Đề án 4 an của đà nẵng là cái gì

Hiện nay, TP Đà Nẵng đang triển khai thực hiện Chương trình “Thành phố 4 an” gồm an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội. Tuy nhiên, để chương trình này sớm "về đích" và thực sự đem lại hiệu quả, đáp ứng mong đợi của nhân dân, đòi hỏi lãnh đạo các cấp của thành phố cần triển khai quyết liệt, xác định giải pháp đồng bộ gắn với những chương trình hành động cụ thể và trách nhiệm của toàn dân.

Chủ trương hợp lòng dân

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, khẳng định: "Các chủ trương, chương trình mà Đà Nẵng vận dụng thực sự có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, tạo môi trường lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống xã hội, sự đồng thuận trong nhân dân. Thực tế cho thấy, những chương trình này luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của các thành phần kinh tế, các tổ chức, đoàn thể xã hội và các ngành, các cấp chính quyền thành phố".

Trong những năm qua, TP Đà Nẵng đã đề ra nhiều chủ trương, chương trình hành động đúng đắn, hiệu quả. Chương trình “Thành phố 5 không” [không có hộ đặc biệt nghèo, không có học sinh bỏ học, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng và không có giết người để cướp của], “Thành phố 3 có” [có nhà ở, có việc làm và có nếp sống văn hóa-văn minh đô thị] đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, đem lại hiệu quả thiết thực và được nhiều người dân trong cả nước biết đến. Trong 3 năm [2011-2013], với chủ đề “Năm an sinh xã hội”, thành phố đã tập trung chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội, hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Mục tiêu “không có hộ đặc biệt nghèo” cơ bản hoàn thành, Đề án giảm nghèo giai đoạn 2009-2015 về đích trước 3 năm [năm 2012], giai đoạn 2013-2017 về đích trước 2 năm [năm 2015], đến cuối năm 2015, Đà Nẵng không còn hộ nghèo theo chuẩn mới của thành phố [thành phố 800.000 đồng/người/tháng, nông thôn 600.000 đồng/người/tháng]. Đến nay, toàn thành phố “không có học sinh bỏ học” do hoàn cảnh khó khăn. Thành phố kiên trì thực hiện mục tiêu “không có người nghiện ma túy trong cộng đồng”, chú trọng công tác quản lý cai nghiện và giải quyết các vấn đề sau cai nghiện, có nhiều nỗ lực trong kiểm soát mục tiêu “không có giết người để cướp của”.

Đề án “có nhà ở” được thành phố triển khai đồng bộ bằng cả nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa. Thành phố đã đưa vào sử dụng 176 khối nhà chung cư với gần 9.000 căn hộ; hiện đang triển khai xây dựng 128 khối nhà chung cư với gần 17.500 căn hộ cho các đối tượng có nhu cầu về nhà ở trên địa bàn. Từ năm 2014 đến nay, thành phố đã sửa chữa, xây mới gần 3.366 nhà ở cho các gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số. Đề án “có việc làm” được thành phố quan tâm chỉ đạo thông qua tổ chức các phiên chợ việc làm định kỳ; hằng năm giải quyết việc làm cho hơn 3,2 vạn lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ước đạt 55%. Từ năm 2015 đến nay, thành phố triển khai thực hiện “Năm văn hóa-văn minh đô thị” đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo diện mạo mới cho đô thị…

Nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại; đồng thời để tiếp tục nâng cao chất lượng các chương trình an sinh xã hội, nhất là Chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có” trong giai đoạn mới, TP Đà Nẵng đang triển khai thực hiện chương trình “Thành phố 4 an” [an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội]. Chủ trương này đã được Thành ủy Đà Nẵng thống nhất đưa ra tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 4 [mở rộng] ngày 13-4-2016.

Và trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ TP Đà Nẵng, Thành ủy Đà Nẵng xác định “Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Duy trì thực hiện tốt Chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”, Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Xây dựng và triển khai thực hiện chương trình thành phố 4 an”.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng tổ chức “Ngày hội việc làm cho sinh viên và người lao động” tại Trường Đại học Kinh tế [Đại học Đà Nẵng].

Triển khai quyết liệt, giải pháp đồng bộ

Theo đồng chí Bùi Xuân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, để các chủ trương, chương trình sớm được triển khai, ngay sau Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXI, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo quyết liệt; các ngành chức năng khẩn trương "vào cuộc" và triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm giải quyết những vấn đề “nóng” đang đặt ra. Chẳng hạn về vấn đề bảo đảm an toàn giao thông, nhất là sau một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra, Bí thư Thành ủy chỉ đạo, chấn chỉnh ngay các ngành và các địa phương. Ngành giao thông thành phố kịp thời khắc phục những tồn tại về hạ tầng cơ sở, tổ chức lại giao thông như: Cải tạo nút giao thông đầu cầu Nguyễn Tri Phương; lắp hệ thống camera giám sát xe ben hoạt động trên tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám; cải tạo lại kích thước hình học tại các nút giao thông trọng điểm... theo hướng thu gọn, thuận lợi cho việc phân làn. Trước tình trạng ùn tắc giao thông trên những trục đường chính trong khu vực nội thị, lần đầu tiên thành phố lắp biển cấm đỗ xe theo ngày chẵn, ngày lẻ trên 15 tuyến đường; đồng thời tổ chức thêm một số tuyến đường một chiều đã góp phần tạo sự thông thoáng trên những tuyến phố trung tâm. Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động theo dõi, giám sát năng lực chỉ huy, điều hành công tác bảo đảm an ninh, phòng, chống tội phạm, điều hòa, hướng dẫn trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, kịp thời phát hiện, xử lý những tình huống, vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, Đà Nẵng đã triển khai Đề án lắp đặt camera tại 857 điểm công cộng là các tuyến, chốt trọng điểm, phức tạp về an ninh, giao thông, trật tự.

Đối với tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn, chính quyền TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tập trung xử lý quyết liệt tình trạng thực phẩm bẩn. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trực tiếp chỉ đạo thành lập lại Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm cấp thành phố do một Phó chủ tịch UBND thành phố làm trưởng ban, hoạt động theo cơ chế toàn quyền quyết định, toàn quyền đề xuất chủ trương và báo cáo trực tiếp với Thường trực Thành ủy; đồng thời sẽ áp dụng chế tài mạnh đối với những tiểu thương kinh doanh thực phẩm mất an toàn…

Có thể nói, các mục tiêu đặt ra trong Chương trình “Thành phố 4 an” là những vấn đề “nóng” đang được người dân quan tâm, kỳ vọng. Thế nhưng, muốn thực hiện thành công mục tiêu này cần phải có thời gian với những bước đi, cách làm phù hợp. Để chương trình thực sự đem lại hiệu quả thiết thực, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, góp sức của các tầng lớp nhân dân. Vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, xây dựng ý thức tự giác chấp hành của người dân, lãnh đạo các cấp của thành phố cần chỉ đạo triển khai quyết liệt với những giải pháp đồng bộ. Theo đó, các sở, ban, ngành, các quận, huyện chủ động xây dựng kế hoạch, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thiết thực theo chức năng, nhiệm vụ để triển khai thực hiện gắn với lộ trình cụ thể.

Chủ Đề