Giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân chấn thương sọ não

Những việc cần làm khi bị chấn thương sọ não

Khi có nạn nhân bị chấn thương vùng đầu [hay gọi chấn thương sọ não], người bệnh thì lo lắng, người nhà thì sốt ruột, tất cả đều mong được chụp CT sọ não ngay sau chấn thương. Nhưng thực ra, còn rất nhiều điều quan trọng đáng làm hơn lúc này.

Chụp CT không phải là nhất

Chấn thương sọ não là một tai nạn thuộc hàng phổ biến trong sinh hoạt giao thông và lao động hàng ngày. Chúng ta cần phải lưu ý tới chấn thương sọ não vì hai lý do rất thực tế. Lý do 1, não bộ là cơ quan tối quan trọng, não bộ bị tổn thương thì có thể thiệt hại tính mạng. Đó là trung tâm điều khiển mọi hoạt động sống của con người. Lý do 2, não bộ dễ bị biến chứng. Nếu không chú ý, nạn nhân có nguy cơ bị biến chứng vĩnh viễn như liệt, nói ngọng, rồi loạn tâm thần, suy giảm chức năng cao cấp của thần kinh trung ương…

Chấn thương sọ não là cụm từ chỉ tất cả mọi chấn thương, vết thương nằm trên vùng sọ não. Chúng ta có thể gặp chấn thương sọ não khi đầu bị va đập vào thứ gì đó, gặp trong nhiều tình huống như ngã từ độ cao, va quệt giao thông, vật nặng rơi vào đầu, vật cứng đập vào đầu…

 Cơ chế chấn thương sọ não.

Cách phân loại chấn thương sọ não

Đơn giản và hữu ích nhất đó là phân loại theo dạng thức tổn thương. Có 3 loại cơ bản: chấn động não, đụng giập não và máu tụ nội sọ.

Chấn động não là tình trạng não bộ bị xê dịch, rung lắc quá mạnh do va đập dẫn đến những vi tổn thương. Thường ảnh hưởng đến tuần hoàn và dịch ngoại bào giữa các khoang tế bào thần kinh. Đây là thể bệnh nhẹ nhất.

Đụng giập não

là tình trạng tế bào não bị giập một phần. Các vùng này có tổ chức não bị phù nề, nhiều tế bào thần kinh rơi vào tình trạng nửa sống nửa chết. Thể bệnh này nặng hơn.

Nếu các ngày sau đó, người bệnh có một trong các dấu hiệu sau đây thì cần đi viện ngay và tính tới khả năng nặng lên.

– Đau đầu tăng dần

– Ý thức xấu dần

– Nôn tăng dần

Máu tụ nội sọ

là thể bệnh nặng nhất. Bạn có thể nghe thấy bác sĩ nói chảy máu ngoài màng cứng, dưới màng cứng, trong não, trong não thất… thì tất cả đó đều ám chỉ tình trạng máu tụ nội sọ. Máu tụ nội sọ là thể bệnh nặng nhất, có thể gây tử vong ngay tức thì nếu ổ chảy máu quá nhiều và quá lớn.

Có một thực tế dễ nhận thấy, đó là cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, ngay khi bị chấn thương sọ não, đều khẩn thiết yêu cầu chụp CT sọ não mặc dù giá thành xét nghiệm này không hề rẻ. Chúng ta thường quan niệm, chụp để xem có bị sao và coi đó là tiêu chuẩn vàng cho người thân của mình.

Nhưng thực tế cho thấy, chụp CT sọ não để quyết định dạng thức tổn thương không phải là tiêu chí quan trọng nhất. Và đó không phải là việc làm duy nhất lúc này có lợi cho bệnh nhân.

Điều này nghe có vẻ phi lý, song đúng là như vậy. Vì có những dạng tổn thương của chấn thương sọ não không dễ gì phát hiện ra ngay được nếu tiến hành chụp CT sọ não sau chấn thương. Ví dụ như máu tụ nội sọ ổ nhỏ, chảy máu rỉ rả. Nếu tiến hành chụp ngay sau chấn thương, có thể chúng ta không thu được hình ảnh tổn thương nào và dễ có một thái độ chủ quan nhầm là không bị nặng. Nhưng bản chất thì ẩn chứa bên trong không được bộc lộ. Nếu không cẩn thận, người bệnh vận động mạnh thì có thể bị bất tỉnh bất ngờ.

