Luyện tập bài con cò

- Chế Lan Viên (1920 - 1989) tên khai sinh là Phan Ngọc Hoan, quê ở Quảng Trị. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông đã nổi tiếng trong phong trào Thơ mới. Ông có nhiều đóng góp, sáng tạo lớn cho nền văn học nước nhà. Năm 1996, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

- Bài thơ Con cò được in trong tập Hoa ngày thường - Chim báo bão (1967) của Chế Lan Viên.

2. Nội dung

a. Con cò đến với tuổi thơ qua những lời mẹ ru.

- Hình ảnh con cò trong những lời ru của mẹ:

+ Những cánh cò đang bay gợi sự bình yên, thong thả, gợi ra không gian quen thuộc của làng quê Việt Nam từ ngàn đời.

+ Con cò phải đi kiếm ăn, vất vả để mưu sinh, con cò xa tổ - xa gia đình, đối mặt với bất trắc, tai họa. Dù hình ảnh con cò bình yên hay gặp khó khăn, nó luôn đơn độc. Hình ảnh ấy đã thể hiện nỗi nhọc nhằn, gian khó, khổ ải của con người trong cuộc đời.

- Hình ảnh người con:

+ Con còn thơ dại, được mẹ bao bọc, chăm sóc. Mẹ bế con, mẹ ru con, mẹ dành cho con những dòng sữa ngọt ngào.

+ Con có mẹ, con không đơn độc. Con chưa biết con cò, con vạc, con chưa biết cành mềm mẹ hát, con yên tâm ngủ chẳng phân vân, lo sợ.

+ Con chưa phải kiếm ăn, con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ. Người con hạnh phúc, bình yên, lớn lên trong tình yêu thương, sự chở che của mẹ.

- Lời ru của mẹ thấm hơi xuân: Hơi xuân là những vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời, vừa là những cung bậc cảm cảm xúc của người mẹ.

b. Cò đồng hành cùng với con trên những bước đường đời.

- Khi con còn thơ bé, cánh cò bay đến làm quen, cò đứng quanh nôi, vào trong tổ, đắp chung đôi cánh. Hình ảnh cánh cò trở nên quen thuộc với tuổi thơ, đi vào trong giấc ngủ, có sức sống sâu bền trong cõi vô thức của con người.

- Khi con dần khôn lớn, cò theo con đi học, theo gót đôi chân con. Cánh cò tiếp tục cùng con trên chặng đường khám phá thế giới.

- Khi lớn lên, con mơ ước trở thành thi sĩ. Cánh cò vẫn bay đến trước hiên nhà, trong hơi mát của câu văn và tiếp tục đồng hành cùng con trong sự nghiệp sáng tác nghệ thuật.

Hình ảnh cánh cò trở thành biểu tượng cho kỉ niệm tuổi thơ, lời ru ngọt ngào, tình mẹ thiết tha mãi đồng hành cùng con đến suốt cuộc đời.

c. Tình mẫu tử và ý nghĩa của những lời ru.

- Tình yêu và tấm lòng của người mẹ:

+ Biện pháp tu từ điệp ngữ, điệp cấu trúc kết hợp với cấu trúc câu ghép tăng tiến Dù…sẽ và những từ trái nghĩa đã khẳng định, nhấn mạnh tình cảm của mẹ đối với con vô cùng mãnh liệt vượt qua không gian địa lí, gian khó của đời người để mẹ tìm được con, để mẹ đồng hành cùng con, để mẹ yêu con trọn vẹn cuộc đời.

+ Câu thơ mang ý nghĩa triết lí Con dù lớn vẫn là con của mẹ,/ Đi hết đời, lòng mẹ mãi theo con. như một lẽ thường tình, là quý luật tâm lí: con dù lớn vẫn luôn bé bỏng, cần chăm sóc, che chở. Thời gian thay đổi, nhưng tình yêu thương của mẹ vẫn luôn theo suốt bên con trên mỗi chặng đường. Tình mẫu tử chính là cái bất biến trước mọi hoàn cảnh.

- Ý nghĩa của lời mẹ ru:

+ Âm điệu của lời ru êm đềm, ngọt ngào: À ơi! Ngủ đi!

+ Nội dung lời ru giản dị, mộc mạc nhưng lớn rộng vô cùng, trong những lời ru là trải nghiệm cuộc đời của bao thế hệ đã qua.

+ Những lời mẹ ru chính là dòng sữa để nuôi dưỡng tâm hồn con nói riêng và mọi người nói chung.

II. Soạn bài

Bài 1.

- Hình ảnh con cò được xuất hiện trong nhiều câu ca dao, dân ca nên được nhiều tác giả sử dụng làm chất liệu cho sáng tác. Một số câu ca dao, dân ca như:

+ Con cò bay lả, bay la

Bay từ cổng phủ bay ra cánh đồng.

+ Con cò bay lả, bay la

Bay từ cửa phủ bay về Đồng Đăng.

