Làng chợ dầu ở đâu

II. Tác phẩm

1. Tìm hiểu chung

a. Ý nghĩa nhan đề

          Nhan đề của truyện là “Làng” không phải là “Làng Dầu” vì nếu là “Làng Dầu” thì vấn đề mà tác giả đề cập tới chỉ nằm trong phạm vi nhỏ hẹp, cụ thể ở một làng tên là Chợ Dầu. Dụng ý của tác giả muốn nói tới một vấn đề mang tính phổ biến ở khắp các làng quê, có trong mọi người nông dân của mọi miền Tổ quốc.

b. Tóm tắt

          Ông Hai là người nông dân yêu và tự hào về làng chợ Dầu của mình nhưng vì chiến tranh và hoàn cảnh gia đình nên ông phải đi tản cư. Một hôm nghe ngóng được tin làng Dầu theo Tây. Tin dữ bất ngờ khiến ông không thể tin nổi rồi chỉ biết cúi gằm mặt xuống mà đi về. Về nhà, ông nằm vật ra, ai nói gì cũng tưởng họ bàn tán về làng mình. Khi cùng đường, ông chớm có ý định quay về làng nhưng rồi ông lại xác định “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Khi chủ tịch xã lên cải chính làng Dầu không theo Tây, ông sung sướng đi khoe với tất cả mọi người.

c. Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác

- Truyện ngắn Làng được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ năm 1948.

d. Bố cục (3 phần)

- Phần 1 (từ đầu ...vui quá!) : Ông Hai trước khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc.

- Phần 2 (tiếp ... đi đôi phần) : Tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng theo giặc.

- Phần 3 (còn lại) : Tâm trạng của ông Hai khi tin làng theo giặc được cải chính.

2. Tìm hiểu chi tiết

a. Tình huống truyện

Khái niệm tình huống truyện:

- Tình huống truyện là một hoàn cảnh có vấn đề xuất hiện trong tác phẩm.

- Trong hoàn cảnh đó, nhân vật sẽ có hành động bộc lộ rõ nhất, điển hình nhất bản tính của mình. Tính cách nhân vật sẽ rõ, chủ đề tác phẩm sẽ bộc lộ trọn vẹn.

Tình huống truyện trong truyện ngắn “Làng”

- Đó là khi ông Hai nghe được tin làng Chợ Dầu theo giặc => Tình huống đối nghịch với tình cảm tự hào mãnh liệt về làng Chợ Dầu của ông Hai, khác với suy nghĩ về một làng quê “tinh thần cách mạng lắm” của ông.

- Ý nghĩa:

+ Tình huống tạo tâm lí, diễn biến gay gắt trong nhân vật, làm bộc lộ sâu sắc tình cảm yêu làng,yêu nước ở ông Hai.

+ Xét về mặt hiện thực, tình huống này rất hợp lí.

+ Xét về mặt nghệ thuật nó tạo nên một nút thắt cho câu chuyện; gây ra mâu thuẫn giằng xé tâm lí ông lão đáng thương và đáng trọng ấy, tạo điều kiện để thể hiện tâm trạng, phẩm chất và tính cách của nhân vật thêm chân thực và sâu sắc; góp phần giải quyết chủ đề tác phẩm (phản ánh và ca ngợi tình yêu làng, yêu nước chân thành, giản dị của người nông dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp.)

+ Sự phát triển của câu chuyện sẽ bám theo cái tình huống oái oăm này.

b. Diễn biến tâm trạng của ông Hai

Trước khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc

- Nhớ làng da diết – muốn về làng, muốn tham gia kháng chiến. 

- Mong nắng cho Tây chết.

=> Yêu thương, gắn bó với làng quê, tự hào và có trách nhiệm với cuộc kháng chiến của làng.

- Ở phòng thông tin, ông nghe được nhiều tin hay -> những tin chiến thắng của quân ta -> Ruột gan ông cứ múa cả lên -> Quan tâm tha thiết, nồng nhiệt đến cuộc kháng chiến.