 Chấn thương sọ não gây xuất huyết não.

Vậy đâu mới là điều quan trọng nhất trong chấn thương sọ não và nếu tiến hành chụp CT sọ não thì tiến hành vào lúc nào?

Điều quan trọng nhất với chấn thương sọ não là quan sát các triệu chứng chủ quan của bệnh nhân. Bao gồm: tình trạng chảy máu [ổ vết thương hoặc chấn thương], tình trạng thức tỉnh hay không tỉnh, có đau đầu không, có nôn hay không? Nếu như người bệnh không có các triệu chứng nặng ở trên thì có thể tạm thời chưa có bệnh nặng. Việc chụp CT không thực sự cần thiết. Và việc cần ưu tiên là cho theo dõi nạn nhân.

Nhưng việc chụp CT phải được tiến hành ngay nếu bệnh nhân có triệu chứng xấu dần, tăng dần hoặc có toàn bộ hình ảnh trên một cách đột ngột và đầy đủ

Những việc cần làm

Vì việc chụp CT sọ não không thực sự cần thiết phải tiến hành ngay nên chúng ta có thể trì hoãn. Thay vì việc phải đưa bệnh nhân bằng được lên tuyến trên hoặc các cơ sở lớn có máy chụp CT thì cần đưa bệnh nhân vào bệnh viện đa khoa gần nhất, có khoa chấn thương, khoa ngoại thần kinh hoặc có phòng hồi sức cấp cứu để được khám và chẩn đoán sơ bộ. Từ đây, bác sĩ sẽ đưa ra những phán đoán rất chính xác và hướng dẫn bạn tận tình các công việc cần làm tiếp theo với chi phí rẻ hơn rất nhiều lần chụp CT. Hiệu quả với điều trị lại cực hữu dụng.

Cũng lưu ý khi vận chuyển nạn nhân, cần cho nạn nhân nằm ngửa, đầu nghiêng về một bên và không gối cao. Nhớ nằm trên ván cứng để tránh các trường hợp tổn thương cột sống kèm theo thì sẽ không bị biến chứng sang tủy sống, nặng thêm.

Tất cả mọi vết thương chảy máu ngoài da cần phải được băng bó, cầm máu cẩn thận. Không tiến hành chuyển đi mà chưa kịp làm tốt khâu này. Bạn có thể bảo toàn tính mạng cho người bệnh tốt nhất chỉ bằng một vài phút băng bó.

Trong mọi trường hợp, không để người bệnh đi bộ, ngồi dậy hoặc chạy nhảy khắp nơi. Vì như vậy có thể làm bong các nút máu đông tạm thời và chuyển từ một ổ đụng giập não không có chảy máu sang một ổ chảy máu sọ não hoàn chỉnh. Lúc này, bạn sẽ không thể bảo toàn được mức độ bệnh cho người bệnh.

Không vận động mạnh, không xúc động mạnh, không có các kích thích thần kinh, theo dõi liên tục từ 7 – 10 ngày. Kịp thời phát hiện ngay tất cả các dấu hiệu bất thường để xử lý ngay lập tức là cách hữu dụng nhất bạn nên tiến hành làm thay vì chỉ chú ý vào việc huy động tiền của để chụp cho được một cái phim CT sọ não.

Chấn thương sọ não là một hệ lụy nghiêm trọng sau tai nạn, những bệnh nhân bị chấn thương sọ não đã phẫu thuật cần phải có một chế độ hậu phẫu nghiêm ngặt thì sức khỏe mới có thể phục hồi và sinh hoạt bình thường. Vậy chăm sóc bệnh nhân chấn thương sọ não sau mổ như thế nào cho đúng? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!

Chấn thương sọ não là gì?

Chấn thương sọ não là tình trạng bệnh nhân bị tổn thương não do nguyên nhân chấn thương, dẫn đến những rối loạn về tri giác, nhận thức, vận động, cảm giác giác quan và ngôn ngữ.

Chấn thương sọ não được chia thành 2 nhóm chính dựa trên sinh lý bệnh học là tổn thương nguyên phát và tổn thương thứ phát:

  • Các dạng tổn thương nguyên phát thường gặp: tụ máu ngoài màng cứng, tụ máu dưới màng cứng, xuất huyết dưới nhện, xuất huyết não thất, xuất huyết trong não, dập não, tổn tưương sợi trục lan tỏa, tổn thương chất xám sâu.
  • Các dạng tổn thương thứ phát thường gặp: thoát vị não, phù não, nhồi máu não hoặc thiếu máu não sau chấn thương.

