Giá trị lịch sử của phố cổ Hội An

Trong quá trình tồn tại và phát triển, Hội An đã gìn giữ được một kho tàng di sản văn hóa [DSVH] vật thể và phi vật thể phong phú, minh chứng cho các giai đoạn phát triển trong quá khứ. Các di sản này vẫn được bảo tồn tạo cho bức tranh DSVH Hội An trở nên sống động, hấp dẫn và đang từng bước được phát huy trở thành tài nguyên để phát triển du lịch.

Do những giá trị đặc biệt của khu phố cổ Hội An, ngay từ năm 1985 Bộ Văn hóa đã ra Quyết định 506/VH-QĐ ngày 19-3-1985 công nhận khu phố cổ Hội An là di tích cấp quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để Bộ Văn hóa phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức cá nhân liên quan lập hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh khu phố cổ Hội An vào danh mục DSVH thế giới.

Kể từ sau khi được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1985, khu phố cổ Hội An đã thu hút được sự quan tâm của những người làm công tác bảo vệ DSVH trong nước và quốc tế. Khu phố cổ Hội An cũng là một trong số ít di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh ở nước ta sớm được Thủ tướng chính phủ phê duyệt Dự án tổng thể đầu tư bảo tồn và khai thác di tích đô thị cổ Hội An, thị xã Hội An – Quảng Nam Đà Nẵng giai đoạn 1997-2005 từ năm 1997.

Việc triển khai Dự án tổng thể đầu tư bảo tồn và khai thác di tích đô thị cổ Hội An, thị xã Hội An – Quảng Nam Đà Nẵng giai đoạn 1997-2005 đem lại hiệu quả to lớn trên nhiều phương diện, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng và chính quyền địa phương vì mục tiêu giữ gìn di sản.

Sau khi kết thúc dự án vào năm 2005, tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An đã triển khai lập Quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị DSVH thế giới đô thị cổ Hội An gắn với phát triển thành phố  Hội An và du lịch giai đoạn  2012-2025.


 Cầu Chùa – Hội An. Ảnh Tuấn Minh

Là DSVH được ghi vào danh mục DSVH thế giới, khu phố cổ Hội An nhận được sự quan tâm không chỉ của khách tham quan du lịch trong nước và quốc tế, mà còn của các tổ chức quốc tế liên quan đến bảo vệ DSVH. Hàng năm Hội An thường xuyên có mặt của các tình nguyện viên từ nhiều nước đến làm việc. Hội An trở thành địa chỉ tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo quốc tế, đăng cai một số sự kiện văn hóa. Địa phương còn chủ động xây dựng hồ sơ xin hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế về bảo tồn và phát huy giá trị DSVH. Không ít dự án bảo tồn DSVH vật thể và phi vật thể ở Hội An nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và được thực hiện thành công trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị tại DSVH này.

Nhờ sự nỗ lực của các cán bộ địa phương cộng với sự tham gia nhiệt tình của các chuyên gia trong nước và quốc tế, sự hưởng ứng của người dân trong thời gian qua nên công tác bảo tồn DSVH Hội An đã đạt được một số kết quả như: giải thưởng xuất sắc cho Dự án hợp tác bảo tồn khu phố cổ vào năm 2001, giải thưởng công trạng về tu bổ nhà thờ tộc Trương năm 2004, giải thưởng danh dự về tu bổ nhà thờ tộc Tăng năm 2009… Đó là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực bảo tồn DSVH ở Hội An hơn một thập kỷ qua, tạo tiền đề cho sự phát triển du lịch tại Hội An.

Trong những năm qua, hoạt động phát triển du lịch ở thành phố Hội An có nhiều bứt phá quan trọng, nhanh chóng trở thành điểm du lịch hấp dẫn ở khu vực miền Trung. Lượng khách đến Hội An tăng nhanh là cơ hội để địa phương sáng tạo thêm các hoạt động thu hút và quảng bá du lịch, nhiều hình thức hoạt động níu chân khách lưu lại khu phố cổ lâu hơn đã được thực hiện và khá thành công. Sự tăng lên của khách du lịch vừa tạo áp lực về sự quá tải cho khu phố cổ vừa là động lực để mở thêm các điểm du lịch vệ tinh. Sau khi thăm phố cổ Hội An, du khách có thể mở rộng khám phá, trải nghiệm ở các vùng xung quanh. Du khách có thể lựa chọn theo tuyến du lịch đến với các làng nghề như: mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, đúc đồng Phước Kiều… Những du khách ưa thích du lịch sinh thái được lựa chọn đến khu du lịch sinh thái Triêm Tây hoặc làng rau Trà Quế, ở đây họ được giới thiệu quy trình trồng rau, kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch… Du khách cũng có thể thưởng ngoạn sông Hoài trên du thuyền, hay ngắm phố cổ hoặc đi sâu vào rừng dừa bảy mẫu bồng bềnh trên những chiếc thuyền thúng, hoặc ra Cù Lao Chàm khám phá khu dự trữ sinh quyển thế giới đầy bí ẩn giữa biển khơi…

Du lịch góp phần tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Hội An, hàng năm thu nhập từ du lịch chiếm đến hai phần ba tổng thu của thành phố. Thu nhập bình quân đầu người tăng đều đặn hàng năm, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân Hội An. Tham gia vào dịch vụ du lịch, con người nơi đây trở nên năng động, trang bị trong thành phố và gia đình trở nên tiện nghi, mọi người giao tiếp, sinh hoạt hòa nhập với sự phát triển chung của đất nước, khu vực và quốc tế.

