ lược, còn nặng nề, phức tạp, không còn tính nhẹ nhàng, thanh thoát, giản dị của nền kiến trúc cổ truyền Việt Nam.

Những nhà mới xây dựng ở một số vùng nông thôn gần thành phố đã xa với phong cách dân tộc. Có nhiều nhà mang tính “lai tạp” của thời Pháp thuộc, tây ta lẫn lộn với những thức cột, những trang trí thô kệch, lạc lõng. Đáng mừng là càng đi sâu vào nội địa, đi xa các trục giao thông chính, càng ngược lên thượng du các con sông lớn như sông Đà, sông Mã, sông Chu, chúng ta thấy những nhà cửa thôn xóm còn giữ được phong cách kiến trúc, giữ được tập quán xây dựng tốt đẹp của địa phương. Tin rằng trên cơ sở những nét độc đáo dân tộc đó mà xây dựng được những công trình kiến trúc mới cho phù hợp với yêu cầu đời sống mới và với điều kiện vật liệu và kỹ thuật mới sau này. . Sau con người, sau xã hội, thiên nhiên là một yếu tố quan trọng có tác động quyết định đến phong cách dân tộc của ngôi nhà nó làm cho cùng một dân tộc, ngôi nhà có những nét khác nhau từ địa phương này đến địa phương khác.

Xưa nay ngoài đấu tranh giai cấp để sinh tồn, con người phải đấu tranh vất vả với thiên nhiên. Chính những giải pháp kiến trúc và kết cấu để tránh mưa nắng, chống gió rét, chống bão lụt, đã tạo ra đường nét hình dáng cho ngôi nhà và đã góp phần hình thành truyền thống xây dựng của dân tộc, của địa phương. Chất liệu, màu sắc của vật liệu sắp xếp lên với kỹ thuật địa phương cùng với khung cảnh cây hoa lá xung quanh ngôi nhà cũng mang lại cho ngôi nhà một sắc thái riêng của địa phương.

Chỉ nói đến chống gió bão, cái mái, cái cửa của ngôi nhà cũng có những thay đổi về cấu tạo và hình dáng từ miền núi đến vùng biển. Do đó, một ngôi nhà miền núi khác với ngôi nhà trung du, cũng như ngôi nhà đồng bằng khác ngôi nhà bờ biển, do điều kiện khí hậu, điều kiện thiên nhiên, điều kiện vật liệu và phương pháp xây dựng riêng của từng địa phương.

Cũng cùng một vĩ tuyến, cùng một điều kiện khí hậu, thiên nhiên, cùng một trình độ kỹ thuật và phương pháp xây dựng và ngay cùng một chế độ xã hội, phong cách dân tộc không thể giống nhau hoàn toàn, vì bộ óc, bàn tay con người tác động vào ngôi nhà có khác nhau, nhất là óc sáng tạo nghệ thuật của người xây dựng. Cho nên mỗi dân tộc, mỗi địa phương có những nét độc đáo về phong cách kiến trúc của nó, mà yếu tố con người vẫn là yếu tố quyết định đối với tính dân tộc của một công trình kiến trúc.

Thuyết có một loại kiến trúc & thế giới chung chung không thể đứng vững được. Thuyết đó đã tạo ra những loại công trình kiến trúc tầm thường, kém giá trị. 

Con người, chế độ xã hội là yếu tố quyết định, song thiên nhiên cũng là yếu tố rất quan trọng đối với phong cách dân tộc của công trình. 

