Thông tư hướng dẫn nghị định 102 2009 nđ-cp

Đến thời điểm hiện nay, để đảm bảo cho việc thực thi Nghị định này, Bộ Thông tin Truyền thông đã ban hành 8 thông tư hướng dẫn những nội dung chưa quy định rõ của Nghị định, đồng thời đầu năm 2011 Bộ Thông tin Truyền thông, thông qua các đơn vị sự nghiệp trực thuộc đã bắt đầu những khóa đào tạo đầu tiên đào tạo kiến thức về quản lý đầu tư - nền tảng nguồn lực để thực thi quy định.

Tuy nhiên, theo Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính), quy định của Nghị định 102 vẫn còn có những điểm vướng rất khó cho việc triển khai tập trung, thực hiện đồng bộ thống nhất các giải pháp ứng dụng CNTT phục vụ hoạt đông của nhiều đơn vị khác nhau trong quy trình quản lý - hướng cải cách phải hướng tới, hiện nay của Bộ Tài chính.

Ngoài việc chưa có được các hướng dẫn cụ thể về định mức, đơn giá trong triển khai CNTT, Cục Tin học và Thống kê tài chính còn nêu ra 5 điểm vướng mắc lớn làm ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các dự án CNTT tại Bộ Tài chính.

Phạm vi nguồn vốn sử dụng đầu tư ứng dụng CNTT

Nghị định số 102/2009/NĐ-CP quy định áp dụng đối với tất cả các dự án ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, ở Bộ Tài chính nguồn vốn đầu tư cho ứng dụng CNTT chủ yếu là nguồn kinh phí khoán lại cho ngành (theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tài chính và biên chế cho các đơn vị ngành tài chính: Quyết định số 101/2008/QĐ-TTg ngày 18/7/2008 đối với Kho bạc Nhà nước, Quyết định số 29/2009/QĐ-TTg ngày 20/2/2009 đối với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Quyết định số 16/2011/QĐ-TTg ngày 10/3/2011 đối với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan) và vốn ODA từ các dự án vay nước ngoài.

Theo quy định tại điểm 5, Điều 16 của Nghị định 102: “Vốn sự nghiệp trong dự toán ngân sách của các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp chỉ được sử dụng cho các trường hợp đầu tư nâng cấp, mở rộng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin hiện có (bao gồm cả việc đầu tư mới các hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin thuộc hệ thống đã có của các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp)”.

Để tháo gỡ các vướng mắc trên, Bộ Thông tin và Truyền thông nên nghiên cứu trình Chính phủ quy định lại phạm vi điều chỉnh của Nghị định 102 về nguồn vốn sử dụng trong đầu tư ứng dụng CNTT.

Thẩm quyền quyết định đầu tư dự án ứng dụng CNTT

Điều 5 của Nghị định 102 quy định về thẩm quyền quyết định đầu tư dự án ứng dụng CNTT trong đó có quy định về ủy quyền quyết định đầu tư dự án tại điểm 4: “Tùy theo điều kiện cụ thể của từng Bộ, ngành, địa phương, Người có thẩm quyền quyết định đầu tư được phép ủy quyền cho các đối tượng quy định tại khoản 5 Điều này quyết định đầu tư các dự án ứng dụng công nghệ thông tin nhóm B, C”.

Như vậy, Nghị định 102 mới chỉ cho phép ủy quyền quyết định đầu tư, chứ không đề cập đến phân cấp đầu tư ứng dụng CNTT. Đây là một điểm vướng mắc khi triển khai trong ngành Tài chính do Bộ Tài chính là một bộ lớn đa ngành, đa lĩnh vực, trong triển khai có phân cấp tạo sự chủ động cho các đơn vị để đảm bảo đáp ứng kịp thời các yêu cầu về hiện đại hóa, thực hiện các cam kết quốc tế, nếu thực hiện theo quy định của Nghị định thì sẽ không có phân cấp trong đầu tư ứng dụng CNTT.

Đối với điểm này, Bộ Thông tin và Truyền thông cần nghiên cứu trình Chính phủ bổ sung thêm nội dung về phân cấp quyết định đầu tư ứng dụng CNTT.