Sự xuất hiện thường xuyên của khách du lịch đã làm cho màu sắc của khu phố cổ trở nên đa dạng thông qua các trang phục, ngôn ngữ và hành vi ứng xử. Nhịp sống ở khu phố cổ cũng trở nên sôi động hơn bởi các hoạt động giao lưu, giao thương giữa người dân với du khách.

Du lịch phát triển đã tạo công ăn, việc làm cho người dân địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế địa phương, đời sống người dân được cải thiện. Nhiều sản phẩm do người dân địa phương sản xuất được tiêu thụ dễ dàng, không nhập hàng từ nơi khác đến tạo điều kiện để mở rộng sản xuất, nâng cao đời sống của người dân sở tại.

Du lịch ở Hội An tăng nhanh góp phần nâng cao nhận thức của chính quyền và người dân địa phương về việc bảo tồn khu phố cổ không chỉ nhằm mục đích bảo tồn DSVH đơn thuần, mà còn góp phần nâng cao đời sống của họ. Sự tăng trưởng kinh tế giúp người dân và chính quyền địa phương có thêm kinh phí thực hiện việc bảo quản, tu bổ và phục hồi DSVH bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh và trung ương.

Từ sự chuyển biến về nhận thức về việc quản lý của chính quyền địa phương và việc chấp hành các quy định về bảo vệ DSVH của người dân đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Du lịch ở Hội An dần chuyển theo hướng du lịch bền vững. Nhiều ngôi nhà đã được phục hồi theo kiến trúc truyền thống, mặt tiền các ngôi nhà được chỉnh trang, những chiếc cửa kéo bằng sắt mở ra đường dần được thay thế bằng cửa gỗ, biển hiệu quảng cáo phía mặt tiền cũng được quan tâm điều chỉnh quy mô, màu sắc và sắp đặt phù hợp với cảnh quan chung…

Thu nhập từ du lịch là nguồn lực để các nghệ nhân tham gia tích cực hơn vào việc bảo tồn và phát triển nghề nghiệp truyền thống. Các loại hình nghệ thuật trình diễn truyền thống được tổ chức thường xuyên đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, du lịch. Một số nghề thủ công truyền thống không chỉ được hồi sinh, mà còn có cơ hội phát triển với nhiều mặt hàng mẫu mã mới.

Du lịch phát triển là động lực thúc đẩy đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH của Hội An phải hòa nhập, nâng cao trình độ chuyên môn và ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý và hoạt động chuyên môn nghiệp vụ trong môi trường du lịch liên tục phát triển.

Bên cạnh những tác động tích cực, việc tăng nhanh lượng khách du lịch đến Hội An cũng tạo ra nhiều tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa xã hội nơi đây.

Du lịch phát triển kéo theo lượng người và xe đến Hội An tăng lên nhanh chóng, nhà hàng, khách sạn mọc lên ngày càng nhiều bao quanh di sản gây tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, rác thải… gây quá tải cho DSVH. Khách du lịch tăng, hoạt động suốt ngày đêm, thời gian yên tĩnh rất ít, các điểm di tích luôn tấp nập người ra vào đã gây ra những tác động xấu khiến di sản nhanh xuống cấp.

Sống trong một đô thị tràn ngập dịch vụ du lịch, nhưng không phải ai trong khu phố cổ cũng có cơ hội được hưởng lợi từ các hoạt động dịch vụ, chỉ những nhà ở mặt tiền, khu trung tâm khu phố cổ mới có điều kiện tham gia hoạt động có thu nhập kinh tế cao. Những gia đình ở phía trong hoặc ở ngoại vi khu phố cổ, gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, bị tác động xấu bởi giá cả sinh hoạt và dịch vụ tăng cao. Sự tăng trưởng kinh tế không đều trong bộ phận dân cư ở Hội An làm cho khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng lớn.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch Hội An đã hấp dẫn các nhà đầu tư từ các nơi khác đến mua nhà, mua đất lập cửa hàng, xây khách sạn… sự việc không chỉ xảy ra tại khu vực khu phố cổ, mà còn lan ra khu vực ngoại vi và ở Cù Lao Chàm. Không ít người dân địa phương sau khi bán nhà, đất phải trở lại làm thuê cho những người chủ mới từ nơi khác đến.

