Bài văn nói về binh chủng pháo binh

Đây là nội dung trong thư khen ngợi bộ đội Pháo binh mà Bác Hồ gửi ngày 13 tháng 4 năm 1967 vì đã lập được thành tích vẻ vang bắn trúng nhiều tàu chiến, bắn chìm nhiều tàu biệt kích của Mỹ - Ngụy và đánh trả pháo binh địch ở Cồn Tiên - Dốc Miếu. Trong thư khen, Người còn cǎn dặn: "Phải ra sức học tập và thi đua với pháo binh quân giải phóng miền Nam tài giỏi, anh hùng".

Binh chủng Pháo binh là binh chủng chiến đấu, binh chủng kỹ thuật của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trưởng thành trong chiến đấu và gắn liền với những chiến công hiển hách trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, không ngừng lớn mạnh, trưởng thành trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay; truyền thống của Bộ đội Pháo binh gắn liền với truyền thống và sự trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Bài văn nói về binh chủng pháo binh
Bác Hồ thăm Đoàn Cao xạ Tam Đảo, ngày 25-9-1966.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Pháo binh luôn khẳng định bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm sắt đá, vượt mọi khó khăn gian khổ, tích cực huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, đoàn kết tốt, khai thác, làm chủ các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, nắm chắc kỹ, chiến thuật, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Phát huy truyền thống “quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội, truyền thống vẻ vang của binh chủng, mỗi cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Pháo binh không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực làm chủ tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại, đoàn kết thống nhất, xứng đáng với truyền thống “Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng” và danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới. Trong 76 năm qua, từ những phát đạn đầu tiên bắn vào giặc Pháp ở thành Hà Nội, mở đầu Toàn quốc kháng chiến theo lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Pháo binh QĐND Việt Nam đã trải qua một chặng đường chiến đấu đầy cam go, quyết liệt, lập nên nhiều chiến công vang dội, như: chiến thắng Sông Lô, Biên giới, Điện Biên Phủ, Đường 9- Nam Lào, Cồn Tiên- Dốc Miếu, Biên Hòa… đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam đã góp phần cùng toàn quân, toàn dân viết nên khúc khải hoàn ca chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Truyền thống vẻ vang của bộ đội Pháo binh đã trở thành nguồn lực vô tận, dồi dào trong đời sống tinh thần, tình cảm sâu sắc, là nguồn cổ vũ to lớn tiếp thêm sức mạnh để mỗi cán bộ, chiến sĩ Pháo binh phát huy trí tuệ tài năng, tiến lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Ngay sau khi cách mạng Tháng 8 thành công, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Mặt trận Hà Nội, lúc 20 giờ 03 phút ngày 19/12/1946, Pháo đài Láng đã nổ phát đạn đầu tiên vào quân Pháp trong thành Hà Nội mở đầu toàn quốc kháng chiến. Thu đông 1947, thực dân Pháp mở cuộc tiến công lên Việt Bắc. Bộ đội Pháo binh cùng lực lượng vũ trang địa phương đã lập công xuất sắc ở Sông Lô bắn cháy và bắn chìm nhiều tàu chiến địch tại Khoan Bộ, Đoan Hùng và Khe Lau (Ngày 23 và 24/10/1947). Chiến thắng Sông Lô đánh dấu bước trưởng thành của Pháo binh, sáng tạo ra cách đánh độc lập, với lối đánh “Đặt gần bắn thẳng” tạo ra yếu tố bí mật, bất ngờ, hiệu quả chiến đấu cao.

Năm 1949, Quân đội ta đã thành lập tiểu đoàn Pháo binh đầu tiên (Tiểu đoàn 410). Năm 1950, trong Chiến dịch Biên giới, lần đầu tiên ta sử dụng lực lượng pháo binh quy mô lớn với 3 tiểu đoàn sơn pháo 75mm đánh hiệp đồng chi viện cho bộ binh, cùng bộ binh tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê và 2 binh đoàn Lơ-pa-giơ và Sác-tông của Pháp, góp phần giải phóng tuyến biên giới dài 200km gồm 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn.

Sau Chiến dịch Biên giới, trước yêu cầu chi viện hỏa lực phục vụ cho các chiến dịch lớn, ngày 20/11/1950, Trung đoàn 675 được thành lập; trung đoàn Pháo Binh đầu tiên của QĐND Việt Nam. Ngày 27 tháng 3 năm 1951, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Đại đoàn 351- Đại đoàn công pháo đầu tiên của Quân đội ta gồm: Trung đoàn pháo 675, Trung đoàn pháo 45 và Trung đoàn công binh 151.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) ta đã có 2 trung đoàn pháo binh, 4 tiểu đoàn pháo phản lực và súng cối thuộc pháo binh của Bộ Quốc phòng và 6 tiểu đoàn pháo biên chế của các đại đoàn chủ lực tham gia Chiến dịch, đánh dấu bước phát triển trưởng thành cả về số lượng, chất lượng và nghệ thuật sử dụng pháo binh trong kháng chiến chống Pháp. Vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, các đơn vị pháo binh đã mở đường, xuyên rừng, vượt suối, qua đèo cao, dốc đứng, mưa bom, bão đạn của giặc Pháp đưa pháo vào, kéo pháo ra an toàn thực hiện nghiêm túc chủ trương của Bộ Chỉ huy Chiến dịch là: Chuyển từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Trong Chiến dịch này, Pháo binh đã tham gia đánh hiệp đồng binh chủng cùng bộ binh thắt chặt vòng vây tiêu diệt dứt điểm từng cứ điểm, vừa phá công sự, sân bay triệt đường tiếp tế, cùng với các đại đoàn chủ lực tham gia tổng công kích giành toàn thắng.

