Phân tích nhân vật khách trong Phú sông Bạch Đằng thichvanhoc

Đọc tác phẩm tại đây
Đọc dàn ý phân tích tại đây

Đề bài: Phân tích hình tượng nhân vật khách trong “Bạch Đằng Giang Phú” của Trương Hán Siêu.

Bài làm:

Trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, ông cha ta đã ghi lên trang sử nước nhà những trận thủy chiến thành công vang dội. Trong số những dòng sông, cửa biển in đậm dấu ấn lịch sử, Bạch Đằng là con sông nổi tiếng nhất, oai hùng nhất. Ngợi ca con sông huyền thoại, Nguyễn Trãi viết “Bạch Đằng hải khẩu”, Nguyễn Sưởng sáng tác “Bạch Đằng giang”, và nổi bật hơn cả là Trương Hán Siêu với tuyệt tác “Bạch Đằng giang phú”. Xuyên suốt tác phẩm nổi bật lên hình tượng nhân vật khách đâỳ ấn tượng.

Nhà thơ Trinh Đường viết “Bạch Đằng, chói lọi vinh quang của đất nước Việt Nam anh hùng” bởi lẽ trên dòng sông thuộc tỉnh Quảng Ninh này đã diễn ra những trận đánh toàn thắng, để lại tiếng vang muôn đời. Năm 938, Ngô Quyền đuổi sạch quân Nam Hán. Năm 1288, vua Trần đánh tan giặc Mông – Nguyên. Để tái hiện lại những chiến tích này và bày tỏ lòng tự hào về một dân tộc tài trí, anh dũng, tráng sĩ họ Trương cho ra đời “Bạch Đằng giang phú”. Có lẽ bài phú được môn khách của Trần Hưng Đạo viết sau chiến thắng Mông – Nguyên khoảng 50 năm. Nổi bật trong bài phú là hình tượng nhân vật khách và nhân vật bô lão. Cùng tạo nên tính khách quan cho tác phẩm nhưng trong khi nhân vật bô lão dẫn chuyện thì nhân vật khách lại đóng vai trò khẳng định tầm quan trọng của con người trong cuộc chiến và thể hiện cảm xúc của bài phú. Sự hóa thân tài tình của tác giả vào hình tượng khách góp phần không nhỏ tạo nên thành công của tác phẩm.

Mở đầu “Bạch Đằng giang phú”, nhân vật khách hiện lên với tình yêu thiên nhiên, học vấn sâu rộng và tráng chí bốn phương: “Khách có kẻ: Giương buồm giong gió chơi vơi/Lướt bể chơi trăng mải miết”. Lời giới thiệu cho thấy tâm hồn thi sĩ đầy lãng mạn trong nhân vật khách. Là một người ưa thích ngao du đó đây, nhân vật khách “tham quan” nhiều địa danh nổi tiếng của nước bạn như sông Nguyên, sông Tương, đầm Vân Mộng,…qua sách vở mà vẫn thấy chưa đủ với “tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết”. Điều này chứng tỏ vốn kiến thức uyên thâm, lòng ham hiểu biết, mong muốn tìm tòi ở nhân vật này. Trương Hán Siêu “học Tử Trường chừ thú tiêu dao” đi du ngoạn thiên nhiên để hòa mình vào thắng cảnh, nghiên cứu lịch sử, trau dồi học thức, giãi bày tâm sự. Đến đây, người đọc bắt gặp bóng dáng của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong “Thu ăn măng trúc đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao” hay Cao Bá Quát trong “Phía bắc núi Bắc, núi muôn lớp/Phía nam núi Nam, sóng muôn đợt” ,… Không bày tỏ đạo lý thanh cao như Trạng Trình, không bộc lộ sự chua xót, bất đắc trí như Cao Tử, tác giả đến với thiên nhiên với lòng mong mỏi hiểu biết nhiều hơn về phong cảnh đất nước mình, với niềm tự hào về những chiến công hiển hách của cha ông. Không còn trong những chuyến viễn du tưởng tượng, sông Bạch Đằng, một địa danh thưc hiện lên trước mắt nhân vật trữ tình: “Quả cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều/ Đến sông Bạch Đằng thuyền bơi một chiều”.