Thiên nhiên nước ta không khắc nghiệt lắm so với những nước vùng nhiệt đới khác: cây cỏ hoa lá, mặt nước, sông hồ thật là dồi dào. Sống thoáng mát ngoài trời là một yêu cầu phổ biến trong những giờ oi bức, trong những đêm trăng gió mát. Cho nên ngôi nhà Việt Nam phải gắn với thiên nhiên, làm thế nào môi trường bên trong ngôi nhà và thiên nhiên bên ngoài không cách biệt nhau mà lại hòa hợp được với nhau. Bố cục không gian, hình thức kết cấu ngôi nhà, những bức cửa, những chấn song, những lan can, những hàng hiên, những mái hắt, những bức tường hoa chắn nắng phải thể hiện được đặc điểm khí hậu, thể hiện được tính thâm nhập, tính hòa hợp giữa môi trường bên trong với thiên nhiên bên ngoài ngôi nhà. Những ngôi nhà trơ trụi, không cây cối với những mảnh tường lớn nặng nề hay những mảng cửa kính lớn lóa mắt của một số nhà máy hay trường học ở thủ đô hiện nay đều xa lạ đối với xứ ta. Những rặng dừa quanh bờ ao, những bóng mát của rặng vải, rặng nhãn hai bên đường vào nhà, những hàng cau chót vót trước nhà, những bụi hoa hồng, hoa sói, những giàn hoa lý, những cây đại, cây mít trước cửa, tò vò đầu hồi, hàng giậu râm bụt là những nhân tố thiên nhiên không tốn kém nhiều mà lại đóng góp cho kiến trúc ngôi nhà những hình tượng độc đáo đã ăn sâu vào tiềm thức, vào tình cảm dân tộc hàng thế kỷ nay. Bản thân ngôi nhà tuy kiến trúc chưa đẹp, nhưng đặt trong khung cảnh thiên nhiên như vậy cũng được tôn lên và do đó đã mang những nét đặc sắc dân tộc. Cho nên không thể thiếu được cây xanh cho ngôi nhà, không thể thiếu được khung cảnh cho ngôi nhà.

Trên đây là một số nét dân tộc rút ra từ kiến trúc dân gian, từ những công trình kiến trúc quy mô nhỏ. Còn đối với những công trình công cộng quy mô lớn hiện nay, vận dụng, khai thác vốn dân tộc đó thế nào cho ngôi nhà phục vụ được đời sống mà lại gắn được với thiên nhiên là một vấn để cần phải bàn nhiều và phải trải qua nhiều thực nghiệm.

Tính dân tộc và tính hiện đại có mối quan hệ khăng khít 

Kiến trúc phản ánh hiện thực cuộc sống của thời đại, với tất cả tình cảm, nguyện vọng, lý tưởng của dân tộc, với hướng phát triển của xã hội. Đồng chí Hà Xuân Trường cũng nói: “Khi nói đến tính dân tộc ngày nay tức là chúng ta nói đến mức phát triển của nó ở giai đoạn hiện tại và như thế tức là đã nói đến tính hiện đại, chiều theo cái nghĩa là cái tính phản ánh hiện thực của cuộc sống và con người của thời đại”. 

Về mối quan hệ khăng khít giữa tính dân tộc và tính hiện đại, đồng chí Hà Huy Giáp khẳng định: “Không thể có tính dân tộc nào lại không mang nét đặc sắc nhất của thời đại mình về cả nội dung và hình thức”. Đồng chí Hà Xuân Trường cho rằng: “Tách tính dân tộc và tính hiện đại thành hai thứ “tính” là không thỏa đáng”. Chúng tôi đồng ý với cách hiểu tính dân tộc và tính hiện đại như vậy. Khi nói rằng một tác phẩm nghệ thuật thời nay mang tính dân tộc là phải nói nó đã mang tính hiện đại rồi.

Đối với kiến trúc cũng vậy, khi phản ánh cuộc sống của một dân tộc trong thời đại ngày nay là nó phải mang tính hiện đại rồi.

Không có một tác phẩm kiến trúc nào ngày nay có tính dân tộc mà lại không hiện đại, mà cũng không có tác phẩm kiến trúc nào hiện đại mà lại không mang tính dân tộc. Hiện đại mà không dân tộc thì “lai căng”. Dân tộc mà không hiện đại thì “cồ”. 

Kiến trúc của mỗi thời đại phải mang những nét độc đáo, mang tính lịch sử nhất định. Cho nên tính dân tộc, tính hiện đại có mối quan hệ khăng khít, không thể tách rời nhau được. Kiến trúc phục vụ cuộc sống ngày nay, không phải ngày xưa mà cũng không phải ngày mai xa xôi. Chúng ta không lo quá xa nhưng phải biết kết hợp hiện tại với tương lai gần để công trình xây lên không máu lạc hậu. Về điểm này, Bác Hồ có câu đại ý:“Chúng ta sống ở thời đại này thì chúng ta làm văn nghệ của thời này, cho thời này. Bởi vì mai sau đã có con cháu chúng ta sống, con cháu chúng ta sẽ làm văn nghệ mai sau”.

