Tại sao suy tim trái gây khó thở

Khi nhắc đến suy tim, nhiều người thường nghĩ ngay đến suy tim trái. Lý do là vì đây là thể suy tim thường gặp nhất, là hậu quả và đích đến cuối cùng của nhiều bệnh lý tim mạch. Khác với suy tim phải, suy tim trái có triệu chứng rõ ràng hơn, tiên lượng cũng xấu hơn. Ngày nay, với sự tiến bộ của nền y học, đã có nhiều phương pháp điều trị góp phần làm giảm đáng kể tử vong và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh suy tim trái. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu những vấn đề cơ bản cần biết về căn bệnh này qua bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Lý Quang Sang.

Nội dung bài viết

  • Suy tim trái là gì?
  • Cơ chế của suy tim trái
  • Nguyên nhân của suy tim trái
  • Tiên lượng của suy tim trái như thế nào?
  • Phân loại suy tim trái
  • Phân độ suy tim trái mạn tính
  • Triệu chứng của suy tim trái là gì?
  • Chẩn đoán suy tim trái như thế nào?
  • Điều trị suy tim trái ra sao?

Suy tim trái là gì?

Tim người bình thường có thể chia thành tim trái và tim phải, tổng cộng gồm có 4 buồng tim. Trong đó, tim trái gồm nhĩ trái và thất trái, còn tim phải gồm nhĩ phải và thất phải. Với một trái tim khỏe mạnh, hoạt đông co bóp của tim diễn ra nhịp nhàng và hiệu quả. Nó đảm bảo cung cấp hay bơm đủ lượng máu để lưu thông một cách hiệu quả trong các vòng tuần hoàn và nuôi cơ thể.

Suy tim là tình trạng tim không còn khả năng co bóp như bình thường để bơm đủ lượng máu đảm bảo cho các nhu cầu hoạt động của cơ thể. Đây là con đường chung cuối cùng của hầu hết các bệnh lý tim mạch. Nếu phân chia theo giải phẫu của tim, suy tim có thể được chia thành suy tim trái, suy tim phải, hoặc suy tim toàn bộ (suy cả tim trái và tim phải).

Suy tim trái đề cập đến tình trạng bất thường cấu trúc và/hoặc chức năng của thất trái. Điều này làm cho thất trái không đủ khả năng co bóp và/hoặc thư giãn đủ tốt để đảm bảo bơm máu và nhận máu một cách có hiệu quả. Từ đó dẫn đến suy giảm lượng máu bơm đi nuôi cơ thể và ứ máu tại tim trái. Hậu quả là người bệnh bị suy giảm cung lượng tim (lượng máu bơm đi nuôi cơ thể trong một phút) và/hoặc sung huyết phổi (ứ máu ở hệ tuần hoàn phổi).

Tại sao suy tim trái gây khó thở
Tim bình thường (bên phải) và suy tim trái với thất trái giãn lớn (bên trái)

Cơ chế của suy tim trái

Suy tim trái được khởi đầu bằng một quá trình bệnh lý làm tổn thương cơ tim. Kết quả là mất các tế bào cơ tim đang hoạt động hoặc làm gián đoạn khả năng tạo ra lực của cơ tim. Do đó làm ngăn cản hoạt động co bóp bình thường của tim trái. Quá trình bệnh lý này có thể khởi phát đột ngột, như trong trường hợp nhồi máu cơ tim. Bệnh cũng có thể khởi phát từ từ. Ví dụ như trong trường hợp quá tải về áp lực hoặc thể tích máu. Hoặc có thể do di truyền, như trong nhiều bệnh cơ tim do di truyền.

Bất kể về bản chất của bệnh nguyên, đặc điểm chung nhất là làm suy giảm khả năng bơm máu của tim trái. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân sẽ vẫn không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ sau khi khả năng co bóp của tim giảm. Hoặc, các triệu chứng chỉ phát triển sau khi rối loạn chức năng đã xuất hiện một thời gian dài.

Sở dĩ như vậy là do cơ thể của chúng ta có nhiều cơ chế đáp ứng bù trừ khi chức năng co bóp của tim bị suy giảm. Các cơ chế này bao gồm: hoạt hóa hệ thần kinh thể dịch và hệ thần kinh giao cảm. Mục đích là nhằm duy trì cung lượng tim bằng cách tăng giữ muối, nước và tăng khả năng co bóp của cơ tim. Do đó, bệnh nhân vẫn không biểu hiện triệu chứng cơ năng hoặc triệu chứng rất nhẹ trong nhiều năm.

