Giá xăng dầu giảm ảnh hưởng đến nền kinh tế

PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trao đổi với phóng viên về vấn đề này.

Phóng viên: Ông nhận định thế nào về đợt lên giá xăng dầu rất “sốc” này?

PGS, TS Trần Đình Thiên: Thế giới đã không ít lần trải qua những đợt tăng giá xăng dầu “sốc” rồi. Lần này là một trong số đó, do tốc độ và quy mô tăng đều rất dữ dội. Tuy nhiên cú “sốc” này có những điểm khác thường nổi bật, cần phải được mổ xẻ kỹ và nhận diện chính xác. Khi đó, mới có thể có cách ứng phó phù hợp. Có mấy điểm cần lưu ý:

Thứ nhất, xăng dầu tăng giá mạnh trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang bất ổn: chuỗi cung ứng chưa phục hồi, giá cả thế giới cho nhiều mặt hàng, đặc biệt là nguyên vật liệu, đang gia tăng một cách đáng lo ngại. Cả thế giới, kể cả Mỹ và châu Âu, cũng đang đối diện với nguy cơ lạm phát ít thấy trong nhiều thập niên. Đặt cú sốc giá xăng dầu-sản phẩm có tầm chiến lược quan trọng bậc nhất-vào bối cảnh đó mới thấy hết tính chất nghiêm trọng của tình thế “cộng hưởng” tăng giá lần này. Phải tính rất kỹ đến giá xăng dầu, nhưng chỉ tính đến nó khi bàn triển vọng, nguy cơ, để hoạch định chính sách ứng phó là không đủ, thậm chí sai. Không hề thừa khi ngay từ bây giờ, các nhà hoạch định chính sách cần lắng nghe cảnh báo chuyên gia về một triển vọng “stagflation” [đình trệ lạm phát] có thể xảy ra trong nền kinh tế thế giới trong năm nay.

Thứ hai, xăng dầu tăng giá khi nền kinh tế thế giới mới bắt đầu quá trình phục hồi sau hai năm bị đại dịch Covid-19 tàn phá. Cấu trúc vận hành thương mại-tiền tệ đang suy yếu nhiều mặt; tình trạng đứt chuỗi và nguy cơ đứt chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn hiện hữu và gia tăng; tình trạng sức khỏe tài chính-tiền tệ toàn cầu, sự lưu thông của các dòng tiền, dòng vốn bị đứt, bị chặn, gắn với cuộc xung đột Nga-Ukraina chưa rõ hồi kết, tình trạng ốm yếu của các thị trường và các doanh nghiệp…

Thứ ba, xăng dầu tăng giá trong tình thế xung đột chiến lược khó lường trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là “dính” đến tất cả các cường quốc kinh tế-quân sự hàng đầu. Xăng dầu nói riêng, hay xu thế lạm phát nói chung phải đặt trong bối cảnh đó, để chú ý đến đầy đủ các tuyến nguy cơ, xu hướng có thể diễn ra, tránh xu thế chỉ lo tìm kiếm các giải pháp ứng phó tình thế, theo cách “đến đâu hay đến đấy”.

Giá xăng dầu liên tục tăng mạnh và bất thường trên thế giới và trong nước thời gian qua đang gây những tác động mạnh tiêu cực lên đời sống kinh tế-xã hội.

Phóng viên: Đối với Việt Nam, còn phải lưu ý thêm những điều gì, thưa ông?

PGS, TS Trần Đình Thiên: Việt Nam là nền kinh tế mở, độ hội nhập rất sâu rộng. Cho nên phải nhấn mạnh đến những vấn đề toàn cầu, nhất là khi đó là những cú sốc chiến lược. Ngoài những lý do khách quan, cơ bản ngoài tầm chi phối nêu trên, còn có những lý do riêng tác động vào xu thế tăng giá và can thiệp điều chỉnh giá xăng dầu. Báo chí đã nói nhiều về tình trạng cung ứng xăng dầu không đáp ứng nhu cầu vừa qua, là một nguyên nhân gây bất ổn thị trường và tăng giá, bắt nguồn từ chính cấu trúc và cơ chế vận hành hệ thống.

Vấn đề Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn được bàn luận mổ xẻ nhiều trong thời gian qua. Chính phủ, Bộ Công Thương cũng thẳng thắn đưa ra nhiều vấn đề liên quan lâu nay chưa được tường minh. Có thể nói, Chính phủ và các bộ, ngành, trực tiếp đóng vai trò chủ công là Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực rất cao và xử lý tốt vấn đề. Kinh nghiệm điều hành vĩ mô, “kiềm chế” giá và giữ ổn định hệ thống trong những năm qua đang được Chính phủ phát huy thật sự hiệu quả. Tất nhiên, giữa một tình thế khó khăn, đầy sự bất thường và tính cấp bách, khó mà tránh khỏi sơ suất.

Phóng viên: Ông có thể nói cụ thể hơn, đặc biệt là về vai trò của Bộ Công Thương - cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp vận hành và điều hành hệ thống cung ứng xăng dầu?

