Người phụ nữ xấu nhất thế giới là ai

Bà Mary Ann Bevan. [Ảnh: Getty Images]

Đó là bệnh to các viễn cực [acromegaly] hay còn gọi là bệnh to đầu chi - tình trạng rối loạn hormone hiếm gặp. Sau khi mắc bệnh, bà Bevan buộc phải làm trò mua vui trong các buổi biểu diễn và rạp xiếc để hỗ trợ gia đình kiếm sống vào đầu thế kỷ 20.

Mary Ann Bevan từng là cô gái có ngoại hình ưa nhìn. Sinh ra ở vùng ngoại ô London vào cuối thế kỷ 19, cô trông không khác những phụ nữ trẻ thời đó, và thậm chí còn được coi là hấp dẫn.

Tất cả đã thay đổi khi Bevan trưởng thành và sinh con vài lần, căn bệnh hiếm gặp bắt đầu xuất hiện. Chỉ sau vài năm ngắn ngủi, các đường nét, bàn tay và bàn chân đã biến dạng không thể nhận ra. Không còn cách nào khác, bà Bevan phải tận dụng vẻ ngoài xấu xí của mình để kiếm sống.

Căn bệnh quái ác

Mary Ann Webster sinh ngày 20/12/1874 trong một gia đình đông con ở phía đông London. Trong suốt thời thơ ấu, bà không khác gì các anh chị em. Bà học và có đủ điều kiện để trở thành y tá vào năm 1894. Vào năm 1903, bà kết hôn với Thomas Bevan, một nông dân ở hạt Kent.

Gia đình Bevan có cuộc sống hạnh phúc và đủ đầy. Cuộc hôn nhân viên mãn hơn khi họ sinh hai con trai và hai con gái, tất cả đều khỏe mạnh. Đáng buồn là ông Thomas đột ngột qua đời vào năm 1914, để lại Mary với bốn người con phải nuôi bằng khoản thu nhập ít ỏi. Không lâu sau khi mất chồng, bà bắt đầu có dấu hiệu của chứng to các viễn cực, một rối loạn do sản xuất quá mức hormone tăng trưởng trong tuyến yên.

Bà Bevan trước và sau khi mắc bệnh. [Ảnh: Getty Images]

Bệnh to đầu chi là một trong những tình trạng hiếm gặp về tuyến yên, ngày nay có thể được điều trị nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên, do y học còn hạn chế ở đầu thế kỷ 20, bà Bevan không có cách nào để điều trị hoặc ngăn ngừa tình trạng này. Bà sớm nhận thấy các đặc điểm cơ thể của mình thay đổi đến mức khó nhận ra.

Do căn bệnh quái ác này, bàn tay và bàn chân của bà Bevan phát triển vượt kích thước bình thường. Trán và hàm dưới lồi ra ngoài, còn mũi to ra rõ rệt. Vẻ ngoài thay đổi khiến bà Bevan khó tìm kiếm và giữ được công việc. Bà buộc phải làm những việc lặt vặt để chu cấp cho gia đình. Tình trạng hiếm gặp khiến cơ thể bà Bevan bị biến dạng vĩnh viễn. 

Một người nông dân đang thuê bà Bevan làm vô tình nói rằng công việc phù hợp nhất với bà là tham gia cuộc thi dành cho phụ nữ xấu xí. Để tâm đến lời nói đó, bà Bevan tham gia cuộc thi “Người phụ nữ xấu xí nhất” và dễ dàng đánh bại 250 đối thủ để giành được danh hiệu kỳ cục này. Chiến thắng trong cuộc thi đã khiến bà thu hút sự chú ý của những người tổ chức chương trình giải trí.

Khi các bác sĩ khẳng định rằng tình trạng của bà sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn, bà Bevan quyết định coi đây là cơ hội mà cuộc thi mang lại và muốn tận dụng nó vì lợi ích của các con. Chẳng bao lâu, bà đã có công việc thường xuyên trong một hội chợ du lịch, xuất hiện tại các khu hội chợ trên khắp quần đảo Anh.

Năm 1920, bà Bevan tình cờ đọc một quảng cáo trên báo ở London có nội dung: “Cần tìm người phụ nữ xấu xí nhất, không gớm guốc, không thương tật, không bị biến dạng. Ứng viên thành công được đảm bảo trả lương tốt và làm việc lâu dài. Hãy gửi bức ảnh gần đây”.

Đây là quảng cáo tìm người biểu diễn cho rạp xiếc Barnum và Bailey. Người này nhận thấy rằng bà Bevan có khuôn mặt xấu xí nhưng không gây khó chịu.

Thành công khi làm trò mua vui

[Ảnh: Getty Images]

Sau khi gửi thư cho người đăng quảng cáo kèm một bức ảnh được chụp riêng cho dịp này, bà Bevan được mời tham gia buổi biểu diễn tại công viên giải trí Dreamland trên đảo Coney, khi đó là một trong những địa điểm lớn nhất trên thế giới dành cho biểu diễn mua vui. 

Công viên giải trí này là sản phẩm của Thượng nghị sĩ William H. Reynolds và nhà quảng bá Samuel W. Gumpertz, một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong lịch sử chương trình giải trí mua vui.

