Cơ quan nào là cơ quan quyền lực nhà nước năm 2024

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời cũng là người sáng lập ra Quốc hội nước ta. Người đã dành nhiều tâm huyết để xây dựng bộ máy nhà nước nói chung và Quốc hội nói riêng. Trong tư tưởng của Người, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết của toàn dân, cho chí khí quật cường của dân tộc. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thực hiện Di chúc của Người là dịp chúng ta nhìn lại quá trình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh để Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Cơ quan nào là cơ quan quyền lực nhà nước năm 2024

Quốc hội với tư tưởng tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân

Nói về bản chất của Nhà nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(1). Đây là tư tưởng xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển của Nhà nước ta.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, để xác lập nền tảng pháp lý của một nhà nước kiểu mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo việc soạn thảo Hiến pháp dân chủ đầu tiên của dân tộc. Bản Hiến pháp này đã tuân thủ 3 nguyên tắc cơ bản của một Nhà nước dân chủ. Một là, đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, trai gái, giai cấp, tôn giáo. Hai là, bảo đảm các quyền tự do, dân chủ cho Nhân dân. Ba là, thực hiện một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của Nhân dân. Với những nguyên tắc này, Hiến pháp năm 1946 đã bảo đảm về mặt pháp lý tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể Nhân dân, Nhân dân thực hiện quyền lực đó thông qua Quốc hội, là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cơ quan nào là cơ quan quyền lực nhà nước năm 2024

Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được công nhận tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa I, tháng 3.1946

Ảnh: Tư liệu

Trong bài Thường thức Chính trị đăng trên báo Cứu Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Trong các cuộc bầu cử, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái, trai, tôn giáo, mức tài sản, trình độ văn hóa, không phân biệt nòi giống đều có quyền tham gia. Đó là một cách rất hợp lý để Nhân dân lao động thực hành quyền thống trị của mình”(2). Để bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, thì trong tư tưởng của Người: “Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước... Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp. Những vấn đề quan trọng nhất của Nhà nước trong phạm vi toàn quốc đều do Quốc hội quyết định”(3).

Học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, để bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Quốc hội nước ta phải không ngừng nỗ lực để thực hiện có hiệu lực, hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ được giao, phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân trên cả nước. Trên thực tế, kể từ những kỳ họp đầu tiên, Quốc hội đã phát huy tinh thần dân chủ, đoàn kết, sáng tạo để quyết định những vấn đề hệ trọng của nước nhà. Trong việc xem xét, thông qua bản Hiến pháp năm 1946, các đại biểu Quốc hội đã tranh luận một cách dân chủ, thấu đáo về tất cả những vấn đề cơ bản của một bản Hiến pháp tiến bộ. Đánh giá về bản Hiến pháp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đó là: “một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông… Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập, dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do…”.

Kể từ những kỳ họp đầu tiên đó, trải qua những thăng trầm của lịch sử, tinh thần dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm vì lợi ích của Nhân dân luôn được thể hiện trong các hoạt động của Quốc hội. Với tâm huyết, trí tuệ, nỗ lực và sáng tạo, các đại biểu Quốc hội trong 14 khóa vừa qua đã xây dựng và ban hành được 5 bản Hiến pháp, 437 bộ luật, luật, 220 pháp lệnh, tạo nên một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh. Hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng sâu, sát, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện quyền lực nhà nước. Các quyết định của Quốc hội về các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng phát huy hiệu quả, có giá trị thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tiếp tục phát huy truyền thống đó, từ đầu nhiệm kỳ Khóa XIV đến nay, Quốc hội đã phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của Nhân dân. Trên cơ sở lắng nghe đầy đủ và thận trọng các ý kiến của cử tri, Quốc hội Khóa XIV đã ban hành nhiều đạo luật lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong các lĩnh vực tư pháp, kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, quốc phòng an ninh như Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Quốc phòng; Luật Công an Nhân dân; Luật Giáo dục, Luật Cạnh tranh; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia...

Hoạt động giám sát của Quốc hội trong những năm đầu của nhiệm kỳ Khóa XIV cũng để lại dấu ấn với nhiều chuyên đề giám sát tập trung vào những vấn đề đang nổi cộm, nhận được sự quan tâm sát sao của dư luận như chuyên đề giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm... Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được triển khai thận trọng, chu đáo, nghiêm túc, theo đúng quy trình, thủ tục, bảo đảm dân chủ, khách quan. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là “thước đo” hiệu quả hoạt động của những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; đồng thời, là động lực để những người được tín nhiệm cao tiếp tục cống hiến, những người chưa được tín nhiệm cao phấn đấu khắc phục khuyết điểm, nâng cao hiệu quả công việc. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng đi vào thực chất, tập trung làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật, được dư luận cử tri ủng hộ, đánh giá cao.

