Tại sao Vịnh Bắc Bộ không có đường cơ sở

Phóng to

Sơ đồ đường phân định vịnh Bắc bộ Việt Nam - Trung Quốc [Nguồn: Ban biên giới Chính phủ]

TT - Ngày 15-6-2004, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XI đã thông qua nghị quyết phê chuẩn Hiệp định giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong vịnh Bắc bộ [gọi tắt là Hiệp định phân định vịnh Bắc bộ].

* Xin bộ trưởng cho biết một số nét về vị trí, đặc điểm và tầm quan trọng của vịnh Bắc bộ?

- Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên: Vịnh Bắc bộ [VBB] là một trong những vịnh lớn của thế giới, có diện tích khoảng 126.250km2 [36.000 hải lý vuông], chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 310km [176 hải lý], nơi hẹp nhất ở cửa vịnh rộng khoảng 207,4km [112 hải lý].

Bờ VBB thuộc 10 tỉnh, thành phố của VN với tổng chiều dài khoảng 763km và bờ biển thuộc hai tỉnh Quảng Tây, Hải Nam của Trung Quốc [TQ] với tổng chiều dài khoảng 695km.

Vịnh có hai cửa: eo biển Quỳnh Châu nằm giữa bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam với bề rộng khoảng 35,2km [19 hải lý] và cửa chính của vịnh từ đảo Cồn Cỏ [VN] tới đảo Hải Nam [TQ] rộng khoảng 207,4km [112 hải lý].

Phần vịnh phía VN có khoảng 2.300 đảo, đá ven bờ, đặc biệt có đảo Bạch Long Vĩ nằm cách đất liền VN khoảng 110km, cách đảo Hải Nam khoảng 130km. Phía TQ có một số ít đảo nhỏ ở phía đông bắc vịnh như đảo Vị Châu, Tà Dương.

VBB có vị trí chiến lược quan trọng đối với VN và TQ cả về kinh tế lẫn quốc phòng, an ninh. Vịnh là nơi chứa đựng nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là hải sản và dầu khí. Trong vịnh có nhiều ngư trường lớn, cung cấp nguồn hải sản quan trọng cho đời sống của nhân dân hai nước.

Bên cạnh lễ trao đổi văn kiện thư phê chuẩn Hiệp định phân định VBB, cũng trong ngày 30-6-2004 Bộ Ngoại giao VN và Bộ Ngoại giao TQ đã tiến hành trao đổi công hàm thông báo việc chính phủ hai nước hoàn thành các thủ tục pháp lý nội bộ đối với Hiệp định hợp tác nghề cá ở VBB giữa CHXHCN Việt Nam và CHND Trung Hoa [ký tại Bắc Kinh ngày 25-12-2000] và thỏa thuận hiệp định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30-6-2004.

Các dự báo cho thấy đáy biển và lòng đất dưới đáy của vịnh có tiềm năng về dầu mỏ và khí đốt. Vịnh là cửa ngõ giao lưu từ lâu đời của VN ra thế giới, có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, thương mại quốc tế cũng như quốc phòng an ninh của nước ta. Đối với khu vực phía nam TQ vịnh cũng có vị trí quan trọng. Vì vậy, cả hai nước đều rất coi trọng việc quản lý, sử dụng và khai thác vịnh.

* Xin bộ trưởng cho biết vì sao hai nước VN - TQ phải tiến hành đàm phán và ký Hiệp định phân định VBB?

- Vấn đề phân định VBB, mà cụ thể là phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong vịnh giữa VN và TQ, chỉ được đặt ra sau khi có sự phát triển tiến bộ của Luật biển quốc tế từ giữa những năm 1950 trở lại đây.

Theo qui định của Luật biển quốc tế hiện đại, quốc gia ven biển được hưởng lãnh hải rộng tối đa 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý và thềm lục địa rộng tối đa 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc cách đường đẳng sâu 2.500m một khoảng cách không quá 100 hải lý.

