Tại sao trần bắc hà chết

Ngày 18 tháng Bảy, 2019, dư luận xã hội và đặc biệt là giới doanh gia ngân hàng một lần nữa dậy sóng bởi cái chết thình lình của Trần Bắc Hà – cựu chủ tịch Ngân hàng BIDV.

Vào tháng Mười Một, 2018, Trần Bắc Hà được cho là đã bị mật vụ Việt Nam bắt tại Campuchia và sau đó đưa về Việt Nam. Vụ bắt này xảy ra chỉ hai tháng sau cái chết thình lình và đầy nghi vấn của Trần Đại Quang – quan chức chủ tịch nước.

Cũng trong vụ bắt Trần Bắc Hà ở Campuchia, không có thông tin công khai nào về việc cơ quan điều tra quân đội đã tham gia, mà chỉ có Bộ Công An.

Tuy nhiên một bản tin của báo Tuổi Trẻ về cái chết của Trần Bắc Hà đã lần đầu tiên cho biết Hà chết trong khi đang ở trong trại giam quân đội tại Sóc Sơn.

Theo Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự, vụ án Trần Bắc Hà là ngành công an thụ lý điều tra và theo đó Trần Bắc Hà phải bị giam tại trại tạm giam của Bộ Công An.

Vậy cánh quân đội có mối quan hệ ‘đặc biệt’ nào đối với vụ Trần Bắc Hà mà Hà phải bị tạm giam tại trại giam quân đội chứ không phải trại giam công an? Phải chăng vụ án Trần Bắc Hà không chỉ thuần túy từ những sai phạm kinh tế mà còn liên quan, hoặc liên đới rất sâu đến cả nội bộ đảng và nội bộ cao cấp bên quân đội? Hoặc thuộc loại án ‘an ninh quốc gia’ nhưng nằm trong tuyến phụ trách của Tổng Cục 2 [Tổng Cục Tình Báo Quân Đội] chứ không phải thuộc trách nhiệm của Bộ Công An?

Cái chết của Trần Bắc Hà cũng có vẻ đáng nghi vấn. Trong khi có báo nhà nước cho biết ông ta chết do cao huyết áp, thì có báo khác lược sử về căn bệnh gan của Trần Bắc Hà.

Trong khi đó, đã dậy lên dư luận về khả năng Trần Bắc Hà bị đầu độc nhằm mục đích ‘giết người diệt khẩu’…

Trước khi và vào lúc bị bắt, Trần Bắc Hà được cho là nhân vật đầu mối của nhiều phi vụ mafia tài chính, là một trong những ‘tay hòm chìa khóa’ của ‘gia tộc Nguyễn Tấn Dũng’, và còn là một tay trùm về ‘tổ chức nhân sự cấp trung ương’.

Những vết mờ xung quanh cái chết của Trần Bắc Hà lại khiến người ta nhớ lại cái chết đột ngột của cựu quan chức Vinalines là Dương Chí Dũng trong trại giam, vào năm 2016. Mặc dù sau nhiều tin đồn đoán về cái chết này, đã có một vài thanh minh ‘Dương Chí Dũng còn sống’ được đưa lên mạng xã hội, nhưng điều rất rõ ràng là cho tới nay chẳng có thông tin chính thức nào về việc Dương Chí Dũng còn hiện trên cõi đời.

Cũng giống như Trần Bắc Hà, Dương Chí Dũng đã bị bắt tại Campuchia – nhiều dư luận cho biết bởi cơ quan tình báo quân đội Việt Nam – vào năm 2012, sau đó đưa về nước quy án rồi sinh ra ‘tự chết’.

Nếu trước đây chỉ rất phổ biến rất nhiều vụ người dân thình lình ‘tự chết’ hoặc ‘tự treo cổ’ trong đồn công an – mà nguồn cơn thực chất rất bị nghi ngờ là do chính các công an viên tra tấn tàn bạo gây ra, thì nay dường như bóng dáng tử thần đã vươn lưỡi hái đến tận giới doanh nghiệp trong trại giam.

Vào những ngày này, khi giới doanh nghệp và ngân hàng còn đang rúng động bởi những vụ bắt bớ quan chức doanh nghiệp, thì nay cái chết của Trần Bắc Hà càng khiến cho những kẻ chưa bị bắt không thể không ‘băn khoăn’ khi hình dung ra một ngày đẹp trời nào đó họ bị còng tay và bị đưa thẳng vào xà lim ẩm thấp mốc meo, nơi mà rủi ro luôn rình rập vào mọi giờ khắc, và cũng là nơi mà một sợi dây thừng đủ dài để tự chết theo đúng nghĩa đen là đáng giá ngàn vàng.

