Ví dụ về giao kết hợp đồng thương mại

Đặc san 02/2013

Mục lục

  • 0.Dẫn nhập
  • 1.Khái niệm về đề nghị giao kết hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 390 BLDS 2005
  • 2.Hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng
  • 3.Hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng
  • 4.Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng
  • 5.Hình thành đề nghị mới
  • 6.Tài liệu tham khảo

Đề nghị và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng - nhìn từ góc độ so sánh

LÊ THỊ DIỄM PHƯƠNG*

Đặc san 02/2013 - 2013, Trang 68-74

Ngày đăng:

  • Trích dẫn
  • Share

    • Twitter
    • Facebook
    • Zalo

TÓM TẮT

Giao kết hợp đồng là việc các chủ thể bày tỏ ý chí với nhau thông qua đàm phán, trao đổi, thương lượng, từ đó nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Đây là giai đoạn thiết lập mối quan hệ pháp lý giữa các chủ thể trong quan hệ hợp đồng. Liên quan đến nội dung này, Công ước Vienna về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của Liên hiệp quốc năm 1980 [CISG], Bộ nguyên tắc về hợp đồng thương mại quốc tế của UNIDROIT năm 2004 [PICC] và Bộ luật Dân sự [BLDS] năm 2005 của Việt Nam đều có những quy định cụ thể. Trong phạm vi của bài viết, tác giả chỉ phân tích một số điểm bất cập của các quy định liên quan đến đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng từ Điều 390 đến Điều 400 BLDS Việt Nam 2005. Trên cơ sở phân tích những nội dung trên, tác giả có nêu ra bất cập cụ thể nhìn từ góc độ văn bản của BLDS Việt Nam hiện hành, từ đó phân tích đối chiếu, so sánh với pháp luật nước ngoài, nhằm đưa ra những kiến nghị góp phần hoàn thiện các quy định này cho BLDS sửa đổi trong tương lai.


ABSTRACT:

Entering into a contract is a way the parties express their intentions through negotiations, exchanges, arrangements in order to create, amend, terminate civil rights and obligations. This is the stage of creating the legal relationship between the subjects of the contract. The Convention on International Sale of Goods 1980 [CISG], the Principles of International Commercial Contracts 2004 of UNIDROIT [PICC], etc. and the Civil Code 2005 of Vietnam [VNCC 2005] have specifically stipulated this content. Within the scope of this paper, the author analyzes only inadequacies of regulations on offer and acceptance of entering into a contract from Article 390 to Article 400 of the VNCC 2005: Based on the above – mentisned analysis, the author of the contents above, I will clarify specific inadequacies of the applicable Vietnam Civil code [CC], analyse and compare the CC with foreign laws in order to give recommendations to improve the inadequacies in the amended CC.

TỪ KHÓA: không có,

KEYWORDS: không có,

Trích dẫn:

×

LÊ THỊ DIỄM PHƯƠNG*, Đề nghị và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng - nhìn từ góc độ so sánh, Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, Đặc san 02/2013, Trang 68-74

//tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=e006f899-f1d9-425e-a0f1-1d84b886bac1

Đăng ký để tải miễn phí Đăng ký

Bài viết đã được lưu vài tài khoản.

×

Vui lòng vào mục "Quản lý tài khoản" -> "Bài viết đã lưu" để có xem tiếp ngay lần đăng nhập sau.

Có thể xác định quá trình giao kết hợp đồng được thể hiện thông qua hai bước: đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng. BLDS Việt Nam 2005 đã dành chủ yếu Điều 390 đến Điều 400 để quy định về quá trình này. Nhìn từ góc độ văn bản những quy định liên quan đến nội dung này theo quan điểm của tác giả cũng tồn tại những bất cập nhất định.

1. Khái niệm về đề nghị giao kết hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 390 BLDS 2005

Khoản 1 Điều 390 BLDS Việt Nam 2005 quy định:“Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể”.

Nhìn từ quy định này chúng ta thấy rằng: Một đề nghị giao kết hợp đồng phải thỏa mãn các yếu tố: thể hiện rõ ý định giao kết, phải có sự ràng buộc về mặt pháp lý đối với bên được đề nghị và bên được đề nghị phải được xác định cụ thể, rõ ràng.

