Số lượng tiêu thụ thuốc lá ở Việt Nam

Trong năm 2019-2020, tỷ lệ hút thuốc lá chung ở người trưởng thành là 21,7%, giảm so với năm 2015 [22,5%]. Tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm so với năm 2015 [45,3%], tỷ lệ nữ giới hút thuốc tăng so với năm 2015. Ảnh: VGP/Hiền Minh
Thông tin này được ra tại Hội thảo khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu về phòng chống tác hại của thuốc lá do Bộ Y tế tổ chức sáng 22/12.

Cũng theo kết quả điều tra này, tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở nam giới thành thị giảm rõ rệt từ 38,7% năm 2015 xuống còn 29,9% năm 2020, tỷ lệ này ở nông thôn cũng giảm từ 35,7% năm 2015 xuống 31,0% năm 2020.

Tuy nhiên, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử năm 2020 tăng 18 lần so với năm 2015 [từ 0,2% lên 3,6%], trong đó nam giới tăng 14 lần [từ 0,4% lên 5,6%], nữ giới tăng 10 lần [từ 0,1% lên 1%]. Nhóm tuổi từ 15-24 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử cao nhất với tỷ lệ 7,3% .

Kết quả điều tra cũng chỉ rõ, có 44,4% người không hút thuốc [38,7% nam và 47,6% nữ] bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại gia đình. Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại các quán bar, cà phê, nhà hàng đã giảm so với năm 2015, tuy nhiên, vẫn còn rất cao [lần lượt là 86,2% và 78,1%].

Theo ước tính của tổ chức Y tế thế giới [WHO], mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá [cao gần gấp 4 lần so với số tử vong do tai nạn giao thông mỗi năm]. Nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả, con số này sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào năm 2030.

Liên quan đến vấn đề cai nghiện thuốc lá, kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá của 34 tỉnh, thành phố do Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá cũng chỉ ra rằng, có 7,9% người hút thuốc lá, ước tính khoảng 1,1 triệu người có kế hoạch bỏ thuốc vào tháng sau. Trong số những người đang bỏ thuốc lá, 41,8% đã bỏ thuốc trên 10 năm, 19,4% [5 đến < 10 năm], 27,4% [1 đến dưới 5 năm] và 11,4% dưới 1 năm.

Trong số những người đang sử dụng thuốc lá, có 72,2% nhận được lời khuyên bỏ thuốc từ cán bộ y tế.

Lý do chính dẫn đến việc bỏ thuốc lá chủ yếu vì “thuốc lá có hại cho sức khỏe” [93,1%], vì “hút thuốc lá bị bạn bè gia đình phản đối” [68,2%].

Đặc biệt, có sự gia tăng đáng kể trong tỷ lệ người hút thuốc tin rằng, hút thuốc lá gây nên các bệnh đột quỵ, đau tim hoặc cả 3 bệnh lý đột quỵ, đau tim và ung thư phổi. Cụ thể, tỷ lệ nhận thức về nguy cơ đột quỵ, đau tim và ung thư phổi do sử dụng thuốc lá năm 2020 lần lượt là 81,1%; 77,8%; 96% và 72,2% tin rằng hút thuốc lá gây nên cả 3 bệnh đột quỵ, đau tim và ung thư phổi.

Mặc dù một số chỉ số quan trọng về kiểm soát thuốc lá đã được cải thiện, đặc biệt là tỷ lệ hút thuốc ở nam giới và tình trạng tiếp xúc thụ động với khói thuốc tại nhà, tại nơi làm việc, tại nhà hàng, tại quán bar/ cà phê/ trà. Tuy nhiên, bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá cho biết, tỷ lệ hút thuốc vẫn còn cao ở nam giới, có xu hướng tăng tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới. Vì vậy, Chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá cần tiếp tục hỗ trợ và nỗ lực thực hiện để tiếp tục giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.