Thường Sơn

Nguồn: Việt Nam Thời Báo

"6h30 sáng nay, ông Trần Bắc Hà được đưa vào Bệnh viện quân y 105 trong tình trạng đã chết", đại tá Đỗ Quang Mão, Chính ủy Bệnh viện quân y 105 cho VnExpress biết trưa 18/7.

Ông Hà được người của trại giam T771, Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng [Ba Vì, Hà Nội] đưa đến viện. "Chúng tôi đã chuyển thi thể vào nhà tang lễ bảo quản, chờ làm các thủ tục", ông Mão nói và cho hay việc giám định nguyên nhân qua đời sẽ do cơ quan pháp y thực hiện bởi ông Hà chết ngoại viện.

Một lãnh đạo trại giam T771 cho biết,ông Hà được chuyển đến tạm giam từ tháng 3, sức khỏe rất kém, hay bị ốm. "Có những hôm cán bộ trại phải đút cháo cho ông Hà ăn", vị này nói.

Sớm nay, cán bộ quản giáo phát hiện ông Hà nằm trong phòng giam, hơi thở yếu, nên gọi cán bộ quân y vào kiểm tra và đưa đi bệnh viện."Lúc đưa đi cấp cứu, ông Hà còn thở. Bị can có tiền sử bệnh tật nên được chú ý, tuy nhiên quân y tại trại giam chỉ có thể chăm sóc cơ bản", lãnh đạo trại T771 nói.

Ông Trần Bắc Hà. Ảnh: TTXVN.

Ông Trần Bắc Hà làm việc tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam [BIDV] từ năm 1981, làm Chủ tịch HĐQT năm 2008, nghỉ hưu tháng 9/2016. Hơn 8 năm giữ chức Chủ tịch, ông được xem là linh hồn, có nhiều ảnh hưởng đến BIDV.

Cuối tháng 6/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật khai trừ Đảng với ông Hà do làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và Ngân hàng BIDV, gây bức xúc trong xã hội. Ông bị kết luận đã vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ.

Tháng 11/2018, ông Hà cùng các ông bà Trần Lục Lang [cựu phó tổng giám đốc BIDV], Kiều Đình Hòa [cựu giám đốc BIDV Hà Tĩnh], Lê Thị Vân Anh [cựu trưởng phòng khách hàng BIDV Hà Tĩnh] bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo điều 206 Bộ luật Hình sự 2015. Các ông Hà, Hòa, Lang bị tạm giam để điều tra.

Trong phiên xử ông Phạm Công Danh và đồng phạmnăm 2018 tại TAND TP HCM, ông Hà ba lần được triệu tập với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng. Tuy nhiên, ông xin vắng mặt cả ba lần với lý do sang Singapore điều trị bệnh.

Gia Chính - Phạm Dự

Phạm Dự

Trưa 18/7/2019, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin ông Trần Bắc Hà, Cựu chủ tịch Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam, chết trong thời gian bị tạm giam điều tra về tội vi phạm qui định về hoạt động ngân hàng. RFA phỏng vấn ông Phạm Chí Dũng, người từng có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng.

Diễm Thi: Thưa ông Phạm Chí Dũng, dư luận đang xôn xao về cái chết của ông Trần Bắc Hà vì ông này qua đời khi đang bị giam để điều tra. Nhận định của một người quan sát thời cuộc tại Việt Nam của ông về trường hợp này là gì?

Phạm Chí Dũng: Theo tôi thì có một số điểm bất thường trong cái chết này.

Điểm bất thường thứ nhất là theo thông tin của báo chí Nhà nước đưa, té ra Trần Bắc Hà bị tạm giam trong một trại giam của quân đội ở Sóc Sơn, Hà Nội chứ không phải một trại tạm giam của Bộ Công an, trong khi Bộ Công an bắt Trần Bắc Hà vào tháng 11/2018.

Theo quy trình của bộ luật tố tụng hình sự, cơ quan nào bắt thì cơ quan đó tạm giam.

