Đánh giá khoản nợ có khả năng thu hồi năm 2024

Để đẩy mạnh tiến trình sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước, góp phần lành mạnh hoá tình hình tài chính của doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành các quy định về cơ cấu lại tài chính của doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có các quy định về xử lý nợ tồn đọng của các doanh nghiệp Nhà nước

Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã xử lý nợ tồn đọng thông qua các biện pháp đó là:

Đối với nợ phải thu tồn đọng không có khả năng thu hồi, các doanh nghiệp đang hoạt động dùng nguồn dự phòng nợ phải thu khó đòi để bù đắp; khi khoản dự phòng nợ phải thu không đủ bù đắp thì phần chênh lệch còn lại doanh nghiệp hạch toán vào chi phí hoạt động kinh doanh trong kỳ. Các doanh nghiệp sau khi xử lý như trên, trong hai năm liên tiếp nếu lãi không đủ để bù đắp gây lỗ sẽ được giảm vốn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện chuyển đổi, nợ tồn đọng cũng được xử lý như đối với doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên do đang chuyển đổi, doanh nghiệp chỉ xử lý vào chi phí một lần tại thời điểm chuyển đổi. Do đó, khi doanh nghiệp bị lỗ thì được Nhà nước giảm vốn tại doanh nghiệp trước khi chuyển đổi thông qua việc không tính nợ phải thu không có khả năng thu hồi vào giá trị doanh nghiệp.

Ngoài ra, có một số doanh nghiệp đã áp dụng biện pháp bán nợ và tài sản tồn đọng cho Công ty mua bán nợ để thu hồi vốn...

Đối với nợ khó đòi, các doanh nghiệp trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi vào chi phí kinh doanh tuỳ theo giá trị và khả năng thu hồi của khoản nợ phải thu này. Đối với nợ phải trả tồn đọng, các doanh nghiệp đã áp dụng các biện pháp như: đánh giá lại các khoản nợ không có tài sản đảm bảo, xoá nợ lãi vay; hoặc được xoá nợ phải trả ngân sách theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Thông qua các biện pháp xử lý nợ phải trả tồn đọng doanh nghiệp có nguồn tài chính để giảm lỗ; tuy nhiên, nợ phải trả tồn đọng chỉ được xử lý với mức tối đa bằng số lỗ của doanh nghiệp.

Bên cạnh những doanh nghiệp đã chủ động trong việc xử lý nợ tồn đọng, thực tế còn nhiều doanh nghiệp có nợ tồn đọng nhưng chưa xử lý. Việc chưa xử lý nợ tồn đọng có nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu sau đây:

Một là, quy định về xử lý nợ còn phức tạp, yêu cầu phải có đủ tài liệu chứng minh. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp không còn tài liệu chứng minh do nhiều lý do khác nhau như thay đổi tổ chức, nhân sự liên quan đến việc theo dõi thanh toán nợ; có những khoản nợ tuy là nợ phải thu nhưng khách nợ không xác định được ví dụ như tiền lương, tiền thưởng doanh nghiệp đã chi quá quy định... hoặc quy định doanh nghiệp khi xử lý nợ phải thu không có khả năng thanh toán phải có xác nhận của cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp hoặc tổ chức về việc khoanh nợ doanh nghiệp, tổ chức đã ngừng hoạt động và không có khả năng chi trả. Trường hợp này cơ quan hành chính Nhà nước các cấp thường chỉ xác nhận doanh nghiệp đó không còn hoạt động tại địa bàn đó, còn về khả năng chi trả có hay không thì không thể xác nhận được. Đối với các khoản nợ phải thu đã quá hạn từ 3 năm trở lên, khách nợ đang hoạt động nhưng kinh doanh thua lỗ liên tục và quá khó khăn, hoàn toàn không có khả năng thanh toán; yêu cầu phải có Báo cáo tài chính của khách nợ hoặc có xác nhận của cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp về tình hình tài chính. Trong thực tế, các doanh nghiệp khó có thể có được các tài liệu chứng minh này vì không có quy định doanh nghiệp là khách nợ phải gửi Báo cáo tài chính của mình cho chủ nợ; hơn nữa không thể có xác nhận của cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp về tài chính của doanh nghiệp tư nhân là khách nợ.

Hai là, đối với nợ phải thu khó đòi, quy định doanh nghiệp chỉ được trích lập dự phòng tối đa bằng 20% tổng nợ phải thu. Do đó, đối với doanh nghiệp có khả năng tài chính nhưng bị hạn chế việc trích lập dự phòng, không phản ảnh đúng thực trạng tài chính của doanh nghiệp.

