Lời kể chuyện là gì

I. Thế nào là kể chuyện?

- Kể chuyện là kể lại một chuỗi sự việc có đầu có cuối, liên quan đến một hay  một số nhân vật.

- Mỗi câu chuyện cần nói lên được một điều có ý nghĩa

II. Nhân vật trong văn kể chuyện?

- Nhân vật trong truyện có thể là người, là con vật, đồ vật, cây cối,… được nhân hóa.

- Hành động, lời nói, suy nghĩ,… nói lên tính cách của nhân vật ấy

III. Một ví dụ về bài văn kể chuyện

Ba anh em

Nghỉ hè, Ni-ki-ta, Gô-sa và Chi-ôm-ca về thăm bà ngoại.

Ăn com xong, Ni-ki-ta chạy vội ra ngõ, hoà vào đám trẻ láng giềng đang nô đùa. Gô-sa thấy nhiều mẩu bánh mì vụn rơi trên bàn, liếc nhìn bà rồi nhanh tay phủi xuống đất, hối hả chạy theo anh. Còn Chi-ôm-ca ở lại giúp bà lau bàn, nhặt hết mẩu bánh vụn đem cho bầy chim đang gù bên cửa sổ.

Buổi tối, ba anh em quây quần bên bà. Bà nói :

- Ba cháu là anh em ruột mà chẳng giống nhau.

Ni-ki-ta thắc mắc :

- Bà ơi, ai cũng bảo anh em cháu giống nhau như những giọt nước cơ mà ?

Bà mỉm cười :

- Bà nói về tính nết các cháu cơ. Ni-ki-ta thì chỉ nghĩ đến ham thích riêng của mình, ăn xong là chạy tót đi chơi. Gô-sa hơi láu, lén hắt những mẩu bánh vụn xuống đất. Chi-ôm-ca bé nhất lại biết giúp bà. Em nó còn biết nghĩ đến cả nhũng con chim bồ câu nữa. Những con bồ câu cũng cần ăn chứ nhỉ ?

Theo GIÉT-XTÉP

          1. Ghi nhớ

          – Ngôi kể là vị trí giao tiếp mà người kể sử dụng để kể chuyện.

          – Khi gọi các nhân vật bằng tên gọi của chúng, người kể tự giấu mình đi, tức là kể theo ngôi thứ ba, người kể có thể kể linh hoạt, tự do những gì diễn ra với nhân vật.

          – Khi xưng là “tôi” kể theo ngôi thứ nhất, người kể có thể trực tiếp kể ra những gì mình nghe, mình thấy, mình trải qua, có thể trực tiếp nói ra cảm tưởng, ý nghĩ của mình.

          – Để kể chuyện cho linh hoạt, thú vị, người kể có thể lựa chọn ngôi kể thích hợp.

          – Người kể xưng “tôi ” trong tác phẩm không nhất thiết là chính tác giả.

          2. Bài tập : Ngôi kể và lời kể trong văn tự sự

          Bài tập 18

          Thay ngôi kể trong đoạn văn sau thành ngôi thứ nhất và nhận xét ngôi kể đem lại điều gì khác cho đoạn văn :

          “Dùng cây bút thần, Mã Lương vẽ cho tất cả người nghèo trong làng. Nhà nào không có cày, em vẽ cho cày. Nhà nào không có cuốc, em vẽ cho cuốc. Nhà nào không có đèn, em vẽ cho đèn. Nhà nào không có thùng nước, em vẽ cho thùng…

          Việc đó ai cũng biết. Rồi câu chuyện cây bút thần lọt tới tai một tên địa chủ giàu có trong làng. Hắn liền sai hai tên đầy tớ đến bắt Mã Lương về nhà vẽ theo ý muốn của hắn. Mã Lương tuy còn nhỏ, nhưng tính tình khảng khái. Em biết bụng dạ tham lam của bọn nhà giàu, nên không vẽ bất cứ thứ gì, mặc cho chúng hết lời dụ dỗ, doạ nạt. Tên địa chủ tức giận, nhốt em vào chuồng ngựa, không cho ăn uống gì”.

          Bài tập 19

          – Viết đoạn nhật kí ngày [khoảng 6-8 câu]. Gạch dưới ngôi kể.

          – Thử đổi ngôi kể của đoạn văn trên sang ngôi thứ ba. Nhận xét.

          Bài tập 20 [Dành cho học sinh khá, giỏi]

          Thử tập viết một đoạn văn tự sự. Nội dung tuỳ chọn. Đoạn văn dùng ngôi thứ ba, thỉnh thoảng xen ngôi thứ nhất để diễn tả nội tâm [6-8 câu].

          Bài tập 21

          Đóng vai con hổ thứ nhất kể lại câu chuyện tình nghĩa của mình [trong truyện Con hổ có nghĩa].

          Bài tập 22

          Đóng vai con hổ thứ hai kể lại câu chuyện tình nghĩa của mình [trong truyện Con hổ có nghĩa]

          Bài tập 23

          Nếu đề bài yêu cầu : “Đóng vai một trong hai con hổ [thứ nhất hoặc thứ hai] nhưng lại kể được chuyện cả hai con hổ tình nghĩa trong Con hổ có nghĩa”, thì cần có cách kể, lời kể như thế nào cho phù hợp ?