Tuy nhiên, ở vế thứ nhất của điều luật,nếu xét về từ ngữ pháp lý, BLDS Việt Nam 2005 không nêu cụ thể“thể hiện ý định giao kết”hợp đồng là như thế nào nên sẽ dẫn đến rất khó xác định những trường hợp cụ thể như thư chào hàng [được gửi trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua nhiều hình thức] ghi nhận các nội dung liên quan đến đề nghị bán một sản phẩm hàng hóa từ doanh nghiệp đến khách hàng cụ thể có được xem là đề nghị giao kết hợp đồng hay không? Thông thường nội dung của một thư chào hàng đã cho thấy hành động “sẵn sàng” giao kết hợp đồng từ phía doanh nghiệp, đồng nghĩa với việc họ mong đợi giao kết hợp đồng từ phía đối tác, tức là đã thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là điều kiện “cần” chứ chưa “đủ” cho một đề nghị giao kết hợp đồng. Vì để được xem là lời đề nghị thì phải thỏa mãn những điều kiện ở vế thứ hai của khoản 1 Điều 390 BLDS Việt Nam 2005, đề nghị giao kết hợp đồng phải“chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể”.Thực tế, hiện nay quy định này có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Theo cách hiểu thứ nhất: đề nghị giao kết hợp đồng là một hành vi pháp lý đơn phương có thể làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt một giao dịch cụ thể. Bên đề nghị giao kết hợp đồng phải tự ràng buộc mình với những nội dung đã đưa ra trong đề nghị đó đối với bên được đề nghị. Theo cách hiểu thứ hai: đề nghị giao kết hợp đồng thể hiện rõ ý định giao kết và ràng buộc với bên được đề nghị cụ thể, điều này đồng nghĩa với việc đề nghị giao kết hợp đồng đã được “chấp nhận” và sẽ ràng buộc trách nhiệm đối với bên được đề nghị khi hợp đồng có hiệu lực. Rõ ràng cùng một vấn đề nhưng quy định này của điều luật có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.

Mặt khác, cũng theo điều luật này thì bên được đề nghị phải“được xác định cụ thể”, cụm từ này được hiểu như thế nào? BLDS 2005 không đưa ra cách giải thích cụ thể cho cụm từ này. Vì vậy, cụm từ này có thể hiểu theo nhiều khía cạnh khác nhau.Một là,lời đề nghị phải được gửi đến bên được đề nghị cụ thể, chứ không phải chung chung. Ví dụ: A muốn bán căn nhà thuộc quyền sở hữu của mình và gửi lời đề nghị này trực tiếp đến B. Hoặc, một doanh nghiệp gửi thư chào hàng đến 100 khách hàng bao gồm cá nhân được xác định bởi họ tên, quốc tịch, hộ khẩu thường trú [hoặc địa chỉ tạm trú] và pháp nhân đã được xác định bởi tên gọi, trụ sở và quốc tịch. Hai trường hợp nêu trên bên đề nghị đã được xác định cụ thể.Hai là,đề nghị không gửi đến “đích danh” một chủ thể nào nhưng lời đề nghị có nêu rõ nội dung và chủ thể được đề nghị, ví dụ: một doanh nghiệp đưa ra lời quảng cáo có nội dung: “khách hàng mua sản phẩm của doanh nghiệp trong dịp lễ 2.9 và may mắn trúng thưởng thông qua hình thức bốc thăm sẽ nhận được một suất quà tặng trị giá một triệu đồng”. Lời quảng cáo này đã hướng đến đối tượng đề nghị là “khách hàng mua sản phẩm của doanh nghiệp và trúng thưởng” thì sẽ được nhận “quà tặng”. Như vậy, lời quảng cáo nêu trên không gửi đến “đích danh” một chủ thể nào nhưng có đối tượng cụ thể [là khách hàng may mắn trúng thưởng], theo quan điểm của tác giả thì đây cũng có thể xem là một lời đề nghị vì có nêu rõ nội dung và đối tượng đề nghị.

