Tóm tắt Phế hậu tướng quân

Phế hậu tướng quân: Đế Vương tự cổ vô tình

07.06.2013 | Mạc Phong

“Đế Vương tự cổ vốn vô tình,

Tung hoành ngang dọc, một mình cô đơn.”

Gấp những trang cuối cùng cuốn “Phế Hậu Tướng Quân”, nhiều người tiếc thương cho số phận Tả Thương Lang, oán trách Viêm Đế vô tình tàn nhẫn. Đó âu cũng là điều dễ hiệu. Hình tượng Mộ Dung Viêm – người trị vì cao nhất Viêm triều được xây dựng bởi những viên đá tính cách: lạnh lùng, nhẫn tâm, máu lạnh… đã hủy hoại cả cuộc đời nữ chính, để rồi nàng ra đi khi còn quá trẻ. Nhưng nếu đứng trên một góc nhìn khác, một góc khách quan hơn, có lẽ tác giả rất thành công khi tạo dựng hình tượng “Đế Vương” như vậy.

Xưa nay, đứng trên đỉnh cao quyền lực, mấy ai không vô tình, thủ đoạn? Con đường dẫn tới ngai vàng phủ đầy máu xương của người khác, thậm chí là người thân của chính họ. Nhưng đã bước trên con đường đầy chông gai ấy, ai đủ dũng cảm quay ngược trở lại khi xung quanh bao kẻ chỉ đợi một giây mình bất cẩn, cướp đi tất cả, thậm chí là tính mạng của mình?

Mộ Dung Viêm, nhị hoàng tử Viêm triều, sinh ra trong hoàng thất, từ nhỏ được Bạch Đế dạy dỗ cùng với Thái tử. Một người học văn, một người học võ. Thái Tử học cái “đức” để trị vì thiên hạ, hắn học sự “dũng” để bảo vệ giang sơn, nhưng nào ai ngờ, vì mối tình thanh mai trúc mã, một Mộ Dung Viêm cao ngạo, “cao ngạo đến mức không thèm để ý tới vương vị” làm phản, huynh đệ tương tàn. Trong con mắt của Mộ Dung Viêm, Khương Bích Lan là “tiên nữ”, là “nàng tiên không vương chút bụi trần”. Tôi tự hỏi, thứ tình cảm hắn dành cho Bích Lan là tình cảm khắc cốt ghi tâm, thứ tình cảm được bồi đắp từ những tháng năm thanh mai trúc mã, hay chung quy cũng chỉ là một thứ chấp nhất, bởi sự cao ngạo của hắn không cho phép không có nàng, không chịu được khi nàng ở bên người khác? Chính điều này đã dẫn đến những bi kịch về sau, cho cả ba người: Mộ Dung Nhược – Mộ Dung Viêm – Khương Bích Lan và thậm chí là bi kịch cho cả những người vô tội như Tả Thương Lang. Đối với tôi, Khương Bích Lan là nữ phụ điển hình tôi không thích, ban đầu yếu đuối nhu nhược, không dám làm chủ tình cảm của mình; sau này khi “cảm giác” sắp mất đi tất cả thì dùng mọi thủ đoạn để giữ lại người mình yêu và tiêu diệt người thứ ba (Dùng hình tra tấn Tả Thương Lang). Nhưng thôi, vấn đề này ai cũng rõ ràng và tôi cũng không muốn bàn nhiều.

Còn về phần Tả Thương Lang là cô nhi Mộ Dung Viêm nhặt giữa bầy sói, là sát thủ một tay hắn đào tạo, là tướng tài bên cạnh hắn khi chinh chiến nơi xa trường, nhưng cũng là người phụ nữ bị hủy hoại trong tay hắn. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân! Có lẽ ta nên trách Tả Thương Lang trước, bởi nàng đã đặt tình cảm không đúng chỗ, không đúng người. Xưa nay Đế vương vốn vô tình, liệu có bao đấng Đế Vương thật lòng thật dạ yêu thích một người con gái? Có trách, hãy trách Tả Thương Lang như con thiêu thân lao đầu vào lửa để bị lửa liếm đến thân tàn ma dại. Trùng hợp thay, tên Mộ Dung Viêm, chính xác hơn là chữ VIÊM, được ghép bởi hai hộ Hỏa (炎), là hình ngọn lửa cháy lớn, còn Tả Thương Lang, tên nàng: THƯƠNG LANG có nghĩa là con sói xám(苍狼), là cái tên được đặt khi hắn tìm thấy nàng lẫn giữa một bầy sói. Cùng phân tích nhé, sói và một số thú dữ sống trong rừng sâu khác như hổ, báo… rất sợ lửa. Ban đêm người ta đốt lửa là để ngăn chúng đến. Mà tên hai nhân vật chính, một là ngọn lửa bùng cháy, có thể thiêu rụi mọi thứ xung quanh; một là đại diện cho một loài dã thú sợ lửa vô cùng, ấy mà con sói đó vẫn quyết tâm lao đầu vào ngọn lửa! Phải chăng đây đã là điềm báo của bi kịch? Hai người sẽ không có kết thúc tốt đẹp? Và đúng như vậy, đến cuối cùng Tả Thương Lang ra đi, để lại sự tiếc nuối cho Mộ Dung Viêm.