Tuy nhiên, tại một thời điểm nào đó, những cơ chế bù trừ trên sẽ trở nên gây hại. Chức năng tim trở nên mất bù trừ, bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng rõ ràng. Kết quả là làm tăng tử suất và bệnh suất. Việc chuyển sang suy tim có triệu chứng đi kèm với tăng hoạt hệ thần kinh thể dịch, hệ thần kinh giao cảm và các cytokine dẫn đến chuỗi những thay đổi thích ứng bên trong tế bào cơ tim. Tập hợp lại được gọi là tái cấu trúc thất trái.

Khi tim trái bị suy và chuyển sang giai đoạn mất bù, tim trái không thể bơm nổi hết lượng máu đã nhận được từ các tĩnh mạch phổi ra ngoài tuần hoàn lớn được, dẫn đến máu ứ lại ở vòng tuần hoàn nhỏ. Khi này, bệnh nhân có tình trạng ứ máu ở phổi hay còn gọi là “sung huyết phổi”. Dịch sẽ thoát từ lòng mao mạch vào trong phế nang của phổi. Tình trạng này gây khó khăn cho việc trao đổi khí ở phổi và làm cho bệnh nhân bị khó thở.

Ngoài ra, suy tim trái còn dẫn đến tim sẽ không bơm đủ lượng máu đi nuôi cơ thể như bình thường được. Điều này làm cho các mô và cơ quan trong cơ thể bị thiếu máu nuôi, thiếu oxy và các chất dinh dưỡng, dẫn đến suy đa cơ quan. Tình trạng này được gọi là “hội chứng giảm cung lượng tim”.

Nguyên nhân của suy tim trái

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra suy tim trái:

  • Bệnh mạch vành. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây suy tim, với tỷ lệ 60 – 75%.1 Với tình trạng hẹp lòng động mạch vành làm suy giảm lượng máu nuôi cơ tim dẫn đến suy giảm chức năng cơ tim.
  • Tăng huyết áp. Tăng huyết áp lâu ngày gây ra phì đại thất trái. Tăng huyết áp cũng làm tăng khả năng mắc bệnh mạch vành. Tăng huyết áp đóng góp 75% trường hợp suy tim, bao gồm hầu hết bệnh nhân có bệnh mạch vành.1
  • Các bệnh van tim. Các tổn thương hở van hai lá, hẹp van hai lá, van động mạch chủ đều có thể gây suy tim trái thông qua cơ chế quá tải thể tích máu hoặc áp lực. Tại Việt Nam, bệnh van tim hậu thấp vẫn còn là một trong những nguyên nhân thường gặp gây suy tim ở người trẻ < 40 tuổi.
  • Bệnh tim bẩm sinh. Ví dụ như: thông liên thất, còn ống động mạch,…
  • Bệnh cơ tim giãn nở không do thiếu máu cục bộ. Bệnh cơ tim giãn nở thường gặp ở người trẻ, ít có biểu hiện triệu chứng trên lâm sàng. Bệnh có thể do rối loạn di truyền, do thâm nhiễm, do thuốc/độc tố, do siêu vi, hoặc do rối loạn chuyển hoá.
  • Bệnh cơ tim. Bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim hạn chế, bệnh cơ tim thâm nhiễm, viêm cơ tim,…
  • Rối loạn nhịp tim. Các dạng rối loạn nhịp nhanh hay nhịp chậm mạn tính đều có thể gây ra suy tim. Trong trường hợp này, nếu tình trạng rối loạn nhịp được phát hiện và điều trị sớm, chức năng tim có thể hồi phục hoàn toàn.
  • Suy tim với cung lượng tim cao. Điều này là do cường giáp, thiếu vitamin B1 (bệnh Beriberi), thông động tĩnh mạch hệ thống, thiếu máu mạn.

Tiên lượng của suy tim trái như thế nào?

Tiên lượng của bệnh suy tim trái tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến suy tim. Nếu được can thiệp kịp thời, một số trường hợp suy tim trái mạn tính có thể phục hồi được. Các nguyên nhân suy tim có thể hồi phục như do bệnh van tim, tăng huyết áp, bệnh cơ tim do rượu, bệnh cơ tim chu sinh,… nếu được điều trị đúng cách.2 3

Tiên lượng của suy tim trái phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Tuổi của bệnh nhân;
  • Giai đoạn của suy tim, bệnh lý tim nền có sẵn;
  • Các bệnh lý nội khoa đi kèm;
  • Đáp ứng với điều trị của người bệnh.