Tóm lại kiến trúc mang tính dân tộc và tính thời đại; tính dân tộc và tính hiện đại trong kiến trúc có mối quan hệ khăng khít với nhau.

Giữa nội dung và hình thức một công trình kiến trúc có một mối quan hệ chặt chẽ và thống nhất

Về bản chất, kiến trúc được tạo thành bởi ba nhân tố: công năng – kinh tế kỹ thuật – mỹ quan, kết hợp khăng khít với nhau thành một thể thống nhất, nhằm thỏa mãn những nhu cầu về đời sống vật chất và tinh thần, về mỹ cảm của con người.

Kiến trúc phải phản ánh trung thực nội dung sử dụng bằng phương pháp kỹ thuật và vật liệu xây dựng tạo lên nó. Tất cả hình khối, đường nét, trang trí, màu sắc hình thành trên một công trình kiến trúc để thỏa mãn yêu cầu về sử dụng vật chất cũng đều nhằm tạo nên hình tượng nghệ thuật thỏa mãn được yêu cầu về mỹ cảm. Hai mặt đó khăng khít với nhau và thống nhất với nhau; nói một cách khác, nội dung và hình thức một công trình kiến trúc gắn chặt với nhau để cùng làm tròn chức năng của một công trình kiến trúc.

Cho nên khi nói đến hình tượng nghệ thuật kiến trúc không phải chỉ là hình dáng bên ngoài mà phải nói đến cái gì toát ra, nói lên được quan hệ thống nhất khăng khít giữa những nhân tố của kiến trúc, giữa nội dung và hình thức của công trình kiến trúc.

“Hình thức là phương thức tồn tại của nội dung, hình thức nghệ thuật là sự thể hiện nội dung”, Chứ không phải là cái áo khoác bên ngoài nội dung.

Có người cho rằng: chỉ cần có đường nét, hình khối như những kiều hiện đại phương tây rồi thêm vào một vài trang trí họa tiết dân tộc thế là đã có một công trình kiến trúc hiện đại mang tính dân tộc rồi. Hoặc có người trước tiên tìm tòi những hình thức, những hình khối, đường nét độc đáo mình ưa thích rồi cố gò bố cục mặt bằng cho ăn khớp với hình thức đó, bất chấp mặt sử dụng, mặt kinh tế kỹ thuật xây dựng. Phương pháp sáng tác như vậy là phi hiện thực và không xuất phát từ bản chất của nghệ thuật kiến trúc, không xuất phát từ quan điểm đúng đắn về tính dân tộc và tính hiện đại và coi nghệ thuật kiến trúc là những nhân tố nối tiếp nhau, là thứ gì thêm thắt vào bên ngoài, tách rời hình thức với nội dung công trình.

Hình thức phải phản ánh trung thực nội dung. Những hình thức gò ép không ăn khớp với bố cục bên trong ngôi nhà đều là trái với hiện thực, phương hại đến sử dụng và gây lãng phí trong xây dựng. Một phòng lớn quay về hướng tốt thì cửa lại nhỏ hay đóng kín còn cửa khu vệ sinh hay kho thì lại rộng lớn. Hình thức bên ngoài thì 3 tầng mà thực tế bên trong chỉ có 2 tầng. Những mặt ngoài không nói lên được rõ bố cục bên trong làm cho người ta lầm lối ra, vào, chính, phụ… Hình dáng bên ngoài làm cho người ta lầm tính chất công trình: trông một nhà ăn, người ta tưởng là một xưởng máy; nhìn một nhà ở tưởng như một trường học v.v… 

Nội dung kiến trúc luôn luôn thay đổi theo yêu cầu phát triển của xã hội. Hình thức kiến trúc do đó cũng thay đổi theo cho phù hợp với sự phát triển đó.