Tôi vẫn không cho rằng, thứ tình cảm Mộ Dung Viêm dành cho Tả Thương Lang là tình yêu. Nếu như đối với Khương Bích Lan, ta có thể dùng từ “đã từng” để chỉ tình yêu của hắn, thì đối với Tả Thương Lan, có lẽ nên dùng từ “chưa từng”. Ban đầu, khi thu nạp Thương Lang, Mộ Dung Viêm chỉ muốn đào tạo sát thủ, đào tạo tướng tài cho mình. Về sau Tả Thương Lang quả thật đã trở thành nữ tướng quân đầu tiên của Viêm triều, là người luôn bên cạnh hắn, vì hắn xông pha chiến trường. Đó là thứ tình cảm của mộ vị Vua và một vị tướng. Còn sau này hắn đem nàng làm thế thân của Khương Bích Lan, là người phụ nữ để hắn phát tiết; sau đó để Khương Bích Lan được vui, hắn giao nàng cho Bích Lan hành hạ. Hắn từng ví nàng là “thú cưng” được nuôi dưỡng. Rồi khi việc nàng làm nội gián lợi dụng Long Bình để ăn cắp bản đồ Lạc Liêu Thành bị phát hiện, đồng thời Bích Lan cần Huyết chi hoa để giữ lại mẹ tròn con vuông hắn lại một lần đẩy nàng rời xa mình đưa vào tay địch, đến Vưu Quốc làm con tin… Đó là thứ tình yêu lệch lạc, không rõ ràng. Rất nhiều, rất nhiều những tình tiết khiến tôi không thể nào tin Mộ Dung Viêm thật lòng yêu Tả Thương Lang, dù cho sau này hắn “hối hận”, dùng mọi cách để bù đắp cho nàng, thậm chí vì muốn nàng sống mà khi sư phụ nói “Dùng trái tim của Khương Bích Lan để đổi mạng cho nàng” hắn cũng đồng ý. Đỉnh điểm của sự vô tình là ở cuối truyện, khi Thương Lang đã bày thức ăn lên bàn đá chỉ chờ Mộ Dung Viêm tới, hai người cùng dùng bữa, nhưng người thì không thấy đâu, chỉ có thái giám đến báo tin Khương Bích Lan uống thuốc độc tự vẫn, Mộ Dung Viêm qua Tê Phượng cung không thể đến chỗ nàng. Có lẽ lúc này Thương Lang cũng nhận ra tình cảm hắn dành cho mình. “Cơ thể này chưa bao giờ quên, nó chỉ là kẻ thay thế thất bại, không đợi được đến khi nam chính hồi tâm chuyển ý.” Nàng buông tay! Nếu như Mộ Dung Viêm thật sự yêu Tả Thương Lang, hắn sẽ không để nàng cô đơn đợi chờ, lẻ bóng dưới trăng. Hắn có thể dùng những phương thức khác để có thể vừa lo cứu chữa Bích Lan vừa đến bên nàng. Hắn biết cơ thể nàng yếu ớt mà sao tàn nhẫn đến vậy? Đó mà là yêu ư? Kết thúc truyện, hắn chôn cất nàng ở Hoàng lăng, mỗi năm sau khi tế lễ hắn lại nhẹ nhàng áp trán lên bia đá và nhỏ lệ. Đây liệu có phải là sự tiếc thương, là sự công nhận nàng là người của hắn, là một thành viên trong Hoàng tộc, hay chỉ là tiếc nuối bởi hắn mất đi một người trung thành với mình, người duy nhất thật lòng kề bên một Đế Vương? Hắn chôn nàng trong Hoàng Lăng, để sau này khi hắn tạ thế, hắn vẫn có nàng ở bên cạnh hầu hạ, phục tùng? Hắn là một kẻ cô đơn, sự tồn tại của Thương Lang đã lấp đầy khoảng trống kia, nhưng khi nàng chết, hắn lại trở về làm một Đế vương cô độc. Phải chăng giọt nước mắt của hắn dùng để khóc thương cho chính mình? Khóc thương cho số phận lạnh lẽo thê lương của một vị Vua?

Mộ Dung Viêm, với tư cách là một người đàn ông, hắn là một người đàn ông thất bại, như những lời hắn đã nói với Tả Thương Lang: “A Tả, Chủ Thượng của nàng cuối cùng vẫn quá nhu nhược.” Hắn mù quáng trong tình yêu với Khương Bích Lan, yếu đuối trong sự dây dưa với Tả Thương Lang, đến cuối cùng cả hai đều rời bỏ hắn, mà hắn thì không biết mình thật lòng yêu ai?

Mộ Dung Viêm, với tư cách là một Đế Vương, hắn là một Đế Vương thành công. Một Đế Vương đủ sức lo cho dân, trị vì đất nước và đủ khả năng thống lĩnh quân đội khi có giặc xâm lăng hay khi đi chinh phạt mở rộng bờ cõi. Hắn là một Đế Vương thành công, bởi hắn dám mơ ước, mơ ước THỐNG NHẤT VIÊM TRIỀU. Và Mộ Dung Viêm cũng là một đế vương thành công, bởi hắn đủ vô tình, đủ cô đơn…

Vì vậy, dù oán trách Mộ Dung Viêm đến đâu, tôi vẫn không thể phủ nhận Nhất Độ Quân Hoa đã xây dựng hình tượng một Đế Vương Mộ Dung Viêm rất thành công!

“Ngoài Chúc Lương nào ai được hóa thành hồ điệp?

Còn kết thúc câu chuyện, lời thề… thôi thôi đã thành lời nói gió bay…

A Tả, phải chăng nàng cũng hy vọng chúng ta chưa từng tương ngộ?”