Vì sao đại học là con đường duy nhất

Đa số người dân Việt Nam họ luôn mang trong mình những tư tưởng về việc học ở đại học. Đối với họ thì học đại học là thứ gì đó vô cùng quan trọng. Họ đánh giá con người bạn thông qua việc bạn có học đại học hay là không. Họ có những suy nghĩ kiểu như “ không học đại học, không có bằng cấp sau này chỉ có khổ, sẽ không có công ăn việc làm đàng hoàng, không được coi trọng…”. Đây là những “hậu quả” mà họ luôn định kiến ở trong đầu khi các bạn không có bằng cấp đại học.

1. Người Việt Nam coi trọng bằng cấp như thế nào?

Ngày nay, quan điểm của đa số phụ huynh Việt Nam luôn mang nặng vấn đề về thi cử. Họ mang bằng cấp ra để làm giá trị chuẩn mực, họ áp đặt về điểm số và thành tích. Phụ huynh đua nhau đưa con em mình đến các trung tâm ôn thi để mong rằng con mình đạt kết quả cao. Chính điều đó đã tạo ra áp lực cho con cái của họ.

Còn có những bạn đua nhau thi vào trường top đầu. Cuối cùng kết quả không như mong muốn xong sinh ra chán nản, u uất cảm thấy thất bại. Nhiều hậu quả xảy ra khiến chúng ta thấy mà đau lòng.

Còn bố mẹ bạn thì sao? bản thân bạn cảm thấy như thế nào? Ở đây, tôi không phủ nhận vai trò và tầm quan trọng của đại học. Tôi không chủ quan đưa ra lời phán xét về những tư tưởng đó của phụ huynh là sai. Khách quan mà nói, thì đại học là môi trường giáo dục tốt nhất giúp cho các bạn trẻ có được nhiều kiến thức từ sách vở, những giá trị cốt lõi nhất.

Bên cạnh đó, môi trường giáo dục định hướng nghề nghiệp cho các bạn ngay từ ban đầu. Thực tế, các doanh nghiệp lớn họ luôn đưa ra yêu cầu, đòi hỏi các ứng viên phải có bằng  đại học. Vì thế, không thể phủ định rằng học đại học là không cần thiết.

Xem thêm: Trượt đại học có đáng sợ như chúng ta nghĩ ?

Đại học có phải con đường duy nhất dẫn đến thành công

2. Tương lai có phải do đại học quyết định?

Chắc các bạn cũng biết, hiện nay có rất nhiều bạn trẻ học đại học ở các trường top. Khi ra trường cầm trên tay tấm bằng xuất sắc, bằng giỏi nhưng vẫn thất nghiệp, làm trái ngành – con số thống kê cho thấy không hề nhỏ. Bên cạnh đó, còn có những bạn lên đại học chỉ để mang trên người cái mác là “tôi có học đại học, tôi đang học trường nọ trường kia…”. Họ không muốn bị thua kém với các bạn cùng trang lứa. Tuy nhiên, các bạn không nghĩ tới hậu quả của nó.

Các bạn “cố” học để ra trường rồi các bạn sẽ làm gì? Tương lai các bạn ra sao? Vậy có phải cứ học đại học là có tương lai? Tất cả là do ý thức, sự nghiêm túc, các kỹ năng sống của các bạn đó. Đại học không thể đem lại cho bạn một tương lai sáng ngời. Bởi, nó chỉ là bước đệm, nền móng vững chắc cho bạn tiến tới thành công dễ dàng hơn một chút mà thôi.

3. Liệu không học đại học là thấp kém trong xã hội?

Tôi hi vọng rằng, bố mẹ các bạn hay chính bản thân các bạn nên bỏ ngay suy nghĩ này. Trên thế giới, có rất nhiều người giỏi, người thành công mà cả thế giới này đều biết đến họ không có bằng đại học trên tay. Tôi không thể không nhắc đến những người vĩ đại này: Bill Gate, Sheldon Adelson… Hay Henry Ford – ông bỏ ngang sự nghiệp học hành của mình khi ông mới 16 tuổi. Hiện nay, ông là 1 tỷ phú có một thương hiệu ô tô mang tên “Ford” quen thuộc với mọi người.