=> Ông Hai là người nông dân có tính tình vui vẻ, chất phác, có tấm lòng gắn bó với làng quê và cuộc kháng chiến.

Tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng theo giặc

- Khi nghe tin xấu, ông Hai sững sờ, xấu hổ, uất ức:“cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại,da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi tưởng như không thở được”.

- Từ đỉnh cao của niềm vui, niềm tin ông Hai rơi xuống vực thẳm của sự đau đớn, tủi hổ vì cái tin ấy quá bất ngờ.

- Khi trấn tĩnh lại được phần nào, ông còn cố chưa tin cái tin ấy. Nhưng rồi những người tản cư đã kể rảnh rọt quá, lại khẳng định họ “vừa ở dưới ấy lên” làm ông không thể không tin -> Niềm tự hào về làng thế là sụp đổ, tan tành trước cái tin sét đánh ấy

- Từ lúc ấy trong tâm trí ông Hai chỉ còn có cái tin dữ ấy xâm chiếm, nó thành một nỗi ám ảnh day dứt. Nghe tiếng chửi bọn Việt gian, ông“cúi gằm mặt mà đi”.

- Về đến nhà ông nằm vật ra giường rồi tủi thân nhìn lũ con “nước mắt ông lão cứ giàn ra”. Bao nhiêu điều tự hào về quê hương như sụp đổ  trong tâm hồn người nông dân rất mực yêu quê hương ấy. Ông cảm thấy như chính ông mang nỗi nhục của một tên bán nước theo giặc, cả các con ông cũng sẽ mang nỗi nhục ấy.

- Suốt mấy ngày ông không dám đi đâu. Ông quanh quẩn ở nhà, nghe ngóng tình hình bên ngoài. “Một đám đông túm lại, ông cũng để ý, dăm bảy tiếng cười nói xa xa,ông cũng chột dạ. Lúc nào ông cũng nơm nớp tưởng như người ta đang để ý, người ta đang bàn tán đến “cái chuyện ấy”. Thoáng nghe những tiếng Tây, Việt gian, cam – nhông… là ông lủi ra một nhà ,nín thít. Thôi lại chuyện ấy rồi!”

- Ông Hai rơi vào tình trạng bế tắc, tuyệt vọng  khi nghĩ tới tương lai. Ông không biết đi đâu, về làng thì không được, vì về làng lúc này là đồng nghĩa với theo Tây, phản bội kháng chiến. Ở lại thì không xong, vì mụ chủ nhà đã đánh tiếng xua đuổi. Còn đi thi biết đi đâu bởi ai người ta chưa chấp dân làng Chợ Dầu phản bội.

-> Nếu như trước đây , tình yêu làng và tình yêu nước hòa quyện trong nhau thì lúc này, ông Hai buộc phải có sự lựa chọn.Quê hương và Tổ quốc, bên nào nặng hơn? Đó không phải là điều đơn giản vì với ông, làng Chợ Dầu đã trở thành một phần của cuộc đời, không dễ gì vứt bỏ; còn cách mạng là cứu cánh của gia đình ông, giúp cho gia đình ông thoát khỏi cuộc đời nô lệ.

- Cuối cùng, ông đã quyết định: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Như vậy, tình yêu làng dẫu có thiết tha, mãnh liệt đến đâu cũng không thể mãnh liệt hơn tình yêu đất nước. Đó là biểu hiện vẻ đẹp trong tâm hồn của con người Việt Nam, khi cần họ sẵn sàng gạt bỏ tình cảm riêng tư để hướng tới tình cảm chung của cả cộng đồng.

