Kinh phí nộp công đoàn cấp trên là bao nhiêu

Đây là nội dung được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn tại Quyết định 8086/QĐ-TLĐ về việc ban hành Quy định về nguyên tắc xây dựng và giao dự toán tài chính công đoàn năm 2024.

Theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lao động thuộc đối tượng phải đóng kinh phí công đoàn bao gồm:

Đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở: Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn: Thống kê số lao động thuộc đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại các đơn vị theo khu vực hành chính sự nghiệp, khu vực sản xuất kinh doanh.

Số lao động được thống kê tại các đơn vị bao gồm: số lao động đang đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm 30/6/2023, khuyến khích các đơn vị lấy số liệu sát thời điểm lập dự toán 2024, số lao động tại đơn vị thuộc đối tượng phải nộp kinh phí công đoàn nhưng chưa tham gia bảo hiểm xã hội, số lao động dự kiến tăng (giảm) tại đơn vị trong năm.

Đối với doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở: Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn: Thống kê danh sách các doanh nghiệp đã đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm 30/6/2023, từ đó xác định số lao động tại các doanh nghiệp tương tự như cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở.

Quỹ tiền lương xác định thu kinh phí công đoàn năm 2024 tại các đơn vị được xác định từ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động bình quân 6 tháng đầu năm 2023 có xác định yếu tố tăng trưởng, nhân với số lao động thuộc đối tượng phải đóng kinh phí công đoàn.

Các đơn vị xây dựng dự toán số thu kinh phí công đoàn 2024 tăng 5% so với số ước thực hiện năm 2023.

Về thu đoàn phí công đoàn, số thu đoàn phí công đoàn 2024 được xác định trên cơ sở số đoàn viên thực tế tại các công đoàn cơ sở, nhân với tiền lương và phụ cấp của đoàn viên.

Mức thu đoàn phí công đoàn bình quân của một đoàn viên năm 2024 tại các Liên đoàn lao động tỉnh thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn đảm bảo không thấp hơn mức thu bình quân của một đoàn viên công đoàn theo báo cáo quyết toán năm 2022 được duyệt.

Các đơn vị xây dựng dự toán số thu đoàn phí công đoàn 2024 tăng 5% so với số ước thực hiện năm 2023.

Về phân phối nguồn thu tài chính giữa công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu rõ, năm 2024, công đoàn cơ sở được sử dụng 70% tổng số thu đoàn phí công đoàn và 75% tổng số thu kinh phí công đoàn.

Phần đoàn phí công đoàn thu tăng thêm và nguồn thu khác được để lại 100% cho công đoàn cơ sở sử dụng.

Theo quy định, đoàn phí công đoàn là khoản tài chính công đoàn do người lao động tham gia tổ chức công đoàn cơ sở đóng. Mức đóng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nhưng tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở.

Kinh phí công đoàn là là khoản tài chính công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng. Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, kinh phí công đoàn 2% được tính trên tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Do đó, cơ sở xác định quỹ tiền lương nộp kinh phí công đoàn 2% năm 2024 tại các đơn vị được tính trên tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng đầu năm 2023 tại đơn vị, nhân với số lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.

Xem ngay bài viết, để biết: Kinh phí công đoàn là gì? Đoàn phí công đoàn là gì? Điều kiện thành lập công đoàn cơ sở? Kinh phí công đoàn có bắt buộc không?...

Nội dung chính:

I. Quy định về kinh phí công đoàn

1. Kinh phí công đoàn là gì?

Kinh phí công đoàn là khoản tài chính do doanh nghiệp, cơ quan tổ chức đóng mà không phân biệt dù đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở.

2. Đối tượng tham gia
  • Đơn vị lực lượng vũ trang nhân nhân, cơ quan nhà nước;
  • Đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập;
  • Tổ chức xã hội, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội;
  • Doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và thành phần kinh tế thành lập;
  • Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động và thành lập theo Luật Hợp tác xã;
  • Tổ chức khác có sử dụng người lao động theo quy định của Luật Lao động;
  • Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến hoạt động và tổ chức công đoàn và có sử dụng lao động là người Việt Nam.
3. Tỷ lệ trích nộp kinh phí công đoàn và cách đóng kinh phí công đoàn

Mức đóng kinh phí công đoàn là 2% trên tổng số tiền lương của tất cả lao động tham gia BHXH và do doanh nghiệp đóng không trích vào lương của người lao động.