Do bờ biển hai nước vừa kế cận vừa đối diện nhau, nơi rộng nhất không đến 200 hải lý, nên các vùng biển và thềm lục địa của hai nước trong vịnh đều bị chồng lấn lên nhau, cần phải được phân định để xác định rõ ràng biên giới lãnh hải cũng như ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước.

Thực tế cho thấy, trước đây do chưa có đường biên giới và ranh giới biển rõ ràng trong VBB nên giữa hai nước thường xảy ra các vụ việc tranh chấp phức tạp về đánh bắt hải sản và thăm dò khai thác dầu khí, gây bất ổn định và ảnh hưởng không tốt đến quan hệ hai nước, hạn chế việc khai thác bền vững và hiệu quả tiềm năng của vịnh.

Chỉ khi có một đường ranh giới biển rõ ràng trong vịnh, được hai nước chấp nhận và phù hợp với luật pháp quốc tế, hai nước mới có đầy đủ căn cứ pháp lý để tiến hành việc quản lý, sử dụng, khai thác, phát triển và bảo tồn các tài nguyên biển của mình trong VBB.

* Đàm phán phân định VBB được tiến hành theo các nguyên tắc và cơ sở pháp lý nào, thưa bộ trưởng?

- Hai bên đã thống nhất và căn cứ vào luật pháp và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc và qui định của Công ước của LHQ về luật biển năm 1982 mà cả hai nước đều là thành viên để giải quyết vấn đề phân định VBB. Luật pháp quốc tế nói chung và Công ước của LHQ về luật biển năm 1982 nói riêng không qui định một phương pháp bắt buộc áp dụng chung cho việc phân định các vùng biển giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hoặc đối diện nhau.

Căn cứ vào các qui định của công ước này và thực tiễn quốc tế, VN và TQ đã thỏa thuận thông qua đàm phán để phân định VBB, với nguyên tắc giải quyết là “áp dụng Luật biển quốc tế và tham khảo thực tiễn quốc tế" và “theo nguyên tắc công bằng, có tính đến mọi hoàn cảnh hữu quan trong vịnh để đi đến một giải pháp công bằng”.

* Xin bộ trưởng cho biết nội dung chính của Hiệp định phân định VBB và đánh giá về kết quả đàm phán phân định VBB?

- Hai bên thống nhất một đường phân định với 21 điểm kéo dài từ cửa sông Bắc Luân ra đến cửa vịnh phía nam, trong đó từ điểm 1 đến điểm 9 là biên giới lãnh hải, từ điểm 9 đến điểm 21 là ranh giới chung cho cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Theo hiệp định, VN được hưởng 53,23% diện tích vịnh và TQ được hưởng 46,77% diện tích vịnh. Đường phân định đi cách đảo Bạch Long Vĩ 15 hải lý, tức đảo được hưởng lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 3 hải lý [25% hiệu lực]. Đảo Bạch Long Vĩ là một đảo nhỏ của VN [diện tích khoảng 2,5km2] lại nằm gần như ở giữa VBB [cách bờ biển VN khoảng 110km, cách bờ đảo Hải Nam -TQ khoảng 130km], tạo ra một hoàn cảnh đặc biệt nên theo luật pháp và thực tiễn quốc tế chỉ được hưởng một phần hiệu lực hạn chế trong phân định. Đảo Cồn Cỏ cũng là một đảo nhỏ nhưng nằm gần bờ của VN hơn [cách bờ khoảng 13 hải lý] nên được hưởng 50% hiệu lực trong việc phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tại đường đóng cửa vịnh. Đây là một kết quả công bằng đạt được trên cơ sở luật pháp và điều kiện cụ thể của vịnh.

Trong hiệp định, hai bên cam kết tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mỗi bên đối với lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong VBB. Theo đó, mỗi bên tự chủ tiến hành việc thăm dò, khai thác một cách độc lập các tài nguyên khoáng sản trong phạm vi thềm lục địa của mình.