Phân tích nhân vật khách trong Phú sông Bạch Đằng thichvanhoc


Đứng trước di tích lịch sử, tâm trạng nhân vật trữ tình biến đổi từ tự hào, vui tươi đến u buồn ảm đạm. “Bát ngát sóng kình muôn dặm/ Thướt tha đuôi trĩ một màu/ Nước trời: một sắc, phong cảnh: ba thu”. Bạch Đằng đương ở tháng thứ ba của mùa thu, thấm đẫm sắc xanh của nước trời. Được ngắm con sông hùng vĩ, đẹp nên thơ, trong lòng tác giả không khỏi tấm tắc ca ngợi, phấn khởi và tự hào vì được sống trong cảnh thái bình. Đối lập với sự hùng tráng của thắng cảnh trong hiện tại là nét bi tráng của bãi chiến trường trong quá khứ. “Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu.” Những từ láy gợi hình, gợi cảm khoác lên con sông Bạch Đằng vẻ đượm buồn,  sức mạnh ăn mòn vạn vật của thời gian làm phai mờ dấu tích oai hùng một thời. Không những buồn, nhân vật trữ tình còn hết sức chua xót và thương cảm bởi hậu quả kinh khủng mà chiến tranh để lại trên dòng sông lịch sử: “Sông chìm giáo gãy, gò đầy xương khô”. Con sông Bạch Đằng đã nhấn chìm bao xương máu, nuốt trôi bao sinh mạng của những nạn nhân trong các cuộc chiến tranh phi nghĩa. Tác giả chỉ có thể ngậm ngùi: “Buồn vì cảnh thảm, đứng lặng giờ lâu/ Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá/ Tiếc thay dấu vết luống còn lưu.” Tâm trạng của Thăng Phủ bấy giờ cũng giống với tâm trạng của những thi sĩ đã từng tới đây. Nguyễn Trãi than “Việc trước quay đầu ôi đã vắng/ Tới dòng ngắm cảnh dạ bâng khuâng”.

Sau khi lắng nghe những lời kể chân thực và sinh động của các bô lão về hai trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng, nhân vật khách ca rằng: “Anh minh hai vị thánh quân/ Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh/ Giặc tan muôn thuở thăng bình/ Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao.” Lời bình cuối bài phú đã nêu ra chân lý bất biến về vai trò và tầm quan trọng của con người trong cuộc chiến. Khác với quan điểm của Nguyễn Sưởng trong “Bạch Đằng Giang”: “Sự nghiệp Trùng Hưng ai dễ biết/ Nửa do sông núi, nửa do người”,  Trương Hán Siêu khẳng định yếu tố quyết định thắng lợi của quân ta trên sông Bạch Đằng là nhờ vào mưu lược, tài trí của hai vị vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và sự anh dũng, xả thân vì nghiệp lớn của những tướng sĩ, đặc biệt là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Khi giặc đến, vua hỏi Trần Hưng Đạo nên làm thế nào, ông tâu “Năm nay thế giặc nhàn”. Cái “nhàn” ấy là sự đúc kết kinh nghiệm từ hai cuộc kháng chiến trước, là đoàn kết sức mạnh toàn dân tộc, là biết khoan thư sức dân. Qua đó ta thấy, người đứng đầu một nước không chỉ vận dụng cái tài để bài binh bố trận trên sa trường mà còn lấy chữ “đức” để trị dân: “Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao”. Đức độ của nhà vua không chỉ thể hiện chốn điện các mà còn bộc lộ trên sa trường, như Quốc Tộ đã viết: “Vô vi nơi điện các/ Xứ xứ tức đao binh”.

Xuyên suốt bài phú, trong việc xây dựng hình tượng nhân vật khách, Trương Hán Siêu vận dụng nhiều biện pháp nghệ thuật. Trong lời giới thiệu đầu bài, tác giả kết hợp phương pháp liệt kê với bút pháp ước lệ khi nhắc đến những địa danh mà nhân vật trữ tình “đi” qua trong tưởng tượng: “Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt/ Nơi có người đi đâu mà chẳng biết.” Tiếp đến, khi miêu tả con sông huyền thoại trong quá khứ và hiện tại, ông  sử dụng cả biện pháp tả thực và lối nói phóng đại cùng dùng những từ láy gợi hình như “bát ngát”, “thướt tha”, “san sát”, “đìu hiu”, qua từng câu câu chữ của Thăng Phủ, Bạch Đằng hiện lên đầy kiêu hùng, bi tráng. Chưa hết, góp phần tạo nên thành công cho “Bạch Đằng giang phú” là cách truyền tải cảm xúc theo từng khung cảnh, giọng điệu của nhân vật khách thay đổi từ vui tươi, hưng phấn, tự hào đến trầm buồn, bi thương và tiếc nuối. Bên cạnh đó, tác giả sử dụng những câu văn linh hoạt và cách ngắt nhịp bằng chữ “chừ” – từ đệm đặc trưng của thể phú giúp lời lẽ thêm uyển chuyền, nhịp nhàng.