Các yếu tố khiến tiên lượng xấu hơn bao gồm:

  • Mức NT-proBNP cao;
  • Người cao tuổi;
  • Có nhiều tình trạng, hay bệnh nội khoa đi kèm như đái tháo đường, bệnh thận mạn, rung nhĩ,…;
  • Tiền sử nhồi máu cơ tim hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD);
  • Suy giảm chức năng thận.

Phân loại suy tim trái

Có thể phân loại dựa vào phân suất tống máu của thất trái EF (%). Chỉ số này thể hiện phần trăm lượng máu được thất trái bơm ra trong thời kỳ tâm thu so với tổng lượng máu mà thất trái nhận được trong thời kỳ tâm trương. Suy tim trái có thể chia làm 3 loại:2 3

  • Suy tim phân suất tống máu giảm: EF > 40%.
  • Suy tim phân suất tống máu giảm nhẹ: EF 41 – 49%.
  • Suy tim phân suất tống máu bảo tồn: EF ≥ 50%.

Ngoài ra, dựa vào diễn tiến bệnh. Suy tim trái có thể chia làm suy tim trái cấp và suy tim trái mạn. Trong đó, suy tim trái cấp đề cập đến tình trạng mà bệnh nhân có các triệu chứng liên quan đến suy tim trái nặng lên trong một thời gian ngắn, khiến người bệnh phải nhập viện ngay để điều trị. Còn suy tim trái mạn tính là tình trạng ngoài đợt cấp, tình trạng lâm sàng của người bệnh ổn định với có hoặc không có triệu chứng.2 3

Phân độ suy tim trái mạn tính

Phân độ chức năng suy tim theo NYHA2 3

Độ I: không bị hạn chế các vận động thể lực. Thực hiện các vận động thể lực thông thường không gây mệt, khó thở.

Độ II: bị hạn chế nhẹ các vận động thể lực. Bệnh nhân khỏe khi nghỉ ngơi. Vận động thể lực thông thường dẫn đến mệt, khó thở.

Độ III: bị hạn chế nhiều các vận động thể lực. Mặc dù khi nghỉ ngơi bệnh nhân vẫn khỏe, nhưng chỉ vận động nhẹ đã có triệu chứng.

Độ IV: cảm thấy mệt, khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi.

Phân độ suy tim theo giai đoạn theo ACC/AHA3

Suy tim Giai đoạn A: “Bệnh nhân có nguy cơ cao của suy tim; không bệnh tim thực thể và không có triệu chứng cơ năng của suy tim”.

Suy tim Giai đoạn B: “Bệnh nhân có bệnh tim thực thể, nhưng không có triệu chứng của suy tim”.

Suy tim Giai đoạn C: “Bệnh nhân có bệnh tim thực thể kèm theo triệu chứng cơ năng của suy tim trước đây hoặc hiện tại”.

Suy tim Giai đoạn D: “Bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối, suy tim kháng trị, cần can thiệp đặc biệt”.

Triệu chứng của suy tim trái là gì?

Bệnh nhân bị suy tim trái có thể than phiền về một loạt các triệu chứng. Khó thở là một triệu chứng cơ bản của suy tim trái và thường liên quan đến tình trạng sung huyết phổi. Do tích tụ dịch ở mô kẽ và trong phế nang, người bệnh thường có kiểu thở nhanh nông. Tuy nhiên, không có khó thở cũng không thể loại trừ chẩn đoán suy tim. Vì bệnh nhân có thể điều chỉnh các triệu chứng bằng cách thay đổi đáng kể lối sống của họ. Trong giai đoạn sớm của suy tim trái, khó thở chỉ xuất hiện khi gắng sức. Khi bệnh tiến triển, khó thở xảy ra với hoạt động thể lực nhẹ hơn, và cuối cùng khó thở xuất hiện khi nghỉ.

