Trong chèo cổ lưu không có nghĩa là gì năm 2024

Chèo là bộ môn nghệ thuật sân khấu dân tộc, thuần Việt. Được hình thành từ thời nhà Đinh, trải qua hàng nghìn năm phát triển, chèo có lúc thăng, lúc trầm, nhưng nghệ thuật chèo luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân đồng bằng Bắc Bộ:

"Ăn no rồi lại nằm khoèo Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem"

Sức hấp dẫn, lôi cuốn của nghệ thuật chèo không chỉ ở nội dung câu chuyện sân khấu mà còn ở cách hát, lối diễn và đặc biệt còn ở những pha gây cười, duyên dáng, ý nhị của các anh hề.

Qua bảy vở chèo cổ còn lưu truyền cho đến hôm nay là Kim Nham, Trương Viên, Lưu Bình Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính, Chu Mãi Thần, Trinh Nguyên, Từ Thức, chúng ta thấy không có vở chèo nào lại không có anh hề. Có vở, anh hề còn làm chủ sân khấu, lấn lướt cả nhân vật, anh hề "làm mưa làm gió", náo hoạt sân khấu. Mỗi vở diễn, tùy từng nhân vật, tùy từng hoàn cảnh mà lại có anh hề riêng, nên hề trong nghệ thuật chèo phong phú, đa dạng, luôn lôi cuốn và hấp dẫn.

Đầu tiên phải kể đến là các anh hề gậy, hề mồi. Hai anh hề này thường cầm theo gậy hoặc mồi lửa ra sân khấu. Khi vở diễn chuẩn bị bắt đầu, anh hề gậy cầm gậy, huơ chân múa tay khớp cùng tiếng trống thi nhịp, thanh la, bộ gõ, bước ra sân khấu với "trọng trách" dẹp đám, có nghĩa là ngầm thông báo vở diễn đã bắt đầu, ai còn ở ngoài thì mau vào, ai đang nói chuyện thì im lặng, các diễn viên phía trong khẩn trương chuẩn bị để ra diễn. Cũng ra đầu tiên như anh hề gậy nhưng anh hề mồi thì cầm theo mồi lửa để vừa múa, vừa hát và làm thêm nhiệm vụ nữa là xem ngọn đèn nào trên sân khấu đang tắt thì châm lên. Hề gậy, còn gọi là hề theo thầy. Anh hề này thường đóng vai người đầy tớ đi theo ông quan hoặc các anh khóa. Cây gậy anh mang dùng làm đạo cụ múa hát, làm đòn gánh, gánh theo hành lý hoặc cũng có khi làm cầu để thầy khóa, ông quan bước qua. Anh hề gậy thường thông minh hóm hỉnh, hay trêu, ghẹo các thầy khóa, giúp người xem có được những trận cười thoải mái.

Bên cạnh những anh hề gậy, hề mồi, thì trong nghệ thuật chèo có một số anh hề nữa rất điển hình, rất đặc sắc mà các cụ ta ngày xưa dụng công xây dựng. Đó là anh hề tính cách. Tại sao lại là hề tính cách? Vì các anh hề này ra sân khấu là bộc lộ tính cách của mình. Ở đây phải nói rõ, lúc này trên sân khấu không phải là các anh hề đốt nhọ bôi mồm nữa mà là các nhân vật hẳn hoi. Các nhân vật này có lý lịch, có thân phận, thậm chí là quan lại chức sắc, nhưng bản thân họ tự giễu mình (theo lối dân gian) để khán giả vui cười. Nhiều năm qua, các bạn và các em xem chèo hẳn không quên được nhân vật lý trưởng trong trích đoạn Lý trưởng mẹ Đốp của vở Quan Âm Thị Kính. Đường đường là lý trưởng, chức to, hách dịch nhất làng, nhưng qua cuộc đối đáp với mẹ mõ Đốp, người được xem là có thân phận thấp hèn nhất trong làng xã thuở xưa, mà chịu thua. Sự thông minh, hóm hỉnh của mẹ Đốp đã làm bộc lộ tính cách dốt nát, ươn hèn và "máu dê" của lý trưởng. Chỉ cần qua trích đoạn này và trích đoạn Việc làng với hương câm, đồ điếc, thầy mù... người xem cũng có thể hình dung được bộ mặt thật của làng xã Việt Nam trong giai đoạn phong kiến thuở xưa, hiểu vì sao cô Thị Kính lại phải chịu oan ức, người dân chịu biết bao cực khổ như thế... Bên cạnh những lý trưởng, hương câm, đồ điếc... ở trong làng, hề chèo cũng không ngần ngại đả kích cả những quan lại cấp trên, hống hách, nịnh nọt, đè đầu cưỡi cổ nhân dân... vẻ ngoài oai phong lẫm liệt "quan lớn như thần" nhưng bên trong thì xấu xa, bỉ ổi, hèn hạ. Hề chèo cũng đả kích mạnh vào thói mê tín dị đoan làm tan cửa nát nhà bao gia đình. Những trích đoạn Thầy bói nói dựa, Phù thủy sợ ma... còn mãi đến hôm nay, được nhiều thế hệ nghệ sĩ thành danh trong làng chèo biểu diễn là một ví dụ minh chứng cho điều đó.