- Để ông Hai vơi bớt nỗi đau đớn, dằn vặt trong lòng và yên tâm về quyết định của mình, tác giả đã cho nhân vật trò chuyện với đứa con út (thằng cu Húc), giúp ông bày tỏ tình yêu sâu nặng với làng Chợ Dầu (nhà ta ở làng Chợ Dầu), bày tỏ tấm lòng thủy chung son sắt với kháng chiến, với Cụ Hồ (chết thì chết có bao giờ dám đơn sai). -> Đó là một cuộc trò chuyện đầy xúc động nhớ quê, yêu quê, nỗi đau đớn khi nghe tin quê hương theo giặc cứ chồng chéo đan xen trong lòng ông lão. Nhưng trong ông vẫn cháy lên một niềm tin tưởng sắt đá, tin tưởng vào Cụ Hồ, tin tưởng vào cuộc kháng chiến của dân tộc. Niềm tin ấy đã phần nào giúp ông có thêm nghị lực để vượt qua khó khăn này. Dường như ông Hai đang nói chuyện với chính mình, đang giãi bày với lòng mình và cũng như đang tự nhắc nhở: hãy luôn “Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh”. Tình quê và lòng yêu nước thật sâu nặng và thiêng liêng.

=> Đau khổ tột cùng khi nghe tin làng mình theo giặc nhưng tấm lòng thủy chung, son sắt với cuộc kháng chiến thì vẫn không hề thay đổi.

Tâm trạng của ông Hai khi tin làng mình theo giặc được cải chính

- Đúng lúc ông Hai có được quyết định khó khăn ấy thì cái tin làng Chợ Dầu phản bội đã được cải chính. Sự đau khổ của ông Hai trong những ngày qua nhiều bao nhiêu thì niềm phấn khởi và hạnh phúc của ông lúc này càng lớn bấy nhiêu.  “bô bô” khoe với mọi người về cái tin làng ông bị “đốt nhẵn”, nhà ông bị “đốt nhẵn”. Nội dung lời “khoe” của ông có vẻ vô lí bởi không ai có thể vui mừng trước cảnh làng, nhà của mình bị giặc tàn phá. Nhưng trong tình huống này thì điều vô lí ấy lại rất dễ hiểu: Sự mất mát về vật chất ấy chẳng thấm vào đâu so với niềm vui tinh thần mà ông đang được đón nhận. Nhà văn Kim Lân đã tỏ ra rất sắc sảo trong việc nắm bắt và miêu tả diễn biến tâm lí của nhân 

=> Từ một người nông dân yêu làng, ông Hai trở thành người công dân nặng lòng với kháng chiến.Tình yêu làng, yêu nước đã hòa làm một trong ý nghĩ, tình cảm, việc làm của ông Hai. Tình cảm ấy thống nhất,hòa quyện như tình yêu nước được đặt cao hơn, lớn rộng lên tình làng. Đây là nét đẹp truyền thống mang tinh thần thời đại. Ông Hai là hình ảnh tiêu biểu của người nông dân trong thời kì kháng chiến chống Pháp.

c. Giá trị nội dung

- Tình yêu làng quê và lòng yêu nước, tinh thần kháng chiến của người nông dân phải rời làng đi tản cư đã được thể hiện chân thực, sâu sắc và cảm động ở nhân vật ông Hai trong truyện Làng.

d. Giá trị nghệ thuật

- Tác giả đã thành công trong việc xây dựng tình huống truyện, trong nghệ thuật miêu tả tâm lí và ngôn ngữ nhân vật.

Loigiaihay.com

Không đâu sướng như dân làng Giầu. Vùng đất mai rùa này đầy đủ những yếu tố làm ăn phong lưu: “Nhất cận thị - nhị cận giang - tam cận lộ”. Hơn thế nữa, ngay bên làng ngã ba sông Tiêu phình ra thành cái đầm rộng hàng chục mẫu, trở thành “bến cảng” của làng Giầu một thời. Dân khắp nơi đổ về buôn bán xông xênh. Vui đầy con mắt. Chính vì thế mà dân cả làng ở đây chỉ mỗi một nghề chạy chợ.

