Xây dựng chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý tại công ty

Quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng

Thông tư số 18/2021/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2021 quy định việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng. Áp dụng đối với: Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng và hợp đồng lao động không xác định thời hạn làm công việc sau: Sản xuất có tính thời vụ trong ngành nông - lâm - ngư - diêm nghiệp, đòi hỏi phải thu hoạch ngay hoặc sau khi thu hoạch phải chế biến ngay không để lâu dài được; gia công hàng theo đơn đặt hàng, bị phụ thuộc vào thời điểm chủ hàng yêu cầu; người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật Lao động sử dụng người lao động làm các công việc nêu tại khoản 1 Điều 2 của Thông tư.

Theo đó, việc giới hạn giờ làm việc tiêu chuẩn hằng ngày và giờ làm thêm sẽ được xác định như sau: Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một ngày không quá 12 giờ. Giới hạn giờ làm việc tiêu chuẩn và giờ làm thêm theo tuần, tháng được quy định như sau: Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần không quá 72 giờ; tổng số giờ làm thêm trong một tháng không quá 40 giờ; người sử dụng lao động quyết định lựa chọn áp dụng quy định tại điểm a hoặc quy định tại điểm b khoản này, ghi vào kế hoạch thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong năm quy định tại khoản 2, Điều 8 Thông tư này. Tổng số giờ làm thêm trong một năm đối với mỗi người lao động không quá 300 giờ.

Về thời giờ nghỉ ngơi được Thông tư xác định đó là: Hằng tuần, người lao động được nghỉ ít nhất một ngày [24 giờ liên tục]. Trong những tháng thời vụ hoặc phải gấp rút gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng, nếu không thực hiện được nghỉ hằng tuần thì phải bảo đảm hằng tháng có ít nhất 04 ngày nghỉ cho người lao động. Việc nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca đối với từng người lao động thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP. Người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ hằng năm và các ngày nghỉ có hưởng lương khác; việc rút ngắn giờ làm việc và đảm bảo thời giờ nghỉ ngơi của lao động nữ, lao động chưa thành niên, lao động là người cao tuổi; quyết định việc nghỉ không hưởng lương đúng theo quy định của Bộ luật Lao động.

Thông tư cũng quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động, trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Cụ thể, người sử dụng lao động có những trách nhiệm: Căn cứ vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh, hằng năm chủ động quyết định áp dụng chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi bình thường theo quy định của Bộ luật Lao động hoặc áp dụng chế độ thời giờ làm việc quy định tại Thông tư này.

Trường hợp quyết định thực hiện chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo Thông tư này thì phải thực hiện đầy đủ các nội dung sau: Lập và điều chỉnh kế hoạch thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong năm theo mẫu tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này. Khi lập, điều chỉnh kế hoạch, phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Tham khảo các ví dụ tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này trong quá trình xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; thông báo kế hoạch, kế hoạch điều chỉnh thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong phạm vi doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân để người lao động biết, trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày; thỏa thuận với người lao động khi làm thêm giờ theo quy định của Bộ luật Lao động; trả lương cho người lao động theo hợp đồng lao động và các quy định của pháp luật lao động về tiền lương; báo cáo định kỳ hằng năm về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương về việc thực hiện Thông tư này trong báo cáo về công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm: Phối hợp với các cơ quan liên quan phổ biến, hướng dẫn Thông tư này đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng trên địa bàn; thường xuyên đôn đốc, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về lao động; báo cáo định kỳ hằng năm về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội việc thực hiện Thông tư này của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân đóng trên địa bàn cùng với báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Thông tư số 18/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01 tháng 02 năm 2022.

Quy định về danh mục chủng loại, tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản xuất khẩu do Bộ Công Thương quản lý

Thông tư số 23/2021/TT-BCT ngày 15/12/2021 quy định danh mục chủng loại, tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản xuất khẩu đối với các loại khoáng sản do Bộ Công Thương quản lý [trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng và than đá] theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước và thương nhân có hoạt động liên quan đến xuất khẩu khoáng sản.

Theo Thông tư, danh mục chủng loại, tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản xuất khẩu được quy định cụ thể là: Khoáng sản xuất khẩu là khoáng sản có nguồn gốc hợp pháp, có tên trong Danh mục chủng loại và đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng tương ứng tại Phụ lục 1 của Thông tư; thương nhân xuất khẩu khoáng sản quy định tại khoản 1 Điều này được lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp theo quy định tại Nghị định 107/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và Nghị định 154/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 hăm 2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành để đánh giá về chủng loại, chất lượng khoáng sản xuất khẩu.

