Tâm quan trọng lời nói và thái độ của thầy thuốc

Trong cuộc sống thường ngày, xuất hiện không ít những tấm gương thầy thuốc là những điển hình tiên tiến, nhiều tập thể và cá nhân đã không quản khó khăn, gian khổ, hết lòng vì tính mạng, sức khỏe của người bệnh, được dư luận xã hội đánh giá cao. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận cán bộ y tế chưa tuân thủ đúng các quy trình chuyên môn, thái độ không đúng đắn, thiếu văn hóa, thậm chí có hành vi tiêu cực. Ðó là "những con sâu làm rầu nồi canh", đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh người cán bộ y tế. Nghiêm trọng hơn, nó làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với hơn 400 nghìn cán bộ y tế và tác động tiêu cực đến hình ảnh của đa số các cán bộ y tế chân chính đang ngày đêm lặng lẽ, quên mình với nhân cách, trí tuệ để chữa trị, giành giật sự sống cho người bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Chúng tôi, những người thầy thuốc luôn tôn vinh và trân trọng những người cán bộ đã làm tốt và làm đúng trách nhiệm của mình, nhưng cũng kiên quyết đưa ra khỏi ngành những "con sâu làm rầu nồi canh" mà xã hội đang lên án, bức xúc. Quá tải người bệnh, thường xuyên đối diện với nỗi đau đớn, mệt mỏi của họ, nhân viên y tế không thể lúc nào cũng cười, nhưng cần có thái độ, lời nói, cử chỉ đúng mực với những người không may mắn đó. Ðể khắc phục các hạn chế nêu trên, Bộ Y tế quyết tâm thực hiện "cuộc cách mạng" về phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế. Nhận thức của đội ngũ y, bác sĩ sẽ chuyển từ "ban ơn" sang phục vụ, lấy người bệnh làm trung tâm với sự hài lòng của người bệnh là quan trọng nhất. Theo đó, việc thay đổi được triển khai ở tất cả các khâu, từ tiếp đón người bệnh, quá trình điều trị cho đến khi ra viện. PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) chia sẻ: Người bệnh là đối tượng rất đặc biệt, tâm lý của họ luôn mong đợi sự chăm sóc khác với người bình thường, cho nên cần sự thay đổi, ngay từ nụ cười cũng phải đặt đúng chỗ, đúng lúc.

Chấn chỉnh, xây dựng phong cách phục vụ của cán bộ y tế theo phương châm "đến đón tiếp niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo" lấy người bệnh làm trung tâm. PGS, TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai phân tích: Một bệnh viện hiện đại cần bốn yếu tố: thầy thuốc giỏi, cơ sở vật chất tốt, máy móc tốt và thái độ phục vụ của nhân viên y tế. Các nước trên thế giới chỉ cần ba yếu tố đầu vì thái độ phục vụ người bệnh của họ quá tốt. Nhưng đối với chúng ta thì yếu tố đó xem ra khó thực hiện. Vì quá tải đã tạo áp lực cho cán bộ y tế. Mặt khác, người nhà người bệnh vì quá lo lắng nên có thái độ thiếu công bằng với người thầy thuốc và đẩy họ vào thế phản kháng trở lại, khiến sự việc rất dễ vượt tầm kiểm soát. Chính vì vậy, bên cạnh việc chấn chỉnh lại tinh thần, thái độ, bệnh viện sẽ mời chuyên gia tâm lý triển khai các lớp tập huấn cho nhân viên y tế. Từ đó, trang bị cho họ kiến thức tâm lý để có thái độ ứng xử đúng đắn, biết cách chia sẻ có tình, có lý cho cả người bệnh và người nhà người bệnh.