Bà Bevan đã tham gia biểu diễn cùng với các nghệ sĩ khác. Khách đến thăm Dreamland được mời chiêm ngưỡng người phụ nữ xấu xí nặng gần 70 kg, cao 1,67 m, có bàn chân và bàn tay cỡ ngoại cỡ. 

Bà Bevan bình tĩnh chịu đựng khi bị khách đối xử theo kiểu gây nhục nhã. Bà cố mỉm cười một cách máy móc, rao bán những tấm bưu thiếp có hình ảnh xấu xí của chính mình, cố gắng kiếm đủ tiền cho bản thân và cho việc học của con cái.

Nhiều năm trôi qua, Mary Ann Bevan vẫn tiếp tục thu hút đám đông và thậm chí còn biểu diễn trong chương trình nổi tiếng Ringling Bros, Barnum & Bailey. Bà cũng thành công trong mục tiêu chu cấp cho các con: Chỉ trong hai năm biểu diễn ở New York, bà đã kiếm được 20.000 bảng Anh, tương đương 1,6 triệu USD vào năm 2022.

Những ngày cuối đời

[Ảnh: Getty Images]

Bevan cũng có bạn bè trong và ngoài đám đông xem mình biểu diễn. Bà tìm thấy tình yêu mới. Trong khi biểu diễn tại Madison Square Garden vào năm 1929, bà bắt đầu mối tình lãng mạn với một người nuôi hươu cao cổ tên là Andrew. 

Bà thậm chí còn đồng ý trang điểm tại một thẩm mỹ viện ở New York. Tại đây, các nhân viên làm đẹp đã làm móng và massage, duỗi tóc và trang điểm cho bà.

Khi nhìn bà Bevan sau trang điểm, một số người tàn nhẫn khẳng định rằng những thứ bột, phấn trát lên mặt bà không ăn nhập gì với khuôn mặt, như thể “treo rèm ren đẹp đẽ lên cửa sổ tàu chiến”. Khi bản thân Mary Ann Bevan nhìn thấy hình ảnh mình trong gương, bà chỉ nói: “Tôi đoán tôi sẽ trở lại làm việc”.

Bà Bevan tiếp tục làm người biểu diễn mua vui tại Đảo Coney cho đến khi qua đời ở tuổi 59 vào ngày 26/12/1933. Bà được đưa về quê hương để làm tang lễ, chôn cất tại Nghĩa trang Brockley và Ladywell ở đông nam London.

Suốt nhiều năm, chỉ những người đam mê lịch sử biểu diễn mua vui mới biết tới bà Mary Ann Bevan. Cho tới vào đầu những năm 2000, Hallmark dùng hình ảnh của bà với dụng ý chế giễu trên một tấm bưu thiếp. Sau khi có nhiều ý kiến phản đối về việc sỉ nhục bà Bevan, tấm bưu thiếp đã bị ngừng sản xuất.

Velasquez Lizzie thân hình gầy gò chỉ còn da bọc xương, bị gọi là "Người phụ nữ xấu nhất thế giới". 

Lizzie bị hai chứng bệnh hiếm gặp khiến cô gầy gò chỉ còn da bọc xương. Ảnh:BBC.

Cô đã có một cuộc lột xác ngoạn mục, trở thành nhân vật gây chú ý trên mạng với bài diễn văn truyền cảm hứng cho hàng triệu người khắp thế giới.

Câu chuyện bắt đầu khi cô gái 17 tuổi lướt web nghe nhạc trong lúc làm bài tập về nhà thì thấy một clip dài 8 giây trên You Tube với 4 triệu lượt xem có tựa đề “Người phụ nữ xấu nhất thế giới”. “Tôi đã bị sốc”, Velasquez Lizzie nhớ lại thời khắc cô nhận ra chính mình là người trong clip ấy. “Nhưng như vậy vẫn chưa là gì ghê gớm cho đến khi thấy những bình luận bên dưới, tôi hoàn toàn suy sụp”.

“Thiêu chết nó đi”, “Tại sao họ vẫn giữ clip kinh tởm này trên mạng?”, những bình luận ác ý cứ xuất hiện dày thêm mỗi ngày. Một số người còn “khuyên” Lizzie nên tự tử, có kẻ lại châm chọc "Người ta sẽ bị mù nếu trông thấy cô xuất hiện trên đường". Lizzie đã đọc hàng nghìn bình luận tiêu cực như thế về cô.

“Tôi đã khóc nhiều đêm liền, ở tuổi thiếu niên tôi nghĩ cuộc đời thế là hết. Tôi không thể nói chuyện với ai về điều đó, kể cả bạn bè. Tôi quá sốc vì việc đã xảy ra”, Lizzie nói trên BBC.

Từ lúc sinh ra đã mắc hai chứng bệnh hiếm gặp là rối loạn di truyền và rối loạn chuyển hóa mỡ, cô không thể tăng cân dù ăn thật nhiều. Học mẫu giáo, Velasquez nhớ như in những đứa bạn cùng lớp đã giật mình và sợ hãi như thế nào khi nhìn thấy cô. Ngày nào Lizzie cũng bị trêu ghẹo và bắt nạt vì vẻ ngoài quái dị của mình.