Sau chiến thắng vĩ đại mùa xuân 1975, dân tộc ta đương bước vào một giai đoạn lịch sử vẻ vang: hoàn thành thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở cả hai miền Nam Bắc. Nội dung và hình thức của thành phố và nông thôn cũng phải biến đổi nhanh chóng, ăn nhịp với yêu cầu xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa với quy mô lớn. Những thành phố cũ mà hạ tầng cơ sở quá nhỏ hẹp không còn chứa đựng được nội dung thành phố xã hội chủ nghĩa phải được cải tạo. Những thành phố mới, những khu công nghiệp mới sẽ được mọc lên ở các vùng kinh tế mới. Nội dung xã hội chủ nghĩa của những công trình kiến trúc đòi hỏi hình thức mới. Những công trình công cộng quy mô lớn sẽ làm nảy nở những hình thức mới mà trước đây chúng ta chưa từng thấy. Sức phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật ngày nay không những tạo điều kiện cho hình thức mới và phong phú phát triển mà còn thúc đẩy ngay cả nội dung biến đổi.

Đồng chí Hà Huy Giáp có nhận định về nội dung và hình thức trong nghệ thuật nói chung: Nội dung quyết định hình thức, nội dung là yếu tố động nhất, hay biến đổi nhất. Hình thức thì tương đối ổn định. Nhưng đến lúc nào đó nó mâu thuẫn với nội dung và cái thể thống như giữa nội dung và hình thức bị phá vỡ. Tới lúc đó, nội dung mới phải tìm một hình thức mới phù hợp với mình để phát triển mạnh mẽ ].

Quy luật này đúng với các ngành nghệ thuật nói chung, cũng đúng với nghệ thuật kiến trúc nói riêng. Nội dung những công trình kiến trúc thay đổi nhanh để phục vụ kịp thời cho xã hội phát triển, nhưng hình thức lệ thuộc vào điều kiện vật chất và kỹ thuật thì thay đổi rất chậm. Yêu cầu xây dựng của chúng ta rất cao nhưng khả năng đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng còn rất có hạn vì những cơ sở công nghiệp hóa xây dựng của chúng ta còn non yếu.

Ở đây một vấn đề cũng được đặt ra: “Chúng ta có giữ nguyên hình thức của những công trình kiến trúc cũ đề lồng nội dung mới xã hội chủ nghĩa vào được không ?”. Trong thực tế, vì thiếu nhà, vì không xây dựng kịp cho nên chúng ta bắt buộc phải sử dụng những ngôi nhà cũ cho một yêu cầu mới. Nội dung đã chẳng thích hợp thì còn nói đâu đến hình thức. Những nhà hát, những rạp chiếu bóng, những viện bảo tàng, những trụ sở các bộ, các trường đại học nói chung sử dụng hiện nay những cơ sở cũ không còn thích hợp với yêu cầu của nội dung mới. Phần lớn những công trình đó đòi hỏi được xây mới hoặc cải tạo.

Kiến trúc khác, nghệ thuật khác, khác nhạc, khác thơ ca… Cho nên đối với kiến trúc, không thể đặt vấn đề “bình cũ rượu mới” được. Nói đến sáng tác, nghệ thuật kiến trúc là phải nói đến xây dựng mới hoặc cải tạo lớn cả về nội dung cũng như về hình thức cho phù hợp với đời sống và tình cảm của thời đại. 

Vì không xây dựng kịp cho nên chúng ta phải sử dụng những vào những yêu cầu mới. Những ngôi đình chùa trở thành những lớp học, những kho tàng ; một số trụ sở cơ quan cũ đã sử dụng làm bảo tàng v.v… Trong những trường hợp đó, không có vấn đề gì phải bàn, vì hình thức cũ không còn thích hợp với nội dung mới nữa. 

Hiện nay trong sáng tác kiến trúc thường phải giải quyết thỏa đáng mâu thuẫn giữa hình thức bị hạn chế bởi sự phát triển chậu nhân của khoa học kỹ thuật xây dựng ở nước ta với nội dung phát triển nhảy vọt của xã hội nước ta ngày nay. Mâu thuẫn đó được giải quyết trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa kế hoạch xây dựng trước mắt với kế hoạch lâu dài, để công trình xây lên không chống lạc hậu về nội dung cũng như hình thức.

