Ngăn lộ đường dây là gì

Kính chào công ty Luật Minh Khuê, vì yêu cầu công việc tôi đang cần tìm hiểu về cách đánh số và đặt tên máy biến áp. Tôi không biết là có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về cách đặt các ký hiệu này hay không. Nếu có rất mong được chuyên viên chia sẻ cụ thể giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn! 

Người hỏi: Tăng Nhơn - Đồng Nai

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi:  1900 6162

 

Trả lời:

Căn cứ cơ sở pháp lý:  Luật điện lực năm 2004 [Luật điện lực sửa đổi, bổ sung năm 2012] và  Nghị định 137/2013/NĐ-CP:

 

1. Nguyên tắc phân cấp đặt tên, đánh số thiết bị điện nhất thứ

Theo quy định tại Thông tư 44/2014/TT-BCT:

- Tất cả các thiết bị điện nhất thứ đưa vào vận hành trong hệ thống điện quốc gia đều phải đặt tên, đánh số.

- Thiết bị điện nhất thứ trong hệ thống điện quốc gia thuộc quyền điều khiển của đơn vị nào thì do đơn vị đó đánh số, phê duyệt và gửi sơ đồ đánh số đã được phê duyệt về điều độ cấp trên, trừ các nhà máy điện quy định tại Khoản 3 Điều này.

- Nhà máy điện đấu nối với lưới điện cấp điện áp trên 35 kV đến 220 kV do cấp điều độ miền có quyền điều khiển đánh số và phê duyệt trên cơ sở ý kiến đồng ý của cấp điều độ quốc gia.

- Đặt tên trạm điện mới hoặc nhà máy điện mới căn cứ theo tên của dự án. Trường hợp tên của dự án trùng với trạm điện hoặc nhà máy điện đang vận hành, cấp điều độ có quyền điều khiển ban hành sơ đồ phải thỏa thuận đổi tên với Đơn vị quản lý vận hành để tránh nhầm lẫn.

- Đặt tên đánh số các thiết bị điện nhất thứ của nhà máy điện hoặc trạm điện theo quy định tại Mục 2 Chương này. Nếu thiết bị điện nhất thứ được đặt tên đánh số theo quy định tại Mục 2 Chương này bị trùng tên hoặc số thì phải thêm ký tự cuối cùng là các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt hoặc các chữ số từ 0 đến 9 để phân biệt.

- Đơn vị quản lý vận hành có quyền đề nghị thay đổi đánh số thiết bị công trình mới khi có lý do hợp lý. Mọi sự thay đổi về sơ đồ đánh số thiết bị phải được cấp điều độ có quyền điều khiển đồng ý và ban hành quyết định sơ đồ đánh số thiết bị khác thay thế sơ đồ đánh số thiết bị trước đó.

- Đơn vị quản lý vận hành có trách nhiệm lắp đặt và duy trì các biển ghi, tên gọi và đánh số các thiết bị của đơn vị mình một cách rõ ràng và không gây nhầm lẫn.

- Đối với các thiết bị điện trong hệ thống điện quốc gia đã được đánh số theo quyết định của các cấp điều độ trước ngày Thông tư này có hiệu lực được phép giữ nguyên hoặc đánh số lại theo đề nghị của Đơn vị quản lý vận hành.

 

2. Quy định về đánh số, đặt tên thiết bị nhất thứ

2.1. Hướng dẫn đánh số cấp điện áp

1. Điện áp 500 kV: Lấy chữ số 5.

2. Điện áp 220 kV: Lấy chữ số 2.

3. Điện áp 110 kV: Lấy chữ số 1.

4. Điện áp 66 kV: Lấy chữ số 7.

5. Điện áp 35 kV: Lấy chữ số 3.

6. Điện áp 22 kV: Lấy chữ số 4.

7. Điện áp 15 kV: Lấy chữ số 8.

8. Điện áp 10 kV: Lấy chữ số 9.

9. Điện áp 6 kV: Lấy chữ số 6.

10. Trường hợp điện áp đầu cực máy phát điện, máy bù đồng bộ được quy định như sau:

a] Nếu điện áp đầu cực lớn hơn hoặc bằng 10 kV lấy chữ số 9;

b] Nếu điện áp đầu cực bé hơn 10 kV lấy chữ số 6.

11. Các cấp điện áp khác do cấp điều độ có quyền điều khiển quy định.

 

2.2. Cách đặt tên thanh cái

Ký tự thứ nhất lấy chữ C.

Ký tự thứ hai chỉ cấp điện áp.

Ký tự thứ ba chỉ số thứ tự thanh cái, riêng số 9 ký hiệu thanh cái vòng.

Ví dụ:

- C12: biểu thị thanh cái số 2 điện áp 110 kV.

- C21: biểu thị thanh cái số 1 điện áp 220 kV.