Đối với những cấu tạo mỏ dầu, khí tự nhiên đơn nhất hoặc mỏ khoáng sản khác nằm vắt ngang đường phân định, hai bên thông qua hiệp thương hữu nghị để đạt được thỏa thuận về việc khai thác hữu hiệu nhất cũng như việc phân chia công bằng lợi ích thu được từ việc khai thác. Ngoài ra, hiệp định cũng qui định về việc sử dụng hợp lý và phát triển bền vững tài nguyên sinh vật trong VBB.

Theo TTXVN

  • Dương Danh Huy, Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông
  • Viết cho BBCVietnamese.com từ Oxford

Sau 27 năm đàm phán, hiệp định Vịnh Bắc Bộ được Việt Nam và Trung Quốc ký kết ngày 25/12/2000. Việt Nam được 53.23% và Trung Quốc được 46.77% diện tích Vịnh.

Hiệp định này đã gây ra nhiều tranh cãi giữa người Việt.

Ở một thái cực là quan điểm cho rằng công ước Pháp-Thanh năm 1887 đã phân định toàn bộ Vịnh Bắc Bộ bằng kinh tuyến 108°3’ [đó cũng là quan điểm ban đầu của Việt Nam trong đàm phán], phân định lại là sai và thiệt hại cho Việt Nam. Ở thái cực kia là quan điểm cho rằng hiệp định Vịnh Bắc Bộ năm 2000 là công bằng.

Công ước Pháp-Thanh về phân định biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc năm 1887 viết:

Các đảo phía đông kinh tuyến Paris 105 °43, kinh độ đông, tức là đường bắc-nam đi qua điểm cực đông của đảo Tch'a Kou hay Ouan-chan [Trà Cổ] và làm thành biên giới cũng được cho là của Trung Hoa. Các đảo Go- tho và các đảo khác phía tây kinh tuyến này thuộc về An Nam.

Những người Trung Hoa phạm pháp hoặc bị cáo buộc phạm pháp tìm nơi trú ẩn tại các đảo này, sẽ được, theo quy định củađiều 27 của Hiệp định ngày 25 tháng Tư năm 1886, tìm kiếm, bắt giữ và dẫn độ bởi Chính quyền Pháp.

Công ước không nói rằng kinh tuyến 105°43’ Paris, tức là kinh tuyến 108°3’ Greenwich, là ranh giới phân định biển cho toàn bộ Vịnh Bắc Bộ. Bản đồ đính kèm công ước vẽ ranh giới dọc kinh tuyến 105°43’ Paris từ cực đông đảo Trà Cổ ra biển và ngừng cách đảo khoảng 5 hải lý, tức là chỉ cho một phần rất nhỏ của Vịnh.

Vào năm 1887, Pháp, Việt Nam và Trung Quốc không có tuyên bố hay luật về chủ quyền hay quyền chủ quyền bao gồm toàn bộ Vịnh Bắc Bộ.

Luật ngày 1/3/1888 về lãnh hải của Pháp tuyên bố lãnh hải của Pháp rộng 3 hải lý. Nghị quyết ngày 9/12/1926 của chính phủ Pháp áp dụng luật lãnh hải 3 hải lý này cho thuộc địa của Pháp. Nghị quyết ngày 22/9/1936 của bộ trưởng thuộc địa Pháp tuyên bố vùng đánh cá rộng 11 hải lý cho Đông Dương. Những vùng biển đó cách bờ [bao hàm của đất liền và đảo] dưới 12 hải lý.

Tới năm 1958 thì khái niệm về thềm lục địa xa bờ hơn 12 hải lý mới được pháp điển hóa trong công ước quốc tế. Tới năm 1982 thì khái niệm vùng đặc quyền kinh tế xa bờ hơn 12 hải lý mới được pháp điển hóa trong UNCLOS.

