Ăn cóc có tốt không

Không chỉ để ăn, quả cóc còn được dùng để hỗ trợ cải thiện rất nhiều tình trạng sức khỏe đa dạng và bạn sẽ muốn thử ngay nếu biết được những lợi ích này đấy!

Dù lượng thành phần không quá đa dạng, quả cóc vẫn đem lại rất nhiều công dụng để giúp bạn vui khỏe mỗi ngày. Cùng LEEP.APP tìm hiểu xem trái cóc tốt như thế nào nhé.

Quả cóc là quả gì?

Quả cóc (ambarella), còn được gọi là trái cóc, có danh pháp Spondias dulcis, loại cây thuộc vùng xích đạo hoặc nhiệt đới có quả ăn được.

Cây cóc được trồng phổ biến ở nhiều nước khác nhau, tập trung ở các vùng nhiệt đới ẩm, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, do đó khá khó để phân biệt giữa cây mọc tự nhiên và cây trồng.

Quả cóc có màu xanh, thịt màu xanh nhạt khi non và chuyển sang màu vàng lục, vàng hoặc vàng nhạt khi chín. Giữa mỗi trái cóc đều có phần cùi mọng nước với nhiều đường gân lan vào phần thịt quả.

Vị của cóc thường chua, kích thước dao động từ 3 – 8cm tùy vào giống cây và thời điểm thu hoạch. Thông thường khi cóc còn non, nó sẽ cứng, giòn và chua hoặc hơi nhạt còn đến lúc chín, thịt trái cóc có vị ngọt và mềm hơn.

Giá trị dinh dưỡng của quả cóc

Thông tin dinh dưỡng của 100g trái cóc:

  • Calorie: 48
  • Protein: 1g (không đáng kể)
  • Carb: 12g
  • Chất béo: 0.3g
  • Phốt pho: 6,7% RDI (lượng khuyến nghị hàng ngày)
  • Thiamine (vitamin B1): 1% RDI
  • Canxi: 5.2% RDI
  • Vitamin A: 4% RDI
  • Vitamin C: 60% RDI
  • Sắt: 1.6% RDI

Ăn cóc có tốt không

Hàm lượng dinh dưỡng trong quả cóc có thể thay đổi tùy theo loại

Những giá trị dinh dưỡng liệt kê trên đây có thể thay đổi tùy thuộc và giống cây và cách trồng. Ngoài ra, trái cóc còn chứa hàm lượng nhỏ một số vitamin nhóm B như riboflavin (vitamin B2).

Lợi ích sức khỏe của trái cóc

Không chỉ quả cóc mà lá và cỏ cây của nó cũng đem lại nhiều lợi ích sức khỏe nhờ chứa flavonoid, saponin và tannin.

Kiểm soát mức cholesterol

Những loại trái cây chứa nhiều vitamin C có khả năng hỗ trợ chuyển hóa cholesterol thành axít mật, giúp giảm mức cholesterol trong máu cũng như tỉ lệ mắc bệnh sỏi mật.

Mỗi khẩu phần quả cóc có thể đáp ứng đến 60% nhu cầu vitamin C khuyến nghị hàng ngày, do đó bạn có thể yên tâm sử dụng cóc để kiểm soát mức cholesterol.

Cải thiện thị giác

Quả cóc là một trong những nguồn cung cấp vitamin A tuyệt vời. Loại vitamin này đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với nhận thức của thị giác.

Retinol, hợp chất của vitamin A sẽ giúp phân phối hình ảnh được võng mạc của mắt tiếp nhận, từ đó cải thiện tầm nhìn và thị giác tốt hơn.

Tăng miễn dịch và ngăn ngừa lão hóa

Lượng vitamin C cao còn giúp cải thiện chức năng miễn dịch của cơ thể. Vitamin C thúc đẩy sự hình thành collagen, tăng tốc độ chữa lành vết thương và bảo vệ làn da.

Không chỉ vậy, các chất chống oxy hóa khác có trong quả cóc sẽ giúp ngăn ngừa tác hại của gốc tự do gây lão hóa sớm, bảo vệ các phân tử quan trọng trong cơ thể như protein, lipid, carb và axít nucleic (DNA và RNA).

Điều trị các vấn đề tiêu hóa

Trái cóc có chứa một lượng nhỏ chất xơ hòa tan, giúp hỗ trợ tiêu hóa và làm sạch ruột hiệu quả. Những người bị táo bón và khó tiêu thường được khuyên dùng bột quả cóc để điều trị.

Cóc cũng chứa nhiều nước, ngăn ngừa tình trạng mất nước trong cơ thể. Ngoài ra, vỏ cây cóc còn được dùng để cải thiện tình trạng kiết lỵ.

Hỗ trợ giảm cân

Ăn cóc có tốt không

Trái cóc có hiệu quả giảm cân mà vẫn đem lại nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể

Trái cóc ít chất béo, carb và giàu chất xơ. Dù hàm lượng calorie thấp và ít chất đa dạng nhưng quả cóc vẫn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

Do đó, bạn có thể thêm cóc vào thực đơn giảm cân. Hàm lượng nước và chất xơ trong loại trái cây này cũng làm tăng cảm giác no, giúp bạn hạn chế cơn thèm ăn tốt hơn.

Khắc phục tình trạng thiếu máu

Hàm lượng sắt trong quả cóc có thể hỗ trợ quá trình hình thành tế bào hồng cầu. Ngoài chất sắt, trái cóc còn chứa nhiều vitamin B1 giúp sản xuất tế bào hồng cầu và tăng lưu lượng oxy đi khắp cơ thể, ngăn ngừa bệnh thiếu máu.