Bài văn nói về binh chủng pháo binh

Hình ảnh Bác Hồ lên thăm trận địa Pháo binh trước giờ nổ súng

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng Pháo binh có 3 đại đoàn pháo mặt đất (Đại đoàn 351, Đại đoàn 349, Đại đoàn 675) và Đại đoàn pháo cao xạ 367. Ngày 7 tháng 9 năm 1954, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Bộ Chỉ huy Pháo binh đến ngày 28 tháng 5 năm 1956 được đổi thành Bộ Tư lệnh Pháo binh. Đây là giai đoạn pháo binh được biên chế thống nhất, trang bị tương đối hiện đại. Về tổ chức đã có các cơ quan trực thuộc bộ tư lệnh, nhà trường, các đơn vị pháo dự bị và pháo biên chế trong các đơn vị binh chủng hợp thành.

Tại chiến trường miền Nam, với “Súng ngựa trời” trong phong trào đồng khởi Bến Tre, “Súng cối lửa” ở Mỹ Tho… Năm 1961, với những khẩu pháo thu được của địch ta đã thành lập những đội pháo binh đầu tiên của miền Đông. Đồng thời, với sự chi viện từ miền Bắc, Pháo binh Quân giải phóng phát triển không ngừng cả về số lượng và chất lượng, kết hợp đánh độc lập với đánh hiệp đồng chi viện cho bộ binh đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn góp phần cùng lực lượng vũ trang và nhân dân miền Nam đánh bại Chiến tranh cục bộ, Chiến tranh đặc biệt và Việt Nam hóa chiến tranh của Đế quốc Mỹ.

Trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, pháo binh các lực lượng đã tham gia pháo kích đồng loạt dài ngày với quy mô rộng lớn vào hầu hết các cơ quan đầu não của Mỹ - Ngụy trên toàn Chiến trường miền Nam. Đến Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971 và cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1972, Pháo binh ta đã có những đổi mới và phát triển về trang bị.

Mùa xuân năm 1975, trong cuộc Tổng tiến công chiến lược, Pháo binh ra quân với sức mạnh chưa từng có, tập trung hơn 90% lực lượng có mặt trên khắp các chiến trường, nhiều đơn vị đã hành quân thần tốc từ Bắc vào Nam trên chặng đường dài 1700 km để có mặt trên các Mặt trận Tây Nguyên, Trị - Thiên - Huế, Đà Nẵng, Đông Nam Bộ, góp phần tạo nên bước ngoặt chiến tranh có lợi cho ta.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Pháo binh đã huy động 22 trung, lữ đoàn pháo xe kéo với hơn 700 khẩu các loại tạo ra hệ thống hỏa lực mạnh áp đảo quân địch ngay từ đầu để cùng toàn quân, toàn dân ta làm nên chiến thắng lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Trải qua 76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Bộ đội Pháo binh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc của Đảng, Nhà nước mà thường xuyên trực tiếp là Đảng uỷ Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương); Bộ Quốc phòng; sự quan tâm giúp đỡ của các đơn vị bạn và sự yêu thương đùm bọc của nhân dân cả nước. Cán bộ, chiến sĩ Pháo binh luôn trung thành tuyệt đối với Đảng với nhân dân và Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, luôn tích cực, chủ động, sáng tạo, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ và hy sinh hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Với những thành tích đã đạt được trong xây dựng và chiến đấu, Bộ đội Pháo binh đã được Bác Hồ tặng 8 chữ vàng “Chân đồng - Vai sắt - Đánh giỏi - Bắn trúng”; được Đảng, Nhà nước, Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao và tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý.

Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng với toàn dân, toàn quân, bộ đội pháo binh thường xuyên củng cố xây dựng lực lượng vững mạnh, nâng cao chất lượng huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.

Bài văn nói về binh chủng pháo binh

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã trao tặng và gắn Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất lên Quân kỳ Quyết thắng của Binh chủng Pháo binh

Phát huy truyền thống Pháo binh anh hùng, cán bộ, giảng viên, học viên pháo binh tại Học viện Lục quân đã và đang cùng nhau đoàn kết, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học. Kỷ niệm 76 năm ngày truyền thống binh chủng Pháo binh, cán bộ, giảng viên, học viên cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang của binh chủng trong niềm phấn khởi, tự hạo, xây dựng và phát triển lực lượng pháo binh nói riêng, Quân đội ta nói chung ngày càng lớn mạnh và hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, xác định trách nhiệm quyết tâm thi đua dạy tốt, học tốt nghiên cứu khoa học và công tác tốt, để tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Bộ đội Pháo binh Việt Nam Anh hùng./.