Ở các nước kinh tế phát triển, công nghiệp hóa xây dựng đã ở trình độ cao. Việc xây dựng hàng loạt rất nhanh nhưng hình thức thường đơn điệu thay đổi chậm, hoặc khó thay đổi vì những cơ sở sản xuất ra những cấu kiện lắp ghép thường là cố định khó thay đổi. Vì thế trên thế giới hiện nay, một vấn đề thường được đặt ra tranh luận khá sôi nổi là giải quyết mối quan hệ giữa & nghệ thuật sáng tạo với kỹ thuật hay công nghệ học [Créativité et technologie] cho nên những kiến trúc sư trên thế giới đường tìm những giải pháp thiết kế mới để làm giảm hình thức đơn điệu, phổ biến hiện nay đối với những nhà lắp ghép như chúng ta đã thấy ở thủ đô của chúng ta.

Khi kinh tế và văn hóa phát triển, nhân dân đòi hỏi ngôi nhà chúng ta xây lên phải đẹp, phải mang tính dân tộc về nội dung cũng như hình thức. Chúng ta không thể xây xấu, xây đơn điệu được.

Trong hoàn cảnh kinh tế nước ta hiện nay khả năng về vật liệu và trang thiết bị còn bị hạn chế. Nhưng yêu cầu xây dựng lại phải nhiều phải nhanh mà lại phải đẹp. Người kiến trúc sư không thể thoát ly được thực tế khách quan đó mà phải giữ được mối quan hệ khăng khít giữa nội dung và hình thức của công trình kiến trúc và kết hợp được trước mắt với tương lai một cách thỏa đáng để với bước nhảy vọt của tương lai không xa của đất nước, những công trình xây lên không chống lạc hậu về nội dung cũng như hình thức.

Kế thừa và phát huy vốn dân tộc thế nào?

Nói về phát huy vốn dân tộc, Hồ Chủ tịch có nhận định như sau: “Việc phát huy vốn cũ quý báu của dân tộc [nhưng tránh phục cổ một cách máy móc] và học tập văn hóa tiên tiến của các nước [trước hết là các nước bạn] cũng chưa làm được nhiều”. 

Chúng ta có cái vốn về kiến trúc rất quý báu, chúng ta phải biết kế thừa và phát huy vốn quý báu đó của dân tộc.

Một nền kiến trúc có giá trị phải bắt nguồn từ truyền thống dân tộc. Vậy phát huy vốn cũ của dân tộc và học tập tinh hoa của thế giới thế nào? Đây là một vấn đề lớn cần sớm đặt ra đối với các kiến trúc sư và những người làm công tác xây dựng ở nước ta.

Kế thừa và phát huy vốn dân tộc không có nghĩa là chép nguyên văn những hình thức nghệ thuật cổ điển. Một công trình kiến trúc tính dân tộc không có nghĩa là nó phải có mái cong, côn sơn chồng đấu, có trạm trổ con rồng con phượng v,v…

Một công trình kiến trúc có tính dân tộc tính hiện đại là khi nó đáp ứng được yêu cầu sử dụng của con người mới, khi nó thỏa mãn được tình cảm mới và khi nó được xây dựng với vật liệu và kỹ thuật hiện đại. Cho nên tính dân tộc và tính hiện đại phải xuất phát từ nội dung bên trong cũng như hình thức bên ngoài ngôi nhà. 

Tính dân tộc không phải tìm thấy ở một vài họa tiết mà nó toát ra cảm giác một cái gì quen thuộc, cái gì độc đáo riêng biệt của dân tộc. Nhìn một ngôi nhà hiện đại Nhật bản với trang trí mảnh vườn xung quanh, người ta thấy ngay phong cách Nhật. Nhìn Bảo tàng Lê-nin ở Tat-scken người ta thấy phong cách của kiến trúc hiện đại U-zơ-béc. Nhìn một ngôi nhà hiện đại nước cộng hòa A-mê-ni cũng vậy v,v… Ở thời Pháp thuộc, một số kiến trúc sư đã có xu hướng tìm tòi một phong cách riêng của địa phương nước ta ở những công trình kiến trúc như trụ sở Bộ ngoại giao ngày nay, nhà thờ cửa Bắc, Bảo tàng lịch sử, trường cao đẳng Đông Dương trước đây, một số biệt thự ở Thủ đô hiện nay… Nhưng cấu tạo hình dáng, mái chồng nặng nề, con sơn, chi tiết trang trí phức tạp, có kiểu “lai”, “pha” kiều của một số nước Á đông.