Những nội dung không phải lập dự án

Bộ Tài chính hiện nay quản lý và triển khai ứng dụng CNTT theo mô hình tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương theo đúng quy định của Chính phủ tại Quyết định 179/2007/QĐ-TTg ngày 26/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay, qua hơn 20 năm triển khai CNTT tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính đang vận hành trên 90 phần mềm nội bộ phục vụ cho yêu cầu quản lý chuyên môn; duy trì đảm bảo cho hoạt động của các dịch vụ mạng LAN tại gần 2000 đơn vị; xây dựng hệ thống đường truyền thông kết nối cho các đơn vị trong ngành; đảm bảo trang cấp thiết bị CNTT thường xuyên cho 70.000 cán bộ.

Các hệ thống CNTT của Bộ Tài chính trong đó đặc biệt là các phần mềm cơ bản đều đã được xây dựng và triển khai. Hàng năm thường xuyên được nâng cấp hàng năm, các phần mềm quản lý có sự tích hợp cao, không chỉ phục vụ nội bộ ngành mà còn phục vụ cho đối tượng người dân, doanh nghiệp (hải quan điện tử, hỗ trợ kê khai thuế, đăng ký mã số đơn vị quan hệ với ngân sách…). Thời gian yêu cầu cho nâng cấp đòi hỏi nhanh, kịp thời, thường dưới 12 tháng.

Quy định hiện nay đối với những nội dung không phải lập dự án tại Thông tư số 21/2010/TT-BTTTT chỉ quy định những hoạt động ứng dụng CNTT sử dụng vốn sự nghiệp, dưới 3 tỷ đồng để thực hiện: phát triển, nâng cấp phần mềm nội bộ; mua sắm nâng cấp, lắp đặt cài đặt các thiết bị CNTT nhằm duy trì hoạt động thường xuyên có tổng giá trị trên 100 triệu đồng chỉ lập đề cương, dự toán chi tiết (không phải lập dự án).

Việc quy định cả nguồn vốn và mức tiền như quy định của Thông tư 21 sẽ rất vướng trong thực tế triển khai của ngành tài chính, không phù hợp với quản lý thống nhất, tập trung trong triển khai CNTT, không phù hợp với quy định tổ chức mua sắm tài sản từ NSNN theo phương thức tập trung (Quyết định 179/2007/QĐ-TTg).

Do vậy, Bộ Tài chính kiến nghị và đề xuất: Đối với các nội dung ứng dụng đã có các quy định của cơ quan Nhà nước về định mức chi, nội dung tiêu chí kỹ thuật; các nội dung ứng dụng CNTT nhằm duy tu, bảo trì, bảo dưỡng các sản phẩm CNTT (kết quả thực hiện của các dự án đầu tư ứng dụng CNTT hoàn thành, kết quả thực hiện triển khai CNTT đến thời điểm hiện tại): không phải lập dự án đầu tư ứng dụng CNTT, thực hiện triển khai trên cơ sở dự toán được duyệt.

Các nội dung tư vấn công nghệ, tư vấn tổng thể không phải lập dự án đầu tư ứng dụng CNTT, thực hiện phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết theo quy định tại Thông tư số 21/2010/TT-BTTTT. Đối với các nội dung xây dựng và nâng cấp phần mềm nội bộ, có tổng mức đầu tư dưới 3 tỷ đồng, có thời gian thực hiện dưới 12 tháng: không phải lập dự án đầu tư ứng dụng CNTT, thực hiện phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết theo quy định tại Thông tư số 21/2010/TT-BTTTT.

Đối với nội dung nâng cấp phần mềm nội bộ phải lập dự án, dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhóm C cho phép thực hiện phương án lập thiết kế thi công, dự toán ngay ở giai đoạn chuẩn bị dự án để khi phê duyệt dự án có thể triển khai ngay đấu thầu lựa chọn đối tác thực hiện (áp dụng thiết kế 1 bước).

Các dự án triển khai phần mềm thương mại, giải pháp tích hợp đồng bộ ứng dụng CNTT

Bộ Tài chính hiện đang triển khai các hệ thống CNTT tập trung, với nền tảng là các phần mềm cốt lõi. Hệ thống phần mềm cốt lõi này được cung cấp qua các hãng quốc tế như ORACLE, SUN, SAP…, được lựa chọn qua đấu thầu rộng rãi, điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu quản lý. Quy định của Nghị định 102 chưa phù hợp đối với yêu cầu sử dụng phần mềm thương mại lõi, cụ thể: Không thể đảm bảo lập dự án cho các phần mềm thương mại lõi về các nội dung yêu cầu về thiết kế sơ bộ, mô tả các trường hợp sử dụng (use case) lập theo ngôn ngữ UML, phải có thiết kế thi công, kèm các mô tả bằng lời, chi tiết các trường hợp sử dụng; không thể xác định được chi phí phát triển mới để so sánh với việc mua bản quyền, nâng cấp và chỉnh sửa phần mềm; Chưa có hướng dẫn và cơ sở để xác định phần mềm có chức năng, tính năng kỹ thuật tương đương.