Điểm bất thường thứ hai là khi Trần Bắc Hà chết, nơi giữ xác của Trần Bắc Hà lại là Bệnh viện 105 của Bộ Quốc Phòng, cũng không phải là bệnh viện của Bộ Công an. Đến chiều ngày 18/7, báo chí đã chụp một số tấm ảnh cho thấy một số sĩ quan mặc quân phục của Bộ Quốc Phòng vào Bệnh viện 105 và bệnh viện này được bảo vệ nghiêm ngặt tối đa.

Điều đó cho thấy vấn đề của Trần Bắc Hà dường như đã được chuyển toàn bộ sang Bộ Quốc Phòng. Phải chăng vấn đề của Trần Bắc Hà không đơn thuần là những vụ án sai phạm kinh tế, mà nó còn liên quan tới những vấn đề khác sâu bên trong nội bộ của ĐCSVN, đặc biệt liên quan tới những quan chức cấp cao về mặt kinh tế cũng như chính trị.

Điểm bất thường thứ ba là nguyên nhân ông Trần Bắc Hà chết thì có báo nói là do cao huyết áp, có báo nói do mắc bệnh hiểm nghèo về gan, nhưng Bệnh viện 105 xác định ông Hà chết bên ngoài bệnh viện, chết trước khi đến bệnh viện mà có thể hiểu là chết trong trại giam. Điều đó có nghĩa là cái chết này xảy ra rất nhanh. Liệu có một chất “xúc tác” gì đó mà nó gây đột tử cho Trần Bắc Hà hay không?

Điểm bất thường thứ tư cần xem xét là những cái chết trong trại tạm giam quân đội và công an đều rất bí mật mà bên ngoài không thể biết được. Nhưng chỉ đầu giờ sáng ngày 18/7/2019 thì trên mạng xã hội đã có thông tin Trần Bắc Hà chết, và đến buổi trưa thì được báo chí Nhà nước xác nhận.

Làm sao tin tức rất nội bộ trong trại giam có thể lên mạng xã hội và báo chí Nhà nước nhanh như thế. Liệu có một chủ trương nào đó cho phép báo chí Nhà nước đăng những tin tức như thế này hay không?

Diễm Thi: Vì sao ông lại có những kết luận bất thường như thế, thưa ông?

Phạm Chí Dũng: Trước đây Trần Bắc Hà được coi là trùm mafia tài chính, nhưng cũng được coi là một nhân vật có ảnh hưởng chính trị, thậm chí làm chính trị, làm công tác tổ chức nhân sự cấp ủy viên trung ương. Do đó việc Trần Bắc Hà bị bắt cũng có thể dính dáng đến những vụ việc khác như an ninh quốc gia, cho nên cả Bộ Công an và Bộ Quốc Phòng đều quản lý ông ta sau khi bị bắt. Đó là dấu hỏi thứ nhất.

Một dấu hỏi nữa là phải chăng khi chỉ đạo bắt Trần Bắc Hà, ông Nguyễn Phú Trọng không tin tưởng Bộ Công an cho nên đã giao Trần Bắc Hà cho nơi mà ông ta có vẻ tin tưởng hơn là Bộ Quốc Phòng mà cụ thể là Tổng cục 2, tức là tổng cục tình báo của Bộ Quốc Phòng.

Diễm Thi: Trước đây nhiều ý kiến nói rõ ông Trần Bắc Hà có mối liên hệ mật thiết với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, về điều này ông có ý kiến gì?

Phạm Chí Dũng: Trần Bắc Hà được xem là một quan chức dù chỉ là doanh nghiệp nhưng trước đây đóng vai trò khá tích cực liên quan tới Ngân hàng Bản Việt của Nguyễn Thanh Phượng, con gái cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trần Bắc Hà cũng được coi là một cánh tay mặt của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình thời kỳ trước đây. Mà Thống đốc Bình lại là cánh tay mặt của Thủ tướng Dũng. Trần Bắc Hà nắm rất nhiều thông tin, rất nhiều vụ việc.

Ông Trần Bắc Hà [áo xanh ngoài cùng bên phải] trong chuyến công du Ấn Độ cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi năm 2014 Courtesy Fb Truong Huy San

Khi Trần Bắc Hà bị bắt vào tháng 11/2018 thì đã dậy lên đồn đoán về khả năng từ nhân vật Trần Bắc Hà sẽ 'phăng' ra rất nhiều quan chức cấp cao khác.

Diễm Thi: Điều này khiến có liên tưởng đến một số trường hợp chết mà người ta thường dùng từ ‘giết người, diệt khẩu’, theo ông trong trường hợp ông Trần Bắc Hà vừa qua đời có thể có hay không?