Thông tư còn quy định cụ thể việc báo cáo thực hiện xuất khẩu khoáng sản đó là: Nội dung báo cáo thực hiện xuất khẩu khoáng sản theo Mẫu số 01 và Mẫu số 02 tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư.

Báo cáo xuất khẩu khoáng sản thực hiện như sau: Thương nhân lập báo cáo định kỳ hàng quý [có phát sinh xuất khẩu] theo Mẫu số 01 tại Phụ lục 2 gửi về Bộ Công Thương [Cục Công nghiệp], Sở Công Thương, Cục Hải quan cấp tỉnh nơi thương nhân có trụ sở chính chậm nhất vào ngày 15 tháng đầu quý tiếp theo; Sở Công Thương cấp tỉnh [hoặc cơ quan chuyên môn được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ] nơi có thương nhân xuất khẩu khoáng sản lập báo cáo tổng hợp theo 6 tháng và hàng năm theo Mẫu số 02 tại Phụ lục 2 gửi về Bộ Công Thương [Cục Công nghiệp] chậm nhất vào ngày 31 tháng 7 và ngày 31 tháng 01 hàng năm.

Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu báo cáo đột xuất để phục vụ công tác quản lý, thương nhân có trách nhiệm báo cáo theo yêu cầu.

Việc gửi báo gáo về Bộ Công Thương thực hiện theo hình thức gửi trực tiếp tại văn thư Bộ hoặc qua bưu điện đến Bộ Công Thương hoặc qua địa chỉ email: .

Về trách nhiệm quản lý, Thông tư quy định: Cục Công nghiệp [Bộ Công Thương] chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan định kỳ tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về xuất khẩu khoáng sản theo Thông tư này và quy định của pháp luật liên quan; xử lý các vướng mắc trong quá trình xuất khẩu khoáng sản; căn cứ tình hình thực tế hoạt động khai thác, chế biến, tiêu thụ khoáng sản trong nước, xuất khẩu và chủ trương, định hướng xuất khẩu khoáng sản của Đảng và Chính phủ trong từng thời kỳ, Cục Công nghiệp có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh, bổ sung Thông tư này khi cần thiết.

Thông tư số 23/2021/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01 tháng 02 năm 2022.

Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực quản lý nuôi trồng thủy sản

Thông tư số 112/2021/TT-BTC ngày 15/12/2021 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí có tên tại biểu phí trong lĩnh vực quản lý nuôi trồng thủy sản ban hành kèm theo Thông tư. Áp dụng đối với người nộp phí, tổ chức thu phí và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực quản lý nuôi trồng thủy sản.

Theo đó, người nộp phí được Thông tư quy định đó là: Tổ chức, cá nhân khi nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định trong lĩnh vực quản lý nuôi trồng thủy sản phải nộp phí theo quy định tại Thông tư này.

Tổ chức thu phí bao gồm: Tổng cục Thủy sản; Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản; cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Mức thu phí: Mức thu phí trong lĩnh vực quản lý nuôi trồng thủy sản thực hiện theo Biểu phí ban hành kèm theo Thông tư.

Việc kê khai, nộp phí: Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước; tổ chức thu phí thực hiện kê khai, nộp số tiền phí thu được theo tháng, quyết toán năm theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

Việc quản lý và sử dụng phí cũng được Thông tư quy định cụ thể: Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Nguồn chi phí trang trải cho việc thực hiện công việc và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước; trường hợp tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí được trích lại 90% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP. Nộp 10% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo Chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

Thông tư số 112/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2022.

Quy định về hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Thông tư số 20/2021/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2021 quy định về việc quản lý, vận hành, khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng [viết tắt là Hệ thống cơ sở dữ liệu]; cập nhật thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu; kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đối tượng áp dụng bao gồm: Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đơn vị sự nghiệp được giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo Thông tư việc vận hành, quản lý, khai thác, chia sẻ và thực hiện các nghiệp vụ trên Hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ được thực hiện trên 3 nguyên tắc cơ bản sau:

Việc vận hành, quản lý Hệ thống cơ sở dữ liệu phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, lưu trữ điện tử, an ninh, an toàn, bảo vệ dữ liệu, bảo mật thông tin và các quy định khác có liên quan; thông tin, dữ liệu trao đổi trên Hệ thống cơ sở dữ liệu được mã hoá và ký số, bảo đảm tính toàn vẹn, xác thực.

Việc khai thác dữ liệu được thực hiện theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin và các quy định của pháp luật hiện hành.