  • Khó thở khi nằm. Bệnh nhân có thể ngủ với nâng cao đầu để làm giảm triệu chứng khó thở khi nằm đầu bằng. Ngoài ra, khó thở có thể tăng khi bệnh nhân nằm nghiêng trái. Điều này do tình trạng tái phân bố dịch từ tuần hoàn tạng và chi dưới vào tuần hoàn trung tâm khi nằm. Từ đó làm tăng áp lực mao quản phổi và gây ra triệu chứng khó thở.
  • Khó thở kịch phát về đêm. Khó thở kịch phát về đêm là tình trạng khó thở nặng làm cho bệnh nhân phải thức giấc sau ngủ 2 đến 3 giờ. Đây là một dấu hiệu rất mạnh cho thấy các triệu chứng là do suy tim trái, đặc biệt là khi các triệu chứng khác dẫn đến thức giấc về đêm như chảy nước mũi sau, trào ngược dạ dày thực quản được loại trừ. Ho về đêm là một triệu chứng khác của tình trạng sung huyết phổi. Nó xảy ra cùng với một cơ chế như khó thở khi nằm. Ho ra máu có thể xảy ra do vỡ các tĩnh mạch phế quản bị ứ máu. Khó thở kịch phát về đêm xu hướng lặp lại hàng đêm vào một thời điểm tương đối liên tục sau khi bệnh nhân nằm xuống. Không giống như các kiểu khó thở khác, triệu chứng này thường duy trì ngay cả trong tư thế ngồi dậy với chân thõng xuống.
  • Người bệnh có thể biểu hiện dưới dạng “cơn hen tim”. Đặc điểm là thở rít thứ phát sau co thắt phế quản, rõ nhất là vào ban đêm. Phù phổi cấp là một thể nặng của hen tim do tăng nhiều áp lực ở mao mạch phổi dẫn đến phù phế nang, kết hợp khó thở, kết hợp khó thở nặng, khạc bọt hồng, nguy cơ tử vong cao nếu không điều trị kịp thời.
  • Mệt và yếu là những triệu chứng không chuyên biệt nhưng thường gặp ở bệnh nhân suy tim trái. Những triệu chứng này liên quan đến sự suy giảm tưới máu cho các cơ xương. Khả năng vận động giảm do khả năng tăng bơm máu và cung cấp oxy của tim bị giới hạn khi vận động.
  • Triệu chứng tiêu hóa. Chán ăn và buồn nôn kết hợp với đau và đầy bụng là những than phiền thường gặp và liên quan đến tình trạng sung huyết gan, ruột.
  • Triệu chứng thần kinh. Trong suy tim, đặc biệt là ở bệnh nhân lớn tuổi với xơ cứng động mạch não, giảm tưới máu não, và giảm oxy động mạch đi kèm, những triệu chứng thay đổi về tình trạng tâm thần như lú lẫn, khó tập trung, lo lắng, trầm cảm, giảm sút trí nhớ, khó ngủ, nhức đầu có thể hiện diện. Tình trạng tiểu về đêm có thể góp phần gây khó ngủ.
Tại sao suy tim trái gây khó thở
Khó thở là triệu chứng nổi trội của suy tim trái

Khi thăm khám người bệnh suy tim trái, bác sĩ cũng có thể phát hiện thấy các dấu hiệu gợi ý sau:2 3

  • Khám thấy tim to với mỏm tim lệch ra khỏi vị trí bình thường;
  • Nghe thấy tiếng tim bất thường: có tiếng tim thứ 3, thứ 4;
  • Nghe phổi thấy ran ẩm gợi ý có dịch tràn vào phế nang của phổi;
  • Khi suy tim trái lâu ngày diễn tiến sang suy tim phải, lúc này người bệnh đã bị suy tim toàn bộ. Thăm khám có thể phát hiện thấy: tĩnh mạch cổ nổi, gan to, báng bụng, phù chân, tăng cân.

Chẩn đoán suy tim trái như thế nào?

Để chẩn đoán suy tim trái, trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi kỹ bạn về tiền sử các bệnh lý hoặc các yếu tố nguy cơ tim tim mạch có thể dẫn đến suy tim trái. Ví dụ: huyết áp cao, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, thói quen uống rượu bia, hút thuốc lá, triệu chứng đau thắt ngực hoặc tiền sử nhồi máu cơ tim, triệu chứng khó thở hoặc tiền sử bị suy tim, bệnh van tim hay rối loạn nhịp tim trước đây.

Khi thăm khám, bác sĩ sẽ lưu ý đến các triệu chứng suy tim như khó thở, thở khò khè, thở co kéo, nói hụt hơi, tĩnh mạch cổ nổi to ở cổ, phù chân, gan to hay báng bụng (còn gọi là cổ trướng). Nghe tim có thể có tiếng thổi bất thường, tim đập nhanh, không đều. Nghe phổi có thể có nhiều tiếng rít ở hai bên phổi hoặc dấu hiệu nghi ngờ có dịch trong phổi.