Phạm Chí Dũng: Điều này làm chúng ta nhớ lại cái chết đầu năm 2014 của Thượng tướng  Phạm Quý Ngọ - Thứ trưởng Bộ Công an - thình lình chết trong quá trình dưỡng bệnh. Cái chết đó đến nay vẫn để lại một câu hỏi là liệu có bàn tay nào làm cho ông ta phải chết hay không.

Liệu có bàn tay nào đó đã làm cho Trần Bắc Hà phải chết hay đó là cái chết tự nhiên, là điều dư luận đang dậy sóng và đặt câu hỏi. Thậm chí người ta còn nghi vấn liệu có việc “giết người diệt khẩu” hay không.

Tôi cho là không loại trừ khả năng đó, bởi Việt Nam hiện nay bên ngoài mang vẻ bình yên, êm ả nhưng bên trong lại rất lộn xộn. Chính trường lộn xộn, nội bộ lộn xộn, các phe phái tranh giành quyền lực lẫn nhau. Đã có rất nhiều thông tin được đưa lên mạng xã hội, tuy không được kiểm chứng, nhưng nó cho thấy khả năng bị đầu độc bằng cách này cách khác có thể đã xảy ra.

Diễm Thi: Ông Trần Bắc Hà được bệnh viện xác định 'chết bên ngoài bệnh viện’. Điều này có ảnh hưởng gì đến nơi giam giữ ông Hà trước đó hay không, thưa ông?

Phạm Chí Dũng: Nếu như vụ việc Trần Bắc Hà bị giam giữ bên tuyến của quân đội chứ không phải bên công an là đúng, thì việc Trần Bắc Hà chết và thông tin tràn ngập ngay trong ngày đã ảnh hưởng khá nhiều về bên quân đội. Tôi nghĩ rằng điều đó không tốt cho cái được gọi là "uy tín" của cơ quan bên quân đội, nơi giam giữ Trần Bắc Hà.

Có lẽ sau sự việc này sẽ xảy ra một cuộc tranh cãi và vật lộn giữa các cơ quan với nhau, nghi ngờ lẫn nhau. Và có lẽ hứa hẹn sẽ là một cuộc đấu nảy lửa quanh việc truy tìm nguồn gốc vì sao Trần Bắc Hà chết và ai đã đưa tin Trần Bắc Hà chết ra ngoài.

Theo tôi thì những thông tin như thế này không thể lọt ra bên ngoài trừ khi có chủ trương; chiến thuật; thủ thuật nào đó về mặt chính trị. Dường như có bàn tay nào đó tung thông tin từ bên trong nội bộ ra bên ngoài.

Diễm Thi: Ông Trần Bắc Hà qua đời có ảnh hưởng đến việc điều tra vụ án không, thưa ông?

Phạm Chí Dũng: Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, khi bị can chết thì vụ án được đình chỉ. Nhưng cần phải nói rõ là chỉ đình chỉ đối với bị can đó thôi, chứ còn những bị can khác liên quan đến ông Trần Bắc Hà thì vẫn tiếp tục điều tra.

Vấn đề tôi muốn nói là khi đình chỉ vụ án với Trần Bắc Hà thì một vụ án khác liên quan đến ông Hà có lẽ sẽ được mở ra, có thể còn dữ dội hơn, đó là liệu có bàn tay nào làm Trần Bắc Hà chết hay không?

Theo tôi là cuộc điều tra này sẽ huy động lực lượng còn lớn hơn cuộc điều tra cũ đối với Trần Bắc Hà bởi nó sẽ được mở rộng tới nhiều tuyến, nhiều giới, nhiều quan chức khác nhau.

Chắc chắn cái chết của Trần Bắc Hà sẽ khiến một số quan chức vui mừng vì không muốn bị Trần Bắc Hà khai ra hoặc không muốn bị Trần Bắc Hà là nhân chứng tố cáo họ trước tòa án. Những gì Trần Bắc Hà đã khai trước đây [nếu có] thì vẫn có giá trị, chỉ có điều không biết Trần Bắc Hà đã khai ra những gì và những lời khai đó dẫn đến những vụ việc lớn nào và những quan chức lớn nào. Cái đó thì chưa thể biết vì nằm trong hồ sơ của Cơ quan Điều tra.

Diễm Thi: Cảm ơn ông đã dành thời gian cho RFA.

Video liên quan

Chủ Đề