Tuy nhiên, trong khoa học pháp lý cũng có nhiều tranh luận liên quan đến việc những nội dung cụ thể như lời quảng cáo, thư chào hàng, đặt hàng… có phải là đề nghị giao kết hợp đồng không? Có quan điểm cho rằng có, lại có quan điểm cho rằng chưa thể xem đây là đề nghị giao kết hợp đồng[1].

Bộ nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế, Điều 2.1.2quy định:“Một đề nghị được gọi là đề nghị giao kết hợp đồng nếu nó đủ rõ ràng và thể hiện ý chí của bên đưa ra đề nghị bị ràng buộc khi đề nghị giao kết được chấp nhận”. Đề nghị giao kết hợp đồng được xác định thông qua hai điều kiện: để nghị phải cụ thể, rõ ràng [bao gồm các điều khoản cụ thể của hợp đồng][2]để có thể hình thành hợp đồng trong tương lai [khi được chấp nhận] và thể hiện ý chí của bên đề nghị giao kết muốn được ràng buộc nếu bên kia chấp nhận đề nghị đó. Như vậy với quy định này thì đề nghị giao kết hợp đồng phụ thuộc vào ý chí và mong muốn đích thực giao kết hợp đồng của bên đề nghị và không quan tâm đến “bên được đề nghị” có xác định cụ thể hay không?

Điều 14 Công ước Vienna 1980 quy định:“Một đề nghị giao kết hợp đồng gửi cho một hay nhiều bên xác định được xem là một chào hàng nếu nó đầy đủ và thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng của người đề nghị trong trường hợp chào hàng được chấp nhận. Một đề nghị được coi là đầy đủ nếu có nêu rõ hàng hóa và - ngầm định hoặc rõ ràng - xác định hoặc quy định cách thức xác định giá cả và số lượng hàng hóa của hợp đồng. Một đề nghị không gửi tới một hoặc nhiều bên xác định thì chỉ được xem là lời mời chào hàng, trừ trường hợp bên đưa ra đề nghị đó tuyên bố rõ ràng sẽ chịu ràng buộc trách nhiệm”.

Như vậy, CISG 1980 hướng đến việc lời đề nghị như chào hàng được xem là đề nghị hợp đồng – nếu thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng [với đầy đủ những điều khoản cơ bản] và chịu sự ràng buộc với bên được đề nghị xác định nếu đề nghị được chấp nhận. Cũng tương đối giống với PICC, CISG 1980 quan tâm đến lời đề nghị đã được xác định và thể hiện rõ ý định ràng buộc đối với bên được đề nghị, tuy nhiên theo CISG 1980 thì bên được đề nghị cũng phải được xác định cụ thể.

Theo quan điểm của tác giả, lời đề nghị giao kết hợp đồng không cần phải chứa đựng những điều khoản mang tính chất cơ bản vì như thế có thể trái với ý chí tự do thỏa thuận của các bên, lời đề nghị chỉ cần phải thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng, và chịu sự ràng buộc với bên được đề nghị.

Bên được đề nghị không nhất thiết phải là bên được xác định cụ thể bởi lẽ với quy định như hiện nay của BLDS có thể dẫn đến nhiều cách suy luận khác nhau như đã phân tích trên, mặt khác một đề nghị giao kết hợp đồng vốn là một hành vi pháp lý đơn phương nên quan trọng là phải đáp ứng những điều kiện cơ bản để có thể có hiệu lực khi được chấp nhận. Nếu một lời đề nghị thỏa mãn hai điều kiện thì khi được gửi đến bên được đề nghị dù có xác định cụ thể hay không thì bản chất nó cũng là một lời đề nghị. Chính vì vậy, đề nghị giao kết hợp đồng có thể hướng đến một đối tượng cụ thể nhưng cũng có thể hướng tới “công cộng”- các chủ thể không xác định và chỉ cần một chủ thể bất kỳ chấp nhận đề nghị thì có thể xác lập quan hệ trao đổi, như ví dụ đã nêu trên: Quảng cáo bán hàng hóa có khuyến mại tặng quà cho khách hàng trúng thưởng thì quảng cáo này đã là một đề nghị giao kết hợp đồng, do xác định rõ nội dung hợp đồng và xác định được chủ thể được đề nghị là khách hàng trúng thưởng.