Cô bé Lizzie trong vòng tay của cha mẹ. Ảnh: BBC.

Lizzie giờ đây đã là cô gái 26 tuổi nhưng chỉ nặng 27 kg. Mắt phải bị mù hoàn toàn trong khi bên trái đã giảm dần thị lực. Cô phải ra vào bệnh viện nhiều lần để thực hiện các cuộc phẫu thuật ở mắt, tai, chân cũng như các lần kiểm tra máu, mật độ xương để xác định chính xác căn bệnh của mình. Cô thường xuyên bị thiếu năng lượng và phải mất thời gian dài để chống lại các căn bệnh nhiễm trùng, điển hình như viêm phế quản.

Tháng 11 vừa qua, Lizzie phải vào viện để theo dõi vì không thể nuốt thức ăn do vấn đề với thực quản. Chân phải cô thường bị gãy do thiếu chất béo ở bàn chân, song ý chí sắt đá không cho phép cô gục ngã.

“Khi còn đi học, mỗi lần nhìn vào gương là mỗi lần tôi ao ước căn bệnh này sẽ biến mất. Tôi ghét nó, căn bệnh đã gây ra nhiều đau khổ trong cuộc sống của tôi. Những nỗi đau liên tục, cả thể chất và tinh thần mà một cô bé 13 tuổi không thể chịu đựng nổi”, cô bộc bạch.

Lúc sinh ra Lizzie chỉ nặng 1,2 kg. Các bác sĩ đã nói với bố mẹ cô về mọi khó khăn họ sẽ gặp phải khi chăm sóc con suốt đời và không chắc cô bé sẽ sống được lâu. Vì yêu thương đứa con của mình, bố mẹ cô là bà Rita và ông Lupe không bao giờ hỏi “Tại sao chuyện này lại xảy đến với mình” mà chỉ muốn đưa con về nhà và bắt đầu cuộc sống với đứa con bé bỏng.

Chính thái độ đó của ba mẹ đã giúp Lizzie luôn lạc quan dù bị bắt nạt ở trường, bị nhìn chằm chằm như quái vật hay bị chế giễu khi đi trên đường. Ngay khi còn nhỏ, cô đã được bố mẹ dặn rằng đi học phải luôn ngẩng cao đầu, luôn tươi cười và tốt bụng với mọi người dù họ đối xử với con thế nào chăng nữa. Cô thậm chí còn vui vẻ tha thứ cho người đã đăng clip ấy lên Youtube cách đây 9 năm.

Câu chuyện cuộc đời và nghị lực sống của Lizzie đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người. Ảnh: BBC.

Lizzie đã quyết định tạo ra một sự thay đổi ngoạn mục hơn. Mới đây, cô lập một tài khoản trên Youtube, sử dụng tên của mình để bày tỏ cho mọi người thấy “Người phụ nữ xấu nhất thế giới” thực sự là người như thế nào. 

Bài diễn văn của Lizzie đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ cho những người khác biết rằng họ có thể tự tin với vẻ ngoài của chính mình. Hiện trang cá nhân cô gái có 314.000 thành viên theo dõi, riêng bài thuyết trình trên với chủ đề “How do you define yourself?” [Bạn xác định bản thân như thế nào?] thu hút hơn 7,5 triệu lượt xem trên You Tube.

Những câu nói truyền cảm hứng của Lizzie Velasquez

Giờ đây Lizzie nói rằng cộng đồng mạng xung quanh cô thật tuyệt vời. Một số người từng bị bắt nạt bình luận rằng bài diễn văn của cô đã khiến họ cảm thấy mạnh mẽ hơn, tự tin hơn, thậm chí dám đứng lên chống lại những kẻ bắt nạt.

Không những thế Lizzie còn hợp tác với Tina Meier, người mẹ có con gái đã tự sát vì những lời bình luận tiêu cực nhắm vào mình trên Internet. Lần đầu tiên, cả hai cùng nhau vận động dân biểu Quốc hội Mỹ bỏ phiếu cho dự luật chống lại hành động bắt nạt, kể cả trên mạng. Điều này có nghĩa là các trường học sẽ phải lưu tâm can thiệp đến tất cả trường hợp học sinh bị bắt nạt và sẽ được cấp kinh phí để đẩy lùi tình trạng này.

Câu chuyện cuộc đời của Velasquez và những nỗ lực chống lại hành động bắt nạt của cô đã được dựng thành phim tài liệu do Sara Hirsh Bordo làm đạo diễn. Bộ phim “A Brave Heart: The Lizzie Velasquez Story” [Tạm dịch là Một trái tim dũng cảm: Câu chuyện về Lizzie Velasquez] đã cho ra mắt đoạn trailer trong liên hoan phim Southwest năm nay. “Đây không chỉ là bộ phim về Velasquez mà còn là một câu chuyện toàn cầu, dành cho những người từng bị bắt nạt”, đạo diễn cho biết.

Video liên quan

Chủ Đề