Về việc quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, trong nửa đầu nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận, cân nhắc thận trọng, xem xét khách quan, toàn diện để thông qua nhiều dự án, quyết định quan trọng của đất nước trong đó có những chính sách đột phá, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành; thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng… Quốc hội cũng đã ban hành nhiều quyết định về công tác tổ chức, nhân sự góp phần kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng Quốc hội đoàn kết, đại diện cho lợi ích của toàn dân tộc

Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội là tiêu biểu cho đoàn kết của toàn dân tộc. Tại Kỳ họp thứ Sáu của Quốc hội Khóa I, Người đã khẳng định: “Quốc hội ta là Quốc hội của toàn dân, được bầu ra theo luật tuyển cử rất dân chủ: Tự do, phổ thông, bỏ phiếu kín... Vì vậy, Quốc hội ta là tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết của toàn dân, cho chí khí quật cường của dân tộc...”. Nhận xét về Quốc hội Khóa I, Người nói: “Khóa Quốc hội này là khóa Quốc hội đoàn kết. Ở đây, có đại biểu của tất cả các giai cấp yêu nước, của tất cả các dân tộc anh em, các tôn giáo, các đảng phái, của đồng bào Bắc, Trung, Nam”(4).

Như vậy, Quốc hội đoàn kết theo tư tưởng của Người trước hết phải là Quốc hội của toàn dân. Điều này được thể hiện trước hết ở việc các đại biểu Quốc hội phải do người dân trực tiếp bầu ra theo những nguyên tắc dân chủ. Báo Cứu Quốc số 130 ra ngày 31.12.1945 đã đăng bài viết “Về ý nghĩa tổng tuyển cử”, trong đó Người đã chỉ rõ: “… Trong tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử, không phân chia trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”(5). Người khẳng định: “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”(6).

Tiếp thu tư tưởng đó, từ những kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên đến nay, pháp luật bầu cử đại biểu Quốc hội của nước ta đã được liên tục đổi mới và hoàn thiện. Quốc hội đã 6 lần ban hành và sửa đổi, bổ sung luật về bầu cử đại biểu Quốc hội, trong đó, các nguyên tắc bầu cử tự do, phổ thông, bình đẳng và bỏ phiếu kín luôn được nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện. Đặc biệt, theo Hiến pháp năm 2013, kể từ kỳ bầu cử Quốc hội Khóa XIV, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã được thành lập để tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp. Điều này đã giúp cho công tác tổ chức bầu cử ngày càng trở nên hoàn thiện và chuyên nghiệp hơn. Trên thực tế, các cuộc bầu cử Quốc hội từ năm 1946 cho đến nay đều đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tỷ lệ trung bình cử tri đi bỏ phiếu qua 14 kỳ bầu cử đạt 98,13%(7).

Trong tư tưởng của Người, Quốc hội của toàn dân còn được thể hiện ở việc Quốc hội có đại diện đầy đủ của “tất cả các dân tộc anh em, các tôn giáo, các đảng phái, của đồng bào Bắc, Trung, Nam”. Học tập, làm theo tư tưởng của Người, trong những kỳ bầu cử vừa qua, UBTVQH thường xuyên coi trọng việc bảo đảm tỷ lệ những thành phần đặc biệt trong Quốc hội như bảo đảm tỷ lệ đại biểu nữ, tỷ lệ đại biểu là người dân tộc thiểu số... Qua từng nhiệm kỳ Quốc hội, số lượng và chất lượng các nữ đại biểu Quốc hội ngày càng được nâng cao. Từ Quốc hội Khóa I chỉ với 10 nữ đại biểu, đến nay, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Khóa XIV là 26,72% - một tỷ lệ khá cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Việt Nam lần đầu tiên có nữ Chủ tịch Quốc hội và nhiều nữ đại biểu giữ các vị trí, trọng trách cao trong các cơ quan của Quốc hội. Tương tự, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số trung bình qua 14 nhiệm kỳ Quốc hội là 15,26%, ở mức cao so với tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong xã hội Việt Nam.

Hơn 70 năm kể từ ngày được thành lập, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, các thế hệ đại biểu Quốc hội vẫn luôn thấm nhuần các lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, là một người đại biểu hết lòng phụng sự Nhân dân vẫn luôn soi sáng để bao thế hệ đại biểu Quốc hội phấn đấu, trưởng thành. Tiếp tục học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, trong thời gian tới, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu để cải tiến, đổi mới, thực hiện có hiệu quả các chức năng của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thực sự trở thành người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các cử tri, được quần chúng, Nhân dân tin tưởng, yêu mến, quý trọng.

_____________________

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr. 698

2. Ý nghĩa Tổng tuyển cử, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.133

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1996, tập 9, tr.586, 590 - 591

4. Lời phát biểu tại Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Khóa I, Kỳ họp thứ 6 - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1996, tập 8, tr.287 - 289

5. Ý nghĩa Tổng tuyển cử”, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.133

6. Ý nghĩa Tổng tuyển cử”, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.133

7. Thống kê theo http://dbnd.na.gov.vn

Tác giả:Nguyễn Hạnh Phúc - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (theo báo đại biểu nhân dân)

Cơ quan quyền lực nhà nước do ai bầu ra?

Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, bởi vì theo quy định của Hiến pháp, ở nước ta, tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân, Nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Quốc hội do Nhân dân bầu ra, là cơ quan nhà nước cao nhất thực hiện quyền lực của Nhân dân.

Có bao nhiêu cơ quan quyền lực nhà nước?

Bộ máy Nhà nước Việt Nam theo Hiến pháp bao gồm: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Chính quyền địa phương.

Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là gì?

Điều 83 Hiến pháp khẳng định: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương là gì?

- Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.