Giải bài tập 18, 19, 20, 21, 22, 23

          Bài tập 18 : – Thay ngôi kể thứ ba trong đoạn văn thành ngôi thứ nhất như sau :

          “Dùng cây bút thần, tôi vẽ cho tất cả người nghèo trong làng. Nhà nào không có cày, tôi vẽ cho cày. Nhà nào không có cuốc, tôi vẽ cho cuốc. Nhà nào không có đèn, tôi vẽ cho đèn. Nhà nào không có thùng nước, tôi vẽ cho thùng…

          Việc đó ai cũng biết. Rồi câu chuyện cây bút thần lọt tới tai một tên địa chủ giàu có trong làng. Hắn liền sai hai tên đầy tớ đến bắt tôi về nhà vẽ theo ý muốn của hắn. Tôi tuy còn nhỏ, nhưng tính tình vốn khảng khái. Tôi biết bụng dạ tham lam của bọn nhà giàu, nên không vẽ bất cứ thứ gì, mặc cho chúng hết lời dụ dỗ, doạ nạt. Tên địa chủ tức giận, nhốt tôi vào chuồng ngựa, không cho ăn uống gì”. 

          – Khi chuyển ngôi kể : trường hợp này xưng “tôi” hợp hơn xưng “ta” [vì Mã Lương còn nhỏ tuổi].

          – Việc chuyển ngôi kể như trên làm cho đoạn văn có sắc thái tâm sự, đi vào lòng người hơn [cách kể như vậy đã sang loại kể chuyện sáng tạo : đóng vai nhân vật].

          Bài tập 19 : – Tập viết đoạn nhật kí [tuy là dùng ngôi thứ nhất kể, nhưng không dùng “tôi” được, vì viết nhật kí là việc mình tâm tình với chính mình : nên xưng “mình” vẫn là ngôi thứ nhất, nhưng mức tâm tình sâu hơn].

          “Bây giờ đã là 11h đêm, khuya rồi. Mình vẫn chưa đi ngủ và bài toán đang giải khó quá. Nghĩ mãi không ra, mình tranh thủ “thư giãn” cùng nhật kí một lát, rồi lại làm toán vậy. Câu chuyện chiều nay bạn Nghĩa kể cho mình, làm mình cứ nghĩ ngợi mãi. Hoá ra Nghĩa vừa đi học, vừa đi rửa bát thuê để giúp mẹ, bố Nghĩa đã mất từ lâu vì bệnh hiểm nghèo…Vậy mà Nghĩa học rất giỏi. Câu chuyện của Nghĩa thôi thúc mình nhiều trong học tập. Thôi, chào nhật kí nhé ! Mình làm tiếp bài toán khó đây. Suy nghĩ về Nghĩa khiến mình quyết tâm làm xong bài vở ngày mai, mới đi ngủ…”.

          – Khi viết nhật kí, không dùng ngôi thứ ba để kể.

          Bài tập 20 : [Dành cho học sinh khá, giỏi]

          Đoạn văn tự sự : dùng ngôi thứ ba, thỉnh thoảng xen ngôi thứ nhất để diễn tả nội tâm.

          Ví dụ : Sơn đang đạp xe gấp đến trường, vì Sơn vừa bị ách tắc lại ở ngã tư đi vào trường Đại học Thương mại [hôm nay là ngày các anh chị lớp 12 thi đại học mà, đường quá đông]. Các chú công an phải sắp xếp khẩn trương lắm mới ổn. Vừa đạp xe Sơn vừa nghĩ  “Mình phải cố gắng học thôi, rồi đến lúc mình cũng đi thi như các anh các chị ấy. Lười học từ bây giờ, chắc đến lức thi đại học không nổi”. Vừa đạp xe, vừa nghĩ, chẳng mấy chốc Sơn đã vào đến cổng trường. Bác bảo vệ giục : “Nhanh lên cậu cả, muộn rồi !”. [Phần in nghiêng là xen dùng ngôi thứ nhất]

          Bài tập 21 : Đóng vai con hổ thứ nhất: người kể xưng “ta”

          “Ta là chúa sơn lâm đây. Lúc này khi ngồi chơi đùa với hổ con – đứa con trai mà ta yêu thương – ta lại nhớ tới ân nhân của mình – Đó là bà đỡ họ Trần người Đông Triều : người nổi tiếng đỡ giỏi mà lại nhân từ…”.

[Bài này có trong phần Phụ lục]

          Bài tập 22 : Đóng vai con hổ thứ hai : người kể cũng xưng “ta” – mới phù hợp với chúa sơn lâm.

          “Ta là chúa tể chốn rừng xanh đây. Ta không quên người tiều phu tốt bụng đã cứu ta năm nào. Giờ ông ấy cũng đã mất rồi, song ngày giỗ của ông, ta vẫn không quên đem dê lợn đến cúng.

          Câu chuyện năm xưa như thế này : Hôm đó, ta thấy đói bụng vô cùng, nên khi ăn tảng thịt bò, ta ăn vội vàng quá, chiếc xương bò lại mắc ngang cổ họng ta, ta khó chịu vô cùng…”.

[Bài kể này có trong phần Phụ lục]

          Lưu ý : Ở đề 21 và 22 con hổ chỉ được kể chuyện của chính mình, vì hổ này không thể biết được chuyện của hổ kia. Hai đề 21, 22 giúp học sinh bước đầu tập kể sáng tạo.

          Bài tập 23 : Nếu đề bài yêu cầu kể cả hai chuyện của hai con hổ mà lại vẫn đóng vai một con hổ [dùng ngôi thứ nhất “ta”] thì giữa câu chuyện con hổ thứ nhất với câu chuyện con hổ thứ hai phải có lời chuyển khéo.

          Ví dụ :

          Lời con hổ thứ nhất :

          “Chuyện của ta về bà đỡ họ Trần đáng kính là như thế. Ta còn nghe một chuyện khác ở nơi rừng rậm xa xôi kia. Chuyện ấy cũng làm hổ ta đây cảm động lắm lắm…”.

Tải xuống

Related

Video liên quan

Chủ Đề