Từ cơ sở phân tích nêu trên, kế thừa và kết hợp quy định của PICC và CISG 1980 tác giả cho rằng Điều 390 nên sửa lại như sau: “đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc khi đề nghị giao kết hợp đồng được chấp nhận.”

* ThS Luật học, Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.

[1]Trong bài viết “Quy định của BLDS 2005 về hợp đồng - Những bất cập đặt ra từ thực tiễn giao kết hợp đồng của doanh nghiệp và giải pháp sửa đổi” theo GS.TS Nguyễn Thị Mơ: “Sự khác nhau giữa một đề nghị về việc giao kết hợp đồng với một báo giá hay hỏi hàng là ở chỗ đề nghị về việc giao kết hợp đồng được gửi đích danh cho một người [một DN] hoặc một số người [một số DN] và do đó người gửi đề nghị giao kết hợp đồng phải tự ràng buộc mình với những nội dung đã đưa ra trong đề nghị đó, còn báo giá hay hỏi hàng không gửi đích danh cho ai cả, nó mới chỉ là một sự thăm hỏi chung chung và do đó nó không ràng buộc người báo giá hay hỏi hàng”.

Theo Hoàng Thế Liên [chủ biên], Bình luận khoa học BLDS 2005 [tập 2], Nxb Chính trị Quốc gia, tr. 210: “Quảng cáo hàng hóa không phải là lời đề nghị giao kết hợp đồng”…

“Giao kết hợp đồng – góc nhìn từ luật so sánh” PGS.TS Dương Anh Sơn cho rằng: “Khác với quảng cáo hay lời mời chào hàng, chào hàng có giá trị pháp lý ràng buộc”.

[2] Điều 2.1.13 PICC quy định: Trong các cuộc đàm phán, khi một bên yêu cầu việc giao kết hợp đồng phụ thuộc vào thỏa thuận về một số vấn đề liên quan đến nội dung hoặc hình thức, thì hợp đồng chỉ được giao kết nếu các bên đạt được thỏa thuận về những vấn đề này.


2. Hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng

Theo quy định tại khoản 2 Điều 390 BLDS Việt Nam 2005:“trong trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh”.

Theo khoản 1 Điều 391 BLDS 2005 thì thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực được xác định như sau: [a]Do bên đề nghị ấn định. [b]Nếu bên đề nghị không ấn định thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó.

Đối với trường hợp đề nghị không ấn định thời hạn trả lời BLDS Việt Nam 2005 quy định sẽ có hiệu lực từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó. Tuy nhiên, đối với trường hợp đề nghị có ấn định thời hạn trả lời theo quy đinh của BLDS Việt Nam 2005 thì đề nghị giao kết hợp đồng trước hết phụ thuộc vào “ấn định” của bên đề nghị và nếu bên đề nghị không ấn định thì đề nghị sẽ có hiệu lực từ thời điểm bên được đề nghị nhận được đề nghị.

Theo quan điểm của tác giả với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 391 BLDS Việt Nam 2005 thì khi bên đề nghị đưa ra lời đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì thời hạn này cũng là thời hạn có hiệu lực của lời đề nghị, ví dụ: Công ty XXX gửi một lời đề nghị giao kết hợp đồng đến khách hàng với nội dung“Thưa công ty xxx:… Do mức giá khuyến mại hấp dẫn và do số lượng xe sản xuất đợt này chỉ có hạn [800 chiếc], nếu quý Công ty muốn mua, đề nghị phải thông báo cho chúng tôi bằng văn bản trước 17h ngày X/X/X. Sau thời điểm này, chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm về đơn đặt hàng của quý Công ty. Một điều kiện trong việc đặt hàng với chúng tôi là quý Công ty phải trả trước 50% giá trị hợp đồng ngay từ thời điểm đặt hàng, số còn lại quý Công ty sẽ thanh toán trong vòng 15 ngày kể từ khi giao hàng…”.Như vậy, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 391 BLDS 2005 thì thời hạn có hiệu lực của lời đề nghị do bên đề nghị ấn định, tuy nhiên mục đích của lời đề nghị là nhằm hướng đến việc xác lập một quan hệ hợp đồng với phía bên được đề nghị và theo quy định tại khoản 1 Điều 390 BLDS Việt Nam 2005 thì lời đề nghị “vốn dĩ” đã mang tính ràng buộc quyền và nghĩa vụ pháp lý kể từ thời điểm bên đề nghị đưa ra và một khi bên được đề nghị chấp nhận thông qua các hình thức hợp pháp thì có thể dẫn đến hợp đồng được giao kết, như vậy việc cho phép bên đề nghị ấn định thời điểm có hiệu lực có thể dẫn đến trường hợp là thời điểm có hiệu lực của lời đề nghị sẽ đến sớm hoặc muộn hơn thời điểm nhận được đề nghị vànhư thế sẽkhông mang lại hiệu quả trên thực tế.