  • Kỷ niệm nhỏ về nhà văn Kim Lân
  • Cùng Kim Lân về làng Phù Lưu

Phố chợ trong làng

Làng Giầu, nay thuộc phường Phù Lưu, huyện Từ Sơn, bám hai bên quốc lộ xưa, chạy từ kinh thành Thăng Long về Bắc Ninh. Con đường làng sớm mọc lên phố chợ, dân buôn từ nhiều nơi đổ về, hội tụ đông đúc mua bán đủ các mặt hàng. Họ chở hàng bằng tàu thuyền qua sông Đuống, sông Hồng, về cập bến sông Tiêu. Người thì gồng gánh, hoặc đẩy xe hàng qua con lộ chính về chợ. Nơi đây bỗng trở thành chợ giao lưu sản vật, hàng hóa giữa kinh thành Thăng Long với thành Bắc Ninh, tấp nập ngày đêm.

Xưa dân làng chuyên canh cây trầu không, nên chợ có khu chỉ bán lá trầu, vỏ và vôi, nên mọi người quen gọi là chợ Giầu. Làng Giầu cũng trở thành cái tên quen thuộc đã hơn 500 năm nay. Có thể nói đây là phố chợ sớm nhất vùng Kinh Bắc. Gọi là phố, bởi có nhiều cầu hàng xây bằng gạch dọc đường làng, mỗi cầu hàng có tới hai mươi quán chạy ngang vào trong ngõ xóm.

Càng gọi là phố bởi ngay từ đầu, mỗi cầu hàng chỉ bán một thứ hàng giống nhau, dấu ấn của tính chuyên nghiệp, có tổ chức hẳn hoi. Cùng với đó là những ngôi nhà cao, thấp lô nhô với ánh đèn măng sông sáng choang, chiếu dọc con phố để phòng trộm.

Cứ trước phiên, ngày 4 và 9 âm, người ở xa bao giờ cũng về từ đêm hôm trước. Họ ngủ trọ trong xóm, hay các vùng lân cận, hoặc còn xin ngủ nhờ tại sân đình làng để sớm mai vào chợ cất hàng. Có người từ Bắc Giang, hay Yên Bái, hay tít trên Lạng Sơn cũng mang hàng về. Sau đó họ còn cất hàng từ chợ Giầu mang ngược trở lại chợ phiên nơi khác.

Riêng dân chạy chợ làng Giầu thì gom hàng lên thuyền đổ về kinh thành, đánh quả một vốn bốn lời, giầu lên nhanh chóng. Càng nhiều lãi càng ham, không ít các bà các cô còn thuê người nuôi con, để dồn tâm sức lo toan buôn bán. Vì thế hàng trăm năm qua, dân làng Giầu có nhiều con nuôi nhất vùng xung quanh. Lại còn theo duy tâm nữa, làng Giầu nằm đúng vào cái đáy của hình chiếc tay nải của con đầm rộng lớn, nên dân ở đây chỉ có chạy chợ mới mở mày mở mặt với thiên hạ được.

Theo nhau kiếm cơm, đúng là cả ngàn người dân làng Giầu đều đi buôn bán. Làng còn có đền thờ bà chúa Đầm, người khởi nghiệp chạy chợ cho dân làng Giầu. Từ đó chợ Giầu ngày một sầm uất hơn trước, các sạp chợ, cầu hàng mọc lên san sát. Thậm chí chợ còn thu hút cả những thương gia nước ngoài từ kinh thành cũng đến buôn bán.

Có thời chợ có tới bảy, tám cửa hàng tơ lụa, vải vóc của người Ấn Độ. Nhất là các mặt hàng nông sản và cơ khí nông nghiệp tạo nên màu sắc đặc biệt sôi nổi. Thậm chí ở cuối làng còn có khu đất rộng chuyên bán trâu bò. Hàng trăm mặt hàng từ nhỏ đến lớn đều tụ về chợ Giầu. Nào hẹn hò. Nào ngã giá. Nào nợ nần. Nào cãi vã. Vậy mà sau đó ai ai cũng nhắn nhủ nhau rằng: “Chợ Giầu một tháng sáu phiên. Ai ơi nên nhớ chớ quên chợ Giầu”.

