Cách làm các bài văn nghị luận xã hội năm 2024

Trong những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn ra đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn theo hướng mở nhằm đánh giá được năng lực và phân loại trình độ của học sinh, nhất là ở mảng câu hỏi nghị luận xã hội. Điều này cũng giúp học sinh có khả năng vận dụng được những hiểu biết thực tế vào bài viết của mình. Tuy nhiên, nhiều năm qua, vẫn có hiện tượng thí sinh làm xa đề, lạc đề, lan man,… Vì vậy, việc xác định kiểu dạng đề thi nghị luận là rất cần thiết, tránh cho thí sinh đi lạc hướng và làm sai đề. Muốn vậy, mỗi thí sinh phải đọc kỹ đề bài, chú ý những từ ngữ để nhận kiểu, dạng bài văn. Thông thường, ta dễ bắt gặp 2 kiểu, dạng đề đó là: nghị luận về một tư tưởng, đạo lý và nghị luận về một hiện tượng đời sống xã hội.

Lập dàn ý theo bố cục của từng dạng đề nghị luận

Sau khi xác định được kiểu, dạng đề nghị luận, chúng ta cần bắt tay nhanh vào việc lập dàn ý. Tuy nhiên, muốn lập dàn ý đầy đủ thì ta phải nắm được bố cục chung của từng kiểu bài văn nghị luận xã hội. Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý thường đề cập tới những vấn đề về đạo đức, lối sống, quan điểm sống của các nhà tư tưởng lỗi lạc hay các danh nhân nổi tiếng. Dấu hiệu để nhận biết kiểu đề này thường là những câu nói trực tiếp để trong ngoặc kép của các nhà tư tưởng, các danh nhân nổi tiếng hay là một câu thơ, một ý kiến trích dẫn trong tác phẩm văn học, …

Về bố cục, trước hết phần mở bài, ta phải giới thiệu khái quát tư tưởng, đạo lý cần nghị luận. Phần thân bài cần giải thích các từ ngữ, thuật ngữ, khái niệm. Sau đó, ta phân tích và chứng minh mặt đúng - sai của tư tưởng, đạo lý đó. Từ đó chỉ ra tầm quan trọng, tác dụng của tư tưởng, đạo lý đối với đời sống xã hội. Cuối cùng, ta cần phải bình luận mở rộng vấn đề: có thể là bác bỏ những biểu hiện sai lệch, khẳng định tính đúng đắn. Tất cả những bước trên ta phải có dẫn chứng đi kèm nhằm tăng tính thuyết phục cho người nghe, người đọc. Phần kết bài cần đánh giá khái quát ý nghĩa tư tưởng đạo lý đã nghị luận và rút ra bài học nhận thức và hành động về tư tưởng đạo lý đó.

Đối với dạng đề nghị luận về một hiện tượng đời sống xã hội thường đề cập tới nhiều vấn đề trong cuộc sống hằng ngày và mang tính chất thời sự, thu hút sự quan tâm của nhiều người như: gian lận trong thi cử, vấn đề tai nạn giao thông, bạo lực học đường, quan điểm về sống thử, văn hóa thần tượng,… Có thể nói, đây là dạng chung mà nhiều năm gần đây Bộ Giáo dục đã hướng đến để học sinh tiếp cận. Để làm dạng bài này đạt kết quả cao, đòi hỏi thí sinh phải có vốn hiểu biết nhất định về đời sống xã hội để vận dụng vào bài làm. Phần mở bài, cần giới thiệu hiện tượng đời sống cần nghị luận. Phần thân bài, cần triển khai các điểm sau: nêu thực trạng của hiện tượng đời sống: hệ quả tác động (tích cực, tiêu cực) của hiện tượng, thái độ của con người và xã hội đối với hiện tượng, lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đó (nguyên nhân chủ quan, khách quan), đưa ra giải pháp để giải quyết hiện tượng đời sống. Phần kết bài cần khái quát lại vấn đề đang nghị luận đồng thời bày tỏ thái độ của bản thân về hiện tượng đời sống cần nghị luận.

Tích lũy kiến thức xã hội và nắm bắt thông tin

Nhiều giáo viên khi chấm bài làm của thí sinh đều cho rằng số rất ít thí sinh làm bài tốt ở câu nghị luận xã hội. Bởi lẽ, ở trường học, các em còn quá lệ thuộc vào cách học khuôn mẫu, thiếu tư duy, sáng tạo. Do vậy để đạt điểm cao, ngoài kiến thức được học tại trường, các em phải có lượng hiểu biết về xã hội. Thí sinh có thể ủng hộ hay phản đối một quan niệm nào đó song phải có khả năng lập luận sắc bén và cách hành văn trôi chảy, có sức thuyết phục. Văn nghị luận xã hội khác với nghị luận văn học ở chỗ nó là những kiến thức được tích lũy và lấy ra từ cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, bạn cần sự tìm kiếm, học hỏi và nắm bắt thông tin nhanh chóng. Muốn vậy, cần khai thác thông tin trên đài, báo, truyền hình hàng ngày; ghi chép lại những nhân chứng, bài học, tình huống hay và có ý nghĩa trong cuộc sốngđể làm tư liệu, dẫn chứng cho bài làm.

Chú ý về thời gian

Một bài nghị luận xã hội thường có yêu cầu về số lượng câu chữ nên thí sinh cần phân phối lượng thời gian làm bài sao cho phù hợp, tránh viết dài dòng, sa vào kể lể, giải thích vấn đề không cần thiết. Trên cơ sở dàn ý, chúng ta cần luyện cách viết và trình bày sao cho ngắn gọn, mạch lạc, dễ hiểu và có tính thuyết phục cao.

Dàn ý chi tiết cho bài văn nghị luận xã hội

Dàn ý chi tiết bài văn NLXH dạng đề tổng hợp

Dàn ý chi tiết cho bài văn nghị luận xã hội do VnDoc biên soạn bám sát chương trình Ngữ Văn 12 sẽ giúp các em học sinh có thêm tài liệu học tập lớp 12 trong quá trình ôn tập văn nghị luận xã hội, ôn thi học kì và luyện tập các đề văn lớp 12 có đáp án.

Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc. Nghiêm cấm mọi hình thức sao chép nhằm mục đích thương mại.

1. Văn nghị luận là gì?

1.1. Khái niệm văn nghị luận:

Nghị luận là một dạng văn bản mà người viết sử dụng những lập luận, lý lẽ của bản thân để bàn luận về một vấn đề, một sự vật, sự việc, hiện tượng trong đời sống, hay là bàn luận đánh giá về một tác phẩm văn học, tư tưởng suy nghĩ của một ai đó. Nhằm làm rõ vấn đề cần phải nghị luận. Bài văn nghị luận là cần phải có tính thuyết phục cao, các lập luận trong bài cần có những dẫn chứng, những ví dụ cụ thể cho vấn đề đang bàn luận.

Văn nghị luận xã hội là những bài văn bàn về xã hội, chính trị, đời sống nói chung. Do đó phạm vi của dạng bài này rất rộng. Nó bao gồm những vấn đề tư tưởng, đạo lí cho đến lối sống, bên cạnh đó một đề văn nghị luận xã hội đôi khi đề cập tới những câu chuyện nổi bật trong cuộc sống hằng ngày.

Hiểu đơn giản, văn nghị luận xã hội là dạng văn yêu cầu viết về vấn đề xã hội. Nó khác với nghị luận văn học ở chỗ, không viết về tác phẩm, nhà văn. Để viết văn nghị luận tốt, học sinh cần rèn luyện 2 kỹ năng: chứng kinh và giải thích.

1.2. Đặc điểm của văn nghị luận:

Vấn đề quan trọng trong một bài văn nghị luận là cần phải có tính thuyết phục và sự mạch lạc thống nhất trong các luận điểm, luận cứ.

Các luận điểm, luận cứ nêu ra trong bài cần phải có những dẫn chứng, những ví dụ cụ thể rõ ràng, càng nhiều dẫn chứng ví dụ thì bài luận sẽ càng hay và sẽ làm sáng tỏ được vấn đề cần phải nghị luận.

2. Dàn ý chung bài văn nghị luận xã hội dạng đề tổng hợp

1. Mở bài

Dẫn dắt vào vấn đề.

Giới thiệu cả 2 vấn đề (nếu có 2 ý kiến phải trích dẫn cả 2).

2.Thân bài

  1. Giải thích 2 vấn đề:

Giải thích ý nghĩa của vấn đề 1.

Giải thích ý nghĩa của vấn đề 2.

→ rút ra mối quan hệ của hai vấn đề: quan hệ đối lập hoặc quan hệ bổ sung.

  1. Phân tích

Lần lượt phân tích ý nghĩa của cả 2 vấn đề.

Chốt lại ý nghĩa chung mà 2 vấn đề cùng đề cập.

  1. Mở rộng chung:

Soi chiếu vấn đề ở nhiều phương diện khác nhau.

Phân tích hạn chế trong từng vấn đề.

  1. Phản đề

Phê phán hành vi không đúng đắn trái với ý nghĩa mà 2 ý kiến đưa ra.

3. Kết bài

Bài học nhận thức được rút ra từ 2 ý kiến.

Khẳng định mối quan hệ giữa 2 vấn đề.

Rút ra bài học cho bản thân.

3. Một số dàn ý bài văn nghị luận xã hội dạng đề tổng hợp

Đề bài 1: Nêu suy nghĩ của anh/chị về tinh thần trách nhiệm và thói vô trách nhiệm trong cuộc sống hiện nay.

3.1. Dàn ý Nghị luận về tinh thần trách nhiệm và thói vô trách nhiệm

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: tinh thần trách nhiệm và thói vô trách nhiệm.

2. Thân bài

  1. Giải thích

Trách nhiệm: là ý thức, hành vi luôn làm tốt và trọn vẹn một việc gì đó của con người.

Vô trách nhiệm: trái ngược trách nhiệm, là việc không có ý thức muốn làm tốt việc của mình.

  1. Phân tích

• Biểu hiện của người có trách nhiệm và người vô trách nhiệm:

- Người có trách nhiệm: luôn hoàn thành đúng hạn và làm tốt công việc được giao; không phải để người khác đốc thúc, nhắc nhở mình; biết nhìn vào thực tế, biết chấp nhận những lỗi lầm của bản thân và có ý thức sửa chữa, khắc phục.

- Người vô trách nhiệm: không quan tâm, mặc kệ những công việc mà bản thân mình được giao, không hoàn thành đúng hạn công việc hoặc chất lượng công việc không được tốt; không dám nhìn nhận thực tế vào những lỗi lầm của mình.

• Lợi ích và tác hại:

Lợi ích của trách nhiệm: giúp con người ta trưởng thành hơn, biết sắp xếp công việc, vươn lên trong cuộc sống; được người khác tín nhiệm, tin tưởng.

Tác hại của việc vô trách nhiệm: mất lòng tin ở mọi người, khó thành công trong công việc và cuộc sống…

  1. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng để làm minh chứng cho người có trách nhiệm và người vô trách nhiệm trong bài làm văn của mình.

  1. Mở rộng

Cuộc sống của mỗi người do mỗi người tự lựa chọn và định hướng, hãy trở thành một người để người khác học tập theo.

Khi chúng ta rèn luyện được đức tính “trách nhiệm”, ta sẽ rèn luyện được nhiều đức tính quý báu khác.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: tinh thần trách nhiệm và vô trách nhiệm; đồng thời rút ra bài học, liên hệ đến bản thân mình.

Đề bài 2: Có ý kiến cho rằng: “Cuộc sống là cuộc chạy đua với thời gian.” Lại có ý kiến khác nhận xét: “Đời người chỉ được sống một lần, hãy sống chậm và tận hưởng trọn vẹn cuộc sống.” Nêu quan điểm của anh/chị về hai ý kiến trên.

3.2. Dàn ý Nghị luận về ý kiến sống nhanh và sống chậm

1. Mở bài

Mỗi con người có một lí tưởng, một quan điểm sống khác nhau. Có ý kiến cho rằng: “Cuộc sống là…”. Lại có ý kiến khác nhận xét: “Đời người…”

2.Thân bài

  1. Giải thích 2 vấn đề:

“Cuộc sống là…”: Thời gian là thứ khi nó đã qua đi chúng ta mãi mãi không bao giờ lấy lại được. Chính vì thế, chúng ta hãy sống thật nhiệt huyết, làm việc thật chăm chỉ.

“Đời người…”: Mỗi chúng ta chỉ được sống duy nhất một lần trên đời, hãy tận hưởng niềm vui, vẻ đẹp mà cuộc sống mang lại, sống chậm rãi, yêu thương nhiều hơn.

→ Hai ý kiến tưởng chừng đối lập nhau nhưng lại bổ sung cho nhau để hoàn thiện ý nghĩa: Mỗi chúng ta hãy cố gắng làm việc, sống thật tốt để trở thành người có ích cho xã hội, bên cạnh đó cũng phải biết cân đối thời gian, tận hưởng mọi niềm vui mà cuộc sống mang lại.

  1. Phân tích

Xã hội ngày càng phát triển, con người càng phải nỗ lực để xây dựng cuộc sống của mình tốt đẹp hơn. Để làm được điều đó, chúng ta phải cố gắng làm việc thật chăm chỉ, không lười biếng, dựa dẫm, trông chờ vào người khác.

Tuy nhiên, sau những giờ phút làm việc mệt mỏi, chúng ta cũng cần phải dành thời gian cho chính bản thân mình, sống với những đam mê, sở thích cá nhân, tận hưởng niềm vui của cuộc sống.

  1. Mở rộng chung

Thử nghĩ xem, cuộc sống sẽ tẻ nhạt đến mức nào nếu mỗi con người chỉ biết làm việc như những chiếc máy, chẳng biết vui cũng không biết buồn?

Sẽ tệ hại ra sao nếu con người chỉ mải chơi, tập trung vào những thú vui, sở thích, đam mê riêng của bản thân mà không cố gắng lao động để đưa xã hội phát triển?

Mỗi ý kiến sẽ có một góc độ đúng đắn khác nhau, tuy nhiên để giá trị của nó hoàn thiện nhất là khi kết hợp hai ý kiến lại với nhau để nó bổ sung cho nhau.

Hai ý kiến góp phần giúp chúng ta nhận ra giá trị cốt lõi của cuộc sống cũng như biết tự cân bằng cuộc sống của mình sao cho vừa cống hiến, vừa tươi vui nhất.

  1. Phản đề

Trong cuộc sống vẫn còn không ít những người đặt cái tôi bản thân quá cao, họ đề cao những giá trị lợi ích của bản thân cũng như tập trung quá nhiều vào những sở thích riêng của mình mà lơ đãng, không thực sự cố gắng trong sự nghiệp.

Bên cạnh đó, cũng có không ít người “tham công tiếc việc” ngày đêm làm việc như những chiếc máy để rồi khi ngẩng đầu lên mới thấy những điều tốt đẹp đã vụt khỏi tầm tay.

→ Chúng ta cần tự biết cân bằng lại giữa làm việc và tận hưởng cuộc sống để có được sự thoải mái nhất cho bản thân mình.

3. Kết bài

Hai ý kiến mang những giá trị khác nhau nhưng bổ sung cho nhau để hoàn thiện ý nghĩa giúp con người ta có cuộc sống tốt hơn.

Đề bài 3: Bình luận quan điểm của anh/chị về ý kiến: Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa

3.3. Dàn ý Nghị luận xã hội về quan điểm: Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: quan điểm: Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa.

Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách viết mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân mình.

2. Thân bài

  1. Giải thích

Sự cống hiến: việc mỗi con người cố gắng lao động, làm việc, tạo ra của cải vật chất để giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần phát triển nước nhà đồng thời sẵn sàng góp công góp sức khi tổ quốc cần.

Hưởng thụ: là việc mỗi con người tận hưởng thành quả lao động của mình, hòa mình vào với những niềm đam mê, cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống.

Hai ý kiến tưởng chừng đối lập nhau nhưng lại bổ sung cho nhau cùng hoàn thiện ý nghĩa: là con người chúng ta cần sống hết mình, lao động và làm việc để tạo ra thành tựu cho bản thân và góp phần phát triển đất nước. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần dành thời gian cho bản thân để rèn luyện sức khỏe, tận hưởng vẻ đẹp muôn màu để thấy cuộc sống này thật đáng sống.

  1. Phân tích

Mỗi chúng ta khi sinh ra được sống trong nền hòa bình đã là một sự may mắn, chính vì vậy chúng ta cần phải cống hiến nhiều hơn để phát triển nước nhà vững mạnh, có thể chống lại mọi kẻ thù. Mỗi người khi học tập, lao động, tạo lập cho mình một cuộc sống tốt đẹp cũng chính là cống hiến cho tổ quốc.

Mỗi con người chỉ sống một lần duy nhất, ngoài những giờ tập trung làm việc, chúng ta cũng cần dành thời gian cho bản thân, tìm kiếm thêm nhiều trải nghiệm, đến những vùng đất mới để học hỏi được nhiều điều thú vị khác nhau,…

Nếu học tập và làm việc chăm chỉ giúp con người phát triển về trí tuệ thì việc tận hưởng cuộc sống nuôi dưỡng chúng ta về tâm hồn, đây là hai yếu tố quan trọng để hoàn thiện một con người, mỗi chúng ta cần biết cân bằng giữa lao động và nghỉ ngơi.

  1. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về những người Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa để minh họa cho bài làm văn của mình.

Lưu ý: dẫn chứng phải tiêu biểu, nổi bật, được nhiều người biết đến.

  1. Phản đề

Tuy nhiên vẫn còn có nhiều bạn chưa có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước, chỉ biết đến bản thân mình, coi việc chung là việc của người khác. Lại có những người sống cực đoan, chỉ lo làm việc mà không chú tâm đến việc bồi dưỡng tâm hồn… những người này cần xem xét lại chính bản thân mình.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: quan điểm: Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.

Đề bài 4: Bàn luận về cách nhìn nhận cuộc sống, con người trong xã hội qua “tác phẩm chiếc thuyền ngoài xa”.

Đề bài 5: Trong kho tàng tục ngữ Việt Nam có câu :”Không thầy đố mày làm nên”.

Qua câu tục ngữ trên anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của bản thân về vai trò của người thầy trong xã hội hiện tại.

Đề bài 6: Trong tác phẩm "hồn Trương Ba, da hàng thịt", nhân vật Trương Ba đã bày tỏ quan niệm sống qua câu "Không thể bên ngoài một đằng, bên trọng một nẻo được". Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ về quan niệm trên.

Đề bài 7: Bàn luận về cách nhìn nhận cuộc sống, con người trong xã hội qua "tác phẩm chiếc thuyền ngoài xa".

------

Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:

  • Tổng hợp 150 đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ
  • Nghị luận xã hội về trí và nhân
  • Đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ
  • Nghị luận xã hội 200 chữ về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Cách làm bài văn nghị luận xã hội (Dạng tổng hợp). Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Để học tốt Địa lý 12, Giải Toán 12 nâng cao, Tiếng Anh lớp 12 mới, Môn Vật lý 12 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.