Cho vay chứng minh năng lực tài chính là gì năm 2024

Cho vay góp vốn giúp cho các doanh nghiệp có điều kiện mở rộng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, hoặc gia tăng tỷ suất sinh lời từ các khoản đầu tư góp vốn. Tuy nhiên, rủi ro đối với người vay và các TCTD cũng sẽ nhiều hơn trong phương thức tài trợ dự án hay là phương thức tài trợ phi truyền thống. Do đó, các TCTD phải hết sức thận trọng khi quyết định cho vay góp vốn thành lập công ty ở những lĩnh vực mà tính khả thi và triển vọng thành công của dự án là không cao.

2. Lợi ích và rủi ro của cho vay đặt cọc và hoàn thanh toán

Đặt cọc là việc một bên (gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng (khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015). Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015). Đặt cọc là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định tại khoản 3 Điều 292 Bộ luật Dân sự 2015.

Đặt cọc trong thực tế thường được thực hiện trong các giao dịch chuyển nhượng bất động sản. Tỷ lệ đặt cọc thường chiếm từ 20 - 30% giá trị bất động sản mua bán. Nếu sau khi đặt cọc và các bên ký kết hợp đồng mua, bán thì số tiền đặt cọc được xem như khoản thanh toán đầu tiên và người mua sẽ phải thanh toán tiếp các đợt còn lại theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán.

Việc các TCTD chấp nhận cho khách hàng vay để đặt cọc mua bất động sản nói riêng, hàng hóa nói chung sẽ đáp ứng được nhu cầu tài chính mang tính cấp bách cho khách hàng. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các TCTD.

Rủi ro thứ nhất là năng lực tài chính của người vay yếu kém và có khả năng là không thực hiện được nghĩa vụ hợp đồng bị mất tiền cọc, và/hoặc thậm chí không trả được nợ vay đặt cọc cho các TCTD. Cũng cần lưu ý là, khi cho khách hàng vay thanh toán tiền mua tài sản, hàng hóa, dịch vụ, các TCTD thường yêu cầu người vay phải có vốn chủ sở hữu/vốn tự có tham gia đến 30% giá trị tài sản và các TCTD sẽ cho khách hàng vay nhu cầu vốn còn thiếu của khách hàng. Do đó, với tỷ lệ đặt cọc thậm chí đến 30% giá trị tài sản thì cũng hoàn toàn nằm trong khả năng đáp ứng bằng vốn tự có của khách hàng theo quy định của các TCTD. Cho nên các TCTD cũng không cần thiết phải đáp ứng nhu cầu này của khách hàng, trừ trường hợp mà tỷ lệ đặt cọc lên đến 30% giá trị tài sản trong khi TCTD chấp nhận cho vay đến 90% giá trị tài sản thì TCTD có thể cho vay 20% số tiền đặt cọc, chứ không phải là toàn bộ số tiền đặt cọc trong trường hợp này.

Rủi ro thứ hai là người mua bỏ cọc do giá cả tài sản giảm nhanh trên thị trường dẫn đến người mua bị lỗ.

Rủi ro thứ ba là tranh chấp xảy ra giữa bên mua và bên bán khiến việc đòi lại tiền cọc của người mua rất khó khăn. Chẳng hạn như, tài sản chưa đủ điều kiện để bán, người bán đổi ý không bán chấp nhận trả cọc và bồi thường nhưng người mua không đồng ý.

Cho vay đặt cọc nhìn chung là khá rủi ro cho các TCTD. Mặt khác, nếu so với những khoản cho vay để đáp ứng nhu cầu thanh toán tiền mua tài sản, hàng hóa hay dịch vụ, thông thường, các TCTD sẽ yêu cầu người vay phải chứng minh mục đích sử dụng tiền vay bằng các hợp đồng mua bán. Khi đó, quyền sở hữu tài sản được xem như đã chuyển từ bên bán sang bên mua, nhưng với hợp đồng đặt cọc, quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc về bên bán. Bản chất của hoạt động cho vay đặt cọc của các TCTD là cho vay để khách hàng thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ chứ không phải là cho vay để khách hàng mua sắm tài sản. Hơn nữa, việc các TCTD dễ dãi trong việc đáp ứng nhu cầu vay đặt cọc mua bất động sản của khách hàng cũng sẽ góp phần làm cho các hoạt động đầu cơ bất động sản, “lướt sóng” hay “tay không bắt giặc” có điều kiện phát triển, gây nên tình trạng tăng nóng hoặc sốt ảo bất động sản.