Dân buôn khắp mười phương, tứ xứ đến đây đều phải nể phục đàn bà, con gái làng Giầu. Ai nấy đều nhanh nhẹn và đon đả chào mời. Các cô ăn nói khéo, đến con kiến trong lỗ cũng phải bò ra. Nhưng cái hay của họ lại ở chỗ không toan tính hơn thiệt, chín bỏ làm mười, nên dễ bán mà cũng dễ mua. Một nếp sống văn hóa thương nhân sớm hình thành nơi đây, bởi sự ứng xử rộng rãi, chân tình.

Lấy hàng còn thiếu tiền ư? Không sao, phiên sau trả cũng được, chả có ghi chép gì. Lấy chữ tín làm trọng. Các bà các cô làng Giầu để lại nỗi nhớ về tấm lòng cho mọi người, nên trong dân gian có lời ví von: “Gan-Sặt”; “Mặt-Đình Bảng”; “Dáng-chợ Giầu”. Ấy là họ khen gái chợ Giầu đẹp dáng, khéo lời nên mới có câu rằng: “Ai lên quán dốc chợ Giầu. Để thương, để nhớ, để sầu cho khách đường xa”.

Lời truyền xưa còn đọng lại cho đến nay vẫn vậy. Cho dù chợ đã chuyển thành chợ huyện Từ Sơn, từ khi mọc lên đường sắt chạy từ Hà Nội lên Đồng Đăng.

Ngày nay phố chợ Giầu san sát nhà cao tầng, hàng chất ngất, mở rộng con đường lớn vắt ngang về làng Đình Bảng. Nếu tính về con số thì khó ai tin. Dường như hơn 3.000 người trong làng đều làm nghề chạy chợ. Họ còn tỏa đi các tỉnh, thành phố khác làm ăn, dựng nghiệp khắp nơi. Đúng với lời mặc định trong dân gian là: “Ở đâu có chợ là có người làng Giầu”.

Càng làm ăn phát đạt các bà các cô làng Giầu càng giỏi giang, tinh tế trong giao thiệp với khách hàng. Họ tần tảo, chịu khó làm ăn, đêm ngày vất vả. Họ chỉ một lòng giành mọi quyền lợi cho chồng cho con được ăn học nên người. Đã trăm năm nay vẫn thế, trong lòng những người mẹ luôn đau đáu nỗi niềm, dựng nghiệp cho chồng con.

Văn nhân làng Giầu

Đúng như các cụ nói “Phi thương bất phú”, nhưng nếu đến đây ta sẽ thấy những câu đối bên cổng làng Giầu, mới hay người dân vùng này không chỉ coi trọng đồng tiền. Họ lại quan tâm tới văn hóa và trí thức hơn cả. Đúng là người phụ nữ chạy chợ nơi đây đã nuôi chồng con ăn học thành tài. Từ xa xưa, làng đã xuất hiện những người con hiển đạt mang lại tiếng thơm cho dân kẻ chợ.

Cho dù làng Giầu đã đổi tên là Phù Lưu nhưng họ luôn lấy tiêu chí đề trên cổng làng cổ vẫn ghi: “Dĩ dân tâm vi bản” (phải lấy lòng dân làm gốc) và “Đạt trí thức do văn” (Muốn có văn hóa phải học). Ở xứ Phù Lưu này hội tụ cả hai điểm “Đất hun tú khí, đời tạo văn nhân” đều do cái sự học mà nên cả. Có dịp gặp anh Dũng, con trai nhà văn Kim Lân, người Phù Lưu, tôi càng thấy rõ làng không phải chỉ giỏi chạy chợ mà còn là làng khoa bảng và nhiều danh nhân nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ nước nhà.

Anh Dũng kể, không cứ bố anh có những tác phẩm viết về người làng Phù Lưu, mà còn nhiều văn sĩ khác cũng thể hiện tình yêu quê hương tha thiết. Nếu nhà văn Kim Lân có truyện “Làng” nổi tiếng, thì nhà văn Nguyễn Địch Dũng có “Trai làng Quyền”, hay nhạc sĩ Hồ Bắc có nhạc phẩm “Làng tôi”, hoặc họa sĩ Hoàng Tích Chù nổi tiếng có những bức họa về đình làng và cảnh sắc chợ quê...