Đại diện Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá cũng đề nghị các cơ quan chức năng liên quan thực thi nghiêm các quy định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá để bảo vệ thanh niên không tiếp xúc với các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt tại điểm bán thuốc lá, tiếp tục tích cực đẩy mạnh truyền thông về tác hại của thuốc lá và cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ cai nghiện thuốc lá, tư vấn cai nghiện thuốc lá trong thời gian tới để hỗ trợ cho hàng triệu người muốn bỏ thuốc lá…

Hiền Minh


Gần đây tôi có bài trình bày tại hội thảo về thuế thuốc lá tại Hòa Bình, Việt Nam. Hội thảo do Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội và Bộ Tài chính Việt Nam tổ chức với sự hỗ trợ của tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới [WHO], và Liên minh Phòng chống tác hại thuốc lá khu vực Đông Nam Á [SEATCA].

Có một sự đồng thuận rất lớn tại Việt Nam về việc chính phủ cần tăng cường các biện pháp kiểm soát tiêu thụ thuốc lá nhằm bảo vệ cộng đồng trước những rủi ro sức khỏe do sử dụng thuốc lá. Hiện nay, gần 50% nam giới trưởng thành tại Việt Nam hút thuốc. Mặc dù tỷ lệ phụ nữ hút thuốc dưới 2%, phụ nữ và trẻ em hiện đang đối diện với tình trạng hút thuốc thụ động cao tại gia đình và các địa điểm công cộng, cũng dẫn tới các bệnh tật và tử vong. Theo tính toán khoảng 40.000 người chết sớm hàng năm tại Việt Nam do các căn bệnh có liên quan đến thuốc lá. Tại Việt Nam cũng như tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, các căn bệnh liên quan đến thuốc lá gây tốn kém hàng triệu đô la mỗi năm, cả về chi phí y tế trực tiếp cũng như những thiệt hại do tổn thất năng suất lao động, là một gánh nặng kinh tế rất lớn đối với các hộ gia đình và các chính phủ.

Những thảo luận xung quanh tại hội thảo nhấn mạnh sự cần thiết cấp bách về sự cam kết và hành động từ các cấp cao nhất của Chính phủ nhằm cải cách cơ cấu thuế thuốc lá và nâng mức thuế suất. Theo kinh nghiệm quốc tế, thuế thuốc lá cao sẽ giúp tăng giá thuốc và từ đó giảm nhu cầu sử dụng một cách hiệu quả.

Tại Việt Nam, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá [là một khoản thuế theo tỷ lệ phần trăm trên mức giá kê khai], hiện ở mức thấp khoảng 28% trong giá bán lẻ của nhãn hàng thuốc lá phổ biến, so với mức thuế tiêu thụ đặc biệt ở các quốc gia láng giềng như Trung Quốc [36%], Malaysia [47%], Philippines [51%], và Hàn Quốc [64%].  Mức thuế này cũng rất thấp so với tỷ lệ được WHO khuyến cáo là tỷ lệ thuế ở mức 70% giá bán lẻ một bao thuốc lá 20 điếu nhằm có tác động thực sự tới tiêu dùng. Với mức thuế thấp như vậy, thuốc lá ở Việt Nam thuộc diện rẻ nhất trên thế giới, theo đó giá bán lẻ một bao thuốc lá thuộc một nhãn hàng phổ biến chưa đến 1 đô la Mỹ, và các nhãn hàng rẻ hơn chỉ vào khoảng 15 – 20 xu Mỹ một bao.

Đề xuất cải cách thuế thuốc lá tại Việt Nam hiện đang được cân nhắc trong một kế hoạch cải cách tài khóa rộng hơn, có mục tiêu đưa ra một cơ cấu thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp, theo đó bổ sung thêm một mức thuế tuyệt đối trên phần thuế tính theo tỷ lệ phần trăm. Đây là một giải pháp chính sách tốt, vì việc áp dụng chung một mức thuế tuyệt đối với mọi nhãn thuốc lá sẽ giúp chính phủ đánh thuế thuốc lá trên số lượng bao thuốc, không chỉ trên giá kê khai, và mức thuế cao sẽ nâng giá bán của mọi nhãn hàng cùng lúc sẽ giúp tránh tình trạng người hút thuốc chuyển sang sử dụng các nhãn hàng rẻ tiền hơn. Tuy nhiên, biện pháp này đòi hỏi đi kèm với điều khoản điều chỉnh mức thuế cố định hàng năm nhằm theo kịp lạm phát và nếu được, nên ở mức cao hơn lạm phát nhằm tính đến mức tăng thu nhập theo đầu người hàng năm để bảo đảm khả năng chi trả giảm theo thời gian.