Qua hình tượng nhân vật khách trong “Bạch Đằng Giang Phú”, Trương Hán Siêu bộc lộ đôi nét về bản thân: lòng ham học hỏi, tráng chí bốn phương, tình yêu tha thiết với thiên nhiên. Bên cạnh đó, tác giả bày tỏ tâm trạng của ông, cũng như bao người dân đất Việt trước những chiến công hiển hách, oanh liệt trên con sông Bạch Đằng. Đó là niềm tự hào về cha ông, về dân tộc, là lòng yêu nước yêu quê tha thiết, là sự thương xót và nuối tiếc cho chiến tranh thảm khốc. Không chỉ có vậy, tác giả còn khẳng định vai trò của con người trong cuộc chiến, ngợi ca tài đức của các vị thánh quân.

Phú sông Bạch Đằng được các nhà phê bình đánh giá là tác phẩm tiêu biểu của văn học yêu nước thời Lý – Trần. Đây cũng là tác phẩm đã đạt tới đỉnh cao nghệ thuật của thể loại phú trung đại. Tác phẩm có nội dung kể về chuyến du ngoạn của một vị khách tới sông Bạch Đằng. Phân tích nhân vật khách trong Phú sông Bạch Đằng, ta sẽ hiểu hơn vị khách ấy có tâm tư, suy nghĩ như thế nào.

Bạch Đằng giang phú hay còn gọi là Phú sông Bạch Đằng. Đây là tác phẩm nổi tiếng của Trương Hán Siêu. Ông quê ở Ninh Bình. Ông là nhà văn hóa kiệt xuất trong thời trung cổ và là nhà chính trị đại tài dưới thời nhà Trần. Trương Hán Siêu vốn là môn khách của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Xuyên suốt 4 đời vua Trần, Trương Hán Siêu luôn được giao phó nắm giữa các chức vụ quan trọng. Trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông 2 và 3, ông cũng đã đóng góp công lao to lớn. Ông cũng có nhiều đóng góp trong hai cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần 2 và lần 3. Trong sự nghiệp văn chương, ông hiện để lại 17 bài thơ và hai tác phẩm văn xuôi. Trong đó có kiệt tác, Bạch Đằng giang phú.

Bài mẫu phân tích nhân vật khách trong Phú sông Bạch Đằng

Khi phân tích nhân vật khách trong Phú sông Bạch Đằng, người đọc có thể thấy, ngay từ phần mở đầu, chân dung vị khách hiện ra là một người thích xê dịch, có thói ngao du thiên hạ:

Phân tích nhân vật khách trong Phú sông Bạch Đằng thichvanhoc
Phân tích nhân vật khách trong Phú sông Bạch Đằng

“Khách có kẻ:

Giương buồm giong gió chơi vơi,

Lướt bể chơi trăng mải miết.

Sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương,

Chiều lần thăm chừ Vũ huyệt.

Cửu Giang, Ngũ Hồ,

Tam Ngô, Bách Việt.

Nơi có người đi,

Đâu mà chẳng biết.

Đầm Vân Mộng chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều,

Mà tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết.

Bèn giữa dòng chừ buông chèo,

Học Tử Trường chừ thú tiêu dao”.

Nhưng không giống kiểu phượt thủ ngày nay mê cảm giác mạnh, chinh phục các đỉnh cao, rừng thiêng, chốn không người. Nhân vật “khách” ở đây lại thích

“Giương buồm giong gió chơi vơi

Lướt bể chơi trăng mải miết”.