Xưa kia, còn có các bậc đại khoa như Chu Tam Di, Hoàng Văn Hòe, Nguyễn Đức Lân đều có những áng thơ đẹp về Phù Lưu. Nhiều người trong làng vẫn nhớ đến thi phẩm “Loa Hồ bách vịnh” của Nguyễn Đức Lân (Phó bảng năm 1842, thời Thiệu Trị). Tác phẩm này gồm những bài thơ, phú lấy cảm hứng từ vẻ đẹp bao la của Loa Hồ (Chính là đầm Phù Lưu).

Ông viết những vần thơ trong bài “Trên hồ nghe tiếng chim quyên” như sau: “...Bến lạnh cỏ thơm khoe sắc thắm. Chiều xuống khe sâu vắng bóng người. Khắc khoải tiếng kêu mày có thấu. Chiêu hồn ai tủi chuyện đầy vơi”. Nay người dân trong làng thường vẫn hát bản nhạc “Làng tôi” của Hồ Bắc, bởi đó là bài ca của quê hương họ. Êm đềm, thiết tha với những giai điệu thân thương: “Làng tôi sau lũy tre mờ xa. Tình quê yêu thương những nếp nhà. Làng tôi êm ấm bao ngày qua. Những chiều đàn em vui hòa ca...”.

Nhạc sĩ Hồ Bắc còn là tác giả của những ca khúc nổi tiếng khác như: “Ca ngợi Tổ quốc”, “Bến cảng quê hương tôi”, “Bên kia sông Đuống”...

Nếu kể thêm những văn nghệ sĩ ở Phù Lưu còn có nhà báo Hồ Tiến Nghị, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã; Nhà báo cách mạng Hoàng Tích Chu, nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, nhà thơ Hoàng Hưng, NSND điện ảnh Nguyễn Đăng Bảy. Cùng với đó là các họa sĩ nổi tiếng như Thành Chương, Nguyễn Thị Hiền và nhà văn dịch giả Hoàng Thúy Toàn.

Riêng đội ngũ khoa học, quê ở Phù Lưu cũng có những cái tên danh giá như: Giáo sư toán học Hồ Bá Thuần; Giáo sư Ngữ văn Chu Xuân Diên và Giáo sư Sử học Phạm Xuân Nam. Ấy là còn chưa kể Phù Lưu còn  những người có công đóng góp rất đáng ghi nhận đối với xã hội và kinh tế cho đất nước như: Bộ trưởng Bộ Tài chính Chu Tam Thức, hay Trung tướng Chu Duy Kính, Tư lệnh Quân khu Thủ đô; hoặc Hồ Huấn Nghiêm, đã từng làm Đại sứ Việt Nam tại Nga...

Sau khi dẫn tôi vào khu văn chỉ Hương Hiền Từ thăm “Nhà lưu niệm Nhà văn Kim Lân”, anh Dũng đưa tôi sang thăm “Bảo tàng Văn học Nga” do nhà dịch giả nổi tiếng Hoàng Thúy Toàn sáng lập, ngay trên đường làng Phù Lưu. Đây là một trong những bảo tàng văn hóa được dựng ở làng quê đầu tiên ở nước ta.

Làng chợ dầu ở đâu
Khách đến thăm nhà lưu niệm Kim Lân.

Dịch giả Hoàng Thúy Toàn được coi là nhà thơ bởi ông dịch rất nhiều thơ Nga. Bảo tàng Văn học Nga được ông lưu trữ sưu tầm trong suốt hơn nửa thế kỷ, với hàng trăm tài liệu và văn bản quý hiếm về văn học Nga. Tôi và anh Dũng đi bách bộ trên đường làng Phù Lưu được lát bằng đá xanh nhẵn lì theo thời gian. Có lẽ đây là con đường làng duy nhất trên toàn quốc được lát đá, dài tới vài cây số, tính cả những con đường đi sâu vào ngõ xóm dọc ngang.

