Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời là thành quả của

Bài Làm:

Câu hỏi Trả lời
1. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời khi nào? Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tuyên bố thành lập vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 ở Hà Nội.
2. Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời là thành quả của cuộc cách mạng nào? Cuộc cách mạng đó do Đảng nào lãnh đạo? Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời là thành quả của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945. Cuộc cách mạng đó do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
3. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời nhằm mục đích gì? Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời nhằm mục đích đánh đuổi thực dân, đem lại hòa bình cho đất nước, xây dựng một đất nước của dân, do dân và vì dân.
4. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được đổi tên thành Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày tháng năm nào? Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được đổi tên thành Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 2 tháng 7 năm 1976.

QPTD -Thứ Hai, 05/09/2016, 09:06 [GMT+7]

Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945 - khởi đầu nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân

Cách đây 71 năm, cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công dẫn tới sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đó là một nhà nước kiểu mới, đại diện cho quốc gia, dân tộc, khởi đầu cho quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt tháng 8-1945. [Ảnh: TTXVN]

Chính quyền nhà nước là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng. Tuy nhiên, bản chất cách mạng của chính quyền đó đạt đến mức độ nào còn phụ thuộc vào tính chất của cuộc cách mạng và tính ưu việt của giai cấp lãnh đạo nó. Cách mạng Tháng Tám thành công, đưa đến sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đây là thành quả của cuộc đấu tranh bền bỉ, đầy anh dũng, hy sinh của nhân dân ta. Đó là nhà nước kiểu mới, một sự thay đổi hoàn toàn về chất so với tất cả các kiểu nhà nước từng có trong lịch sử nước nhà, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Điều đó đã nói lên tính ưu việt của chế độ mới mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã đấu tranh giành được.

Xây dựng nhà nước độc lập, tự chủ, dân chủ cộng hòa

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta là nước thuộc địa nửa phong kiến, nhân dân ta bị cai trị bởi bộ máy của thực dân và triều đình nhà Nguyễn. Vì vậy, Cách mạng Tháng Tám không chỉ đánh đổ ách thống trị thực dân, giành độc lập dân tộc, mà còn đập tan chế độ quân chủ, lập nên chế độ dân chủ cộng hòa.

Để xây dựng nhà nước độc lập, tự chủ, dân chủ cộng hòa, ngay sau khi giành được chính quyền, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều chỉ thị; trong đó nêu rõ: Về nội chính, xúc tiến ngay bầu cử Quốc hội để quy định hiến pháp, bầu Chính phủ và định ra hệ thống chính quyền. Về quân sự, tiến hành củng cố xây dựng các chi đội Giải phóng quân ở các địa phương để bảo vệ chính quyền cách mạng. Về ngoại giao, quan hệ với các nước theo nguyên tắc bình đẳng. Về kinh tế và tài chính, mở lại các nhà máy, khuyến nông, lập ngân hàng quốc gia, phát hành giấy bạc, định lại các ngạch thuế, v.v. Theo đó, cùng với Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I thành công, Chính phủ ban hành và thực hiện Sắc lệnh về tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân hành chính ở các cấp. Ủy ban hành chính là cơ quan vừa thay mặt cho nhân dân, vừa đại diện cho Chính phủ, do các hội đồng nhân dân bầu ra. Đến đầu tháng 3-1946, việc bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính đã cơ bản hoàn thành ở Bắc Bộ và Trung Bộ. Để đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, Chính phủ đã ban hành nhiều sắc lệnh và các quy định quan trọng, như: Sắc lệnh quy định về việc bảo vệ quyền tự do cá nhân; Quy định chế độ tự do báo chí; Quy định về chế độ tự do lập hội, v.v. Cùng với đó, Ban Thanh tra đặc biệt và Tòa án đặc biệt được thành lập và hoạt động duy trì luật pháp. Đặc biệt, ngày 09-11-1946, Quốc hội khóa I thông qua bản Hiến pháp đầu tiên [Hiến pháp 1946] đã hiến định những tư tưởng cơ bản của nhà nước mới - nhà nước độc lập, tự chủ, dân chủ cộng hòa. Đánh giá về Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do,… Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp”1. Như vậy, ngay sau khi Nhà nước được thành lập, nước ta đã có đầy đủ các cơ quan nhà nước cùng hệ thống những quy định rõ ràng để thực thi quyền lợi của người dân về các mặt theo pháp luật. Nhân dân ta thực sự trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, làm chủ chính bản thân mình – điều mà trước đó chỉ có trong mơ.

