Tập thể lãnh đạo cao nhất của Đảng là ai

Đến công tác ở nhiều nơi, tôi nghe không ít người phản ánh lâu nay trong thực tế, một số cơ quan, đơn vị chỉ nhấn mạnh vai trò cá nhân, đề cao một chiều quyền thủ trưởng, coi nhẹ tập thể lãnh đạo nên dẫn tới gia trưởng, độc đoán... Tôi đem vấn đề này trao đổi với đồng chí H., một đảng viên lão thành, đồng chí cho biết:

- Tập thể lãnh đạo là nguyên tắc lãnh đạo cao nhất của Đảng. Tập thể lãnh đạo đi đôi với cá nhân phụ trách. Tập thể lãnh đạo là gốc, là cái có trước, cơ quan lãnh đạo có nghị quyết [NQ], tiếp đó, phân công cá nhân phụ trách tổ chức thực hiện từng phần công việc. Tập thể lãnh đạo ra NQ đúng là cơ sở để cá nhân hoàn thành nhiệm vụ. Mặt khác, cá nhân không đóng vai trò thụ động. Cán bộ, đảng viên có năng lực, năng động, sáng tạo thì NQ của tập thể lãnh đạo mới trở thành hiện thực. Hơn nữa, qua hoạt động thực tiễn còn có thể góp phần xây dựng và hoàn thiện đường lối, NQ của Đảng. Khi bàn bạc, quyết định chủ trương phải nhấn mạnh vai trò tập thể lãnh đạo.

Ảnh minh họa

Khi tổ chức thực hiện cần nhấn mạnh vai trò cá nhân phụ trách. Chế độ tập thể lãnh đạo và chế độ cá nhân phụ trách kết hợp, bổ sung cho nhau, không loại trừ nhau. Phải kết hợp tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách mới có thể đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phát hiện và sử dụng cán bộ giỏi, loại bỏ cán bộ chỉ khéo nói mà không có năng lực thực hiện. Nếu chỉ nhấn mạnh vai trò tập thể lãnh đạo, coi nhẹ vai trò cá nhân phụ trách sẽ dẫn tới tình trạng vô trách nhiệm, ỷ lại, dựa dẫm. Ngược lại, chỉ nhấn mạnh vai trò cá nhân, đề cao một chiều quyền thủ trưởng, coi nhẹ tập thể lãnh đạo sẽ dẫn tới gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền.

Giữ vững nguyên tắc tập thể lãnh đạo chủ yếu trên hai lĩnh vực: quyết định những vấn đề thuộc đường lối, chiến lược, chủ trương, chính sách, phương hướng nhiệm vụ chính trị và những vấn đề quan trọng thuộc công tác tổ chức, cán bộ. Tập thể lãnh đạo được thực hiện ở các cấp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do Điều lệ Đảng quy định: đại hội đại biểu toàn quốc, đại hội đại biểu đảng bộ các cấp, ban chấp hành đảng bộ các cấp, ban cán sự, đảng đoàn, chi bộ và đảng bộ cơ sở. Tuân theo nguyên tắc đó bảo đảm cơ quan lãnh đạo đưa ra được những quyết định chính xác do phát huy trí tuệ tập thể, qua đó tăng cường đoàn kết thống nhất tư tưởng và hành động trong Đảng, ngăn ngừa những quyết định sai lầm do bệnh chủ quan của cá nhân và tệ gia trưởng, độc đoán chuyên quyền gây ra.

Cần đề cao trách nhiệm cá nhân. Cấp ủy sau khi đã quyết định chủ trương cần giao nhiệm vụ cụ thể cho từng người tổ chức thực hiện, phân công trách nhiệm rõ ràng đi đôi với trao quyền hạn và tạo điều kiện đầy đủ để cá nhân có thể hoàn thành nhiệm vụ. Tập thể có cơ chế kiểm tra, giám sát nhưng tôn trọng quyền chủ động của cá nhân điều hành công việc trong khuôn khổ đường lối, chủ trương đã có, không can thiệp vụn vặt.

Một khi NQ đã được thông qua, cá nhân phải phục tùng tổ chức, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, muôn người như một, ý chí và hành động thống nhất. Đã hành động, phải tuân theo một người chỉ huy, không thể “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Thủ trưởng cơ quan là người đứng đầu chịu trách nhiệm điều hành, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ ở một đơn vị, một lĩnh vực công tác, dựa trên NQ của tập thể cấp ủy. Tập thể lãnh đạo đi đôi với cá nhân phụ trách. Tuân theo nguyên tắc đó sẽ góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng như NQ Trung ương 4 [khóa XI] đã đề ra.

Trung Thực

Trung Thực

CHƯƠNG II: NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA ĐẢNG

Ðiều 9: Ðảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nội dung cơ bản của nguyên tắc đó là:  1. Cơ quan lãnh đạo các cấp của Ðảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.  2. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Ðảng là Ðại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Ðảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ [gọi tắt là cấp ủy].  3. Cấp ủy các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước đại hội cùng cấp, trước cấp ủy cấp trên và cấp dưới; định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực hiện tự phê bình và phê bình.  4. Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Ðảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Ðảng phục tùng Ðại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương.  5. Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Ðảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành. Trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến của mình. Ðảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp ủy cấp trên cho đến Ðại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Ðảng. Cấp ủy có thẩm quyền nghiên cứu xem xét ý kiến đó; không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số.  6. Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên. 

Ðiều 10:

1. Hệ thống tổ chức của Ðảng được lập tương ứng với hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước.  2. Tổ chức cơ sở đảng được lập tại đơn vị cơ sở hành chính, sự nghiệp, kinh tế hoặc công tác, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam theo quy định tại Chương VI. Việc lập tổ chức đảng ở những nơi có đặc điểm riêng theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.  3. Cấp ủy cấp trên trực tiếp quyết định lập hoặc giải thể đảng bộ, chi bộ trực thuộc. 