PGS, TS Trần Đình Thiên: Bộ Công Thương phải đối mặt với nhiều vấn đề gay gắt, phức tạp, không chỉ có vấn đề xăng dầu. Việc tháo gỡ tắc nghẽn hàng nghìn xe container qua biên giới trong suốt nhiều tháng là một thí dụ. Đặt trong tình thế đó để phân tích, đánh giá hoạt động của Bộ Công Thương trên “mặt trận” xăng dầu sẽ khách quan, công bằng hơn. Theo cách nhìn như vậy, đánh giá tổng quát của tôi là tích cực; tác động điều hành đến nền kinh tế là đáng khích lệ.

Bản thân Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khi trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng nay [16/3] cũng khẳng định sự thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm, không né khó, khả năng làm chủ vấn đề và sự tự tin. Khó mà nói đã làm hài lòng tất cả, song các câu trả lời của Bộ trưởng đã giúp cung cấp thông tin hệ thống, rõ ràng và khách quan. Tất cả những cái đó thực sự có ý nghĩa khi chúng giúp thị trường củng cố lòng tin giữa lúc khó khăn.   

Tôi cho rằng dưới sự chỉ đạo thống nhất và rất kiên quyết của Chính phủ, Bộ Công Thương đang đề xuất thực thi nhiều giải pháp - từ sản xuất đến lưu thông, từ cung ứng hàng đến điều chỉnh giá - tiền một cách khá linh hoạt, trong sự phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước - một sự phối hợp được ghi nhận là đang tốt lên rõ rệt. Tôi tin là với kinh nghiệm và năng lực điều hành vĩ mô của Chính phủ, với sự phối hợp hoạt động điều hành chính sách liên bộ như vậy, nền kinh tế của ta sẽ “trụ vững”, qua đó, có thời cơ để phục hồi nhanh.

Phóng viên: Ông còn có điều gì băn khoăn không?

PGS, TS Trần Đình Thiên: Lo lắng còn nhiều. Lo ngại cũng lắm. Tình thế này không ai yên lòng được cả. Bóng ma “stagflation” là thứ không thể chủ quan được đâu, nhất là lúc doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam còn yếu và thế giới còn bất ổn thế này. Tuy nhiên, nói như thế không phải để bi quan mà là để cảnh báo, để không chủ quan.

Mọi chính sách của Nhà nước, của Chính phủ, hoạt động của các bộ, ngành phải định hướng hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế nhiều hơn nữa. Dường như ta vẫn lo cho “an toàn ngân sách”, lo “ổn bộ máy” hơn là cho việc bảo vệ, củng cố các cơ sở tăng trưởng của nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp Việt Nam đang rất yếu nhưng lại khao khát phục hồi nhanh để chớp thời cơ tiến vượt lên. Giúp doanh nghiệp Việt Nam “trụ vững”, mạnh lên là lợi ích chiến lược ưu tiên hàng đầu trong lúc này. Theo logic đó, Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cần và có thể mạnh dạn hơn trong nỗ lực giữ giá xăng dầu thấp hoặc cố gắng làm chậm đà tăng giá. “Phí môi trường”, quỹ bình ổn giá… là những công cụ hữu dụng trong lúc này.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Ngày 11/7/2022, giá xăng, dầu giảm mạnh so với mức tăng, giảm trong các lần điều chỉnh trước.

  • Giá xăng giảm còn dưới 30.000 đồng/lít

  • Giá xăng giảm trên 3.000 đồng mỗi lít

  • Giá xăng dầu sẽ điều chỉnh từ 0 giờ ngày 11/7, dự báo giảm mạnh

Đây là tín hiệu vui đối với người dân và cộng đồng doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh; điều này thể hiện nỗ lực của Chính phủ, sự đồng hành và xử lý khẩn trương đầy trách nhiệm, hiệu quả của Quốc hội đối với việc kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Người dân mua xăng tại một điểm kinh doanh xăng, dầu ở Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Để hiểu rõ hơn về những tác động hiệu quả từ giá xăng dầu giảm, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh vấn đề này:

Với mức giá giảm 3.090 – 3.110 đồng/lít xăng từ 0h ngày 11/7, xin ông cho biết, giảm giá mặt hàng này sẽ tác động trực tiếp đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội như thế nào?

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nhiên liệu quan trọng, là chi phí đầu vào của hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh; giảm giá mặt hàng này sẽ trực tiếp cắt giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp; đồng thời, góp phần làm giảm giá nguyên vật liệu đầu vào do giảm chi phí trong khâu vận chuyển, từ đó giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận. Điều này đồng nghĩa với việc mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Giảm giá xăng dầu trực tiếp làm giảm mức lạm phát của nền kinh tế, giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho xăng dầu của người dân; giảm giá xăng dầu đồng nghĩa với làm giảm kỳ vọng lạm phát, giữ ổn định vĩ mô; góp phần đảm bảo hiệu quả thực hiện các chính sách, giải pháp và Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, từ đó tiếp tục tạo thêm việc làm, tạo thêm thu nhập góp phần nâng cao mức sống dân cư, đặc biệt đối với người lao động.