Vị khách ấy rất thong thả, đi du ngoạn với tâm thế ung dung tự tại, nhẹ tựa lông hồng. Một mình một thuyền, vừa chèo vừa nhìn ngắm mây trời, không vội vàng, không ồn ả, không nhanh chóng để đi tới điểm khám phá mà chậm rãi, thong dong cảm nhận cảnh quan thiên nhiên. Yêu thích việc được đi đến nhiều nơi để trải nghiệm, khám phá nên vị khách ấy đầu tiên đã tự chu du tới những địa danh nổi tiếng có trong điển cố của Trung Hoa như Nguyên, Tương, Vũ Huyệt, Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt. Nhưng ở những nơi này, ông chỉ chu du qua sách vở và thông qua trí tưởng tượng của mình. Điều đó cho thấy, trong tâm trí của vị khách luôn mong muốn có thể ngao du đến những nơi xa hơn ngoài nước Việt.

Như vậy qua những cuộc du ngoạn trong trí tưởng tượng, ta có thể thấy nhân vật khách là người rất ham đọc sách, lại có “tráng chí bốn phương”. Con người ấy cũng là kẻ có tâm hồn khoáng đạt, với tâm thế chủ động thích ngao du để mở rộng tầm mắt. Nhân vật ấy xê dịch không phải để khoe cuộc sống sang chảnh như giới trẻ ngày này mà là thưởng thức cảnh đẹp rồi nghiên cứu cảnh trí non sông, để bồi bổ kiến thức, điều mà vị khách đã học được từ “ Tử Trường chừ thú tiêu dao”. Qua đây, ta cũng có thể nhìn thấy hình ảnh Trương Hán Siêu trong vị khách ấy.

Thong dong một mình một thuyền lướt sóng, chợt vị khách đến sông Bạch Đằng:

   “Qua cửa Đại Than,

Ngược bến Đông Triều,

Đến sông Bạch Đằng,

Thuyền bơi một chiều.”

Nhờ phân tích nhân vật khách trong Phú sông Bạch Đằng, ta một lần nữa được thấy nét đẹp của dòng sông lịch sử. “ Bát ngát sóng kình muôn dặm

Thướt tha đuôi trĩ một màu

Nước trời một sắc

Phong cảnh ba thu

Bờ lau san sát

Bến lách đìu hiu”.

Dòng sông ghi dấu một thời vàng son oanh liệt ấy hiện ra trước mắt nhân vật khách với hai đặc điểm nổi bật. Đầu tiên đó là sự thơ mộng nhưng rất đỗi hùng vĩ. “ Bát ngát sóng kình muôn dặm”. Trong tâm tầm mắt của vị khách hay chính là tác giả, sóng của Bạch Đằng giang cứ liên tiếp nối đuôi nhau đến vô tận. Tính từ “bát ngát” ở đây càng cho thấy rõ sự rộng lớn của dòng sông. Có lẽ trước cảnh đẹp thực tiễn của nước non, trong lòng vị khách đã dâng trào cảm xúc.

Bởi thế, ông mới thấy “Thướt tha đuôi trĩ một màu”. Đó là cảnh tượng về những chiếc thuyền đang nối đuôi nhau qua lại trên sông. Hình ảnh đó hiện ra thật duyên dáng, yêu kiều, yểu điệu. Nó khơi gợi vẻ thơ mộng của dòng Bach Đằng vốn hùng vĩ, mênh mông. Có thích thú cảnh sắc Bạch Đằng giang, ông mới thấy nước và mây có màu như nhau, thật khó phân biệt. Với nhân vật khách, đi là để cảm nhận, là để nâng ao nhãn quan nên ông quan sát không bỏ sót cảnh trí nào của sông Bạch Đằng. Bên cạnh vẻ hùng vĩ, mộng mơ, vị khách ấy còn nhận ra cái sự hiu quạnh, lạnh lẽo của hai bờ sông. Đó là bờ lau đã mọc lên san sát, các bến đỗ vắng bóng người vô cùng cùng đìu hiu. Hơn thế nữa, dưới đáy sông còn thấy hình ảnh giáo gãy, gò đầy xương khô…

Loạt hình ảnh đó xuất hiện tạo nên khung cảnh thiên nhiên thật thê lương, buồn thảm. Nó cũng nói lên tâm trạng đầy hoài niệm của vị khách và cũng chính là tác giả Trương Hán Siêu

“ Sông chìm giáo gãy

Gò đầy xương khô

Buồn vì cảnh thảm

Đứng lặng giờ lâu

Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá

Tiếc thay dấu vết luống còn lưu”.