Tôi lấy ví dụ đơn giản về một người bạn của tôi thời cấp 3. Bạn tôi đang học đại học tại trường X nhưng dừng lại để đi học nghề. Anh ấy ra nghề xong về mở tiệm cắt tóc cho riêng mình. Thu nhập hiện tại của anh ấy khá ổn. Và hiện nay anh đã phát triển được sự nghiệp kinh doanh của mình với nhiều cơ sở. Anh ấy chia sẻ với tôi rằng anh rất hài lòng với những gì anh đã và đang làm.

Vì thế, ai “lỡ trượt” đại học thì đừng quá u buồn, đừng chìm đắm trong sự thất bại. Bạn đừng để bụng những lời nói cay nghiệt từ xung quanh mình, hãy cố gắng vượt qua nó. Thành công không ai tạo ra cho bạn, chỉ có bạn mới tạo ra được nó và biết nắm bắt cơ hội cho mình.

Đại học có phải con đường duy nhất dẫn đến thành công

4. Vậy đại học có phải con đường duy nhất dẫn đến thành công?

“Đại học không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công mà là con đường ngắn nhất dẫn đến thành công”. Như tôi nói ở trên, đại học là bước đà giúp cho bạn tiến tới thành công nhanh hơn. Tuy nhiên, để thành công thì phải có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm mà bạn trau dồi được.

Xã hội ngày càng tiến lên, có rất nhiều sự lựa chọn cho các bạn không học đại học. Tôi có thể kể đến như học trung cấp, cao đẳng, học nghề… Ngoài ra, các bạn  lựa chọn cho mình con đường đi du học nước ngoài, học tốt 1 ngôn ngữ: Anh, Nhật, Hàn…có rất nhiều công việc cho bạn khi các bạn học xong.

Các công ty hiện nay họ rất coi trọng những người có kỹ năng, kinh nghiệm tốt. Tuy nhiên, kỹ năng và kinh nghiệm là do bản thân mỗi người tích lũy được, chứ không phải do đại học hay bất cứ ai có thể giảng dạy cho bạn đạt được trình độ cao.

Dù ở trường học hay “trường đời” thì muốn thành công bạn cần phải có kỹ năng và kinh nghiệm. Đó mới là hành trang lớn nhất giúp bạn có đủ hiểu biết và xử lý tốt công việc. Tóm lại, không chỉ có đại học là con đường dẫn đến thành công mà còn có rất nhiều con đường khác do bạn cố gắng, nỗ lực, và nắm bắt chúng.

Xem thêm: Top 5 kỹ năng mềm sinh viên cần phải rèn luyện ngay nếu muốn thành công

Nhà văn Lev. Tolstoy có nói: “Cần phải lựa chọn một cách nghiêm ngặt xem nên học gì và không nên học gì.” Thật vậy, vai trò và vị trí của việc học là không thể chối cãi, nhất là trong xã hội phát triển như hiện nay “học, học nữa, học mãi”. Học là một chuyện, nhưng biết rõ mình cần học gì và học như thế nào lại là một câu chuyện khác. Việc định vị bản thân mình có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đi đến thành công sau này. Và như chúng ta thấy, xã hội ngày nay chuộng bằng cấp nên việc học Đại học được xem như một giấc mơ tuyệt vời cho phụ huynh lẫn học sinh. Tuy nhiên, liệu học Đại học có phải là con đường duy nhất dẫn đếm thành công hay không?

Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng học Đại học là một trong những con đường dẫn đến thành công nhưng không phải là con đường duy nhất. Đồng ý rằng Đại học đào tạo cho chúng ta rất nhiều kiến thức, kiến tạo cho chúng ta rất nhiều kĩ năng qua các hoạt động phong trào và cho chúng ta rất nhiều cơ hội trải nghiệm, thử thách. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa ai cũng thích hợp với môi trường Đại học. Ở Việt Nam những năm gần đây, dường như việc vào Đại học là một yêu cầu “tối thiểu” đối với học sinh sau mười hai năm ngồi trên ghế nhà trường. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn cho con em du học vô tội vạ, chủ yếu vì danh chứ chưa thực sự căn cứ trên năng lực và nhu cầu.

Thứ hai, chúng ta thấy đào tạo Đại học chưa đáp ứng đủ yêu cầu xã hội. Điều này cũng dễ hiểu, và càng dễ hiểu hơn đối với môi trường giáo dục nước nhà. Việc học Đại học đối với sinh viên như “chương trình cấp 4”. Nghĩa là các em vẫn chưa được biết thế nào là tinh thần tự học, chưa thấy sự khác biệt trong môi trường mình đã bao đêm thức trắng để có thể xuất sắc được vào. Hầu hết kiến thức cũng chỉ là nhai lại, là thuộc lòng chứ chưa phải kiến tạo. Kĩ năng lại càng xa lạ, việc làm việc nhóm lúc nào cũng bất cập và kém hiệu quả, giao tiếp xã hội không cải thiện, đứng trước đám đông còn sợ hãi và chưa đủ tự tin để trình bày một vấn đề…. Vậy thử hỏi, bốn năm trong môi trường Đại học, các em học những gì và phát triển bản thân ra sao?

Đó là còn chưa kể những khiếu nại tố cáo đào tạo Đại học không đáp ứng được nhu cầu việc làm của các nhà tuyển dụng. Hầu hết những gì sinh viên mang ra khỏi khuôn viên trường Đại học chỉ là lý thuyết, trong khi xã hội là thực tế, là chuyển động từng phút, từng giây. Dường như thiếu vắng sự kết nối giữa “học” và “hành”. Vậy, tại sao phải lao đầu vào “học” để rồi không đáp ứng được yêu cầu của “hành”?

Thứ ba, nếu bản thân chúng ta không thích hợp với môi trường Đại học, tại sao phải gượng ép mình? Học Đại học có quan trọng đến mức chỉ vì trượt cánh cổng này mà chúng ta rơi vào bế tắc, từ bỏ tương lai và thậm chí là tự tử? Trước khi thấy bế tắc vì cánh cửa Đại học, bạn hãy nhìn xem bao nhiêu con người bước ra từ cánh cửa này mà vẫn thất nghiệp. Vậy, nhân tố quyết định ở đây là con người chứ không phải việc chúng ta có bao nhiêu bằng cấp? Bằng cấp chỉ là yếu tố tiên quyết, nếu có hàng chục hàng trăm loại bằng nhưng thực lực trống rỗng thì liệu, bạn có thể trụ lại được với công việc đó hay không?

Rất nhiều bạn trẻ ngày nay muốn thử sức mình bằng những hành động thiết thực ngoài xã hội, vậy tại sao không thử? Nếu bạn cảm thấy việc lao ra cuộc đời thực tế ngoài kia bồi bổ sự phát triển bản thân nhiều hơn vậy tại sao cứ cố níu kéo mình trong môi trường Đại học. Đại học chỉ là một cánh cửa trong vô vàn cánh cửa, là một con đường trong vô vàn con đường. Định vị được giá trị bản thân và lựa chọn được những gì thực sự phù hợp với mình mới thực sự là khôn ngoan. Chúng ta thấy, có rất nhiều người từ bỏ giảng đường nhưng vẫn thành công và có rất nhiều tỷ phú bước ra từ cánh cửa cuộc đời chứ không phải Đại học. Trong đó, Bill Gates là một ví dụ điển hình. Bill Gates từng đạt được điểm số gần như hoàn hảo trong kỳ thi SAT và ghi danh vào Đại học Harvard năm 1973. Tuy nhiên chỉ 2 năm sau đó, ông bỏ học để thành lập công ty cùng với Paul Allen, chính là khởi đầu của đế chế hùng mạnh Microsoft. Năm 2009, Forbes đánh giá tổng tài sản của Bill Gates vào khoảng 40 tỷ USD. Một ví dụ khác là tỷ phú dầu mỏ John D. Rockefeller – ông đã bỏ ngang trung học và trở thành tỷ phú Mỹ đầu tiên trong lịch sử.

Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta xem thường bằng Đại học hay cổ vũ cho việc từ bỏ học Đại học để lao vào xã hội. Nếu bạn chưa đủ kiến thức nền, chưa đủ kinh nghiệm, sự háo thắng cùng non nớt sẽ khiến bạn thất bại từ những bước chân đầu tiên. Học ở đâu không quan trọng, quan trọng là bạn học như thế nào. Tương lai được xây đắp từ việc bạn đầu tư cho sự nghiệp học hành từ ngay hôm nay, ngay giờ phút này. Sự thành công chỉ có thể được dựng nên từ những nền móng vững chắc, muốn có quả ngọt bạn phải là người gieo trồng. Biết được mảnh đất nào nên gieo trồng loại hạt nào cũng là biết được bản thân bạn có được những gì và cần phải phát triển những gì!

Sức khỏe, tinh thần và ý chí là những yếu tố quan trọng nhất để làm hành trang cho bạn trong cuộc chinh phục tri thức, chinh phục tương lai. Thay vì đuổi theo xã hội, nghe theo những nhận định hời hợt của đám động bạn hãy lắng nghe tiếng nói của tâm hồn, của đam mê để hiện thực hóa giấc mơ của mình.

Gia tài lớn nhất của tuổi trẻ là nhiệt huyết, là hi vọng, là chấp nhận thất bại và đứng lên. Bạn không cần phải dùng một bằng cấp nào để tô vẽ giá trị của bản thân mình nhưng không thể vì thế mà khinh thường những bằng cấp mình không đủ năng lực để vươn tới. Ranh giới giữa tự tin và tự kiêu là vô cùng mơ hồ và nếu không cẩn thận, bất cứ ai cũng có thể trượt chân.

Tôi tin, với học sinh, việc học Đại học là giấc mơ của nhiều người nhưng đồng thời tôi cũng tin rằng, có rất nhiều bạn trẻ can đảm lựa chọn con đường khác ngoài con đường này. Và mỗi chúng ta ai cũng cần học cách tôn trọng ước mơ, đam mê của nhau. Vì thế, chỉ cần định vị được giá trị của bản thân, thành công sẽ đến với bạn.

 => Trên đây là bài viết tham khảo. Tuy nhiên, nếu bạn học sinh nào muốn viết theo ý mình thì tech12h có dàn ý để các bạn dễ viết bài.

1. Mở bài:

Dẫn nhập vấn đề “Học Đại học có phải là con đường duy nhất dẫn đếm thành công hay không?”

2. Thân bài:

Luận điểm 1: Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng học Đại học là một trong những con đường dẫn đến thành công nhưng không phải là con đường duy nhất

  • Nhu cầu học Đại học ở Việt Nam
  • Vài nét về hiện trạng

Luận điểm 2: Thứ hai, chúng ta thấy đào tạo Đại học chưa đáp ứng đủ yêu cầu xã hội

  • Những bất cập của việc đào tạo Đại học
  • Khi lý thuyết không đáp ứng đủ nhu cầu thực tiễn
  • Con người – nhân tố quyết định hàng đầu

Luận điểm 3: Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta xem thường bằng Đại học hay cổ vũ cho việc từ bỏ học Đại học để lao vào xã hội

  • Tầm quan trọng của kiến thức nền
  • Ý nghĩa của việc định vị bản thân
  • Bằng cấp – một yếu tố cần nhưng chưa đủ

3. Kết bài:

Chốt vấn đề và nêu quan điểm cá nhân.

Video liên quan

Chủ Đề