Giá xăng dầu giảm, sẽ tác động đến chỉ số CPI như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

Theo tính toán, mức giảm giá xăng dầu ngày 11/7/2022 có tác động tốt tới giảm áp lực lạm phát. Nếu trong tháng này, giá xăng dầu không biến động; việc giảm giá ngày 11/7/2022 sẽ làm giá xăng dầu giảm 4,31% và CPI giảm 0,16 điểm phần trăm so với tháng trước.

Tuy vậy tác động đến giảm chi phí, thúc đẩy sản xuất và kiềm chế lạm phát không nhiều, vì giá xăng dầu vẫn ở mức cao; đồng thời, giá sau khi giảm sẽ giữ ổn định, tiếp tục giảm trong thời gian tới hay lại biến động tăng lên.

Thực trạng đối với nền kinh tế Việt Nam đó là khi giá xăng dầu tăng thì giá các mặt hàng thiết yếu, giá cước vận tải sẽ tăng. Thế nhưng khi giá xăng dầu giảm thì các mặt hàng này lại không được điều chỉnh giảm theo tương ứng bởi vì cần có thời gian doanh nghiệp và các hộ kinh doanh điều chỉnh chi phí sản xuất, chi phí tiền lương.

Bên cạnh đó mạng lưới phân phối bán lẻ do hệ thống chợ truyền thống chiếm tỷ trọng chi phối chính, các tư thương và người buôn bán nhỏ vì lợi nhuận luôn chủ động và khẩn trương tăng giá bán hàng hoá, nhưng miễn cưỡng giảm giá bán những mặt hàng này.

Việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đã góp phần giảm giá đối với xăng dầu, vậy để mức giá xăng dầu có thể xuống mức thấp hơn, ông có đề xuất gì?

Để giá hàng hoá và dịch vụ biến động theo cơ chế thị trường, các cơ quan chức năng cần có tín hiệu và giải pháp giữ cho giá xăng dầu ổn định, không biến động thất thường, hoặc tiếp tục giảm. Có như thế mới mang lại hiệu quả của việc giảm giá xăng dầu.

Bên cạnh đó, Chính phủ giao cho Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xác định ngưỡng giá xăng dầu đối với nền kinh tế để khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, Chính phủ điều hành giá xăng dầu trong nước không vượt ngưỡng này. Điều này rất quan trọng để các doanh nghiệp chủ động tính toán chi phí xăng dầu trong giá bán sản phẩm.

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, huyết mạch của nền kinh tế. Việc bình ổn giá xăng dầu có ý nghĩa quan trọng trong kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Thời gian vừa qua Quỹ bình ổn xăng dầu đã thực hiện tốt vai trò và ý nghĩa quan trọng theo đúng tên của nó, mang lại hiệu quả nhất định trong việc giữ cho giá xăng dầu ổn định.

Hiện nay Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá sửa đổi, trong đó kiến nghị Chính phủ xem xét bỏ Quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Khi đó Chính phủ cần có giải pháp giữ giá xăng dầu ổn định theo mức giá trần phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam.

Giá xăng dầu sau kỳ điều chỉnh ngày 11/7/2022 vẫn đứng ở mức rất cao. Cụ thể giá xăng vẫn cao hơn khoảng 6.000 đồng/lít, giá dầu cao hơn khoảng 9.000 đồng/lít so với thời điểm cuối năm 2021. Vì vậy, Chính phủ cần khẩn trương xây dựng phương án giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế Giá trị gia tăng đối với xăng dầu nhằm cắt giảm và ổn định giá xăng dầu ở mức kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, thúc đẩy nhanh, hiệu quả quá trình phục hồi và phát triển kinh tế sau những hệ luỵ nặng nề do dịch COVID-19 gây ra.

Bên cạnh việc cắt giảm thuế, Bộ Tài chính cần rà soát, tính toán lại chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và các đối tượng sử dụng xăng dầu. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cần chia sẻ lợi ích, cùng gánh vác khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Xin cảm ơn ông!

Thúy Hiền/TTXVN [Thực hiện]

Giá xăng dầu giảm, người dân và doanh nghiệp 'nhẹ gánh'

Từ 0h ngày hôm nay 11/7, giá xăng dầu đã giảm mạnh hơn 3.000 đồng/lít, tương ứng khoảng 10%. Điều này khiến cho người dân và doanh nghiệp vui mừng bởi chi phí cho xăng dầu giảm, đồng nghĩa với gánh nặng lên vai đã nhẹ bớt.

Chia sẻ:

Từ khóa:

  • Giá xăng,
  • giá xăng dầu giảm,
  • xăng dầu,
  • giảm thuế nhập khẩu,
  • thuế tiêu thụ đặc biệt,

Video liên quan

Chủ Đề