Ba là, doanh nghiệp sợ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh trong kỳ: bị giảm lãi hoặc đang từ lãi chuyển thành lỗ hoặc tăng lỗ nên không chủ động xử lý nợ phải thu không có khả năng thu hồi hoặc không trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi. Thực tế, phần lớn doanh nghiệp có nợ tồn đọng đều là những doanh nghiệp có khó khăn về tài chính. Mặt khác, với quy định hiện hành thì dù là nợ tồn đọng không có khả năng thu hồi trước đây để lại hay nợ mới phát sinh thì khi xác định giá trị doanh nghiệp để chuyển đổi cũng đều được xử lý thông qua việc loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp.

Bốn là, nhiều doanh nghiệp bị lỗ nhưng chưa được các Ngân hàng thương mại quan tâm xử lý xoá nợ lãi vay. Việc chưa xử lý xoá nợ lãi vay thuộc trách nhiệm cả hai phía: doanh nghiệp chưa chủ động đề xuất với ngân hàng biện pháp xử lý nợ lãi vay; ngược lại ngân hàng cũng còn do dự vì nếu xử lý xoá nợ lãi vay thì sẽ mất thu nhập.

Mặt khác, theo quy định giá trị thuần của tài sản (tương ứng với giá trị vốn Nhà nước tại doanh nghiệp) để chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp được xác định bằng cách lấy giá trị tổng tài sản thực tế của doanh nghiệp trừ giá trị nợ phải trả. Theo cách tính này, các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp đương nhiên sẽ được đảm bảo thanh toán, trường hợp giá trị tổng tài sản thực tế thấp hơn giá trị ghi sổ thì phần chênh lệch sẽ giảm trừ vào vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Năm là, cơ chế hiện hành quy định Hội đồng quản trị hoặc giám đốc doanh nghiệp đối với doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị phải có trách nhiệm trước pháp luật về việc xử lý nợ. Tuy nhiên, cơ chế chưa quy định cụ thể chế tài khi người có trách nhiệm không thực hiện xử lý nợ thậm chí còn để phát sinh nợ tồn đọng mới.

Để hỗ trợ xử lý được dứt điểm các khoản nợ tồn đọng, phản ảnh đúng tình hình tài chính của doanh nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến trình sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba và lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, cơ chế xử lý nợ tồn đọng của doanh nghiệp cần được đẩy mạnh theo hướng dẫn sau:

Thứ nhất, sửa đổi bổ sung các quy định xử lý nợ tồn đọng theo hướng thông thoáng hơn, nhất là các quy định về tài liệu chứng minh các khoản nợ tồn đọng. Theo đó, đối với các khoản nợ phải thu đã phát sinh từ trên 5 năm trở lên nếu không có tài liệu chứng minh hoặc con nợ không còn tồn tại hoặc đang bị thi hành án dân sự... thì được coi là nợ không có khả năng thu hồi; doanh nghiệp được xử lý xoá nợ và tính vào chi phí kinh doanh hoặc bán nợ cho Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng. Tuy nhiên, sau khi xử lý, khoản nợ doanh nghiệp đã xoá được chuyển sang Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng hoặc để lại doanh nghiệp tiếp tục theo dõi thu hồi nợ.

Đối với nợ phải thu hồi khó đòi, không quy định khống chế mức trích lập dự phòng. Khi quá hạn cam kết nếu chưa thu được doanh nghiệp phải trích lập dự phòng tuỳ theo tính chất, thời gian quá hạn và khả năng thu hồi của khách nợ.

Thứ hai: đẩy mạnh việc xử lý nợ phải trả tồn đọng của các doanh nghiệp thông qua các biện pháp đánh giá lại nợ tồn đọng không có tài sản đảm bảo, xoá nợ lãi vay. Việc xoá nợ lãi vay cho các doanh nghiệp cần được thực hiện khi doanh nghiệp có kết quả kinh doanh bị thua lỗ và thực hiện trước khi cơ cấu lại doanh nghiệp hoặc xác định giá trị doanh nghiệp để chuyển đổi sở hữu.

Thứ ba: đối với Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc Công ty nếu không xử lý kịp thời các khoản nợ không có khả năng thu hồi hoặc không trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi thì Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc hoặc giám đốc chịu trách nhiệm như việc báo cáo không trung thực tình hình tài chính của công ty. Nếu vì không xử lý kịp thời dẫn đến thất thoát vốn của Nhà nước tại Công ty thì phải chịu trách nhiệm trước đại diện chủ sở hữu theo quy định.