Các triệu chứng lâm sàng cũng như tình trạng khiếm khuyết, giảm khả năng gây ra bởi chấn thương sọ não là rất đa dạng. Do đó, quá trình phục hồi chức năng và chăm sóc bệnh nhân chấn thương sọ não sau mổ đòi hỏi phải toàn diện, đảm bảo đúng nguyên tắc và có sự phối hợp tốt giữa các thành viên trong nhóm điều trị. Nếu chăm sóc bệnh nhân chấn thương sọ não sau mổ tốt, điều này sẽ giúp bệnh nhân sớm hồi phục, có thể lấy lại được tối đa các hoạt động chức năng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Chấn thương sọ não để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng nên cần chăm sóc bệnh nhân chấn thương sọ não sau mổ thật tốt

Cách chăm sóc bệnh nhân chấn thương sọ não sau mổ

Tùy vào tình trạng của bệnh nhân mà ta có cách chăm sóc bệnh nhân chấn thương sọ não sau mổ khác nhau. Chấn thương sọ não nhẹ có thể liên quan tới tình trạng mất tỉnh táo. Hiện tượng này thường là ngắn và thường sau đó là sự bình phục nhanh và hoàn toàn. Tuy nhiên, chấn thương sọ não nặng, bệnh nhân bắt buộc phải thở máy, chăm sóc tỉ mỉ  và làm các thủ thuật điều trị chấn thương sọ não dài ngày. Cụ thể như sau:

Bệnh nhân chấn thương nhẹ:

Đối với chấn thương sọ não nhẹ thì mức độ di chứng nhẹ nhất là suy nhược thần kinh sau trấn thương sọ não, biểu hiện đau đầu, kém ngủ, mệt mỏi, chóng mặt nhất là khi có sự thay đổi thời tiết. Cho nên, trong thời gian phục hồi sức khỏe, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất và đặc biệt tránh dùng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá... có thể ảnh hưởng đến não. Sau này nếu tình trạng sức khỏe ổn định, trí tuệ không bị ảnh hưởng có thể làm việc và sinh hoạt hoàn toàn bình thường.

Bệnh nhân chấn thương nặng:

Mức độ nặng trong chấn thương sọ não có thể là phù não, thoát vị não, hội chứng tăng áp lực nội sọ, thiếu máu não, chảy máu não, máu tụ… sau đó để lại những di chứng vô cùng nguy hiểm như: tổn thương các dây thần kinh sọ não gây liệt, người bệnh vận động khó khăn hoặc không đi lại được, rối loạn tâm thần, động kinh. Vì vậy cần chăm sóc bệnh nhân chấn thương sọ não sau mổ thật chu đáo, tránh bội nhiễm, chống loét và nuôi dưỡng đầy đủ theo sự hướng dẫn chặt chẽ của các y, bác sĩ:

Chăm sóc toàn thân:

  • Vệ sinh răng miệng, thân thể ngày 2-3 lần, gội đầu 2 lần/ tuần.
  • Nhỏ thuốc mắt mũi ngày 2-3 lần.
  • Nếu bệnh nhân không nhắm mắt được: Kéo mi đậy kín bằng băng dính chống khô loét.
  • Nếu bệnh nhân thở miệng: Đậy gạc tẩm nước.
  • Nếu nằm lâu ngày thì cho bệnh nhân nằm đệm nước, trăn trở bệnh nhân chống loét 3h/lần.

Bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng sau mổ thường mất khả năng di chuyển nên cần chăm sóc đặc biệt

Hô hấp:

  • Tự thở: Vệ sinh thay ống thở hàng ngày, làm ẩm không khí thở oxy qua nước.
  • NKQ: Cứ khi nào bệnh nhân có đờm dãi thì hút và bơm rửa khí quản bằng dung dịch sát trùng, vệ sinh dây hút. Nếu dùng lại dây hút phải có hai lọ betadin một lọ ngâm dây hút miệng, một lọ ngâm dây hút NKQ.
  • Thở máy: Đảm bảo hệ thống đường thở kín. Thường xuyên kiểm tra hệ thống dây thở xem có nứt vỡ không thì phải thay dây.
  • Luôn đổ nước bình làm ẩm đúng quy định. Thay dây máy thở, bầu lọc khuẩn ngày một lần.