Mặt khác, để xác lập hệ quả cho trường hợp bên đề nghị vi phạm chính “cam kết” của mình, khoản 2 Điều 390 BLDS Việt Nam 2005 quy định bên đề nghị phải “bồi thường thiệt hại”, cụ thể“trong trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh.”. Vấn đề là bồi thường thiệt hại này sẽ áp dụng theo cơ sở pháp lý nào? Trong hợp đồng hay bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng? Nếu trong hợp đồng cũng không phù hợp vì lúc này các bên thực tế chưa có quan hệ hợp đồng, còn nếu ngoài hợp đồng thì BLDS Việt Nam cũng không có nêu ra cơ sở cụ thể cho việc áp dụng đối với trường hợp này.

Khác với Việt Nam, pháp luật của một số nước quy định thời điểm có hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng là khi được gửi đến bên được đề nghị. Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Công ước Vienna 1980: “chào hàng có hiệu lực khi nó tới được người chào hàng”,tương tự theo Điều2.1.3 của PICC:“đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực khi đề nghị này đến bên nhận đề nghị”. Khoản 1 Điều 97 BLDS Nhật Bản quy định:“Hành vi đề nghị được thông báo cho một đối tượng cụ thể có hiệu lực từ thời điểm đối tượng đó tiếp nhận đề nghị”.Pháp luật theo hệ thốngthông luật cũng xác định đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm được gửi tới người nhận và sẽ không thể có hiệu lực trước khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó[3]. Như vậy, theo các quy định này thì một đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực khi đề nghị giao kết hợp đồng đến bên được đề nghị, quy định này cho thấy thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực đóng vai trò quan trọng vì chỉ ra thời điểm cụ thể mà bên được đề nghị có thể chấp nhận đề nghị và ràng buộc bên đưa ra đề nghị hợp đồng. Thiết nghĩ BLDS nên sửa đổi theo hướng này cho phù hợp với thông lệ quốc tế.

Từ cơ sở phân tích nêu trên, tác giả cho rằng khoản 1 Điều 391 nên sửa lại như sau: “Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó.”

[3]Nguồn://lexinter.net/LOTWVers4/restatement_%28second%29_of_contracts.htm.



3. Hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng

Điều 393 BLDS Việt Nam 2005 quy định: “trong trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng thực hiện quyền hủy bỏ đề nghị do đã nêu rõ quyền này trong đề nghị thì phải thông báo cho bên được đề nghị và thông báo này chỉ có hiệu lực khi bên được đề nghị nhận được thông báo trước khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.”

Một đề nghị giao kết hợp đồng có thể bị hủy bỏ hay không?

Khoản 2 Điều 15 Công ước Vienna quy định:“Chào hàng dù là loại chào hàng cố định, vẫn có thể bị hủy nếu như thông báo về việc hủy chào hàng đến người được chào hàng trước hoặc cùng lúc với chào hàng”. Như vậy, theo CISG đề nghị giao kết hợp đồng có thể bị hủy bỏ với điều kiện thông báo về việc hủy bỏ chào hàng được gửi đến người được chào hàng trước hoặc cùng thời điểm với chào hàng. Với quy định này chúng ta thấy rằng chỉ khi bên được đề nghị chấp nhận đề nghị bằng miệng hoặc bằng cách thực hiện một hành vi nhưng không thông báo với bên đề nghị thì bên đề nghị mới có thể được hủy bỏ. Tuy nhiên, nếu đề nghị được chấp nhận bằng văn bản thì khi văn bản đã được gửi đến bên chấp nhận đề nghị thì bên đề nghị có thể sẽ mất quyền hủy bỏ đề nghị. Cách giải quyết này có thể gây nhiều bất lợi cho bên đề nghị vì không phải lúc nào họ cũng tiên liệu được họ có quyền hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng hay không? Tuy nhiên, quy định này cũng bảo vệ lợi ích hợp pháp của bên được đề nghị bằng việc rút ngắn khoảng thời gian mà đề nghị giao kết hợp đồng có thể bị hủy bỏ[4].