Việc chia sẻ thông tin, dữ liệu trên Hệ thống cơ sở dữ liệu nhằm phục vụ người lao động, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp; tuân thủ quy định của pháp luật trong việc tạo lập, quản lý và sử dụng dữ liệu; đảm bảo không làm ảnh hưởng tới quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan; không được xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Thông tư quy định việc cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:

Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép theo Điều 12 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thao tác như sau: Đăng nhập tài khoản, truy cập vào mục “Cấp Giấy phép” và khai thông tin theo mẫu đề nghị cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; đăng tải các tài liệu theo quy định lên Hệ thống cơ sở dữ liệu; ký số và gửi hồ sơ trực tuyến.

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ trên Hệ thống cơ sở dữ liệu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp Giấy phép cho doanh nghiệp, bản gốc Giấy phép được trả trực tiếp tại bộ phận một cửa hoặc qua dịch vụ bưu chính; trường hợp không cấp Giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trạng thái xử lý hồ sơ được hiển thị trên Hệ thống cơ sở dữ liệu.

Những điểm đáng chú ý khác đó là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, đơn vị liên quan cũng được Thông tư quy định cụ thể. Theo đó, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm: Quản lý, bảo mật thông tin tài khoản được cấp; chịu trách nhiệm về tính chính xác, toàn vẹn đối với những thông tin, dữ liệu được đăng tải, cập nhật trên Hệ thống cơ sở dữ liệu; chia sẻ dữ liệu, thông tin đúng thẩm quyền. Không tạo ra hoặc phát tán các chương trình, phần mềm với mục đích phá hoại Hệ thống cơ sở dữ liệu.

Các đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm: Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm: Quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bằng mã số, tích hợp trên Hệ thống cơ sở dữ liệu; vận hành, quản lý, khai thác Hệ thống cơ sở dữ liệu hiệu quả, an toàn; kịp thời phản ánh và phối hợp khắc phục các sự cố phát sinh; tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu; thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả và đề xuất giải pháp trong việc quản lý, vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu; hằng năm lập dự toán kinh phí phục vụ việc cập nhật, nâng cấp Hệ thống cơ sở dữ liệu.

Trung tâm thông tin, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm: quản trị hệ thống hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đảm bảo hoạt động thông suốt, an toàn và bảo mật cho Hệ thống cơ sở dữ liệu; rà soát, đề xuất kế hoạch và phương án bảo đảm duy trì hoạt động liên tục của Hệ thống cơ sở dữ liệu; hằng năm lập dự toán kinh phí phục vụ cho việc duy trì, vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu.

Cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm: Cập nhật thông tin về người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư này; khai thác, sử dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.

Thông tư số 20/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2022.

Quy định về nguyên tắc điều hành nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng muối, trứng gia cầm và thuốc lá nguyên liệu năm 2022

Theo Thông tư số 24/2021/TT-BCT, số lượng nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng muối, trứng gia cầm và thuốc lá nguyên liệu năm 2022 được xác định cụ thể như sau:

TT

Mã số hàng hóa

Tên hàng

Đơn vị

Số lượng

Ghi chú

1

0407.21.00 và 0407.90.10

Trứng gà

63.860

Trứng thương phẩm không có phôi

0407.29.10 và 0407.90.20

Trứng vịt, ngan

0407.29.90 và 0407.90.90

Loại khác

2

2501

Muối

Tấn

80.000

Số lượng tạm phân đợt 1 năm 2022

3

2401

Thuốc lá nguyên liệu

Tấn

65.156

Về phương thức phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu được Thông tư quy định cụ thể là: Việc phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối, trứng gia cầm và thuốc lá nguyên liệu được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và Thông tư số 12/20I8/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.

Về đối tượng phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu được Thông tư xác định: Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối được phân giao cho thương nhân trực tiếp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hóa chất và làm nguyên liệu sản xuất thuốc, sản phẩm y tế; hạn ngạch thuế quan nhập khẩu trứng gia cầm được phân giao cho thương nhân có nhu cầu nhập khẩu; hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu được phân giao cho các thương nhân có giấy phép sản xuất thuốc lá điếu do Bộ Công Thương cấp và có nhu cầu sử dụng thuốc lá nguyên liệu nhập khẩu cho sản xuất thuốc lá điếu.

Về thời điểm phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu cũng được xác định cụ thể tại Thông tư đó là: Bộ Công Thương trao đổi với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính để xác định thời điểm phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng muối và trứng gia cầm; Bộ Công Thương xác định thời điểm phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng thuốc lá nguyên liệu.

Thông tư số 24/2021/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01 tháng 02 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.

Thanh Tâm [Biên tập và tổng hợp]
thainguyen.gov.vn

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề