Cầu bãi cháy dài bao nhiêu mét năm 2024

Sáng nay, tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, cầu Bãi Cháy bắc qua eo biển Cửa Lục trên vịnh Hạ Long đã được khánh thành sau ba năm xây dựng. Đây là cây cầu bê tông dự ứng lực một mặt phẳng dây đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam, đồng thời, cũng lập kỷ lục thế giới mới về chiều dài nhịp chính đối với kết cấu loại cầu này (435m). Cây cầu mới được ví như “Cung đàn Hạ Long” - một kỳ quan mới được tạo dựng từ trí tuệ, công sức của con người, rất hài hòa với kỳ quan của tạo hóa.

Cây cầu mang nhiều ý nghĩa

Cầu Bãi Cháy nằm trên quốc lộ 18 nối liền hai khu vực trung tâm văn hóa, kinh tế của tỉnh Quảng Ninh là Hòn Gai và Bãi Cháy. Cầu Bãi Cháy đã thay thế bến phà Bãi Cháy, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông nội đô thành phố Hạ Long và nối thông toàn bộ quốc lộ 18 - trục giao thông huyết mạch của tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của toàn bộ vùng Đông Bắc đất nước.

Nằm trên vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới, cầu Bãi Cháy có kiến trúc đẹp, hiện đại, góp phần tô thêm cho vẻ đẹp của vịnh Hạ Long và thành phố du lịch Hạ Long.

Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải nói: Cầu Bãi Cháy là cây cầu có nhiều ý nghĩa, nối liền khu vực phía đông và tây của thành phố biển Hạ Long, giúp người dân thành phố nói riêng và nhân dân tỉnh Quảng Ninh nói chung thoát khỏi cảnh chờ đợi những chuyến phà từ bao năm nay.

Không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông, cầu Bãi Cháy đánh dấu những kỷ lục xây dựng mới của Việt Nam và thế giới. Với kết cấu dây văng một mặt phẳng và chiều dài nhịp chính 435m, đây là cây cầu dây văng bê tông dự ứng lực một mặt phẳng dây đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam. Đồng thời, cây cầu cũng lập kỷ lục thế giới về chiều dài nhịp chính đối với kết cấu cầu dăng văng một mặt phẳng.

Với kiến trúc thanh mảnh, hiện đại, cầu Bãi Cháy đem lại một nét kiến trúc mới, tô điểm và tôn thêm cho vẻ đẹp của vịnh Hạ Long. Đất Quảng Ninh có thêm một dấu ấn để nhớ, dấu ấn về một công trình hạ tầng hiện đại, có tính thẩm mỹ cao, trong một khung cảnh thật thơ mộng, đúng như một nhạc sĩ đã ví cầu Bãi Cháy là “Cung đàn Hạ Long” - một kỳ quan mới được tạo dựng từ trí tuệ, công sức của con người, rất hài hòa với kỳ quan của tạo hóa - vịnh Hạ Long.

Thực hiện sứ mệnh lịch sử

Giờ đây, bên cạnh di sản thế giới Hạ Long, người dân vùng mỏ có thêm niềm tự hào mới là cây cầu Bãi Cháy. Khát vọng bao đời của người dân vùng mỏ kéo đôi bờ eo biển lại gần nhau bằng một cây cầu huyền diệu, sừng sững trên sóng biển Đông Bắc đã thành hiện thực, đánh dấu bước trưởng thành mạnh mẽ của đội ngũ công nhân cầu Việt Nam và thêm một mốc son của tình hữu nghị hợp tác giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Nhật Bản.

Cầu Bãi Cháy chính là cây cầu đã thực hiện “sứ mệnh lịch sử” là đặt dấu “chấm hết” cho sự tồn tại của các bến phà trên suốt dọc tuyến đường 18A. Từ đây, mọi phương tiện giao thông từ thủ đô Hà Nội tới thị xã Móng Cái (Quảng Ninh), nơi địa đầu Tổ quốc, không còn cảnh phà, đò nữa. Điều này có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ với Quảng Ninh mà cho cả toàn khu vực các tỉnh phía Bắc.

Với cầu Bãi Cháy, cây cầu lớn nhất trên toàn tuyến, nó càng có ý nghĩa quan trọng hơn. Bởi lẽ, eo biển Cửa Lục mà cây cầu bắc qua là luồng vào cảng nước sâu Cái Lân và khu công nghiệp đóng tàu trọng tải trên 10.000 tấn. Vì thế, yêu cầu đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền vào cảng là bắt buộc. Cầu Bãi Cháy được thiết kế cao 50 mét so với mặt nước biển, rộng 130 mét đã đáp ứng được điều đó, đảm bảo các tàu trọng tải 5 vạn tấn đều có thể qua lại bình thường.

Việc thiết kế từ những kết cấu chính như trụ tháp, dây văng cho đến những chi tiết nhỏ như lan can cầu, đèn chiếu sáng cũng được tính toán, thiết kế kỹ lưỡng và được thử nghiệm khí động học tại Nhật Bản nhằm đảm bảo sự an toàn cho cây cầu trong mọi điều kiện thời tiết phức tạp ở vùng biển.

Sau khi cầu Bãi Cháy hoàn thành, Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh thực hiện công tác quản lý khai thác cầu và lập phương án sử dụng lao động dôi dư của Xí nghiệp phà Bãi Cháy.

Toàn bộ dự án bao gồm xây dựng mới khoảng 5 km đường dẫn với 4 làn xe, rộng 25m, cấp thiết kế 80. Trên đường dẫn có tám cầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép dự ứng lực vĩnh cửu và một cầu chính. Điểm đầu của dự án là tại ga Cái Lân và kết thúc tại ngã ba Kênh Liêm- thành phố Hạ Long.

Dự án cầu Bãi Cháy được thực hiện bằng vốn vay ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước với tổng mức đầu tư 2.140 tỷ đồng, thời gian thi công 40 tháng.

Tài trợ cho dự án cầu Bãi Cháy là Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản. Thiết kế cầu được thực hiện bởi nhiều tổ hợp như Viện Cấu trúc&Cầu Nhật Bản, Tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương, Tập đoàn Thiết kế Công nghệ Vận tải, và Tư vấn Hyder. Hợp đồng chính được trao vào tháng 5-2003 cho Công ty liên doanh Nhật Bản Shimizu-Sumitomo Matsui và khởi công vào tháng 8 -2003.