Phương thức đóng kinh phí công đoàn: Tùy từng địa phương yêu cầu nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản nên có thể liên hệ trực tiếp với Liên đoàn Lao động quận, huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để được hướng dẫn cụ thể và mỗi tháng đóng 1 lần cùng thời điểm đóng BHXH cho người lao động.

4. Mức phạt về việc không đóng kinh phí công đoàn

Mức phạt được quy định như sau:

  • Đơn vị sử dụng lao động bị phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản xử phạt hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng nếu không đóng kinh phí công đoàn;
  • Đơn vị sử dụng lao động bị phạt tiền từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản xử phạt hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng nếu chậm đóng, đóng không đúng quy định hoặc đóng không đủ số lượng người thuộc đối tượng phải đóng.

II. Quy định về đoàn phí công đoàn

1. Đoàn phí công đoàn là gì?

Đoàn phí công đoàn là khoản tài chính do người lao động tham gia tổ chức doanh nghiệp công đoàn cơ sở đóng trên tinh thần tự nguyện không bị ép buộc.

2. Điều kiện để thành lập công đoàn cơ sở

Để thành lập công đoàn cơ sở cần đảm bảo 2 điều kiện sau:

  • Công đoàn cơ sở được thành lập tại đơn vị sử dụng lao động hợp pháp;
  • Có đủ từ 5 lao động hoặc đoàn viên trở lên, có đơn tự nguyện tham gia công đoàn Việt Nam.
3. Đối tượng tham gia
  • Đoàn viên trong các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang nhân nhân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương theo bậc lương, bảng lương do nhà nước quy định;
  • Đoàn viên trong các công đoàn cơ sở doanh nghiệp nhà nước bao gồm cả công đoàn công ty cổ phần do nhà nước giữ cổ phần chi phối;
  • Đoàn viên trong các công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập không hưởng lương theo bậc lương, bảng lương do nhà nước quy định, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
4. Tỷ lệ trích nộp đoàn phí công đoàn và phương thức đóng đoàn phí công đoàn
  • Mức đóng đoàn phí công đoàn là 1% số tiền lương tham gia BHXH nhưng tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở và do người lao động tham gia tổ chức công đoàn cơ sở đóng;
  • Phương thức đóng: Hàng tháng đoàn viên có thể nộp trực tiếp tiền mặt, chuyển khoản cho doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp trích từ tiền lương sau khi có ý kiến của đoàn viên;
  • Định kỳ doanh nghiệp nộp lại khoản đoàn phí công đoàn này cho Liên đoàn Lao động quận, huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
5. Thủ tục thành lập công đoàn cơ sở

4 bước đăng ký thành lập công đoàn cơ sở như sau:

Bước 1: Thành lập ban vận động

  • Phải có từ 3 lao động trở lên đang làm việc tại tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn;
  • Người lao động có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn, tự tập hợp, thống nhất bầu trưởng ban vận động;
  • Ban vận động có trách nhiệm vận động tổ chức thành lập công đoàn cơ sở, vận động người lao động tự nguyện tham gia.

Bước 2: Tổ chức họp hội nghị thành lập công đoàn cơ sở

  • Báo cáo danh sách lao động đồng ý tự nguyện tham gia công đoàn;
  • Bỏ phiếu bầu cử ban chấp hành công đoàn cơ sở.

Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký, bao gồm:

  • Giấy phép kinh doanh không cần chứng thực (1 bản);
  • Đơn xin gia nhập công đoàn của từng lao động (1 bản) kèm 1 tấm hình 2x3;
  • Công văn xin thành lập công đoàn (1 bản);
  • Danh sách lao động của doanh nghiệp (2 bản);
  • Danh sách lao động của doanh nghiệp xin gia nhập tổ chức công đoàn (2 bản);
  • Danh sách trích ngang dự kiến ban chấp hành công đoàn cơ sở lâm thời.