Một câu hỏi quan trọng đặt ra đối với Việt Nam là mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá cần “cao như thế nào và nhanh ra sao”. Câu trả lời cần rất rõ ràng: cần tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá một cách mạnh mẽ để tránh tình trạng đáng tiếc là một số lượng lớn người dân mắc các bệnh có thể phòng ngừa do thuốc lá và tử vong sớm như hiện nay.

 Bằng chứng toàn cầu từ Ngân hàng Thế giới được trình bày tại hội thảo đã giải đáp những lo ngại từ các nhà hoạch định chính sách về những tác động tiêu cực của việc tăng thuế thuốc lá. Kinh nghiệm từ các quốc gia như Colombia, Moldova, Hàn Quốc, Ukraine, và Philippines cho thấy thay vì làm giảm số thuế thu được, việc tăng thuế thuốc lá không những đóng góp vào việc giảm các rủi ro sức khỏe gắn với việc sử dụng thuốc lá, mà còn giúp tăng thêm nguồn thu để tài trợ cho các chương trình và dự án ưu tiên thông qua ngân sách quốc gia, như việc mở rộng bảo hiểm y tế toàn dân. Bằng chứng từ một báo cáo toàn cầu gần đây cũng cho thấy việc tăng thuế thuốc lá không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới buôn lậu. Thay vào đó, các yếu tố phi giá như hiện trạng quản trị, khuôn khổ pháp lý và các cơ chế bảo đảm thực thi yếu, cũng như sự sẵn có của các mạng lưới phân phối không chính thức là những yếu tố quan trọng hơn nhiều. Các bằng chứng cũng nêu bật việc thị trường thuốc lá lậu thường có quy mô lớn hơn tại các quốc gia có mức thuế thấp và giá thấp, trong khi lại nhỏ hơn tại các quốc gia có mức thuế cao và giá cao.  

Ngoài ra, phát hiện của một báo cáo thực hiện gần đây dành cho Indonesia cũng giải đáp những quan ngại về khả năng mất việc làm trong ngành nông nghiệp, sản xuất và phân phối thường được nêu ra nhằm phản đối việc tăng thuế thuốc lá. Báo cáo cho thấy với việc đơn giản hóa cơ cấu thuế và nâng thuế thuốc lá lên mức trung bình 47% sẽ giúp giảm 2% nhu cầu tiêu thụ thuốc lá, giảm số lượng lao động trong lĩnh vực sản xuất chỉ 0.43%. Bên cạnh đó, kết quả của các đánh giá thực hiện tại 8 quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình cũng không ủng hộ lập luận cho rằng việc tăng thuế thuốc lá có tính lũy thoái và đã nêu bật những lợi ích dài hạn từ việc cải thiện sức khỏe và năng suất lao động, đặc biệt trong nhóm thu nhập thấp là những người nhạy cảm hơn với sự thay đổi của giá cả so với các khách hàng giàu có hơn.

Thông điệp kết luận tại hội thảo là với việc thông qua đề xuất tăng thuế thuốc lá mạnh mẽ vào năm tới trong một lộ trình tăng đều trong các năm tiếp theo, chính phủ Việt Nam có thể cứu nhiều người và giúp người dân khỏe mạnh hơn. Đây là một khoản đầu tư quan trọng vào nguồn vốn con người, là vấn đề ngày càng quan trọng hơn khi bản chất của công việc phát triển để đáp ứng với sự thay đổi công nghệ nhanh chóng và tầm quan trọng của nền kinh tế tri thức tiếp tục phát triển trong Thế kỷ XXI.

Vào trang World Bank Group Global Tobacco Control để tham khảo các báo cáo đánh giá toàn cầu và các quốc gia cũng như blogs, videos 

Phiên bản tiếng anh của blog:
//blogs.worldbank.org/health/tobacco-taxation-vietnam-human-capital-development-imperative

Video liên quan

Chủ Đề