Những điều trên cho thấy, vào năm 1887, trong Vịnh Bắc Bộ, Pháp không cho rằng họ có chủ quyền hay quyền chủ quyền trong vùng biển cách bờ hơn 12 hải lý. Cũng không có chứng cớ là vào thời điểm đó Trung Quốc cho rằng họ có chủ quyền hay quyền chủ quyền trong vùng biển này.

Vì công ước Pháp-Thanh và bản đồ đính kèm không nói rằng công ước đã phân định toàn bộ vùng biển trong Vịnh Bắc Bộ, và vì khó có thể suy diễn rằng người ta phân chia cái người ta không cho rằng họ sở hữu, khó có thể cho rằng công ước này đã phân định toàn bộ vùng biển trong Vịnh Bắc Bộ.

Sẽ hợp lý hơn nếu cho rằng kinh tuyến 108°3’ trong công ước chỉ phân chia đảo và phân chia lãnh hải ven bờ. Như vậy, công ước Pháp-Thanh chưa phân định phần lớn Vịnh Bắc Bộ, và việc phân định là cần thiết.

Hiệp định Vịnh Bắc Bộ bao gồm 21 điểm phân định, trong đó điểm 1 đến 9 là ranh giới lãnh hải 12 hải lý và điểm 9 đến 21 là ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa xa bờ hơn 12 hải lý.

21 điểm đó có công bằng hay không?

Trong phần lớn vùng biển hữu quan trong Vịnh Bắc Bộ, bờ biển Việt Nam và Trung Quốc đối diện nhau. Vì vậy, theo luật quốc tế thì đường trung tuyến có điều chỉnh là nguyên tắc phân định công bằng nhất.

Thông tin chính thức của Việt Nam là:

● Ranh giới trong Vịnh là một đường trung tuyến có điều chỉnh.

● Đảo Cồn Cỏ được 50% hiệu lực, đảo Bạch Long Vĩ được khoảng 25% hiệu lực.

● Tỷ lệ diện tích Việt Nam, Trung Quốc đạt được, 1.135:1, gần bằng tỷ lệ chiều dài bờ biển Việt Nam, Trung Quốc, 1.1:1, cho nên hiệp định Vịnh Bắc Bộ là công bằng.

Tuy nhiên những thông tin trên không đủ để trả lời cho các câu hỏi về 21 điểm trong hiệp định có công bằng hay không.

Theo luật sư Brice Clagett thì việc vạch ranh giới phải dựa trên cơ sở địa lý, và nguyên tắc tỷ lệ chiều dài bờ biển chỉ là một thước đo phỏng chừng cho sự công bằng. Tác giả bài này cho rằng dù tỷ lệ diện tích bằng tỷ lệ chiều dài bờ biển, vẫn có thể tồn tại những sự bất công mà nguyên tắc tỷ lệ chiều dài bờ biển không phát hiện được. Vì vậy cần phải xét đến các khía cạnh địa lý, quan trọng nhất là đường trung tuyến được vạch giữa những điểm nào và ảnh hưởng của các đảo của Việt Nam và Trung Quốc trong việc vạch và điều chỉnh đường trung tuyến – đó là mấu chốt của sự công bằng.

Hiệp định Vịnh Bắc Bộ. Nếu vòng tròn với tâm ở một điểm phân định tiếp xúc lãnh thổ Trung Quốc và phủ trùm lên lãnh thổ Việt Nam thì điểm đó nằm gần lãnh thổ Việt Nam hơn.

So sánh khoảng cách từ mỗi điểm 9-21 đến lãnh thổ Việt Nam và Trung Quốc, tác giả nhận xét:

Điểm 9: gần các đảo Vĩnh Thực và Trần của Việt Nam hơn đất liền Trung Quốc khoảng 4 và 6 hải lý.