Hoạt động hướng dẫn, tiếp đón, nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị... sẽ được thực hiện đồng bộ. Các bệnh viện thành lập bộ phận chăm sóc khách hàng với nhiệm vụ đón tiếp, hướng dẫn, chỉ dẫn người bệnh, gia đình người bệnh khi đến bệnh viện. Bên cạnh tiếp tục duy trì triển khai "Ðường dây nóng", các bệnh viện cũng thiết lập thêm kênh thu thập thông tin của người dân thông qua "hòm thư góp ý" do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp đặt tại các vị trí thuận tiện tại cơ sở y tế và trực tiếp mở hòm thư để thu thập thông tin, phản ánh của người dân. Hưởng ứng hoạt động này, Hội thầy thuốc trẻ xây dựng và triển khai đề án "Tiếp sức người bệnh" do các thầy thuốc trẻ và sinh viên tình nguyện hướng dẫn, giúp đỡ người bệnh trong các bệnh viện. Ðề án nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong giúp đỡ người bệnh và người nhà người bệnh đến khám, điều trị, góp phần giảm tình trạng quá tải trong đón tiếp, chăm sóc người bệnh.

Bộ Y tế xác định đổi mới phong cách phục vụ đáp ứng sự hài lòng của người bệnh là việc cần và phải làm. Nhưng muốn làm tốt cũng cần sự vào cuộc và chỉ đạo của các cấp ủy Ðảng, chính quyền, trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ sở khám, chữa bệnh và nhất là mỗi cá nhân thầy thuốc để xây dựng chân dung, hình ảnh của đội ngũ thầy thuốc tận tâm vì công việc, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Ngay tại hội nghị triển khai này, các bệnh viện lớn như: Hữu nghị Việt - Ðức, Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Nhi T.Ư... ký cam kết đổi mới phong cách, thái độ phục vụ. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kỳ vọng, với việc thực hiện đổi mới từ trang phục nhân viên y tế, thái độ giao tiếp đến việc tiếp đón, hướng dẫn, nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị... người bệnh sẽ là khách hàng đúng nghĩa khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh.

Bs Phan Nguyễn Tường Vi - Khoa Mắt

Thái độ ứng xử rất quan trọng ở bất cứ nơi đâu, trong bệnh viện càng…phải vậy. Trong bệnh viện, thái độ ứng xử được xếp hàng đầu cho sự thành công, đạt sự hài lòng người bệnh, nó luôn đi trước phần kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ.

Khi bệnh nhân tìm đến bệnh viện thì thái độ của thầy thuốc rất quan trọng bởi bệnh nhân và người nhà bệnh nhân luôn nhìn thái độ thầy thuốc để đoán bệnh tình của họ và hình thành cả cảm tình tốt xấu đối với thầy thuốc trong tiếp xúc. Trước hết, lời nói của thầy thuốc rất quan trọng đối với bệnh nhân. Lời nói là kết quả phản ánh cái tâm thầy thuốc qua giọng nói, ngôn từ, ánh mắt cùng với những kinh nghiệm, tri thức, vốn sống, đạo đức của người thầy thuốc.

Tâm quan trọng lời nói và thái độ của thầy thuốc

Tiếp xúc với bệnh nhân phải bắt đầu từ cổng bệnh viện, đến phòng nhận bệnh rồi đến các khoa phòng, phải làm tốt chế độ tâm lý, tiếp xúc bệnh nhân từ người bảo vệ, hộ lý đến bác sĩ, giám đốc luôn vui vẻ, niềm nở, tiếp đón bệnh nhân như tiếp đón người nhà, tạo không khí ấm cúng, làm dịu cảm giác lúng túng, rụt rè, lo lắng ban đầu của bệnh nhân khi đến bệnh viện. Trong tiếp xúc, thầy thuốc phải tế nhị trong khi hỏi bệnh sử và cần để bệnh nhân tự giác trình bày.

