Bài tập luyện tập các biện pháp tu từ

Bài tập về “biện pháp tu từ” là dạng bài thường hay xuất hiện trong các đề thi môn Ngữ văn, đặc biệt là đề thi vào lớp 10. Nắm rõ được “cách làm dạng bài về biện pháp tu từ” đồng nghĩa với việc học sinh đã làm chủ được chiếc “chìa khóa vàng” giúp mở ra cánh cửa tác phẩm văn học, qua đó có thể giải mã thế giới nghệ thuật và nội dung tư tưởng mà các tác giả gửi gắm. Phụ huynh và các con cùng theo dõi bài viết dưới đây để nắm được những hướng dẫn của cô Trần Thị Hồng Duyên – Giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI

I/ Các biện pháp tu từ 

1. Kiến thức cần nhớ

Cô Duyên liệt kê ở dưới đây các biện pháp tu từ mà học sinh đã được học ở bậc Trung học cơ sở. Các em chú ý ghi nhớ nhé. Theo đó:

Lớp 6

Lớp 7Lớp 8So sánh

Nhân hóa

Ẩn dụ

Hoán dụ

Liệt kê

Điệp ngữ

Chơi chữ

Nói quá

Nói giảm, nói tránh 

Đảo ngữ


Cô Duyên chia sẻ:
“Ở lớp 9, các em sẽ không học thêm biện pháp tu từ nào mới nữa. Thay vào đó là luyện tập tổng hợp, ôn luyện dần cho kì thi vào 10”.

Bài tập luyện tập các biện pháp tu từ
Cô Duyên nhắc nhở các bạn học sinh cần đặc biệt lưu ý ghi nhớ tên của 10 biện pháp tu từ này.

Trong số này, có một số biện pháp tu từ tiêu biểu mà rất nhiều học sinh hay nhầm lẫn. Thông qua bài tập nhỏ Điền biện pháp tu từ vào chỗ trống đúng với đặc điểm của nó, cô Duyên đã giúp học sinh phân biệt rõ ràng từng biện pháp. Theo đó:

So sánh: đối chiếu các sự vật, sự việc này với các sự vật, sự việc khác trên cơ sở quan hệ tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

Tham khảo chi tiết tại: Biện pháp tu từ so sánh

Ẩn dụ: gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên của sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho ngôn ngữ.

Tham khảo chi tiết tại: Biện pháp tu từ ẩn dụ

Nhân hóa: là dùng những từ ngữ, hình ảnh gắn với con người để miêu tả các đồ vật, con vật, cảnh vật… giúp cho các đối tượng cần miêu tả trở nên sinh động, có sức sống và gần gũi với con người.

Tham khảo chi tiết tại: Biện pháp tu từ nhân hóa

Hoán dụ: gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên của sự vật, hiện tượng khác có quan hệ gần gũi với nó để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

Tham khảo chi tiết tại: Biện pháp tu từ hoán dụ

Cô Duyên chia sẻ: “Ranh rới giữa hoán dụ và ẩn dụ là rất mong manh nên đây chính là hai biện pháp mà học sinh dễ nhầm lẫn nhất trong số mười biện pháp tu từ”. Vì lẽ đó nên cô đã thực hiện so sánh hai biện pháp tu từ này để giúp học sinh phân biệt rõ ràng, các em chú ý theo dõi và ghi nhớ nhé.

Ẩn dụ

Hoán dụ

Giống nhau

Cách thức: Gọi tên sự vật, hiện tượng này (A) bằng tên của sự vật, hiện tượng khác (B)

Tác dụng: Tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt

Khác nhau

A và B có điểm giống nhauA và B có mối liên hệ gần gũi với nhau
Bài tập luyện tập các biện pháp tu từ
Sự khác nhau giữa ẩn dụ và hoán dụ.

 

Bài viết tham khảo: Phân biệt ẩn dụ hoán dụ

 

2. Luyện tập về các biện pháp tu từ

Bài 1: Từ in đậm trong câu sau là ẩn dụ hay hoán dụ?

Câu a. 

Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh

(Nguyễn Du)

Hướng dẫn: 

Trong câu thơ trên, tác giả Nguyễn Du đã sử dụng biện pháp ẩn dụ để miêu tả đôi mắt của Thúy Kiều. 

Đôi mắt của nàng long lanh như làn nước mùa thu, đôi lông mày sắc nét như rặng núi mùa xuân. Qua đó, người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của nàng là một vẻ đẹp có chiều sâu, có sức quyến rũ lạ lùng. Nguyễn Du đã đặc tả đôi mắt Thúy Kiều theo lối “điểm nhãn”.

Bài tập luyện tập các biện pháp tu từ
Câu b.

Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ

(Thanh Hải)

Hướng dẫn:

Biện pháp tu từ được sử dụng ở đây là biện pháp hoán dụ.

Người cầm súng người ra đồng trong đoạn thơ được dùng để chỉ hai lực lượng cơ bản của đất nước, đó là người chiến sĩ và người lao động đang cùng trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc khi mùa xuân đến.

Bài tập luyện tập các biện pháp tu từ

II/ Cách làm dạng bài về biện pháp tu từ

1. Kiến thức

Cô Duyên chia sẻ: “Đây là phần kiến thức tương đối khó. Các em học sinh cần đặc biệt chú ý”.

