Thác khe vằn nằm ở tỉnh nào của nước ta

Tên thác Khe Vằn được bắt nguồn từ tên gọi Khe Vân. Dần dần, người dân nơi đây đọc chệch đi gọi là Khe Vằn. Thác nước cao gần 100m, không gian rộng với ba tầng nước chảy rì rào như bản hùng ca đêm ngày của núi rừng. Mỗi tầng thác mang một hình thế, một dáng vẻ khác nhau. Tầng thứ nhất là dòng nước lớn được chảy từ các vách núi cao xuống tạo thành một hồ nước rộng. Nước hồ trong xanh, cùng với thác nước tung trắng trời điểm thêm cỏ cây hoa lá trên vách đá, khung cảnh trở nên đẹp và thi vị. Bên góc phải của hồ nước là một quần thể đá sừng sững và góc cạnh tạo nên một cảnh quan thiên nhiên kỳ thú.

Tầng thứ hai được chia thành hai dòng thác chảy (dòng thác bé và dòng thác lớn). Nước chảy từ trên cao đổ xuống, gặp đá tạo thành nhiều tầng nước tung ra những bọt nước trắng xóa. Dưới chân thác, nước chảy mạnh xối vào núi đá lâu dần hình thành nên một bể nước. Tại đây có những hòn đá khổng lồ và bằng phẳng là không gian nghỉ ngơi lý tưởng.

Tầng thứ ba, dòng nước chảy từ tầng hai xuống và đổ ra suối. Không gian chân thác là các tảng đá to, ở giữa có một hòn đá giống con voi đang phủ phục. Các khối đá nhô lên giữa vùng nước trong xanh, tạo nên một sức cuốn hút và hấp dẫn kỳ lạ đưa du khách khám phá cảnh quan đá và nước hoà quyện vào nhau.

Nhìn một cách tổng quát, thác Khe Vằn giống như một bức tranh thủy mặc nên thơ, được tô sắc bởi màu sắc của bầu trời, cây xanh, nước và đá. Thác nước tung trắng xóa giữa cảnh sắcxanh thắm của núi rừng, thiên nhiên trở nên hài hòa và thuần khiết hơn. Khí hậu nơi đây quanh năm ôn hòa, không khí trong lành và thoáng đãng. Thác Khe Vằn cũng mang sắc thái riêng theo từng mùa. Mùa mưa đến, dòng thác mang nguồn nước dồi dào tuôn chảy xối xả. Nhưng khi mùa khô tới, thác Khe Vằn lại hiền hòa như khúc ca trữ tình nồng ấm. Vào mùa hè, khi tiết trời nắng nóng, thác Khe Vằn chính là điểm du lịch nghỉ mát hấp dẫn mà mỗi người dân Bình Liêu đều nghĩ tới. Đến để chiêm ngưỡng “hùng thác”, thưởng ngoạn du cảnh, họ còn đến để nghỉ ngơi, tắm mát và thư giãn, tận hưởng những bụi nước li ti bay nhẹ, nằm nghe tiếng thác nước đổ, tiếng muôn loài chim chóc để hòa mình vào thiên nhiên kỳ vĩ, thực sự xóa đi mọi lo toan của cuộc sống đời thường.

Chiêm ngưỡng thác Khe Vằn từ xa

Thác Khe Vằn sẽ là điểm đến tuyệt vời cho những du khách “miền xuôi” muốn tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá nét đẹp thiên nhiên và con người vùng cao nơi đây. Xã Húc Động có 4 dân tộc sinh sống: dân tộc Sán chỉ, dân tộc Dao (Dao thanh phán) và dân tộc Tày, Kinh. Sẽ dễ dàng biết được phong tục tập quán của người dân tộc thiểu số nơi đây bởi vì những nét đẹp văn hóa được hình thành từ ngàn đời, hiện nay vẫn còn được lưu giữ, mang đậm nét bản sắc dân tộc. Sắc màu văn hóa hòa hợp giữa bốn dân tộc, nhưng mỗi dân tộc mang những nét văn hóa riêng biệt tạo nên dòng chảy văn hóa đa sắc màu. Sợi chỉ để dệt nên bức tranh đó chính là những phong tục tập quán, trang phục, nhà cửa, tôn giáo tín ngưỡng và những phương thức lưu truyền văn hóa dân gian. Khe Vằn nổi tiếng với điệu hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ, hát Sán Cố, tấu kèn “gẹt” của người Dao Thanh Phán. Ẩm thực Khe Vằn là các đặc sản vùng cao dân tộc như mật ong, cá suối, măng trúc, rượu ngô... Đặc biệt, miến dong được làm từ củ dong riềng thích hợp với điều kiện khí hậu và đất đai nơi đây đã trở thành món ăn ngon, một đặc sản nổi tiếng ở huyện Bình Liêu.