Vì sao hề chèo lại có sức trường tồn và lan tỏa như vậy? Bởi vì thông qua những anh hề, nhân dân lao động được cười, được vui, được chế giễu những ông quan tham, những thầy đồ dốt, ông phù thủy sợ ma, đám lý trưởng hách dịch... qua đó người dân gián tiếp thể hiện thái độ phản kháng của mình. Một điều khá thú vị là các làn điệu hát chèo được xem là buồn nhất như Ba mươi Tết, Tò vò, Làn thảm, Cu lớn cu bé... lại do những anh hề hát. Trong nụ cười có nước mắt. Những anh hề khóc mua vui, còn người dân đang xem bên dưới khóc thật. Họ khóc cho thân phận mình, cho những người thân, cho hàng xóm bạn bè xung quanh. Chèo là thế, cười đấy mà khóc đấy, khóc rồi lại cười...

Về nghệ thuật, hề chèo tiếp thu hầu hết tiếng cười dân gian. Từ những câu đố vui, những chuyện ngụ ngôn, cách nói lái, cách nói giễu đến cách bắt chước, nhại giọng... sự thông minh, hóm hỉnh thể hiện trong mỗi vai hề lại khác nhau.

Hề gậy theo thầy biết chữ thì nói chữ:

Hề: - Bác cho con hỏi tiền đồ bác tí nhé.

Thầy khóa: - Con cứ hỏi.

Hề: - Thế bác lấy mấy vợ?

Thầy khóa: - Bác lấy ba vợ.

Hề: - Ôi giời ơi, trông thế này mà là đồ "vơ bạ" kìa...

Hề theo quan thì lại tìm cách "hề " vào quan:

- Ôi mày ơi, quan ra! Quan ra đấy! - (Quan ra) - Ai có gà thì nhốt vào nhé!

Còn hề tính cách thì các ông phù thủy, thầy bói tự "hề" vào mình.

Với vai thầy bói:

- Tử vi xem số cho người. Số thầy thầy để cho ruồi nó bâu.

Hay với vai thầy phù thủy:

- Tôi làm thầy từ năm lên một. Năm nay sáu mốt chả có ma nào, mới ế sưng cả lên đây. ...

Có một điều kỳ lạ là các hề chèo, dù vai lớn hay vai nhỏ, vai dài hay ngắn, hầu như không tham gia vào tích truyện. Nghĩa là bỏ những đoạn hề đi, câu chuyện kịch vẫn diễn ra bình thường, ấy thế nhưng nhiều thế kỷ qua, vở chèo nào cũng có những anh hề, "phi hề bất thành chèo". Điều ấy cho thấy sức sống, sự trường tồn hiếm có của một loại hình nhân vật mang đậm tính dân gian, đậm hồn dân tộc.

Ngày nay, kế tiếp truyền thống của cha ông, các tác giả, đạo diễn, các nghệ sĩ chèo cũng đã sáng tác nhiều vở diễn chèo, trong đó có nhiều nhân vật hề chèo. Tuy nhiên, nhân vật hề chỉ xuất hiện ở những vở chèo thuộc các tích truyện lịch sử, truyền thuyết, hay dã sử, còn với đề tài hiện đại, các vai hề đã được "cải biến" thành bác nông dân, anh lái xe, cô thợ cấy, chị dân quân, chú thợ máy... Các vai hề hiện đại không còn tên hề nữa mà chủ yếu là nhân vật phụ, "vào chuyện" góp vui, rồi lại ra sân khấu, nhường chỗ cho những nhân vật chính, hát múa, diễn...

Với nhiều thế hệ người Việt Nam đặc biệt người xuất thân từ những vùng quê Bắc Bộ giàu văn hóa, ngày xuân thường gắn bó với sân đình, với những trò chơi dân gian, với những lễ hội truyền thống và đặc biệt là những đêm chèo. Và trong những đêm chèo ngày xuân ấm ngọt ấy không thể thiếu những vai hề.