Để chẩn đoán bệnh, các bác sĩ sẽ dựa và các triệu chứng lâm sàng, kết hợp với:

  • Các xét nghiệm máu cơ bản giúp đánh giá tổng quan tình hình của bệnh nhân. Các rối loạn, bệnh lý liên quan như thiếu máu, rối loạn lipid máu (mỡ máu), đái tháo đường.
  • Xét nghiệm BNP và các dẫn xuất. Khi suy tim, các thành tim bị căng dẫn đến sản xuất nhiều pro-BNP sau đó chuyển hóa thành NT-proBNP và BNP. Trong suy tim, các dẫn xuất này xuất hiện từ khá sớm, ngay trước cả các triệu chứng lâm sàng, khá nhạy. Xét nghiệm BNP giúp sàng lọc bệnh nhân sớm, giúp chuẩn đoán loại trừ nguyên nhân khó thở cấp. Nó còn giúp theo dõi điều trị và tiên lượng bệnh.
  • Các xét nghiệm máu khác giúp phát hiện nguyên nhân suy tim cũng như bệnh đồng mắc. Ví dụ như: xét nghiệm hormone tuyến giáp, thiếu máu,…
  • Các xét nghiệm để theo dõi quá trình điều trị: điện giải đồ, chức năng thận, chức năng gan,…
  • Các xét nghiệm đánh giá các yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch. Ví dụ như: xét nghiệm lipid máu, cholesterol, đường huyết,…
  • Điện tâm đồ: thấy dấu hiệu tăng gánh các buồng tim bên trái. Điện tâm đồ cũng giúp chẩn đoán nguyên nhân gây suy tim nếu có (ví dụ: bệnh mạch vành).
  • Chụp X-quang lồng ngực, chụp động mạch vành, siêu âm tim, đo điện tâm đồ và dùng nghiệm pháp gắng sức. Bên cạnh đó, có một số phương pháp khác như: thông tim, nghiên cứu điện sinh lý, xét nghiệm tim bằng y học hạt nhân. Hình ảnh X-quang cho thấy tim to ra, nhất là các buồng tim bên trái, tâm thất trái giãn biểu hiện bằng cung dưới bên trái phồng và kéo dài ra. Cả hai phổi mờ nhất là vùng rốn phổi.
  • Siêu âm tim là một xét nghiệm thăm dò quan trọng. Siêu âm tim cho thấy kích thước các buồng tim nhĩ trái, thất trái, biết được sự co bóp của thành tim. Nó còn giúp đánh giá được chức năng tâm thu của thất trái dựa trên các thông số về sức co bóp cơ tim, phân số tống máu, thông số về chức năng tâm trương thất trái, áp lực các buồng tim, áp lực động mạch phổi,…
  • Ngoài ra, có thể sử dụng các phương pháp như: thăm dò huyết động xâm lấn (thông tim), chụp cộng hưởng từ chức năng tim (MRI), chụp cắt lớp vi tính đa dãy (MSCT), phóng xạ đồ tưới máu cơ tim (SPECT).

Điều trị suy tim trái ra sao?

Điều trị suy tim trái bao gồm các phương pháp sau:2 3

Điều trị nguyên nhân gây suy tim trái

Điều trị nguyên nhân được xem là nền tảng giúp người bệnh trở về cuộc sống bình thường. Hoặc, phương pháp này có thể làm giảm được tiến triển bệnh một cách tốt nhất.

Điều trị các yếu tố thúc đẩy suy tim trái

Bên cạnh điều trị nguyên nhân suy tim, việc loại trừ các yếu tố thúc đẩy suy tim sẽ giúp ổn định tình trạng suy tim. Đồng thời, giúp làm giảm các triệu chứng lâm sàng cho bệnh nhân. Các yếu tố thường gặp như: nhiễm trùng, thiếu máu, rối loạn nhịp, tăng huyết áp, thai kỳ,…

Điều trị nội khoa

1. Điều trị không dùng thuốc

Chế độ nghỉ ngơi: việc nghỉ ngơi khá quan trọng vì nó góp phần làm giảm công tim. Tùy theo mức độ suy tim mà người bệnh sẽ có chế độ nghỉ ngơi khác nhau. Nói chung, bệnh nhân suy tim nhẹ và có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch vẫn được khuyên luyện tập thể dục. Tuy nhiên, họ không gắng sức nặng, hay thi đấu thể thao.