Anh Dũng kể con đường làng được lát đá từ năm 1930. Hiện dân làng vẫn gìn giữ bảo tồn chứ không bê tông hóa hay rải nhựa như nhiều nơi. Cho dù khu thương mại chợ Giầu được mở rộng xây dựng khang trang to lớn, nhưng con đường đá và ba chiếc cổng làng cổ vẫn được gìn giữ như báu vật của làng. Đó là những ký ức về một nền văn hóa độc đáo của mảnh đất làng Giầu trên xứ Đông Ngàn cổ kính. Tất cả như những ngọn đuốc ánh xạ những câu chuyện thần tiên mà người Phù Lưu đã dựng nên từ hàng trăm năm qua.

Anh Dũng bồi hồi xúc động kể cho tôi nghe những chuyện về làng quê anh. Nhưng rồi anh cho biết Phù Lưu còn có những điều kỳ thú khác, ngoài chuyện buôn bán mà bấy lâu nay ít ai ngờ tới. Tôi tò mò háo hức lắng nghe

Quan họ vui thú chợ quê

Đúng lúc đó, bên đường làng vang lên một làn điệu chèo từ đình quán, lời nghe ngọt ngào làm sao. Anh Dũng mỉm cười nói, chẳng ai có thể tin rằng những cô gái bán hàng trong chợ kia, khi tối đến lại trở thành những nghệ sĩ hát chèo nghiệp dư. Đó là đội chèo Phù Lưu thường đi hát giao lưu với quan họ bạn bốn phương. Họ tập luyện chuẩn bị vào hội Lim hằng năm.

Lời ca bịn rịn lưu giữ chân khách đường xa: “Anh có về Kinh Bắc quê em. Mà nghe quan họ mà xem làng nghề. Sáu phiên chợ nhớ về quê. Người đi, người ở, người về với ai. Đợi chờ sum họp trúc mai. Duyên tình thêm thắm, thêm nhài thêm hương...”.

Thấy tôi tỏ ra hết sức ngạc nhiên, anh còn kể thêm, xưa làng còn có những nghệ nhân hát tuồng rất nổi tiếng. Họ cũng là những nghệ sĩ lên kinh thành học thành tài để tham gia hát mỗi khi làng vào hội. Anh nhớ, theo sử sách làng ghi lại, đất làng Giầu xưa còn là cái nôi của tuồng Bắc. Làng có những nghệ sĩ sáng giá, nổi danh như Trùm Thiệp, Sáu Đen...

Những người này đã từng mở lớp dạy tuồng cho khắp các vùng lân cận. Nhiều vở tuồng cổ được dàn dựng ở Phù Lưu với những điển cố độc đáo đã trở thành vốn quý cho các nghệ sĩ tuồng Việt Nam về nghiên cứu học hỏi. Họ đã đưa tích tuồng của làng về dàn dựng, phát triển trở thành tiết mục chính biểu diễn cho đoàn. Đó là những di sản quý còn được lưu giữ cho đến ngày nay.

Nhớ câu xưa: “Chợ Giầu bán sáo (mành trúc) bán sành (chum, vại, ang, hũ). Bắc Ninh bán những nhẫn vàng trao tay. Đình Bảng bán ấm, bán khay. Phù Lưu chợ họp mỗi ngày một đông”. Đến nay, chợ Giầu càng lớn hơn, sầm uất rộn ràng. Bốn ngả đường ô tô nườm nượp vào ra.

Trước mắt tôi là “Trung tâm Thương mại chợ Giầu” thật tráng lệ bên khu chợ Giầu mới được mở rộng. Nhưng có lẽ hình ảnh người phụ nữ Phù Lưu vai đeo tay nải xưa luôn hiện về trong tôi. Ký ức đó không thể nào phai mờ. Những người vợ, người mẹ thức khuya dậy sớm, tần tảo buôn bán. Cả một đời họ tạo dựng cơ đồ và tương lai tươi sáng cho chồng con. Những lời ca còn đó luôn vang vọng với thời gian: “Ngang lưng em có một đồng. Nhưng vẫn nuôi chồng ăn học rảnh rang”...

Vương Tâm