+ Con cò mày đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao

Ông ơi, ông vớt tôi nao

Ông có lòng nào thì hãy xáo măng.

- Hình tượng bao trùm bài thơ là hình tượng con cò trong ca dao, dân ca truyền thống. Trong ca dao, dân ca, hình ảnh con cò xuất hiện phổ biến và được dùng với nhiều ý nghĩa khác nhau, thông dụng nhất là con cò mang ý nghĩa ẩn dụ, biểu tượng cho người nông dân, người phụ nữ trong cuộc sống nhiều khó khăn, vất vả nhưng có nhiều đức tính tốt đẹp và niềm vui sống.

Bài 2.

Nội dung chính của 3 đoạn:

- Đoạn 1: Hình ảnh cánh có đến với tuổi thơ qua những lời ru của mẹ.

- Đoạn 2: Hình ảnh cánh cò đi vào tiềm thức, đồng hành cùng con trên những chặng đường đời.

- Đoạn 3: Tình mẫu tử và ý nghĩa của những lời ru.

Hình ảnh con cò trong các đoạn có sự thay đổi:

- Đoạn 1: Hình ảnh con cò được gợi ra trực tiếp từ những câu ca dao dùng làm lời hát ru của mẹ. Con cò gợi lên không gian quen thuộc của làng quê Việt Nam. Sau đó, hình ảnh con cò đi ăn đêm, gặp cành mềm lại mang ý nghĩa biểu tượng, tượng trưng cho những con người lao động, người mẹ, người phụ nữ nhọc nhằn, vất vả, lăn lội kiếm sống. Qua những lời ru của mẹ ru, hình ảnh con cò đã đến với tâm hồn của tuổi thơ một cách vô thức.

- Đoạn 2: Cánh cò từ lời ru của mẹ đã đi vào tiềm thức của tuổi thơ, trở nên gần gũi thân thiết, theo con đi suốt cuộc đời. Hình ảnh con cò được xây dựng dựa trên sự liên tưởng phong phú: cò đến làm quen, cò vào trong tổ, cánh cò hai đứa đắp chung đôi, rồi cò theo con đi học. Khi con làm thi sĩ, cò xuất hiện trong những áng văn thơ của con, theo con suốt cuộc đời.

- Đoạn 3: Hình ảnh cánh cò lại được nhấn mạnh ở ý nghĩ biểu tượng cho tấm lòng người mẹ, lúc nào mẹ cũng ở cạnh bên con đến suốt cả cuộc đời.

Bài 3.

- Trong đoạn đầu của bài thơ, tác giả đã sử dụng một số câu ca dao:

+ Con cò bay lả, bay la

Bay từ cổng phủ bay ra cánh đồng.

+ Con cò bay lả, bay la

Bay từ cửa phủ bay về Đồng Đăng.

+ Con cò mày đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao

Ông ơi, ông vớt tôi nao

Ông có lòng nào thì hãy xáo măng.

- Các câu ca dao được kết hợp, sử dụng một cách linh hoạt, khóe léo, nhịp nhàng tạo nên sự đa dạng về ý nghĩa biểu tượng của cánh cò.

Bài 4.

- Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con.

Câu thơ thể hiện triết lí, quy luật tự nhiên, thời gian qua đi con sẽ dần dần lớn lên. Nhưng nhà thơ đã dùng cái vạn biến để khẳng định cái bất biến, dù thời gian có qua đi, con có lớn lên thì con vẫn mãi là con của mẹ, tình yêu thương và sự chở che của mẹ sẽ đi cùng con đến hết cuộc đời.

- Một con cò thôi,

Con cò mẹ hát

Cũng là cuộc đời

Vỗ cánh qua nôi

Câu hát ru của mẹ chỉ là những câu ca giản dị và mộc mạc nhưng nó lại rộng lớn vô biên. Vì những lời ru ấy là kinh nghiệm đúc kết ngàn đời của bao nhiêu thế hệ, là những gì tinh túy nhất mà mẹ dành cho con. Bên cạnh đó, những lời ru mẹ hát còn chưa đứng những cung bậc cảm xúc, suy tư, mong muốn của mẹ gửi gắm đến con.

Bài 5.

- Bài thơ được viết theo thể thơ tự do, nhưng có nhiều câu thơ mang dáng dấp của thể thơ 8 chữ. Thể thơ tự do giúp cho tác giả kết hợp ngôn từ và bộc lộ cảm xúc một cách linh hoạt, dễ dàng biến đổi. Các khổ thơ thường bắt đầu bằng những câu thơ ngắn, có chỗ lặp lại hoàn toàn âm điệu của lời ru kết hợp giọng điệu suy ngẫm, có cả triết lí đã lôi cuốn, hấp dẫn người đọc.

- Về nghệ thuật sáng tạo hình ảnh: Dựa trên hình ảnh cánh cò có sẵn trong ca dao, tác giả đã giúp người đọc mở ra nhiều liên tưởng thú vị.