Vai trò của trò chơi trong dạy học trực tuyến

Trong quá trình dạy học, các thầy cô giáo đã không ngừng sáng tạo ra những tiết học trực tuyến hấp dẫn, thú vị.

Đa dạng phần mềm phục vụ dạy học

Trong giờ học trực tuyến môn Lịch sử và Địa lý của cô Nguyễn Khánh Phượng – giáo viên Trường THCS Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội), học sinh hăng hái phát biểu xây dựng bài, được tìm hiểu kiến thức thông qua bài giảng điện tử chất lượng, đồng thời tham gia các trò chơi trong mỗi tiết học.

Cô Phượng chia sẻ: Khi dạy học trực tuyến, nếu chỉ cung cấp kiến thức, học sinh dễ nhàm chán, thậm chí có thể không tham gia vào buổi học. Để khắc phục, giáo viên khi soạn bài phải áp dụng công nghệ thông tin (CNTT), tạo ra những slide đẹp, trò chơi để lôi cuốn, hấp dẫn học sinh.

Cô đã áp dụng nhiều phần mềm hỗ trợ cho bài giảng của mình như Google Meet với ứng dụng điểm danh tự động, nắm được chính xác thời gian các em tham gia để phối hợp với phụ huynh quản lý học sinh. Google Meet còn có các ứng dụng: Giơ tay, tương tác trong cửa sổ chat, giúp các con tham gia tích cực vào giờ học.

Ngoài ra, cô còn sử dụng các phần mềm Wordwall để tạo trò chơi khởi động hoặc củng cố bài học; Padlet tạo hoạt động thảo luận nhóm; Quizizz để giao bài tập trắc nghiệm trực tuyến; Azota để kiểm tra vở ghi, giao bài tập hoặc kiểm tra trực tuyến dạng bài trắc nghiệm hoặc tự luận; Canva để thiết kế phiếu học tập.

Lê Hải Anh - học sinh lớp 6A1 Trường THCS Đại Kim - cho biết, rất thích tiết học vì ngoài kiến thức, em còn được tham gia trò chơi hấp dẫn liên quan đến bài học. Những điểm thưởng qua trò chơi ô chữ giúp em hứng thú hơn. Ngoài ra, những hình ảnh, clip minh họa sinh động do cô giáo trình chiếu giúp em hiểu hơn về bài học, có thêm động lực để tìm hiểu thêm kiến thức.

Mở đầu, giờ học trực tuyến môn Tiếng Anh lớp 4 của cô Vũ Bích Hồng – giáo viên Trường Tiểu học Khương Mai (quận Thanh Xuân), học sinh được hát và múa theo bài hát Days of the Week. Tiếp đến, cô ứng dụng giáo án điện tử kết hợp âm thanh trong phần hội thoại các hoạt động Look, listen and repeat. Ở phần giới thiệu từ vựng, giáo viên sử dụng các hình thức dạy học tích cực để dạy các ngày trong tuần theo sơ đồ tư duy giúp học sinh ghi nhớ tốt hơn.

“Cô giáo đã áp dụng thành công thế mạnh của công nghệ trong tổ chức lớp học. Việc lồng ghép nội dung môn học bằng các ứng dụng công nghệ mang lại hiệu quả tích cực, giảm áp lực, căng thẳng cho học sinh cũng như làm tăng sự hài lòng của phụ huynh với chương trình dạy trực tuyến của nhà trường” - chị Nguyễn Thu Hương, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Khương Mai chia sẻ.

Vai trò của trò chơi trong dạy học trực tuyến
Giáo viên Trường THCS Tân Châu (Khoái Châu, Hưng Yên) dạy học trực tuyến.

Không còn là điểm yếu

Đa dạng hóa phần mềm dạy học trực tuyến không chỉ là “đặc sản” của các trường thành phố mà đã lan tỏa đến nhiều trường, ở nhiều địa phương khác.

Trong tiết học trực tuyến môn Ngữ văn của cô Trần Thị Tứ – giáo viên Trường THCS Hồng Vân (huyện Ân Thi, Hưng Yên), nhiều phần mềm dạy học hiện đại được áp dụng giúp bài học trở nên sinh động, hấp dẫn hơn.

Cô Tứ chia sẻ: Phương thức dạy học trực tuyến mà cô áp dụng là dạy học trên Teams, K12 Online, kết hợp với Zalo, Azota để thực hiện giao và chấm bài online. Đây là cách học cá thể hóa, theo nhu cầu, cho phép học sinh lựa chọn và xem lại nội dung, kết quả học tập như mong muốn. Học sinh học tập có thể độc lập về thời gian, không gian và trong mọi giai đoạn học trực tuyến.