Một đặc điểm lớn nhất trong khám chữa bệnh là thầy thuốc biết lắng nghe. Cuộc đối thoại giữa bệnh nhân và thầy thuốc phải luôn luôn trong không khí thân mật tôn trọng, người thầy thuốc phải chú ý lắng nghe mọi lời nói, mọi tư tưởng, mọi suy nghĩ, lắng nghe những sâu kín đằng sau những lời nói của bệnh nhân. Bên cạnh lời nói bệnh nhân có thể dùng cử chỉ, thái độ, nét mặt, cái nhìn...trong đối thoại, vì vậy thầy thuốc phải “nghe bằng mắt” để hiểu được những điều sâu kín của bệnh nhân. Người thầy thuốc cần đồng cảm với những lo lắng của người bệnh và người nhà bệnh nhân, phải tận tâm, tận tụy, giải thích rõ ràng thấu đáo về những vướng mắc của người bệnh để người bệnh có thể tin tưởng và đặt niềm tin ở người thầy thuốc.

Khi bệnh nhân có tình cảm và lòng tin đối với thầy thuốc và bệnh viện, bao giờ cũng coi thầy thuốc là vị cứu tinh của mình nên thầy thuốc đừng làm mất lòng tin đó và phải củng cố lòng tin đó, muốn vậy thì thầy thuốc phải có lòng thương yêu bệnh nhân, tin tưởng gắn bó với bệnh nhân, không sợ bệnh nhân không tin mình, thiếu tình cảm với mình mà chỉ sợ thầy thuốc đánh mất tình cảm, lòng tin trong lòng bệnh nhân. Chữa bệnh, thầy thuốc còn chữa cả tâm trạng bệnh nhân, vì vậy thầy thuốc phải nghiên cứu tâm lý bệnh nhân, các biểu hiện rối loạn quá trình tâm lý, biết trạng thái bệnh nhân trước khi vào viện và trong lúc nằm viện như thế nào? Phải nghiên cứu kỹ tâm lý bệnh nhân một cách toàn diện.

Tóm lại, thái độ thầy thuốc với bệnh nhân không chỉ là văn hóa ứng xử trong bệnh viện mà còn là liều thuốc tinh thần giúp bệnh nhân có động lực vượt qua khó khăn bệnh tật. Vì vậy, người thầy thuốc đòi hỏi phải có một năng lực trí tuệ nhất định, một sự tinh thông nghề nghiệp kỹ càng, hết lòng tận tụy tận tâm với nghề và một trái tim biết rung cảm mạnh mẽ với nỗi đau của người bệnh. 

Sau đây là bài thơ mà bệnh nhân đã gửi cho nhân viên y tế của chúng tôi. Hi vọng chúng ta luôn coi trọng thái độ giao tiếp ứng xử để luôn đẹp trong mắt bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, xứng đáng với lương y như từ mẫu.

Kỷ niệm đến khám điều trị ở Khoa Măt Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam

Xin kính tặng khoa MẮT BV ĐK QUÁNG NAM

Đến khám nơi khoa mắt lần đầu

Trong tôi ấn tượng mãi dài lâu

Bác sĩ “HÀ” những cô “ĐIỀU DƯỠNG”

Không thấy có tình cảnh chực chầu

Thể hiện “LƯƠNG Y NHƯ TỪ MẪU”

Đầy nhiệt tình tận tụy thâm sâu

Gần gũi mặn mà và thân thiện

Khám điều hành chu đáo từng khâu

*** 

Bác sĩ “HÀ” tiếp cận quanh khoa

Bệnh nhân đau mắt khắp gần xa

Còn giữ lại vô vàn kỷ niệm

Xem người đau giống hệt người nhà

Trao đổi lộ trình thật tỷ mỹ

Đo nhãn áp tận tụy thiết tha

Loay hoay tất bật trưa quên nhớ

Nhắc đi dặn lại trẻ đến già

*** 

Rời khoa mắt khép lại đôi môi

Thầm lặng xa xôi chuyện qua rồi

Người thầy thuốc đong đầy tình cảm

Giúp người hoàn hảo đẹp tương lai

Cầu chúc toàn khoa vui trẻ khỏe

Hoàn thành trọng trách khá tròn vai.

Tam Kỳ ngày 15 tháng 12 năm 2016

 Người viết :PHẠN ĐÌNH PHƯƠNG 

Tin mới hơn:

Tin cũ hơn:

<< Trang truớcTrang kế >>

Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 31 Tháng 1 2017 21:03