Hướng dẫn lập dự án hiện nay chưa phù hợp đối với các dự án thực hiện trọn gói, chìa khóa trao tay: thiết kế, xây dựng và triển khai.

Điều kiện năng lực tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT

Quy định hiện nay của Nghị định 102 về năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT còn nhiều điểm vướng, rất ít đơn vị có thể đáp ứng kể cả những doanh nghiệp CNTT lớn hiện nay, cụ thể: Không có cơ sở xác định thời gian liên tục làm công tác lập, quản lý dự án trong vòng 7 năm, 3 năm theo các cấp độ quy định; Không có cơ sở xác định về kinh nghiệm chủ trì thiết kế sơ bộ, do khái niệm này trước đây chưa áp dụng.

Từ trước đến nay, các đơn vị triển khai không theo các dự án nhóm A,B,C; không quy định về giám sát, thi công do vậy không có cơ sở để xác định kinh nghiệm tham gia quản lý theo các nhóm dự án A,B,C; không xác định được chủ trì thiết kế, thi công,… theo quy định của Nghị định 102.

Trong bối cảnh phải lựa chọn các đơn vị tư vấn cho lập dự án, giám sát dự án phải bám sát và tuân thủ đúng các điều kiện về năng lực, kinh nghiệm vì vậy nếu thực hiện theo đúng quy định không đơn vị nào đáp ứng, không thể thực hiện được các dự án trong năm 2011.

Do vậy Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Thông tin Truyền thông xem xét, quy định và hướng dẫn lại cho phù hợp với thực tế triển khai CNTT tại các đơn vị. Đối với những nội dung cần phải sửa đổi Nghị định 102 (phân cấp, thiết kế 1 bước), Bộ Thông tin Truyền thông sớm có phương án trình Chính phủ sửa đổi Nghị định. Đối với những nội dung vướng trong triển khai CNTT, do đặc thù quản lý, triển khai thống nhất của Bộ Tài chính, phù hợp với thực trạng triển khai CNTT, Bộ Thông tin Truyền thông nên phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng thông tư liên tịch, ban hành cơ chế đặc thù cho triển khai CNTT của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính triển khai ứng dụng CNTT trên 1 phạm vi rất rộng: phục vụ hoạt động cho gần 2.000 đơn vị, trên 63 tỉnh trong cả nước, trên cả 4 cấp: trung ương, tỉnh, huyện, xã. Ngay từ khi bắt đầu triển khai CNTT, Bộ Tài chính đã quản lý thống nhất trong triển khai ứng dụng CNTT. Việc quản lý thống nhất và tập trung tại trung ương của Bộ Tài chính trong nhiều năm qua đã đem lại hiệu quả rõ rệt, đảm bảo cho việc triển khai đồng bộ, nhanh chóng trong cả nước, việc thực hiện tập trung cũng góp phần tiết kiệm cho NSNN trong triển khai CNTT thông qua các đợt mua sắm tập trung, và luôn được ưu đãi, hỗ trợ tối đa của các hãng cung cấp.

Đến thời điểm hiện tại, ngành Tài chính đã hình thành: Hệ thống đường truyền thông dành riêng, kết nối toàn bộ các đơn vị trong ngành Tài chính (trên 3700 đường kết nối). Hệ thống mạng 1.778 LAN tại 100% các đơn vị tài chính, trang cấp 4.324 máy chủ, 58.305 máy trạm. Xây dựng 05 cơ sở dữ liệu tập trung phục vụ toàn ngành. Xây dựng và triển khai thống nhất trên 90 ứng dụng nội bộ, phục vụ các khâu kê khai, xử lý, tính toán trực tiếp trong các quy trình nghiệp vụ, các ứng dụng chủ yếu được xây dựng và triển khai cho từng mảng nghiệp vụ riêng rẽ. Hiện tại, Bộ Tài chính đang triển khai các ứng dụng tích hợp, đồng bộ như TABMIS, thuế TNCN để phục vụ toàn diện các quy trình quản lý, phục vụ nhiệm vụ của nhiều cơ quan, đơn vị.