Theo thầy Nguyễn Hữu Hiệp - Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Vân, để dạy học trực tuyến hiệu quả, các tổ bộ môn của trường biên soạn bài và giảng dạy theo lịch của trường. Giáo viên giảng bài và giao nhiệm vụ học tập, kiểm tra đánh giá trên phần mềm Microsoft Team; sử dụng 2 ứng dụng Zoom Meeting và Google Meet để dự phòng; ứng dụng Zalo để hỗ trợ.

Hiện, tất cả giáo viên trong trường sử dụng thành thạo các phần mềm, hoàn thiện kỹ năng dạy học qua các phần mềm, có kỹ năng xây dựng thời khóa biểu và lịch học, triển khai dạy học theo đúng yêu cầu. Đặc biệt, nhiều thầy cô còn thành thạo trong việc tổ chức lớp học trực tuyến, có kỹ năng kết hợp nhiều ứng dụng khác nhau để bài học thêm phong phú.

Tại Trường THCS Tân Châu (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) sân trường vắng bóng học sinh nhưng trong các lớp học, thầy cô vẫn thực hiện giảng bài. Năm nay, nhà trường thống nhất sử dụng phần mềm Teams để giảng dạy với nhiều chức năng chuyên nghiệp hơn. Các thầy cô giáo cũng áp dụng  phần mềm hỗ trợ khác vào trong giảng dạy.

Thầy Lê Văn Bảy - Hiệu trưởng Trường THCS Tân Châu - chia sẻ: Để nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến, nhà trường yêu cầu các tổ bộ môn linh hoạt xây dựng chương trình, kiến thức phù hợp. Qua kiểm tra tại các lớp học trực tuyến, hệ thống đường truyền phục vụ cho việc dạy và học trực tuyến ổn định, không khí học tập diễn ra khá sôi nổi.

Chị Nguyễn Thị Hoa, phụ huynh học sinh Trường THCS Tân Châu, cho biết: Nhờ sự đổi mới của các thầy cô, giờ học trực tuyến đã trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều. Trước kia, học trực tuyến bằng phần mềm Zoom, các con chỉ đơn thuần nghe cô giảng bài thì phần mềm Teams có nhiều chức năng, ổn định hơn, không có tình trạng bị “đẩy” ra khỏi lớp.

Năm qua với sự xuất hiện của dịch Covid - 19, dạy học trực tuyến đã không còn là câu chuyện xa lạ đối với giáo dục Việt Nam. Khi dịch bệnh trở lại và có diễn biến phức tạp, đa số các trường học đều chủ động, nhanh chóng triển khai dạy học trực tuyến.

Mặc dù vậy, dạy học trực tuyến vẫn luôn đặt ra câu hỏi về chất lượng dạy và học. Vậy phải triển khai dạy học trực tuyến như thế nào để vừa có hiệu quả, vừa giúp học sinh hứng thú học tập?

Chia sẻ vấn đề này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Tạ Thị Thu – Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Tiểu học ICS (Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định: Để dạy học trực tuyến hiệu quả khi giáo viên chỉ tương tác với học sinh qua màn hình máy tính, điện thoại là một điều không dễ dàng.

Việc này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như điều kiện cơ sở vật chất, trình độ công nghệ thông tin của thầy cô, sự hỗ trợ đồng hành của phụ huynh và định hướng dạy học online của mỗi trường.

Game hóa nội dung bài dạy trực tuyến

Theo Thạc sĩ Tạ Thị Thu, dạy học trực tuyến cần được xem là một hình thức dạy học chính để triển khai trong trường học, các trường cần nhìn nhận rõ vai trò của hình thức dạy học này.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, mỗi trường cần xây dựng định hướng, cách thức triển khai với kế hoạch cụ thể cho việc dạy học trực tuyến, đảm bảo chất lượng và hiệu quả của mỗi giờ dạy.

Vai trò của trò chơi trong dạy học trực tuyến

Thạc sĩ Tạ Thị Thu (thứ 3 từ trái sáng) cho rằng các trường học nên có kế hoạch, định hướng rõ ràng đối với dạy học trực tuyến (Ảnh: Cô Thu cung cấp)

Trong tất cả những yếu tố quyết định đến chất lượng dạy học trực tuyến, cô Thu cho rằng giáo viên là người giữ vai trò trung tâm.

