Hiệu trưởng vận động hành lang là làm gì năm 2024

Vận động hành lang (lobby) có nguồn gốc ra đời trong lịch sử hoạt động Nghị viện của Anh quốc. Pháp luật về Nghị viện của nước này quy định các Nghị sĩ có thể ra ngoài phòng họp để trao đổi với nhau hoặc bất kỳ người nào nhằm bổ sung thông tin; luật pháp cũng cho phép công dân có mặt tại hành lang của Nhà Nghị viện để trình bày ý kiến, kiến nghị với các vị đại biểu của mình. Nhờ có quy định như vậy, cử tri hoặc người đại diện của họ thường đến khu hành lang để gặp gỡ, bày tỏ quan điểm nhằm cung cấp thông tin, thuyết phục Nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ hoặc không ủng hộ những vấn đề, chính sách hoặc dự luật sẽ hoặc đang bàn thảo tại Nghị viện. Như vậy vận động hành lang (lobby) là hành lang tòa nhà Quốc hội, nơi chờ đợi, tiền sảnh của các khách sạn hay tòa nhà lớn. Nhưng lobby có nghĩa bóng thông dụng là vận động người có chức, có quyền nhằm giúp mình đạt được mục đích gì đó về kinh tế, chính trị, xã hội ...

Vận động hành lang có thể được hiểu một cách rất đặc trưng là hoạt động nhằm tạo ảnh hưởng đến tiến trình ban hành quyết định. Xét tổng thể từ góc độ mục đích, phương pháp, đối tượng, chủ thể hoạt động thì có thể hiểu vận động hành lang là những hoạt động có tính hệ thống nhằm tiếp cận, thuyết phục, gây ảnh hưởng, tác động đến quá trình ra quyết định của cơ quan lập pháp, hành pháp, các Nghị sĩ, quan chức và những người có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước để họ ủng hộ hoặc không ủng hộ chính sách, dự luật, chương trình, kế hoạch, hợp đồng, chứng chỉ, sự đề cử, bổ nhiệm hoặc một vấn đề nào đó vì lợi ích của cộng đồng, các nhóm lợi ích hoặc cá nhân.

Theo sự phát triển của lịch sử, vận động hành lang ở một số nước trở thành một nghề của một số người hoặc tổ chức và được pháp luật quy định chặt chẽ. Vận động hành lang theo đúng nghĩa sẽ có tác dụng rất tích cực. Vận động hành lang về bản chất nó là một bộ phận cần có của cơ chế dân chủ vì nó là một phương cách hữu hiệu chuyển tải những ý kiến của cử tri, của công chúng đến cơ quan lập pháp hoặc cơ quan hành chính ... Hơn thế nữa nó còn có tác dụng giám sát, kiềm chế, đối trọng của các tầng lớp xã hội đối với các cơ quan công quyền. Do vậy về bản chất lobby là sự chia sẻ quyền lực giữa nhà nước và xã hội.

Tuy nhiên, vận động hành lang cũng có những mặt hạn chế cần phải được khống chế: vận động hành lang khi trở thành chuyên nghiệp đòi hỏi phải có chi phí tài chính để trả cho hoạt động điều tra, thu thập thông tin, giao tiếp gây ảnh hưởng ... Do vậy có nguy cơ bóp méo dân chủ, bè đảng, số đông người vận động hành lang đại diện cho giới kinh doanh, doanh nghiệp và kẻ có tiền. Lobby còn phục vụ cho quyền lợi của các chính phủ nước ngoài. Trong môi trường hoạt động lobby còn làm nảy sinh hối lộ, tham nhũng sau hậu trường chính trị.

Vận động hành lang được tiến hành bằng nhiều phương thức khác nhau và hết sức đa dạng. Có thể nói người vận động có thể dùng mọi biện pháp, cách thức mà pháp luật không cấm để tác động đến người ra quyết định (nhà lập pháp) để đạt được mục đích của mình là nhằm người đó (Nghị sĩ) ủng hộ hoặc không ủng hộ một chính sách nào đó. Việc lựa chọn cách thức, phương pháp vận động thế nào phụ thuộc vào kết quả, mục đích muốn đạt được, cũng như phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của vụ việc (mục đích ngắn hạn hay dài hạn: giành quyền ký kết một hợp đồng hay thay đổi một đạo luật) đối tượng cụ thể của việc vận động (quan chức hay Nghị sĩ với các hoàn cảnh gia đình, cá tính, sở thích, mối quan hệ cụ thể khác nhau) có thể sử dụng một hoặc nhiều phương thức vận cùng một lúc tùy theo thời điểm, hoàn cảnh cụ thể.

Xét theo cách thức giao tiếp có thể phân biệt vận động hành lang trực tiếp và vận động hành lang gián tiếp. Vận động trực tiếp là khi người vận động hành lang có cuộc gặp mặt trực tiếp hoặc trực tiếp giao dịch (điện thoại, email ...) với người có thẩm quyền ra quyết định để bày tỏ quan điểm, cung cấp thông tin, thuyết phục người ra quyết định ủng hộ hoặc phản đối dự luật hoặc chính sách nào đó. Vận động hành lang gián tiếp là việc vận động được thực hiện thông qua những người có ảnh hưởng hoặc liên quan đến người ra quyết định hoặc có thể gây ảnh hưởng tới quan điểm của người ra quyết định (cố vấn, trợ lý, nghiên cứu viên hoặc người thân trong gia đình ...).