Do đó, việc NHNN dự kiến cấm các TCTD cho vay đặt cọc nhằm hạn chế rủi ro cho các TCTD là có cơ sở. Tuy nhiên, việc NHNN dự kiến chỉ cấm các TCTD cho khách hàng vay thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch trong tương lai mà tại thời điểm đặt cọc chưa đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật là không cần thiết, bởi vì, tại khoản 2 Điều 1 dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2016/TT-NHNN cũng đã cấm các TCTD cho vay để đáp ứng các nhu cầu tài chính cho các giao dịch mà pháp luật cấm.

Với hoạt động cho vay hoàn thanh toán của các TCTD, ngoài việc giúp cho khách hàng đáp ứng được nhu cầu tài chính để đầu tư và thanh toán, hoạt động cho vay này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các TCTD và để lại nhiều hệ lụy.

Rủi ro thứ nhất là nhiều khả năng khách hàng không cần chứng minh mục đích sử dụng tiền vay và điều này dẫn việc các TCTD không cần hoặc không thể kiểm tra mục đích sử dụng tiền vay của khách hàng. Điều này dẫn đến vi phạm nguyên tắc cho vay được nêu tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN. Theo đó, khách hàng vay vốn TCTD phải đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Rủi ro thứ hai là có khả năng khách hàng sử dụng tiền vay cho các mục đích đầu cơ tài sản (bất động sản, chứng khoán) tiềm ẩn rủi ro hoàn vốn và hoàn trả nợ vay của khách hàng. Đồng thời, hoạt động đầu cơ cũng góp phần đẩy giá tài sản tăng cao hơn giá trị thực của tài sản, để lại nhiều hệ lụy cho chính các TCTD và nền kinh tế.

Rủi ro thứ ba là cho vay đảo nợ. Có khả năng khách hàng vay hoàn thanh toán để trả các khoản nợ có nguy cơ trở thành nợ xấu tại các TCTD khác, dẫn đến làm giảm chất lượng của các khoản cho vay hoàn thanh toán.

Thật ra, khi có nhu cầu vay vốn, khách hàng phải cung cấp phương án hay dự án sử dụng vốn vay khả thi và sử dụng tài sản vay hoàn thanh toán để thế chấp cho các TCTD như thông thường, chứ không cần thiết phải vay hoàn thanh toán để che giấu mục đích sử dụng vốn mang tính đầu cơ hoặc không hợp pháp của khách hàng.

3. Lợi ích và sự cần thiết của cho vay chứng minh tài chính

Cho vay chứng minh khả năng tài chính cũng là một sản phẩm tín dụng được nhiều TCTD cung cấp cho khách hàng trong nhiều năm qua ở Việt Nam. Cho vay chứng minh khả năng tài chính giúp cho khách hàng thuận lợi hơn trong thủ tục chứng minh khả năng tài chính cho con du học hay chứng minh khả năng tài chính để góp vốn thành lập doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh… Tuy nhiên, để chứng minh khả năng tài chính, khách hàng không nhất thiết phải sử dụng cho vay chứng minh tài chính của các TCTD mà có thể sử dụng những thủ tục thay thế khác. Chẳng hạn, để chứng minh tài chính cho con du học, khách hàng có thể chứng minh bằng thủ tục xác nhận số dư các loại tiền gửi tại các TCTD hoặc hợp đồng cho vay du học của các TCTD. Để chứng minh tài chính bằng các loại bất động sản, khách hàng có thể sử dụng dịch vụ ủy thác quản lý tài sản hay dịch vụ bảo quản giấy tờ có giá của các TCTD. Ngoài ra, việc giải ngân vốn vay chứng minh tài chính vào tài khoản tiền gửi không kỳ hạn cho khách hàng rồi sau đó khách hàng có sử dụng vốn vay đúng mục đích hay không cũng là vấn đề khó khăn đối với các TCTD. Thậm chí, có khả năng các TCTD cũng không cần kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay sau khi đã giải ngân bằng chuyển khoản vào tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng. Do đó, rất có khả năng khách hàng sử dụng vốn vay sai mục đích dẫn đến tiềm ẩn rủi ro thu hồi nợ sau này cho các TCTD.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ luật Dân sự 2015.

2. Luật Doanh nghiệp 2020.

3. Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.