"Không thể mang thiết kế bài giảng của lớp học trực tiếp để áp dụng cho dạy học trực tuyến, vì vậy, giáo viên cần phải đặt ra câu hỏi về cách thức tổ chức lớp học trực tuyến.

Phương thức giảng bài, lắng nghe, ghi chép đã không còn phù hợp với cả lớp học trực tiếp và trực tuyến.

Ở lớp, giáo viên thường thực hiện một số phương pháp, tổ chức các hoạt động vận động hoặc trò chơi, thảo luận để giúp học sinh tham gia tích cực vào bài học.

Khi chuyển sang dạy học trực tuyến, nhiệm vụ của giáo viên là game hóa nội dung kiến thức bài giảng của mình, nghĩa là tổ chức hoạt động trò chơi tương tác qua các ứng dụng, phần mềm để có một giờ học online thú vị, hấp dẫn và cuốn hút học sinh", cô Thu chia sẻ.

Với trẻ em, việc sử dụng những thiết bị công nghệ để chơi, xem phim là một việc vô cùng hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu bắt các con ngồi trước màn hình máy tính để lắng nghe, ghi chép, làm theo hiệu lệnh là cả một thách thức lớn. Học qua trò chơi giúp học sinh tiếp nhận và ghi nhớ kiến thức dễ dàng hơn.

Việc game hóa nội dung bài giảng vào dạy học trực tuyến đòi hỏi có sự hỗ trợ của các ứng dụng công nghệ cũng như năng lực số của mỗi giáo viên.

Để làm rõ điều này, cô Thu nêu ví dụ: "Với bài toán dạy về phép tính nhân 2, ở lớp học trực tiếp, giáo viên phát cho các nhóm thẻ từ và yêu cầu học sinh phải thao tác với que tính, lúc đó, thầy cô tổ chức lớp học bằng lời nói, hiệu lệnh, công cụ hỗ trợ là que tính.

Khi dạy học online, thầy cô phải sáng tạo, mã hóa những que tính bằng hình ảnh con vật, trái cây, theo dõi nhóm học sinh thực hiện các thao tác. Trong phần thực hành, thầy cô cần phải thiết kế nên những trò chơi như kéo thả vào câu trả lời, hoặc trò chơi gọi tên ngẫu nhiên,... tạo sự bất ngờ, thú vị".

Bằng cách này, giáo viên đang tạo được sự thu hút, tinh thần chủ động, tích cực học tập của học sinh.

Tuy nhiên, giáo viên cũng cần tìm hiểu kỹ thuật, công nghệ, phần mềm hỗ trợ thiết kế trò chơi tương tác nói trên.

Trong dạy học trực tuyến, khi có một hệ thống cơ sở vật chất ổn định, giáo viên đảm bảo yêu cầu về năng lực số thì vẫn rất cần sự tham gia, đồng hành, hỗ trợ của phụ hynh.

Đặc biệt, với học sinh tiểu học, học online cần có sự dẫn dắt của người lớn, các con không thể một mình xử lý các tương tác bài học cũng như những thao tác công nghệ trên các thiết bị số.

Đặc biệt, phụ huynh có nhiệm vụ giúp con chuẩn bị tâm lý, sẵn sàng tinh thần cho việc học online. Vai trò hỗ trợ của phụ huynh có thể giảm dần khi trẻ thuần thục các kỹ năng, thao tác và khi giáo viên đã thiết lập được những quy tắc nhất định trong dạy học online.

Chọn nền tảng dạy học trực tuyến phù hợp và có định hướng cụ thể

Thạc sĩ Tạ Thị Thu cho biết, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, nền tảng dạy học trực tuyến cùng những kế hoạch cụ thể hỗ trợ cho hoạt động dạy - học online là những vấn đề mà các trường học cần phải lưu tâm.

Việc làm quan trọng đầu tiên là ban chuyên môn của trường sẽ đánh giá, so sánh, thẩm định và lựa chọn ra được một công cụ dạy học online có thể đáp ứng được yêu cầu chất lượng cũng như đảm bảo tương tác giữa học sinh và giáo viên.

Vai trò của trò chơi trong dạy học trực tuyến

Trường học cần chọn nền tảng dạy học trực tuyến phù hợp cùng những công cụ hỗ trợ tương tác trong dạy học online (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Theo cô Thu, không có một công cụ nào là vạn năng, cung cấp mọi tính năng và đáp ứng mọi kỳ vọng của con người. Tuy nhiên, giáo viên có thể kết hợp sử dụng các công cụ khác nhau.