Theo Điều 2.1.4 Bộ Nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế cũng tiếp cận theo hướng tương tự CISG:“cho đến khi hợp đồng được giao kết, đề nghị giaokết vẫn có thể bị hủy bỏ, nếu hủy bỏ này đến bên được đề nghị trước khi bên này gửi chấp nhận giao kết hợp đồng”, tuy nhiên có kèm theo ngoại lệ về trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng không thể bị hủy bỏ:“Nếu đề nghị này quy định không thể bị hủy ngang với việc quy định một thời hạn xác định cho việc chấp nhận cách khác hoặc nếu bên được đề nghị có cơ sở hợp lý để tin rằng đề nghị không thể hủy ngang, vì vậy bên được đề nghị đã hành động.”

Điều 393 BLDS Việt Nam 2005 cũng cho phép bên đề nghị được hủy bỏ đề nghị nhưng với điều kiện“đã nêu rõ quyền này trong đề nghị”và phải thông báo cho bên được đề nghị và thông báo này chỉ có hiệu lực nếu bên được đề nghị nhận được thông báo trước khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận đề nghị. Vậy, thời điểm nhận được thông báo và thời điểm chấp nhận đề nghị được xác định như thế nào? Điều 393 BLDS 2005 đã lấy thời điểm“bên được đề nghị trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng”để xác định hiệu lực của thông báo hủy bỏ đề nghị của bên đề nghị, nhưng lại không nêu rõ thời điểm nào được xem là thời điểm bên được đề nghị “nhận” được thông báo và thời điểm nào là thời điểm bên nhận được đề nghị “trả lời” chấp nhận đề nghị? dẫn đến việc sẽ rất khó xác định thời điểm nhận thông báo đến trước thời điểm chấp nhận đề nghị giao kết hay ngược lại. Trong trường hợp nếu đề nghị được giao kết bằng miệng và bên được đề nghị trả lời chấp nhận bằng miệng, thì thời điểm đó có thể xác định là thời điểm bên đề nghị nhận được thông báo bằng miệng, nhưng nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận dưới dạng văn bản, ví dụ: bằng thư, email, điện tín, fax… thì thời điểm bên được đề nghị trả lời là thời điểm người đó thể hiện xong ý chí chấp nhận của mình dưới dạng văn bản hay là thời điểm thông báo về việc chấp nhận đề nghị được gửi đi?

Theo quan điểm của tác giả, Điều 393 BLDS 2005 cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ thời điểm bên được đề nghị trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng chính là thời điểm “bên được đề nghịgửi chấp nhận đề nghịcho bên đề nghị”. Cụ thể: “trong trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng thực hiện quyền hủy bỏ đề nghị do đã nêu rõ quyền này trong đề nghị thì phải thông báo cho bên được đề nghị và thông báo này chỉ có hiệu lực khi bên được đề nghị nhận được thông báo trước khi bên được đề nghịgửichấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng”.

[4] Nhà pháp luật Việt Pháp, Bộ Nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế 2004, Nxb Tư pháp Hà Nội - 2005, tr. 85 - 86.


4.Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng

Điều 396 BLDS 2005 quy định: “Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị đối với bên đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị”.

Như vậy, theo BLDS Việt Nam chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự thể hiện ý chí, theo đó bên nhận đề nghị đồng ý với tất cả điều kiện được nêu trong đề nghị. Quy định này cũng giống như quy định của nhiều nước trên thế giới.