Một số lợi ích khác

Không quá nổi tiếng về công dụng chữa bệnh nhưng thực chất quả cóc được ứng dụng rất nhiều vào các phương thuốc tự nhiên, hỗ trợ cải thiện sức khỏe tổng quát cho cơ thể.

Một số lợi ích đa dạng mà loại quả này hỗ trợ:

  • Ngăn ngừa ung thư, tim mạch
  • Giảm huyết áp, điều trị bệnh đường hô hấp
  • Trị bỏng và các bệnh ngoài da, bệnh nấm miệng
  • Điều chỉnh lượng đường huyết
  • Giảm nhiễm trùng tiết niệu và bệnh trĩ

Hướng dẫn cách dùng quả cóc

Nên mua quả cóc vào mùa nào?

Ăn cóc có tốt không

Cả cóc non và cóc chín đều tạo ra những món ăn vô cùng hấp dẫn

Mùa cóc kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 vì loại quả này được sử dụng theo rất nhiều cách khác nhau.

Đầu hè, khoảng tháng 5 là mùa của cóc non, cóc bao tử. Loại cóc này thường là món vặt ưa thích của các chị em. Cóc xanh được gọt vỏ, chẻ đôi hoặc cắt miếng rồi chấm với muối ớt, mắm tôm để tăng hương và giảm độ chua.

Đến tháng 7 âm lịch là mùa cóc chín. Lúc này, những quả cóc kích thước to, đã hơi chín vàng và có vị ngọt thanh được bày bán nhiều hơn. Bạn có thể chọn mua cóc vào thời điểm này nếu không thích ăn quá chua.

Cách sơ chế trái cóc

Quả cóc có phần cùi nhiều xơ, do đó thường được sơ chế bằng cách tách múi. Quả cóc ngon nhất thường đã bắt đầu chín, vị hơi ngọt mà vẫn giữ được độ giòn.

Khi mua cóc về, bạn nên rửa sạch phần bên ngoài và để ráo rồi dùng dao gọt bỏ vỏ cóc. Cắt một đường dọc theo thân quả, nhích dao sang một bên cắt thêm một đường nữa sau đó dùng lực nảy nhẹ  để tách phần thịt cóc ra khỏi cùi. Bằng cách này, bạn có thể cắt được những miếng cóc đẹp để ăn trực tiếp mà không bị dính phần xơ bên trong.

Nếu dùng cóc để nấu ăn, bạn không cần phải tách từng miếng mà có thể dùng dao cắt lấy thịt quả xung quanh cùi.

Gợi ý món ăn từ quả cóc

Không chỉ quả mà cả lá cóc cũng được dùng trong nhiều nền ẩm thực khác nhau. Sau đây là một số những món ăn đa dạng có sử dụng quả cóc.

Dùng lá cóc nấu ăn:

  • Lá non dùng làm gia vị, các loại muối và sốt ướp. Nhiều nước thường thêm lá non vào để làm mềm thịt hoặc khử mùi và tăng độ chua cho các món cá
  • Lá cóc trưởng thành thường được dùng làm salad

Dùng thịt trái cóc nấu ăn:

Ăn cóc có tốt không

Thịt quả cóc ngâm muối ớt là một trong những món vặt phổ biến nhất

  • Ăn trực tiếp hoặc làm mứt, cam thảo
  • Làm các món cóc ngâm gia vị
  • Chế biến nước ép hoặc pha thức uống với gừng
  • Trái xanh được dùng làm nước sốt, nước hầm để tăng độ chua

Cách bảo quản trái cóc

Nếu bạn muốn mua cóc về để chín, hãy bảo quản ở nhiệt độ phòng. Trong vòng 3 – 5 ngày, cóc sẽ chín vàng. Nếu muốn bảo quản lâu hơn, hãy để trong ngăn mát tủ lạnh.

Sau khi cất ngăn mát, nếu muốn sử dụng, hãy để quả cóc ở nhiệt độ phòng trong vòng 1 tiếng trước khi ăn. Và lưu ý không bảo quản ở nhiệt độ thấp hơn 5°C.

Ứng dụng quả cóc để cải thiện sức khỏe

Sau đây là một số mẹo dùng quả cóc để hỗ trợ cho các tình trạng khác nhau của cơ thể. Bạn nên lưu ý không phụ thuộc hoàn toàn vào những cách điều trị này mà nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu đang mắc những vấn đề nghiêm trọng.

  • Điều trị ho, viêm họng: Đun sôi 3 – 4 lá cóc tươi trong 500ml và để trong vài phút. Chắt lấy nước và uống kèm mật ong 2 lần/ngày. Ngoài ra, bạn có thể pha một chút muối vào nước cốt quả cóc và uống 2 – 3 lần/ngày. Lưu ý không nên uống quá nhiều, đặc biệt là người bị bệnh dạ dày
  • Hạ sốt: Uống nước ép trái cóc 2 lần/ngày
  • Cải thiện bệnh ngoài da: Dùng nước sắc lá cóc rửa nhẹ 3 lần/ngày
  • Trị tiêu chảy: Hãm nước lá cóc, để 5 phút. Uống 2 lần/ngày.
  • Chữa loét áp tơ miệng (aphthous): Lấy lá cóc tươi xay nhuyễn với đường rồi xoa lên miệng và nướu

Trên đây là những lợi ích tuyệt vời mà quả cóc đem lại. Bạn đừng quên chuẩn bị ngay một ít cóc để vừa thỏa cơn thèm đồ vặt lại vừa tăng cường sức khỏe nhé!

Nguồn tham khảo

What is Ambarella https://www.healthbenefitstimes.com/ambarella/ Ngày truy cập: 13/12/2020

Ambarella Fruit: Discover The Wonderful Health Benefits Of This Exotic Summer Bounty https://www.netmeds.com/ambarella-fruit Ngày truy cập: 13/12/2020