- C29: biểu thị thanh cái vòng điện áp 220 kV.

 

2.3. Cách đặt tên máy phát, máy bù đồng bộ

Ký tự đầu được quy định như sau:

a] Đối với nhiệt điện hơi nước: Ký hiệu là chữ S;

b] Đối với thủy điện: Ký hiệu là chữ H;

c] Đối với tuabin khí: Ký hiệu là chữ GT;

d] Đối với đuôi hơi của tuabin khí: Ký hiệu là chữ ST;

đ] Đối với điesel: Ký hiệu là chữ D;

e] Đối với phong điện: Ký hiệu là chữ WT;

g] Đối với thủy điện tích năng: Ký hiệu là chữ PH;

h] Đối với điện thủy triều: Ký hiệu là chữ TH;

i] Đối với điện nguyên tử: Ký hiệu là chữ N;

k] Đối với điện mặt trời: Ký hiệu là chữ SS;

l] Đối với điện địa nhiệt: Ký hiệu là chữ GS;

m] Đối với máy bù đồng bộ: Ký hiệu là chữ B.

Ký tự tiếp theo là số thứ tự của máy phát.

Ví dụ:

- S1: biểu thị tổ máy phát nhiệt điện hơi nước số 1.

- GT2: biểu thị tổ máy tuabin khí số 2.

 

2.4. Cách đặt tên máy biến áp

Ký tự đầu được quy định như sau:

a] Đối với máy biến áp 2 hoặc 3 dây quấn: Ký hiệu là chữ T;

b] Đối với máy biến áp tự ngẫu: Ký hiệu là chữ AT;

c] Đối với máy biến áp tự dùng: Ký hiệu là chữ TD;

d] Đối với máy biến áp kích từ máy phát: Ký hiệu là chữ TE;

đ] Đối với máy biến áp tạo trung tính: Ký hiệu là chữ TT.

Ký tự tiếp theo là số thứ tự của máy biến áp. Đối với máy biến áp tự dùng ký tự tiếp theo là cấp điện áp và số thứ tự ở cấp điện áp đó.

Ví dụ:

- T1: biểu thị máy biến áp số 1.

- T2: biểu thị máy biến áp số 2.

- TD31: biểu thị máy biến áp tự dùng số 1 cấp điện áp 35 kV.

- AT1: biểu thị máy biến áp tự ngẫu số 1.

 

2.5. Cách đặt tên điện trở trung tính, kháng trung tính của máy biến áp

Hai ký tự đầu là chữ RT biểu thị điện trở trung tính, KT biểu thị kháng trung tính.

Ký tự thứ 3 lấy theo cấp điện áp cuộn dây máy biến áp nhiều cuộn dây.

Ký tự tiếp theo là tên của máy biến áp mà RT hoặc KT được đấu vào.

Ví dụ:

- RT3T1: biểu thị điện trở trung tính cuộn dây 35 kV của máy biến áp T1.

- KT5AT2: biểu thị kháng trung tính của máy biến áp 500 kV AT2.

 

2.6. Cách đặt tên kháng bù ngang

Hai ký tự đầu là chữ KH.

Ký tự thứ 3 đặc trưng cho cấp điện áp.

Ký tự thứ 4 là số 0 [hoặc số 9 nếu sơ đồ phức tạp].

Ký tự thứ 5 là số thứ tự của mạch mắc kháng bù ngang.

Ví dụ: KH504 biểu thị kháng bù ngang 500 kV mắc ở mạch số 4.

 

2.7. Cách đặt tên tụ chống quá áp

Ký tự đầu lấy chữ C.

Ký tự tiếp theo lấy tên của thiết bị được bảo vệ chống quá áp. Đối với các thiết bị mà tên của thiết bị không thể hiện rõ cấp điện áp thì sau ký tự đầu sẽ là ký tự đặc trưng cho cấp điện áp, tiếp theo là tên thiết bị.

Ví dụ: C9H1 biểu thị tụ chống quá áp mắc vào phía điện áp máy phát H1.

 

2.8. Cách đặt tên máy biến điện áp

Ký tự đầu là TU.

Các ký tự tiếp theo lấy tên thiết bị mà máy biến điện áp đấu vào. Đối với các thiết bị mà tên của thiết bị không thể hiện rõ cấp điện áp thì sau hai ký tự đầu sẽ là ký tự đặc trưng cho cấp điện áp, tiếp theo là tên thiết bị.

Ví dụ:

- TU171: biểu thị máy biến điện áp ngoài đường dây 110 kV 171.

- TUC22: biểu thị máy biến điện áp của thanh cái số 2 điện áp 220 kV.

- TU5T2: biểu thị máy biến điện áp của máy biến áp T2 phía 500 kV.

 

2.9. Cách đặt tên máy biến dòng điện

Hai ký tự đầu là TI.