Tuần hoàn:

  • Đảm bảo các đường dây truyền dịch thông tốt. Nếu đặt tĩnh mạch ngoại vi thì 3 ngày đổi một lần, vệ sinh vùng chọc hàng ngày.
  • TMDĐ: Thay băng chân tĩnh mạch dưới đòn ngày 1 lần, 10 ngày thì thay cả TMDĐ.

Thay sonde dạ dày:

  • Thay sonde bàng quang 3 ngày một lần. Vệ sinh bơm rửa bàng quang hàng ngày.

Nuôi dưỡng:

  • Đảm bảo 1800-2000 Kcal/ngày. Số lượng 1500-2000 ml/24h chia đều trong ngày đến 21h.
  • Trước khi bơm ăn chú ý xem sonde có trong dạ dày không bằng cách hút dịch vị dư.

Các món ăn chăm sóc bệnh nhân chấn thương sọ não sau mổ

Sau tai nạn chấn thương sọ não, các bệnh nhân chấn thương sọ não thường lâm vào tình trạng suy nhược thần kinh với các biểu hiện đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, mất ngủ, trí nhớ giảm sút… Do đó việc sử dụng các món ăn bài thuốc cũng có vai trò quan trọng để giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và khỏe mạnh hơn. Sau đây là một số món ăn bài thuốc cụ thể  để chăm sóc bệnh nhân chấn thương sọ não sau mổ.

Cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để chăm sóc bệnh nhân chấn thương sọ não sau mổ

Bài thuốc 1: Hạt sen [cả tâm] 50gr sao vàng, tán bột; long nhãn 30gr; đường phèn vừa đủ; nấu thành chè, chia ăn vài lần trong ngày. Món ăn này có công dụng bổ hư, dưỡng tâm, an thần, dùng cho người bị mất ngủ, hồi hộp, đánh trống ngực, dễ bị kích động… do chấn thương sọ não.

Bài thuốc 2: Chim bồ câu 1 con làm sạch bỏ ruột; long nhãn; long vải; hạt sen; rượu vang mỗi thứ 10 g; kỷ tử 5 g; đường phèn 15 g. Tất cả hầm thật nhừ, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần. Thuốc có công dụng bổ ngũ tạng, an thần, ích trí, dùng cho người suy nhược cơ thể, hay đau đầu, mất ngủ, trí nhớ giảm sút sau chấn thương sọ não.

Bài thuốc 3: Óc heo 100g; tỏi 20g bỏ vỏ thái vụn; gia vị vừa đủ. Tất cả đem hầm cách thủy, khi chín cho thêm chút dầu thực vật, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Kiện não, an thần, ích trí; dùng cho người sau chấn thương bị mất ngủ, hoa mắt chóng mặt, hay quên, hay mộng mị.

Bài thuốc 4: Đầu cá chép 1 cái; bạch chỉ 6 g; đường đỏ 20 g. Tất cả đem hầm nhừ, lấy nước uống. Dùng cho người tâm thần bất an, hay đau đầu, chóng mặt sau chấn thương sọ não.

Bài thuốc 5: Lá sen 6gr; kim ngân hoa 6gr; vỏ dưa hấu 6gr; hoa đậu ván trắng 6gr; vỏ quả mướp 6gr. Tất cả đem sắc nước uống thay trà trong ngày. Công dụng thanh tâm, an thần định huyễn; dùng cho người hay bị hoa mắt, chóng mặt, có cảm giác nóng trong ngực, nóng lòng bàn tay, bàn chân, đại tiện táo, tiểu tiện vàng đỏ.

Khi chăm sóc bệnh nhân chấn thương sọ não sau mổ, bạn nên khuyên và tránh cho các bệnh nhân dùng các chất kích thích [như cà phê, trà đặc, rượu, bia, thuốc lá] và các thức ăn khó tiêu. Đồng thời chú ý rèn luyện sức khỏe hợp lý theo thể trạng và vệ sinh cá nhân cũng như giữ tinh thần luôn lạc quan, vui vẻ. Kết hợp với chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt và quá trình phục hồi sau chấn thương, bệnh nhân có thể sử dụng thêm sản phẩm bổ não giúp bảo vệ não bộ, ngăn chặn thoái hóa tế bào não và cải thiện đáng kể khả năng ghi nhớ cũng như thiếu hụt nhận thức sau chấn thương sọ não gây ra.

Nhân Tâm

Video liên quan

Chủ Đề