Điểm 10: gần các đảo Thanh Lam, Cô Tô và Bạch Long Vĩ của Việt Nam các đảo Vị Châu và Tà Dương của Trung Quốc khoảng 7, 7 và 14 hải lý.

Điểm 11, 12: tương đương đương với đảo Bạch Long Vĩ được “dời vào” đất liền khoảng 75% khoảng cách. Mặc dù như thế phù hợp với quan điểm chính thức là đảo được khoảng 25% hiệu lực, nhưng điều đó lại có nghĩa hơn hai ngàn đảo của Việt Nam trong vùng Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long đã không được hay chỉ được ít hiệu lực trong việc tính hai điểm này.

Điểm 12: gần vùng cửa Ba Lạt của sông Hồng hơn đảo Hải Nam khoảng 3 hải lý.

Điểm 13: gần vùng cửa Ba Lạt của sông Hồng hơn đảo Hải Nam khoảng 10 hải lý.

Điểm 14: gần vùng cửa Ba Lạt của sông Hồng hơn đảo Hải Nam khoảng 20 hải lý.

Điểm 15, 16: gần bờ biển vùng Ninh Bình hơn đảo Hải Nam khoảng 12 hải lý.

Điểm 17: gần bờ biển phía nam Hà Tĩnh hơn đảo Hải Nam khoảng 27 hải lý.

Điểm 18: gần bờ biển phía nam Hà Tĩnh hơn đảo Hải Nam khoảng 3 hải lý.

Điểm 19, 20, 21: phù hợp với đảo Cồn Cỏ được 50% hiệu lực.

Cho đến nay chưa có thông tin chính thức để trả lời các câu hỏi thí dụ như:

  • Tại sao điểm 9 nằm gần các đảo của Việt Nam hơn đất liền Trung Quốc?
  • Tại sao điểm 10 nằm gần các đảo của Việt Nam hơn các đảo của Trung Quốc? Nếu sự thật là tất cả các đảo này đã bị bỏ qua trong việc tính điểm 10 thì như thế có công bằng hay không?
  • Với quan điểm chính thức là đảo Bạch Long Vĩ được khoảng 25% hiệu lực, có vẻ như là hơn hai hàn ngàn đảo của Việt Nam trong vùng Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long đã không được hay chỉ được ít hiệu lực trong việc tính hai điểm 11, 12. Sự thật là thế nào và nếu đúng là như thế thì có công bằng hay không?
  • Tại sao vùng cửa Ba Lạt đã không được tính tới trong việc tính điểm 12.
  • Tại sao các điểm 13, 14, 15, 16, 17, 18 nằm gần đất liền Việt Nam hơn đảo Hải Nam?

Quan điểm phê phán hiệp định Vịnh Bắc Bộ năm 2000 rằng công ước Pháp Thanh 1887 đã phân định toàn bộ Vịnh Bắc Bộ, có vẻ thiếu cơ sở pháp lý.

Ngược lại, quan điểm cho rằng hiệp định Vịnh Bắc Bộ năm 2000 là công bằng, vẫn chưa thuyết phục.

Những nghi vấn tồn tại có thể, nhưng không nhất thiết, có nghĩa hiệp định Vịnh Bắc Bộ là không công bằng. Điều chắc chắn là chưa có thông tin chính thức để giải thích chúng. Tác giả cũng không có giải thích công bằng cho tổng thể các nghi vấn này.

Hướng về tương lai, câu hỏi quan trọng là nếu Việt Nam và Trung Quốc ký kết hiệp định phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ thì các điểm phân định có sẽ nằm gần lãnh thổ Việt Nam hơn lãnh thổ Trung Quốc hay không? Đó là chưa kể đến sự nan giải của tranh chấp quần đảo và vùng biển Hoàng Sa.

Tác giả xin cảm ơn Lê Trung Tĩnh, Phạm Quang Tuấn và Vũ Hữu San về góp ý và thảo luận hữu ích

Video liên quan

Chủ Đề