Các ký tự tiếp theo lấy tên thiết bị mà máy biến dòng điện đấu vào. Đối với các thiết bị mà tên của thiết bị không thể hiện rõ cấp điện áp thì sau hai ký tự đầu sẽ là ký tự đặc trưng cho cấp điện áp, tiếp theo là tên thiết bị.

Ví dụ:

- TI171: biểu thị máy biến dòng điện cấp điện áp 110 kV của đường dây 171.

- TI5AT2: biểu thị máy biến dòng điện cấp điện áp 500 kV trong sứ xuyên của máy biến áp AT2.

 

2.10. Cách đặt tên chống sét

Hai ký tự đầu lấy chữ CS.

Ký tự tiếp theo lấy tên của thiết bị được bảo vệ. Đối với các thiết bị mà tên của thiết bị không thể hiện rõ cấp điện áp thì sau hai ký tự đầu sẽ là ký tự đặc trưng cho cấp điện áp, tiếp theo là tên thiết bị. Đối với chống sét van nối vào trung tính máy biến áp lấy số 0.

Ví dụ:

- CS1T1: biểu thị chống sét của máy biến áp T1 phía điện áp 110 kV.

- CS0T1: biểu thị chống sét mắc vào trung tính máy biến áp T1.

- CS271: biểu thị chống sét của đường dây 271.

 

2.11. Cách đặt tên cầu chì

Các ký tự đầu: Đối với cầu chì thường lấy chữ CC, đối với cầu chì tự rơi lấy chữ FCO.

Ký tự tiếp theo là dấu phân cách [-] và tên của thiết bị được bảo vệ.

Ví dụ: CC-TUC31 biểu thị cầu chì của máy biến điện áp thanh cái C31.

 

2.12. Cách đánh số máy cắt điện

Ký tự thứ nhất đặc trưng cho cấp điện áp. Riêng đối với máy cắt của tụ ký tự thứ nhất là chữ T, kháng điện ký tự thứ nhất là chữ K; còn ký tự thứ hai đặc trưng cho cấp điện áp.

Ký tự thứ hai [thứ ba đối với máy cắt kháng và tụ] đặc trưng cho vị trí của máy cắt, được quy định như sau:

a] Máy cắt máy biến áp: Lấy số 3;

b] Máy cắt của đường dây: Lấy số 7 và số 8 [hoặc từ số 5 đến 8 nếu sơ đồ phức tạp];

c] Máy cắt của máy biến áp tự dùng: Lấy số 4;

d] Máy cắt đầu cực của máy phát điện: Lấy số 0;

đ] Máy cắt của máy bù quay: Lấy số 0;

e] Máy cắt của tụ bù ngang: Lấy số 0;

g] Máy cắt của tụ bù dọc: Lấy số 0 [hoặc 9 nếu sơ đồ phức tạp];

h] Máy cắt của kháng điện : Lấy số 0 [hoặc 9 nếu sơ đồ phức tạp].

Ký tự thứ ba [thứ tư đối với máy cắt kháng và tụ] được thể hiện bằng chữ số từ 0 đến 9.

Đối với máy cắt của thanh cái đường vòng, hai ký tự tiếp theo ký tự thứ nhất là: 00.

Đối với máy cắt liên lạc giữa hai thanh cái, hai ký tự tiếp theo ký tự thứ nhất là số của hai thanh cái.

Đối với sơ đồ một thanh cái có phân đoạn, đánh số các máy cắt ở thanh cái chẵn thì đánh số thứ tự chẵn, các máy cắt ở thanh cái lẻ thì đánh số thứ tự lẻ.

Đối với sơ đồ đa giác đánh số các máy cắt theo máy cắt đường dây.

Đối với sơ đồ 3/2 [một rưỡi], sơ đồ 4/3: tuỳ theo sơ đồ có thể đánh số theo một trong các cách sau:

a] Đánh số các máy cắt theo máy cắt đường dây;

b] Đánh số ký tự thứ hai máy cắt ở giữa [không nối với thanh cái] số 5 hoặc số 6; Đánh số ký tự thứ ba theo thứ tự ngăn lộ.

Ví dụ:

- 131: biểu thị máy cắt của máy biến áp số 1 cấp điện áp 110 kV.

- 903: biểu thị máy cắt của máy phát điện số 3 cấp điện áp/10 kV.

- K504: biểu thị máy cắt của kháng điện số 4 cấp điện áp 500 kV.

- 100: biểu thị máy cắt vòng điện áp 110 kV.

- 212: biểu thị máy cắt liên lạc thanh cái cấp điện áp 220 kV.

Ngoài ra bạn có thể tham khảo cách đặt tên một số thiết bị khác tại Thông tư 44/2014/TT-BCT.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900 6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác!

Chủ Đề