Bước 4: Liên đoàn Lao động ra quyết định công nhận trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của ban chấp hành công đoàn cơ sở.

TẢI MIỄN PHÍ Hồ sơ đăng ký công đoàn cơ sở.

III. Phân bổ nguồn kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn

Đối với các doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở thì hàng tháng phần kinh phí công đoàn nộp lên cho công đoàn quận huyện (nơi doanh nghiệp đặt trụ sở) sẽ không được trích trả lại để dùng cho các hoạt động của người lao động tại doanh nghiệp. Theo đó, chỉ khi nào các doanh nghiệp thành lập công đoàn cơ sở thì sẽ được công đoàn cấp trên trích lại một phần kinh phí công đoàn, đoàn phí công đoàn theo một tỷ lệ phân bổ nhất định và chuyển trả lại cho công đoàn doanh nghiệp nhằm hỗ trợ hoạt động công đoàn, chăm sóc cuộc sống của đoàn viên và người lao động trong doanh nghiệp.

1. Tỷ lệ phân bổ kinh phí và đoàn phí công đoàn

➧ Tỷ lệ phân bổ kinh phí công đoàn:

Năm 2021 theo Quyết định số 1355/QĐ-TLĐ ngày 01/10/2020 thì:

  • Doanh nghiệp được sử dụng 71% trên tổng số kinh phí công đoàn đã thu;
  • Công đoàn cấp trên được sử dụng 29% còn lại.

Năm 2022 theo Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/06/2021 của Bộ Chính trị đã khẳng định tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam là quan trọng và cấp bách nên đã nâng tỷ lệ cho công đoàn cơ sở:

  • Doanh nghiệp được sử dụng 75% trên tổng số kinh phí công đoàn đã thu;
  • Công đoàn cấp trên được sử dụng 25% còn lại.

➧ Tỷ lệ phân bổ đoàn phí công đoàn:

  • Doanh nghiệp được sử dụng 60% trên tổng số kinh phí công đoàn đã thu;
  • Công đoàn cấp trên được sử dụng 40% còn lại.

2. Hồ sơ, thủ tục xin hoàn lại kinh phí và đoàn phí công đoàn

Đối với doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở cần chuẩn bị hồ sơ sau:

  • Bảng kê chi tiết và phiếu chi các khoản chi công đoàn;
  • Bảng tổng hợp kinh phí và đoàn phí đã nộp;
  • Danh sách người lao động;
  • Quy định về các khoản chi và mức chi công đoàn;
  • Tờ trình đề nghị hoàn trả kinh phí, đoàn phí công đoàn;
  • Giấy giới thiệu và CMND/CCCD của người đi nộp hồ sơ.

TẢI MIỄN PHÍ Hồ sơ xin hoàn lại kinh phí và đoàn phí công đoàn.

Hồ sơ nộp tại Liên đoàn Lao động quận, huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

IV. Các câu hỏi thường gặp về kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn

1. Doanh nghiệp có bắt buộc thành lập công đoàn cơ sở không?

Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp là 1 tổ chức do người lao động thành lập dựa trên tinh thần và nguyên tắc tự nguyện, không bị ép buộc.

2. Doanh nghiệp không đóng kinh phí và đoàn phí công đoàn có bị phạt?

Doanh nghiệp không đóng kinh phí công đoàn cho người lao động sẽ bị phạt, cụ thể: Nếu không đóng sẽ bị phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản xử phạt hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng; Nếu chậm đóng, đóng không đúng quy định hoặc đóng không đủ số lượng người thuộc đối tượng phải đóng thì bị phạt tiền từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản xử phạt hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng. Về đoàn phí công đoàn thì trên tinh thần tự nguyện không bị bắt buộc nên không có quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật nhưng nếu người lao động khi đã chấp nhận tham gia công đoàn cơ sở nhưng lại không đóng thì phải chịu trách nhiệm theo quy định điều lệ của công đoàn cơ sở.

3. Đoàn phí và kinh phí công đoàn do ai đóng?

Đoàn phí do người lao động, đoàn viên công đoàn cơ sở đóng. Kinh phí công đoàn do người sử dụng lao động đóng.