Trụ sở Bộ ngoại giao

Vì không được hướng dẫn và do theo đà tự phát, ở nông thôn đã mọc lên những đài liệt sĩ hình dáng mái cong, cái cao lênh khênh, cái lùn bẹt, gờ chỉ, trang trí màu sắc đỏ vàng lòe loẹt trông rất xấu, rất rợ.

Những vùng gần thành thị, dọc đường trục giao thông mọc lên những nhà gạch có những thức cột và trang trí “lại tạp” hoặc “cồ” thoát ly tính trong sáng, tính giản dị, nhẹ nhàng, thanh nhã của nền kiến trúc dân gian nước ta.

Đi vào tìm tòi phong cách dân tộc, nói chung chúng ta còn ngại khó và dễ vừa lòng với những kiều « quốc tế » chung chung, tầm thường ra phổ biến hiện nay. Đây là điều đáng lo ngại cho tương lai của bộ mặt đất nước ta sau này.

Vậy thì khai thác vốn kiến trúc dân tộc trong nền kiến trúc hiện đại như thế nào ? Trước hết phải có công nghiên cứu và nắm vững được những nét đặc sắc của nền kiến trúc dân tộc, biết phân biệt những giá trị nghệ thuật của ông cha ta để lại với những thứ “lai tạp” cuối thời kỳ đất nước bị thực dân đô hộ. Không thể lẫn lộn giá trị của làng Khải Định với lăng Minh Mạng, hay lăng Tự Đức… Không thể liệt chùa Hưng Ký [Hà Nội] chùa Cổ Lễ [Nam Hà] vào những di tích lịch sử cần phải bảo vệ như chùa Tây Phương, chùa Tháp, chùa Keo, vv…

Chùa Tây Phương

Đi đôi với nghiên cứu vốn dân tộc, phải biết tiếp thu tinh hoa của thế giới. Sau cần phải nghiên cứu và nắm vững lý luận về tính dân tộc, và tính hiện đại trong một công trình kiến trúc, quán triệt mối liên hệ khăng khít giữa nội dung và hình thức làm cơ sở cho việc khai thác vốn cổ và vận dụng vào nền kiến trúc hiện đại.

Ngoài ra người kiến trúc sư phải am hiểu kỹ thuật xây dựng hiện đại để có khả năng kết hợp được kỹ thuật với sáng tạo nghệ thuật một cách vững vàng. 

Để có hướng khai thác vốn dân tộc cần phải nhằm vào những yếu tố chủ yếu nào, ảnh hưởng đến tính dân tộc trong một ngôi nhà. 

Tập quán sinh hoạt, nếp suy nghĩ tình cảm của con người thay đổi theo sự phát triển của xã hội và còn lại cái gì tinh túy nhất, đặc sắc nhất của con người Việt Nam, nó làm cho con người Việt Nam, ngôi nhà Việt Nam khác với ngôi nhà của các nước trên thế giới. Theo chúng tôi, cái phong cách giản dị, nhẹ nhàng, tao nhã, vui tươi phải được thể hiện đời đời trong nền kiến trúc hiện đại Việt Nam. 

Thiên nhiên là yếu tố khó thay đổi, cho nên nó ảnh hưởng sâu sắc đến ngôi nhà làm cho ngôi nhà Việt Nam mang những nét độc đáo của nó. Cho nên chúng ta có thể học tập được những nét độc đáo này ở những giải pháp kiến trúc và kết cấu để ngôi nhà, con người thích nghi với môi trường thiên nhiên, để ngôi nhà và cả con người hòa hợp với thiên nhiên. Kinh nghiệm này rất phong phú trong nền kiến trúc cổ Việt Nam. 

Kế thừa và khai thác vốn dân tộc trong nghệ thuật kiến trúc là một vấn đề thời sự trong giới kiến trúc thế giới. Những thành công, những kinh nghiệm cũng rất phong phú, nhất là những kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa.