Ðiều 11:

1. Cấp ủy triệu tập đại hội khi hết nhiệm kỳ, thông báo trước cho cấp dưới về thời gian và nội dung đại hội.  2. Cấp ủy triệu tập đại hội quyết định số lượng đại biểu và phân bổ cho các đảng bộ trực thuộc căn cứ vào số lượng đảng viên, số lượng đảng bộ trực thuộc, vị trí quan trọng của từng đảng bộ, theo hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương.  3. Ðại biểu dự đại hội gồm các ủy viên ban chấp hành cấp triệu tập đại hội và đại biểu do đại hội cấp dưới bầu.  4. Việc chỉ định đại biểu chỉ thực hiện đối với tổ chức đảng hoạt động trong điều kiện đặc biệt không thể mở đại hội để bầu cử được, theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.  5. Ðại biểu dự đại hội phải được đại hội thẩm tra tư cách và biểu quyết công nhận. Cấp ủy triệu tập đại hội không được bác bỏ tư cách đại biểu do đại hội cấp dưới bầu, trừ trường hợp đại biểu đang bị đình chỉ sinh hoạt đảng, đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, bị khởi tố, truy tố, tạm giam.  6. Ðại hội chỉ hợp lệ khi có ít nhất hai phần ba số đại biểu hoặc đảng viên được triệu tập tham dự và có ít nhất hai phần ba số tổ chức đảng trực thuộc có đại biểu tham dự.  7. Ðại hội bầu đoàn chủ tịch [chủ tịch] để điều hành công việc của đại hội. 

Ðiều 12:

1. Cấp ủy viên phải có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh; chấp hành nghiêm chỉnh nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, kỷ luật của Ðảng và pháp luật của Nhà nước; có kiến thức và năng lực tham gia lãnh đạo tập thể, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đoàn kết cán bộ, đảng viên, được quần chúng tín nhiệm.  2. Số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương do Ðại hội đại biểu toàn quốc quyết định; số lượng cấp ủy viên cấp nào do đại hội cấp đó quyết định, theo hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương. Cấp ủy các cấp cần được đổi mới, bảo đảm tính kế thừa và phát triển qua mỗi lần đại hội.  3. Ðoàn chủ tịch [chủ tịch] hướng dẫn bầu cử:  - Ðại biểu có quyền nhận xét, chất vấn về người ứng cử và người được đề cử;  - Danh sách bầu cử do đại hội thảo luận và biểu quyết thông qua;  - Bầu cử bằng phiếu kín;  - Người trúng cử phải được số phiếu bầu quá một nửa so với tổng số đại biểu được triệu tập hoặc so với tổng số đảng viên chính thức của đảng bộ, chi bộ.  Trường hợp số người có số phiếu quá một nửa nhiều hơn số lượng cần bầu thì lấy số người có số phiếu cao hơn; nếu ở cuối danh sách trúng cử có nhiều người ngang phiếu nhau và nhiều hơn số lượng cần bầu thì bầu lại số người ngang phiếu đó để lấy người có số phiếu cao hơn, không cần phải quá một nửa.  Trường hợp bầu lại mà số phiếu vẫn ngang nhau, có bầu nữa hay không do đại hội quyết định. Nếu bầu một lần mà chưa đủ số lượng quy định, có bầu thêm nữa hay không do đại hội quyết định. 

Ðiều 13:

1. Cấp ủy khóa mới nhận sự bàn giao từ cấp ủy khóa trước, điều hành công việc ngay sau khi được bầu và được công nhận chính thức khi có quyết định chuẩn y của cấp ủy cấp trên trực tiếp.  2. Việc bổ sung cấp ủy viên thiếu do cấp ủy đề nghị, cấp ủy cấp trên trực tiếp quyết định; số lượng cấp ủy viên sau khi bổ sung không vượt quá tổng số cấp ủy viên mà đại hội đã quyết định. Khi thật cần thiết, cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ định tăng thêm một số cấp ủy viên cấp dưới.  3. Khi thật cần thiết, cấp ủy cấp trên có quyền điều động một số cấp ủy viên cấp dưới, nhưng không quá một phần ba tổng số cấp ủy viên do đại hội đã bầu.  4. Cấp ủy viên xin rút khỏi cấp ủy, do cấp ủy xem xét đề nghị lên cấp ủy cấp trên trực tiếp quyết định; đối với Ủy viên Trung ương, do Ban Chấp hành Trung ương quyết định. Cấp ủy viên đương nhiệm ở đảng bộ từ cấp tỉnh trở xuống, khi có quyết định nghỉ công tác để nghỉ hưu hoặc chuyển công tác đến đơn vị khác ngoài đảng bộ thì thôi tham gia các cấp ủy đương nhiệm ở đảng bộ đó.  Ðối với Ủy viên Trung ương khi có quyết định thôi giữ chức vụ trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể để nghỉ hưu thì thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương đương nhiệm.  5. Ðối với tổ chức đảng mới thành lập, cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ định cấp ủy lâm thời; chậm nhất trong vòng một năm kể từ ngày có quyết định chỉ định, tổ chức đảng đó phải tiến hành đại hội; nếu kéo dài thêm thời gian phải được cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý.  6. Ðối với tổ chức đảng không thể mở đại hội được, cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ định cấp ủy của tổ chức đảng đó. 

Ðiều 14:

1. Cấp ủy mỗi cấp lập các cơ quan tham mưu giúp việc theo hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương. 

2. Khi cần, cấp ủy lập tiểu ban, hội đồng, tổ công tác và giải thể khi hoàn thành nhiệm vụ.



Video liên quan

Chủ Đề