Thông thường trong các đề thi vào lớp 10, câu hỏi yêu cầu học sinh xác định và phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ trong các câu thơ. Với yêu cầu như vậy, cô Duyên hướng dẫn làm theo 2 bước dưới đây, học sinh khối 9 lưu ý để ghi nhớ nhé:

Bước 1: Xác định biện pháp tu từ

  • Gọi tên được biện pháp tu từ
  • Chỉ ra từ ngữ sử dụng biện pháp tu từ

Bước 2: Phân tích hiệu quả nghệ thuật

  • Gợi hình: gợi hình ảnh gì?
  • Gợi cảm: thể hiện tình cảm, cảm xúc gì của tác giả?
Bài tập luyện tập các biện pháp tu từ
2 bước để làm dạng bài về biện pháp tu từ mà cô Duyên chia sẻ.

2. Luyện tập cách làm về các dạng bài biện pháp tu từ

Bài 2: Xác định và phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ trong câu thơ sau

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về

(Sang thu – Hữu Thỉnh)

Hướng dẫn:

Áp dụng theo 2 bước làm dạng bài về biện pháp tu từ mà cô Duyên hướng dẫn ở trên, ta được:

Bước 1: Xác định biện pháp tu từ

  • Gọi tên được biện pháp tu từ: Trong câu thơ trên, tác giả sử dụng biện pháp nhân hóa
  • Chỉ ra từ ngữ sử dụng biện pháp tu từ: Tác giả đã nhân hóa hình ảnh “sương” qua từ “chùng chình”. Theo đó, “chùng chình” ở đây có nghĩa là cố ý đi chậm lại, nửa ở nửa đi, mang cảm xúc xao xuyến, lưu luyến như đang nuối tiếc điều gì.

Bước 2: Phân tích hiệu quả nghệ thuật

  • Gợi hình: miêu tả cảnh vật vào mùa thu, khi làn sương thu đang giăng khắp các đường thôn ngõ xóm. Sương thu ở đây cũng băn khoăn, lưu luyến trong giây phút chuyển giao mùa.
  • Gợi cảm: thể hiện cảm xúc ngỡ ngàng, xao xuyến của chính mình trong giây phút đất trời giang thu.

Bài 3: Xác định biện pháp tu từ trong các câu thơ sau

Câu a.

Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng

(Phạm Tiến Duật)

Hướng dẫn:

“Ung dung buồng lái ta ngồi”, ở câu này tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ để đảo từ “ung dung” lên trước.

“Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”, ở câu này từ “nhìn” được lặp lại 3 lần, đây chính là biện pháp tu từ điệp ngữ. Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng biện pháp liệt kê: “đất”, “trời” và “thẳng”.

Câu b.

Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa

(Huy Cận)

Hướng dẫn:

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa”, ở câu này tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ so sánh để ví “mặt trời” giống như một “hòn lửa” khổng lồ. Cảnh hoàng hôn ở trên biển không hề tối tăm mà cực kì rực rỡ, huy hoàng và tràn đầy ánh sáng.

“Sóng đã cài then, đêm sập cửa”, câu này Huy Cận đã sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ. “Sóng” ở đây được tác giả ví như một chiếc then cửa. Những con sóng chạy qua chạy lại giống như chiếc chiếc then cửa cài vào màn đêm yên bình. “Màn đêm” thì sập xuống giống như một cánh cửa. Khi cửa đã đóng, then đã cài, cả vũ trụ giống như một ngôi nhà, đã chuyển sang trạng thái nghỉ ngơ.

Câu c.

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

(Viễn Phương) 

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng”, “mặt trời” vốn là sự vật vô tri vô giác nhưng ở đây đã được tác giả nhân hóa qua từ “đi” để thể hiện sự vận hành của vũ trụ.

“Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”, “mặt trời trong lăng” ở đây đã được nhà thơ Viễn Phương sử dụng biện pháp ẩn dụ để chỉ Bác Hồ. Giữa Bác Hồ và mặt trời có điểm tương đồng, đó là nếu mặt trời của tự nhiên đem lại sự sống, ánh sáng cho vạn vật, thì Bác Hồ chính là người đem lại ánh sáng độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. 

Trên đây là những kiến thức mà cô Trần Thị Hồng Duyên hướng dẫn trong bài giảng “Cách làm dạng bài về biện pháp tu từ”, môn Ngữ văn lớp 9. Năm học mới đã chính thức bắt đầu, học sinh các lớp khối THCS có thể tham gia Lớp học online Toán – Văn miễn phí cùng HOCMAI (lớp 6 – 9) để chủ động kiến thức, tự tin đạt điểm số cao. Đây là lớp học livestream hoàn toàn MIỄN PHÍ cho tất cả học sinh các lớp 6 – 7 – 8 – 9 trên cả nước. Với mỗi buổi học, các em sẽ được trực tiếp tương tác với giáo viên, được hệ thống kiến thức trọng tâm và hướng dẫn giải các dạng bài tập. Đồng thời, các em cũng sẽ được định hướng, tư vấn lộ trình và kế hoạch học tập hợp lý, chuẩn bị cho chương trình môn Toán – Ngữ văn trong năm học mới.