Trong giao dịch thương mại quốc tế, theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Công Ước Vienna 1980: “Một lời tuyên bố hay một hành vi khác của người được chào hàng biểu lộ sự đồng ý với chào hàng cấu thành chấp nhận chào hàng”. Khoản 1 Điều 2.1.6 Bộ nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế quy định: “Chấp nhận giao kết hợp đồng có thể là một tuyên bố hoặc cách xử sự khác của bên được đề nghị cho thấy họ chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng…”

Như vậy chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng thể hiện ý chí chủ quan của bên được đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của lời đề nghị giao kết hợp đồng.

Theo quan điểm của tác giả, BLDS Việt Nam 2005 chỉ quy định về thời điểm có hiệu lực của đề nghị giao kết nhưng không quy định rõ về thời điểm có hiệu lực của chấp nhận giao kết hợp đồng. Điều 396 có thể hiểu như một sự giải thích cho trường hợp “chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng” chứ chưa xác định rõ nó sẽ có hiệu lực vào thời điểm nào. Trong khi đó sự “trả lời” của bên được đề nghị đến bên được đề nghị có thể thông qua nhiều hình thức khác nhau như lời nói, văn bản, hành vi, im lặng… nên cần có quy định cụ thể để xác định thời điểm có hiệu lực của chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.

Khác với quy định của BLDS Việt Nam 2005, theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Công ước Vienna 1980 thìmột sự phúc đáp có khuynh hướng chấp nhận kèm theo điều khoản bổ sung nhưng không làm biến đổi một cách cơ bản nội dung chủ yếu của đề nghị vẫn được coi là trả lời chấp thuận nếu bên đề nghị không phản đối ngay những điểm khác biệt đó.Tương tự, khoản 2 Điều 2.1.6 Bộ nguyên tắc UNIDROIT quy định:“Việc chấp nhận một đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực khi dấu hiệu của việc giao kết hợp đồng đến bên đề nghị”.

Tác giả cho rằng Điều 396 nên bổ sung:Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực khi được gửi đến bên đề nghị thông qua hình thức luật định.

5. Hình thành đề nghị mới

Theo quan điểm của tác giả, tại khoản 1 Điều 397 BLDS 2005:“Khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đó; nếu bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời. Trong trường hợp thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng đến chậm vì lý do khách quan mà bên đề nghị biết hoặc phải biết về lý do khách quan này thì thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp bên đề nghị trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó của bên được đề nghị”.Như vậy, Điều 397 quy định cũng theo hướng thời điểm có hiệu lực của chấp nhận đề nghị giao kết phụ thuộc vào thời hạn ấn định từ phía bên đề nghị và nếu hết thời hạn đó bên chấp nhận mới trả lời thì được xem là đề nghị mới.

Theo quan điểm của tác giả, quy định này đã đồng nhất bản chất của lời đề nghị và lời chấp nhận đề nghị khi quy định hệ quả của lời chấp nhận đề nghị đến chậm thì sẽ trở thành đề nghị mới, tạo ra sự “ lòng vòng” không cần thiết. Hơn nữa, dẫn đến khó phân biệt giữa lời đề nghị và lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.

Khoản 1, 2 Điều 2.1.9 Bộ nguyên tắc UNIDROIT quy định:“một chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng chậm trễ vẫn có hiệu lực như một chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, nếu ngay sau đó bên đề nghị thông báo hoặc gửi thông báo cho bên được đề nghị thông báo về việc này”.“Một thông báo có chứa chấp nhận chậm trễ được gửi đi trong những trường hợp khi việc thông báo là bình thường và sẽ đến bên đề nghị đúng lúc có hiệu lực như một chấp nhận, trừ khi bên đề nghị thông báo ngay lập tức cho bên được đề nghị rằng bên đề nghị coi đề nghị giao kết hợp đồng như đã hết hiệu lực”.Như vậy, Bộ nguyên tắc UNIDROIT công nhận hiệu lực trong trường hợp chấp nhận đến trễ với điều kiện được sự đồng ý của bên đưa ra đề nghị, ngược lại nếu không được sự đồng ý của bên đề nghị trong trường hợp này thì chấp nhận sẽ không có hiệu lực, chứ không phải tạo thành một đề nghị mới như BLDS Việt Nam 2005. Cũng theo khoản 1 Điều 2.1.11 Bộ nguyên tắc UNIDROIT“câu trả lời với mong muốn chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, nhưng kèm theo những bổ sung, hạn chế hoặc những sửa đổi khác sẽ được coi là sự từ chối đề nghị và hình thành một đề nghị mới”. Và theo khoản 3 Điều 2.1.11 Bộ nguyên tắc UNIDROIT:“nếu câu trả lời với mong muốn chấp nhận kèm theo những chi tiết bổ sung hoặc khác biệt mà không làm thay đổi cơ bản các điều khoản của đề nghị được coi là một chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ khi bên đề nghị ngay lập tức bác bỏ những chi tiết bổ sung hay sửa đổi này. Nếu bên đề nghị không phản đối, các điều khoản của hợp đồng sẽ bao gồm các điều khoản của đề nghị giao kết hợp đồng và những sửa đổi, bổ sung đưa ra trong chấp nhận”. Như vậy, một đề nghị được xem là đề nghị mới từ phía bên chấp nhận đề nghị khi kèm theo những bổ sung, hạn chế hoặc sửa đổi so với lời đề nghị ban đầu. Quy định như thế sẽ rõ ràng và hợp lý hơn.

Một số luật gia theo hệ thốngthông luật khẳng định:“Một chấp nhận có hiệu lực khi nó được truyền đạt/được thông báo tới [it is communicated to] người đề nghị hoặc người đại diện của người đề nghị”[5].Có một số luật gia thông luật khác, khi bàn về giao kết hợp đồng với người ở xa cũng nêu rõ: “Quy tắc mà tòa án đã sử dụng là chấp nhận được xem là hoàn thành khi thư chấp nhận đã ghi địa chỉ và dán tem một cách thích hợp được bỏ vào thùng thư”.Các luật gia này cho rằng,nếu người đề nghị mong muốn chấp nhận đề nghị của mình qua đường thư từ, thì người này cũng nhất thiết đã chuẩn bị đón nhận rủi ro về việc thư chấp nhận đi chệch hướng, và kéo theo đó là sự tồi tệ rằng mình sẽ bị ràng buộc bởi hợp đồng mà không có thông báo về sự tồn tại của nó[6]. Như vậy, theo thông luật thì thông báo chấp nhận đề nghị có hiệu lực từ thời điểm thông báo đó được gửi đi. Tuy nhiên có ngoại lệ là trường hợp các bên trao đổi trực tiếp bằng lời nói thì thời điểm có hiệu lực là thời điểm bên đề nghị nghe được thông báo chấp nhận đề nghị .

Từ cơ sở phân tích nêu trên, theo quan điểm của tác giả, khoản 1 Điều 397 BLDS 2005 nên sửa đổi, bổ sung như sau:

“Khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đó.

Trong trường hợp chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng được gửi đến chậm so với thời hạn trả lời thì vẫn có hiệu lực như một chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, nếu được bên đề nghị chấp nhận.”

Trên đâylà một số nghiên cứu trao đổi liên quan đến điểm bất cập trong quy định BLDS Việt Nam hiện hành trên cơ sở có sự phân tích, so sánh với pháp luật nước ngoài, hy vọng đóng góp phần nhỏ trong quá trình sửa đổi BLDS trong tương lai.

[5] Lawrence S. Clark, Robert J. Aalberts, Peter D. Kinder, Law and Business - The Regulatory Environment, Fouth edition, McGraw - Hill, Inc, 1994, p. 165.

[6] J. E. Smyth, D. A. Soberman, J. H. Telfer, R. Johanson, Australian business law, Prentice - Hall of Australia Pty. Ltd., Australia, 1980, p. 65.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

©

Bài viết được đăng tải dưới sự cho phép của Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, mọi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bài viết được bảo lưu. Chi tiết xin vui lòng liên email

Vui lòng đăng nhập tài khoản để tải miễn phí.

Gmail

Đăng ký

Quên mật khẩu?

Đặt mua

Bản giấy tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam

Bài viết liên quan trên

Google scholar

Trích dẫn bài viết qua

Google scholar Crossref

  • Bài báo mới

Video liên quan

Chủ Đề