Nhà nước của dân, do dân, vì dân

Sau khi lãnh đạo toàn dân làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám “long trời, lở đất”, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt tay ngay vào xây dựng một nhà nước theo tinh thần dân chủ, tiến bộ. Nhà nước mới đó không phải thuộc quyền riêng của bất cứ giai cấp nào, mà là của chung toàn dân tộc. Đó là kiểu nhà nước mà mọi quyền lực đều bắt nguồn từ nhân dân; bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương đều là đầy tớ, công bộc của dân; thừa hành ý chí của dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về mọi hành vi xử sự của mình. Quan trọng nhất là nhà nước đó phải do nhân dân bầu ra bằng cuộc bầu cử dân chủ. Với quyết tâm đó, ngay trong những năm tháng đầu tiên của chính quyền nhân dân, dù biết bao công việc đặt ra đối với chính quyền non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên định chủ trương Tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu trong cả nước, để cho nhân dân được thực hiện quyền lợi thiêng liêng của mình. Đây là lần đầu tiên, sau hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến và gần một trăm năm dưới ách thống trị thực dân, người dân Việt Nam được tự do lựa chọn những người có đủ tài, đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong điều kiện “thù trong, giặc ngoài” đe đọa, nhưng nhân dân ta đã tiến hành Tổng tuyển cử thành công, bầu ra Quốc hội; Quốc hội đã cử ra Chính phủ - một Chính phủ thực sự của nhân dân. Đồng thời, quyền làm chủ của nhân dân còn được xác định rõ trong Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Việt Nam - Hiến pháp dân chủ tiến bộ nhất ở khu vực Đông Nam Á, đó là: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, trai gái, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” [Điều thứ nhất]; “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết” [Điều thứ 32], v.v. Hiến pháp cũng xác định tất cả công dân đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa; công dân đều bình đẳng trước pháp luật, được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc, có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, v.v. Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không được ai xâm phạm một cách trái pháp luật. Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm công dân Việt Nam. Quyền làm chủ của nhân dân còn được gắn liền với nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng Hiến pháp, tuân theo pháp luật của mọi công dân. Bên cạnh đó, Hiến pháp cũng quy định công dân phải tham gia vào công việc của Nhà nước, có trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp trí tuệ, sức người, sức của để tổ chức, xây dựng, bảo vệ và phát triển Nhà nước. Những nội dung trên đã thể hiện một cách toàn diện về quyền làm chủ của nhân dân Việt Nam, quyền đó đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp đầu tiên của nước nhà.

Cùng với đó, nhân dân được sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân; đồng thời, các tổ chức này phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về việc thực thi quyền làm chủ trên các mặt. Bộ máy nhà nước được tổ chức và hoạt động vì một mục tiêu duy nhất là hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, theo phương châm: việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đặt ra yêu cầu: Chính phủ là công bộc của dân; các công việc của Chính phủ làm phải nhằm mục đích duy nhất là đem lại tự do, hạnh phúc cho con người; Chính phủ nhân dân bao giờ cũng đặt quyền lợi của nhân dân trên hết thảy. Do vậy, ngay sau khi giành được độc lập, đứng trước muôn vàn khó khăn, nhất là nạn đói đang hoành hành, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân, nhưng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách để cứu đói, xóa bỏ các thứ thuế vô lý và bất công của chế độ cũ; đồng thời, phát động phong trào tăng gia sản xuất, khôi phục sản xuất, kinh doanh các ngành kinh tế, giao thông vận tải, v.v. Những thay đổi trong chính sách kinh tế đó thực sự là vì lợi ích dân tộc, bước đầu góp phần ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, tạo thêm niềm tin tưởng của toàn dân đối với Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ.

Đi đôi với việc giải quyết nạn đói, xây dựng nền kinh tế độc lập, phục vụ lợi ích nhân dân, Chính phủ cũng đẩy mạnh phát triển văn hóa, giáo dục, trước hết là chống “giặc dốt”. Theo đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, sắc lệnh để xây dựng một nền giáo dục của nước Việt Nam mới, theo nguyên tắc: “Đại chúng hóa, dân tộc hóa, khoa học hóa và theo tôn chỉ phụng sự lý tưởng quốc gia và dân tộc”2. Bên cạnh xây dựng nền giáo dục mới, Chính phủ nước Việt Nam còn xây dựng các thiết chế văn hóa mới, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phục vụ để đem lại đời sống tinh thần phong phú cho nhân dân, đảm bảo được quyền hưởng thụ văn hóa của nhân dân, v.v. Những chính sách này đã kịp thời đáp ứng nhu cầu cần thiết, phục vụ trực tiếp đời sống vật chất và tinh thần, tạo sự tin tưởng, nhiệt thành ủng hộ của nhân dân đối với nhà nước Việt Nam mới.

Như vậy, với bản chất một nhà nước của dân, do dân và vì dân, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng từ ngày đầu thành lập, bộ máy Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa từ Trung ương đến các địa phương đều hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, chăm lo mọi mặt đời sống cho nhân dân, nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu nhất của cuộc sống thường nhật, cho đến thực hiện quyền lợi cao cả nhất của công dân một nước độc lập.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đã tạo nên dấu mốc quan trọng trong lịch sử nước nhà. Lần đầu tiên người Việt Nam được hưởng quyền công dân của một nước tự do, độc lập; được sử dụng quyền đó để xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh - một nhà nước tiến bộ, phù hợp với xu thế của thời đại. Hơn 70 năm qua, với nhiều biến thiên lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước pháp quyền Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, củng cố vững chắc. Chính vì vậy, Nhà nước đã tổ chức huy động được sức mạnh to lớn của toàn dân, làm nên thắng lợi vĩ đại trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thượng tá, ThS. LÊ THANH BÀI - Đại úy, ThS. LÊ VĂN THÀNH, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

_______________

1 - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 491.

2 - Lê Mậu Hãn [chủ biên], Đại cương Lịch sử Việt Nam, Tập 3, Nxb Giáo dục, H. 1998, tr. 32.

Video liên quan

Chủ Đề