Cơ hội tìm việc làm ở Hội An tăng lên kéo theo làn sóng lao động các nơi đến đây tìm kiếm việc làm, buôn bán nhỏ, đã tạo ra sự biến động về thành phần dân cư. Nhiều dịch vụ mới thâm nhập vào phố cổ, xuất hiện các cò mồi du lịch, cò mồi may mặc, gây nên sự lộn xộn trên phố cổ. Nếp sống trong các gia đình Hội An cũng dần biến đổi theo nhịp sống dịch vụ du lịch. Xu hướng thương mại hóa, chạy theo kinh tế làm thay đổi dần quan niệm và lối sống vốn yên ả của một tỉnh lỵ hành chính. Nhiều biểu hiện văn hóa mới xuất hiện trong khu phố cổ theo chân khách du lịch từ khắp các nơi trên thế giới mang đến.

Việc quản lý tu bổ di tích được quản lý khá chặt chẽ, tuy nhiên vẫn có những trường hợp quảng cáo, trang trí ánh sáng, sử dụng âm thanh để thu hút khách du lịch gây ảnh hưởng đến sự chân xác của DSVH

Để việc bảo tồn, tránh những tác động tiêu cực của phát triển du lịch tới DSVH, các cấp các ngành liên quan cần tập trung thực hiện tốt nội dung Bản kế hoạch quản lý khu phố cổ Hội An; thực hiện tốt những khuyến nghị của UNESCO về các hoạt động bảo tồn khu phố cổ Hội An.

Cần tập trung triển khai thực hiện các mục tiêu và nội dung của Quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị DSVH thế giới đô thị cổ Hội An gắn với phát triển thành phố Hội An và du lịch giai đoạn 2012-2025, đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt.

Theo nội dung của quy hoạch, trong thời gian tới bên cạnh việc nâng cao hiệu quả du lịch tại khu phố cổ Hội An, chính quyền địa phương cần quan tâm phát triển du lịch bền vững, đẩy mạnh công tác bảo vệ khu phố cổ với tư cách là một nguồn tài nguyên du lịch nhằm giữ gìn cho các thế hệ tương lai. Phát triển du lịch nhưng không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên hiện có, chăm lo cho công tác bảo tồn bền vững khu phố cổ Hội An, phát triển loại hình du lịch có trách nhiệm. Cải thiện các điều kiện quản lý DSVH, xây dựng môi trường xã hội tốt, giữ gìn môi trường thiên nhiên trong lành, sử dụng khoa học công nghệ hiện đại tiên tiến để bảo tồn DSVH, xử lý môi trường, hạn chế tác động xấu đến môi trường sống, chỉnh trang cảnh quan đô thị. Các nội dung trên cần được triển khai thực hiện đồng bộ, khoa học.

Để thực hiện được sự hài hòa giữa bảo vệ DSVH và phát triển du lịch, các chủ thể quản lý cần thực tốt nguyên tắc quản lý theo ngành kết hợp với quản lý theo địa giới hành chính và nguyên tắc quản lý theo ngành kết hợp với quản lý theo chức năng. Các cơ quan có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương cần thống nhất chỉ đạo các đơn vị trực thuộc như: Trung tâm quản lý bảo tồn DSVH Hội An, Phòng thương mại và du lịch Hội An, Trung tâm văn hóa thể thao Hội An triển khai thực hiện tốt các quy hoạch, dự án đã được Chính phủ phê duyệt, các văn bản quy định bảo vệ DSVH và phát triển du lịch Hội An của UBND tỉnh Quảng Nam, UBND thành phố Hội An. Trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau và các đơn vị liên quan tại địa phương để giải quyết những vấn đề khúc mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, không để tồn đọng tạo mâu thuẫn kéo dài gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ DSVH và phát triển du lịch.

Cộng đồng dân cư tại Hội An cần thực hiện tốt vai trò chủ thể, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý DSVH và du lịch tại địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH. Chính quyền địa phương sáng tạo các hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn DSVH với tư cách là một nguyên tài nguyên du lịch. Thực hiện tốt phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH cũng như phát triển du lịch bền vững. Đội ngũ nhân viên của các đơn vị bảo vệ DSVH và dịch vụ du lịch ở Hội An cần được đào tạo bài bản, xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp, có ý thức trong việc giải quyết các vấn đề liên quan, gắn bó với người dân địa phương.

Khách du lịch cần được tuyên truyền và chia xẻ trách nhiệm trong việc bảo vệ DSVH như giữ gìn an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh tại điểm du lịch, góp phần tuyên truyền quảng bá cho du lịch Hội An.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát chấn chỉnh những hạn chế nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế tại địa phương để DSVH Hội An luôn được bảo vệ tốt, qua đó phát triển bền vững du lịch trong thời gian tới.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 403, tháng 1 – 2018

Tác giả : NGUYỄN QUỐC HÙNG

Video liên quan

Chủ Đề