"Để có định hướng cho giáo viên, nhà trường nên đánh giá những ưu điểm và hạn chế của từng công cụ. Có thể kể đến những công cụ phổ biến như Microsoft Teams, Google Meeting, Google Classroom, Zoom Cloud Meeting, Skype, Google Hangout,...

Mỗi công cụ lại có những tính năng nổi bật riêng, Microsoft Teams bổ sung các công cụ trò chuyện; Google Classrom có hệ thống bình luận tuyệt vời, Google Hangout có hơn 850 biểu tượng cảm xúc giúp giờ học trực tuyến thú vị hơn,...

Bên cạnh đó, giáo viên có thể sử dụng các phần mềm hỗ trợ như sử dụng Kahoot để tạo ra những trò chơi kiểm tra, giúp học sinh ghi nhớ kiến thức, tạo các câu hỏi nhanh tăng tính tương tác; sử dụng Google Form để thực hiện khảo sát, kiểm tra, đánh giá học sinh", cô Thu cho biết.

Trường học cũng cần có những đào tạo, hướng dẫn cụ thể cho giáo viên về nền tảng dạy học trực tuyến mà trường mình lựa chọn. Bộ phận IT, đội ngũ giáo viên dạy công nghệ thông tin có nhiệm vụ hướng dẫn các giáo viên sử dụng và khai thác hiệu quả những ứng dụng, công cụ dạy học trực tuyến.

Thứ hai, nhà trường cần thiết kế bộ môn công nghệ thông tin, cung cấp cho học sinh kỹ năng cơ bản để các con sử dụng các thiết bị công nghệ như máy tính, Ipad. Bộ môn này hướng dẫn học sinh những thao tác để các con nhận nhiệm vụ học tập online.

Thông qua đó, giáo viên cũng hướng dẫn các con những thủ thuật, thông tin an toàn trên Internet khi sử dụng công cụ mạng.

Thứ ba, một trong những kế hoạch quan trọng của nhà trường khi triển khai dạy học trực tuyến là triển khai hoạt động tham vấn học đường.

Theo cô Thu, nếu đứa trẻ không được chuẩn bị kỹ về mặt tâm lý khi phải đón nhận những biến cố, thay đổi thì các con không hiểu được bản chất vấn đề.

Việc học trực tuyến không thể mang tính một chiều từ nhà trường, nếu thầy cô, ba mẹ ép buộc con học thì việc học sẽ khó đạt được hiệu quả.

"Bộ phận tham vấn học đường sẽ gửi thông tin đến phụ huynh, giúp con biết được lý do con phải học trực tuyến và triển khai học tập làm sao cho hiệu quả.

Sau đó, xen kẽ với giờ học kiến thức là những tiết học tham vấn học đường, giáo viên tương tác, cung cấp cho học sinh những kiến thức về sức khỏe tâm lý, giúp các con chia sẻ nỗi buồn, khó khăn trong giai đoạn ở nhà học online.

Thầy cô giáo phòng tham vấn cũng sẽ giúp các em thực hành trí thông minh cảm xúc, sẻ chia những thiếu hụt về mặt tinh thần, những vấn đề tâm lý, hoặc thầy cô gợi ý những tip nhỏ giúp các con vượt qua giai đoạn khó khăn", cô Thu cho biết thêm.

Bên cạnh đó, dạy học trực tuyến cũng cần bàn đến vai trò của giáo viên chủ nhiệm - người trực tiếp làm việc, cập nhật lịch học cho học sinh. Thầy cô phải kết nối với bố mẹ học sinh để có được thông tin những học sinh gặp vấn đề khó khăn khi tham gia học tập online. Từ đó, các bộ phận trong trường học sẽ lên phương án hỗ trợ học sinh học tập đầy đủ, hiệu quả.

Theo Thạc sĩ Tạ Thị Thu, một khi dạy học trực tuyến hiệu quả, học sinh không bị thiếu hụt kiến thức thì sẽ luôn tạo được sự đồng thuận, hỗ trợ từ phụ huynh. Dù học sinh không đến trường nhưng nhà trường và phụ huynh vẫn thiết lập được mối quan hệ tốt đẹp, hướng đến một mục tiêu chung là vì con đường học tập của các em.

Phạm Minh