Khi suy tim nặng ở mức độ nặng hơn cần hoạt động nhẹ nhàng hơn. Trường hợp suy tim rất nặng thì cần nghỉ ngơi tại giường theo tư thế nửa nằm nửa ngồi. Trong trường hợp suy tim mà bệnh nhân cần nằm điều trị lâu ngày thì bác sĩ sẽ khuyến khích bệnh nhân thường xuyên xoa bóp. Lúc đầu là thụ động sau đó là chủ động ở các chi. Đặc biệt là chi dưới để làm cho máu tĩnh mạch trở về tim được dễ dàng hơn. Điều này giảm bớt nguy cơ huyết khối tĩnh mạch.

Chế độ ăn giảm muối:

  • Thực hiện chế độ ăn giảm muối là điều cần thiết. Vì muối ăn sẽ làm tăng áp lực thẩm thấu trong máu. Do đó làm tăng khối lượng tuần hoàn. Từ đó gây tăng gánh nặng cho tim.
  • Một người bình thường hấp thu khoảng 6 – 8 g muối NaCl/ngày, tức là khoảng 2,4 – 7,2g (100 – 300 mmol) Na+/ngày. Đối với người bệnh suy tim, tùy từng trường hợp cụ thể mà sẽ áp dụng chế độ ăn giảm muối hoặc chế độ ăn gần như nhạt hoàn toàn.
  • Chế độ ăn giảm muối: người bệnh chỉ được ăn < 3 g muối NaCl/ngày, tức là < 1,2 g (50 mmol) Na+/ngày.
  • Chế độ ăn gần như nhạt hoàn toàn: bệnh nhân chỉ được dùng < 1,2 g muối NaCl /ngày, tức là < 0,48 g (20 mmol) Na+/ngày.

Hạn chế nước và dịch truyền cho người bệnh. Cần hạn chế nước và dịch cho bệnh nhân hàng ngày nhằm giảm bớt khối lượng tuần hoàn và giảm gánh với tim. Chỉ nên đưa khoảng 500-1500ml lượng dịch đưa vào cơ thể mỗi ngày tùy theo mức độ nặng nhẹ của suy tim.

Loại bỏ các yếu tố nguy cơ khác:

  • Bỏ rượu, thuốc lá, cà phê,…
  • Thực hiện giảm cân ở những người bệnh có béo phì.
  • Tránh các cảm xúc mạnh (stress, quá vui, hay quá buồn).
  • Ngừng sử dụng các thuốc làm giảm sức co bóp của cơ tim nếu đang dùng.
  • Tránh dùng các thuốc giữ nước như corticoid, NSAID,…
  • Điều trị các yếu tố làm có thể làm tình trạng bệnh nặng thêm. Ví dụ: thiếu máu, nhiễm trùng, rối loạn nhịp tim,…
Tại sao suy tim trái gây khó thở
Bỏ rượu, thuốc lá, cà phê,… cũng là một cách giúp điều trị suy tim trái

2. Điều trị dùng thuốc

Có 5 nhóm thuốc cơ bản trong điều trị suy tim đã có nhiều bằng chứng làm giảm tỷ lệ tử vong cũng như giảm tái nhập viện cho bệnh nhân suy tim trái:

  • Lợi tiểu: khi bạn có triệu chứng sung huyết phổi hoặc ngoại biên như khò khè, khó thở, phù, gan to, tĩnh mạch cổ nổi,…
  • ARNI (valsartan + sacubitril)/ Ức chế men chuyển/ Ức chế thụ thể.
  • Ức chế beta.
  • Lợi tiểu kháng aldosterone.
  • Nhóm thuốc ức chế SGLT2: Dapagliflozine hoặc Empagliflozine.

Điều trị ngoại khoa và các dụng cụ hỗ trợ tuỳ theo nguyên nhân và giai đoạn suy tim

  • Đặt máy tạo nhịp, máy tái đồng bộ cơ tim (CRT) hoặc máy phá rung cấy trong người (ICD).
  • Dụng cụ hỗ trợ thất hoặc tim nhân tạo trong sốc tim hay suy tim giai đoạn cuối.
  • Ghép tim.

Suy tim trái là một bệnh lý có tỷ lệ tử vong cao đáng kể. Đây là đích đến của nhiều bệnh lý tim mạch. Do đó, điều trị căn bệnh này phải bắt đầu từ giai đoạn thật sớm. Tốt nhất là từ ngày khi người bệnh chỉ mới có các yếu tố nguy cơ tim mạch. Với bài viết trên, Thạc sĩ, Bác sĩ Lý Quang Sang hy vọng bạn đọc đã có thể nắm được những vấn đề cơ bản cần biết để có thể nhận diện và đi khám sớm nhằm phát hiện căn bệnh này.