Xét theo hình thức thể hiện, việc vận động hành lang (lobby) không diễn ra ở trong phòng họp, tại các kỳ họp của Nghị viện hoặc Ủy ban Nghị viện mà là ở hành lang Nghị viện và bên ngoài trụ sở Nghị viện. Việc vận động hành lang có thể thông qua lời nói hoặc bằng văn bản (kể cả phương tiện truyền thông điện tử) để tác động đến người có thẩm quyền ra quyết định. Cách tổ chức các cuộc gặp mặt cũng có thể có tính chất chính thức hoặc không chính thức như tổ chức tiệc chiêu đãi, một buổi gặp mặt giả bộ như ngẫu nhiên do có người quen giới thiệu....

Thực tiễn cho thấy có một số cách thức vận động phổ biến thường được sử dụng. Một là, gặp gỡ tại văn phòng làm việc: người vận động sử dụng các mối quan hệ quen biết để có được buổi gặp gỡ với Nghị sĩ tại văn phòng làm việc. Về tính chất cách gặp này có tính chính thức; tuy nhiên tổ chức buổi gặp gỡ cần chú ý sắp xếp thành phần những người tham gia phù hợp để đạt được mục đích hoạch định trước. Cần chuẩn bị trước các vấn đề cần nêu ra trong buổi gặp gỡ với Nghị sĩ...

Thứ hai, mời Nghị sĩ tham gia hội thảo: lựa chọn thời điểm thích hợp để Nghị sĩ có thể tham dự, người vận động tự mình hoặc thông qua người khác tổ chức một hoặc nhiều buổi hội thảo có chủ đề liên quan đến dự luận hoặc chính sách cần vận động, bố trí các bài tham luận và người phát biểu thích hợp để tác động đến Nghị sĩ, hoặc có thể nêu một số câu hỏi đối với Nghị sĩ để Nghị sĩ phát biểu có lợi cho mục đích cần vận động.

Thứ ba, tổ chức tọa đàm để trao đổi thông tin: cần lưu ý lựa chọn thời điểm tổ chức tọa đàm cũng như thành phần tham gia. Thông thường nên tổ chức tọa đàm với thành phần gọn nhẹ: 3-5 người là các chuyên gia hoặc chính trị gia, hoặc những người am hiểu và biết cách diễn đạt các vấn đề mà người vận động quan tâm. Cần xác định rõ thái độ, quan điểm của Nghị sĩ đối với dự án luật hoặc chính sách sẽ là chủ đề tọa đàm để từ đó chuẩn bị các tư liệu, số liệu, các thông tin cần thiết để lập luận thuyết phục Nghị sĩ ủng hộ quan điểm của người vận động.

Thứ tư, tổ chức ăn tối với Nghị sĩ hoặc người có thẩm quyền quyết định chính sách. Đây là phương thức hay được sử dụng nhất trong vận động hành lang. Samuel Ward, người được coi là “vua lobby” ở Quốc hội Mỹ thế kỷ XIX đã từng khẳng định bữa ăn tối là phương thức hiệu quả nhất để tiến hành vận động hành lang. Việc tổ chức bữa ăn tối để đạt hiệu quả cao cần được chuẩn bị kỹ lưỡng: cần xác định sở thích, khẩu vị của thực khách (Nghị sĩ), phong cảnh, khung cảnh của nhà hàng, thành phần khách mời, các câu chuyện cần nêu trong bữa ăn. Thông thường qua bữa ăn tối được tổ chức đúng mực đem lại hiệu quả cao cho việc vận động hành lang. Điều này không chỉ đúng cho việc vận động hành lang Nghị viện mà các doanh nhân cũng thường xuyên thương thảo hợp đồng qua bữa ăn tối.

Thứ năm, quà tặng có thể là tiền bạc, đồ vật có giá trị, những chuyến đi nghỉ đi chơi xa đắt tiền...

Luật pháp nhiều nước với mục đích ngăn ngừa tham nhũng đã quy định về việc phải công khai hóa hoạt động lobby. Bắt buộc người hoạt động lobby phải đăng ký, công khai hóa khách hàng, các cuộc tiếp xúc, số tiền công được chi trả.... Bên cạnh đó luật pháp một số nước, ví dụ Đạo luật công khai hóa hoạt động lobby của Hoa Kỳ 1995 đã quy định: cấm các Thượng nghị sĩ và nhân viên văn phòng Thượng viện không được nhận quà và dự chiêu đãi đáng giá trên 100 USD mỗi người một năm, cấm không được tham dự những chuyến giải trí do tư nhân đài thọ. Luật cũng đòi hỏi cả những lobby không chuyên nghiệp và những người chỉ vận động với công nhân viên cấp dưới của Quốc hội cũng phải đăng ký, nếu vi phạm có thể bị phạt tới 50.000 USD.

Ở Việt Nam chưa có quy định pháp luật về hoạt động lobby, do vậy chưa có hoạt động lobby chuyên nghiệp với những phương cách đa dạng, phong phú như ở các nước Anh, Mỹ và Châu Âu. Tuy nhiên, hoạt động vận động hành lang Quốc hội và đối với quan chức Chính phủ đều có và cách thức cũng khá đa dạng. Ví dụ như gọi điện thoại, viết thư kiến nghị, mời Nghị sĩ tham gia hội thảo, tặng quà. Cũng khá phổ biến các trường hợp khi soạn thảo các dự án Luật các cơ quan có lợi ích liên quan đã mời Nghị sĩ hoặc các thành viên ban soạn thảo tham dự các hội thảo hoặc các chuyến công tác nước ngoài.... Chúng tôi cho rằng cùng với việc gia tăng vai trò Quốc hội và công tác lập pháp cũng sẽ dẫn tới sự phát triển của hoạt động vận động hành lang.

Bản chất hoạt động lobby nếu được quy định chặt chẽ sẽ là một bổ sung tốt cho thiết chế dân chủ. Đây là một vấn đề trong thời gian tới cần được Quốc hội quan tâm trong hoạt động lập pháp của mình.