Cảm xúc của vị khách ấy trước Bạch Đằng giang lúc này vừa là nỗi nhớ nhung, hoài niệm là niềm tự hào về những chiến công oanh liệt trong dân tộc. vừa là nỗi buồn thương, tiếc nuối trước chiến xưa. Bởi như ta đã biết, sông Bạch Đằng là dòng sông đã cùng quan quân nhà Trần 3 lần đánh tan quân Nguyên Mông, cùng vua Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán và cùng vua Lê Đại Hành hạ gục quân Tống. Một thời vàng son là thế, nhưng giờ đây thật hoang vu, đìu hiu. Các tướng tá, anh hùng giờ không còn, mà chỉ còn lại những dấu vết nhưng cũng sắp sửa phai mờ theo thời gian.

“Đến chơi sông chừ ủ mặt

Nhớ người xưa chừ lệ chan”.

Khi phân tích nhân vật khách trong Phú sông Bạch Đằng tới phần này, người đọc càng thấy rõ, vị khách ấy chính là hiện thân của tác giả. Tâm trạng của vị khách ấy trước dòng sông Bạch Đằng cũng chính là tâm trạng của một chí sĩ yêu nước. Chi sĩ ấy đang mang trong mình những nỗi buồn, sự lo lắng cho vận mệnh nước nhà vào những năm cuối thời Trần. Khi nhà Trần đang đường suy vong, rường cột lung lay, lòng dân bất ổn. Ông đau đáu nỗi lo cho dân, thương cho nước.

Bên cạnh tâm thế du ngoạn, thảnh thơi thu vào tầm mắt những cảnh sắc hùng vĩ thơ mộng của nước non Đại Việt, vị khách ấy vãn ấp ủ trong lòng biết bao hoài niệm. Không bỗng nhiên mà tác giả chọn Bạch Đằng giang để thỏa trí ngao du. Mà tới đây, vị khách ấy mới có thể giãi bày tâm sự. mới có thế tìm lại một thời oanh liệ với những trang sử hào hùng, thế người như hùm như beo. Từ đây, mạch cảm xúc của vị khác được phát triển, làm tiền đề để khơi nguồn về quá khứ oai hùng của Bạch Đằng giang.

Bài phú của Trương Hán Siêu không đơn thuần là một áng thơ văn mà còn là cuộc thảo luận chính trị giữa nhân vật khách và các bô lão. Phân tích nhân vật khách trong Phú sông Bạch Đằng ở phần cuối, người đọc đặc biệt nhớ đến câu:

“Những người bất nghĩa tiêu vong

Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh ”.

Điều này dường như là chân lí muôn thuở. Hơn nữa, khách còn mượn ý trong câu thơ Đỗ Phủ “Tịnh tẩy giáp binh trường bất dục” (rửa sạch vũ khí mãi mãi không dùng đến), thể hiện khát vọng cuộc sống độc lập, hòa bình.

“Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh

Giặc tan muôn thuở thanh bình

Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao” .

Điều này cũng chính là mục đích cao cả của các cuộc kháng chiến của quân ta. Không phải chiến đấu vì tham lam, mà để bảo vệ sự thanh bình của đất nước. Nhân vật khách ca ngợi chiến thắng của dân ta không vì lực lượng hùng mạnh, thế đất hiểm trở mà còn là nhờ nhân đức con người. Có thể thấy, nhân vật khách hiện lên với là mọt chí sĩ yêu chuộng hòa bình, không màng danh lợi.

Bạch Đằng giang phú là áng văn thiên anh hùng cổ. Với thể loại phú, kết hợp với các lớp ngôn từ hào sảng, lối đối đáp nhuần nhuyễn, nhân vật khách đã hiện lên là một vị khách vô cùng yêu quê hương đất nước. Phân tích nhân vật khách trong Phú sông Bạch Đằng không thể nói tới niềm đam mê xê dịch để học hỏi, để khám phá, mở rộng tầm mắt của bản thân. Bên cạnh đó, những câu thơ cuối cùng của bài phú, còn khắc họa sâu đậm tầm nhìn xa trông rộng và tấm lòng đầy nhân văn của nhân vật khách trữ tình.

>> Xem thêm:  Phân tích Tây tiến khổ 3 chi tiết và hay nhất