Xã hội nước ta có những biến chuyển sâu sắc, kiến trúc sẽ cũng có những thay đổi lớn lao với những bước nhảy vọt của nền kinh tế quốc dân, nhưng nó không thể cắt đứt được với truyền thống dân tộc, với những tập quán tốt đẹp, với những kinh nghiệm xây dựng lâu đời của ông cha ta. Để thích ứng với cuộc sống mới, chúng ta phải biết chọn lọc giữ lại những tập quán tốt đẹp của dân tộc, loại bỏ những thói quen lỗi thời không còn phù hợp với đời sống mới, làm quen với suy nghĩ, tình cảm mới để tiếp thu được cái mới trong quá trình phát triển của nhà kiến trúc nước ta.

Trong tình hình cách mạng kỹ thuật hiện nay trên thế giới, học tập kinh nghiệm, khai thác vốn dân tộc sáng tạo ra những hình thức mới không thể tách rời với việc áp dụng những thành tựu mới của khoa học, kỹ thuật hiện đại. Chúng ta phải làm quen với những hình thức mới đi Hình thức mới này phải phản ánh được những nét độc đáo, tiêu biểu nhất cho tính dân tộc làm cho ngôi nhà xây lên không lẫn được với bất cứ một ngôi nhà nước nào trên thế giới. 

Muốn vậy, ngoài việc áp dụng phương pháp hiện thực xã hội của nghĩa trong sáng tác, ngoài việc phản ánh cuộc sống hiện thực trong khung cảnh thiên nhiên của xứ sở, chúng ta phải nâng cao tính nghệ thuật. trên cơ sở thấm nhuần tinh hoa vốn dân tộc và điêu luyện về nghệ thuật để tiến tới một phong cách kiến trúc Việt Nam mới. Chúng ta mới ở bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xây dựng còn ít, kinh nghiệm sáng tác còn ít. Nhưng chúng ta không thể vừa lòng với một thứ kiến trúc chung chung không mang tính dân tộc và cũng không mang tính thời đại mà còn ảnh hưởng của nước ngoài. Không vì khó khăn mà chúng ta lùi bước. Chúng ta phải mạnh dạn tìm tòi, mạnh dạn xây dựng rồi rút kinh nghiệm, chúng ta phải từng bước nâng cao lý luận, để cao phê bình, để tiến dần tới một phong cách kiến trúc Việt Nam.

Khai thác vốn dân tộc, đề cao tính dân tộc không có nghĩa là quá câu nệ bề mặt dân tộc để tránh quan điểm dân tộc hẹp hòi, không tiếp thu được những tinh hoa của thế giới. Như đồng chí Phạm Văn Đồng đã nói : “Chúng ta phải làm chủ vốn dân tộc rồi dần dần làm chủ vốn thế giới”. Vì chỉ vững vàng trên cơ sở dân tộc mới có khả năng tiếp thu được cái hay, cái mới của thế giới.

KTS Trần Hữu Tiềm

XEM THÊM:

  • Mối quan hệ giữa hệ sinh thái nhân văn với hệ sinh thái thiên nhiên trong đô thị Hà Nội
  • Cần hiểu đúng về kiến trúc bản địa
  • KTS Carl Pruscha hồi sinh kiến trúc bản địa vùng Nam Á

Bình luận từ Facebook

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Phỏng vấn Jean Nouvel

Sinh năm 1950, tại Fumel [lot-etgaronne] miền nam nước Pháp, ông học tại trường Ecole Nationale Supérieure des beaux arts Read more

Đồ họa đa phương tiện

Công nghệ hình ảnh đang tiến theo xu hướng: từ hình ảnh 2D trên film, giấy ảnh, màn ảnh... tiến Read more

Khát vọng ánh sáng

Một câu chuyện về một người thanh niên trẻ châu Phi bằng khao khát được học hành đã đóng góp Read more

Khóa đào tạo quốc tế về quản lý dự án và quản lý xây dựng của ĐHTH Cincin

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nâng cao năng lực quản lý dự án và quản lý Read more

Kiến trúc là một môn thể thao đồng đội vậy tại sao…?

Một quan điểm khác và đáng suy ngẫm của giáo sư Witold_Rybczynski về giải thưởng Pritzker , thông qua bài Read more

Chủ Đề