Điều đặc biệt nhất mà mọi người thường truyền tai nhau, “đến thác Khe Vằn để nghe hát Soóng cọ”. Hát Soóng cọ là hình thức hát đối đáp giao duyên nhằm thể hiện và giao lưu tình cảm giữa các nhóm cộng đồng người Sán Chỉ. Soóng cọ phát âm theo tiếng dân tộc là xướng ca, có nghĩa là ca hát, hát xướng. Hát Soóng cọ đặt theo thể loại thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán. Những câu ca hò ban đầu tạo nên bản nhạc da diết và thiết tha. Đây là loại hình âm nhạc dân gian ra đời cách đây 300 năm, gắn bó trặt chẽ với cuộc sống sinh hoạt của người Sán Chỉ. Vào những đêm sáng trăng, trai gái người Sán Chỉ thường ngồi hát đối đáp bên dòng thác Khe Vằn đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc nơi đây. Những câu ca, tiếng hát Soóng cọ trữ tình và sâu lắng chính là cầu nối, là dây tơ hồng gắn kết những đôi nam thanh nữ tú. Nhưng nét đặc sắc nhất của hát Soóng cọ lại là Hội tháng Ba. Ngày hội được tổ chức vào ngày 16 tháng Ba âm lịch hằng năm, là ngày hội lớn nhất của đồng bào người Sán Chỉ nơi đây. Đây là dịp để tất cả đồng bào dân tộc Sán chỉ tạm gác mọi công việc lao động hằng ngày để nghỉ ngơi và tham gia lễ hội. Vào ngày này, tất cả trai gái người Sán Chỉ tụ hội ở chợ huyện để hát đối giao duyên với nhau. Từng tốp hát, nam một bên, nữ một bên, họ say sưa hát những khúc hát ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước.

“Hội Soóng cọ mở giữa tháng Ba

Gái trai bản xa dập dìu xuống chợ

Ô xèo hoa áo khăn rực rỡ

Em đi trẩy hội tháng Ba.

Chợ xuân lung linh ngày mở hội

Lóng lánh vòng bạc câu hát đối

Lúng liếng nụ cười nở hoa xuân

Điệu Soóng Cọ mượt mà ái ân.”

(Tg: Nguyễn Tuấn Bình)

Những khuôn mặt tươi vui, rạng rỡ cùng những câu hát Soóng cọ dặt dìu, thiết tha vẫn còn vang vọng theo bước chân họ về tới bản. Một lời ước hẹn giao duyên và những ánh mắt nuối tiếc “Hẹn ngày hội năm sau”.

Thác Khe Vằn ngày càng được nhiều du khách biết đến. Với những giá trị về thẩm mỹ, sinh thái và văn hóa, ngày 29 tháng 01 năm 2011, UBND tỉnh Quảng Ninh đã công nhận Thác Khe Vằn là di tích danh thắng cấp tỉnh, thành phố. Cùng với di tích lịch sử văn hóa đình Lục Nà, xã Lục Hồn, thác Khe Vằn sẽ là địa chỉ tiếp theo giới thiệu nền văn hóa độc đáo, tiềm năng du lịch sinh thái của huyện Bình Liêu với du khách trong và ngoài tỉnh.

Hướng phát triển thác Khe Vằn sẽ là địa điểm du lịch sinh thái - văn hóa cộng đồng dân tộc. Trong tương lai, đến với thác Khe Vằn, du khách sẽ được thưởng thức văn hóa văn nghệ của các câu lạc bộ hát Soóng cọ, hát Sán cố của đồng bào dân tộc. Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, những bản sắc văn hóa dân tộc được gìn giữ, khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp là điểm đến, điểm tham quan thú vị, chắc chắn sẽ để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi du khách.