Văn bằng 2 đại học Luật là gì

Sinh viên luật học chuyên ngành là đủ?

Bước chân vào giảng đường đại học, có rất nhiều điều mới lạ đang chờ đón các bạn tân sinh viên khám phá và một trong số đó là các hình thức học tập hoàn toàn khác, đó chính là: song ngành, văn bằng 2 và 1 ngành.

Đầu tiên, học song ngành: là hình thức học song song 2 chương trình học cùng 1 lúc và khi hoàn thành chương trình có 2 tấm bằng cử nhân của 2 chương trình học đó. Ví dụ, khi học sinh đỗ vào ngành Luật kinh tế tại trường Kinh Tế Quốc Dân thì sang đến năm 2 sinh viên có quyền đăng ký thêm 1 chương trình học BẤT KỲ nào trong trường.

Ngoài ra, nhiều người thường nhầm lẫn giữa song ngành và văn bằng hai nhưng thực chất học văn bằng 2: là hình thức học thêm 1 bằng cử nhân nữa sau khi đã tốt nghiệp chương trình học đầu tiên. Hình thức học này cho phép sinh viên có thể tốt nghiệp ở trường đại học nào đó và đăng ký văn bằng 2 ở trường đại học khác. Ví dụ, khi sinh viên đã tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin tại trường Đại học Bách Khoa thì sau đó sinh viên có thể đăng ký học thêm ngành Luật kinh tế của trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân.

Cuối cùng là học 1 ngành: là hình thức sinh viên chuyên tâm theo 1 ngành học duy nhất khi có giấy báo xác nhận trúng tuyển của một trường đại học. Ví dụ, khi sinh viên nhận được giấy xác nhận trúng tuyển ngành Luật của trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân thì sinh viên theo học xuyên suốt 1 ngành đó trong 4 năm thì được gọi là học 1 ngành.

Cùng chuyển lăng kính sang những kinh nghiệm thực tế từ những sinh viên đã có trải nghiệm học tập đối với 3 chương trình học khác này.

Học song bằng sẽ khiến bạn mất nhiều thời gian hơn, tiêu hao công sức hơn, và tốn cả tiền bạc nữa nhưng đừng quên nỗ lực sẽ được trả bằng thành quả

-Bâu-

Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi mà con người ngày càng được yêu cầu phải có kiến thức chuyên môn và khả năng làm việc ở nhiều lĩnh vực ngành nghề đa dạng, thì nhu cầu học song ngành của các sinh viên đại học dần trở nên phổ biến hơn. Vì thế không riêng gì những ngành khác mà bản thân các Cử nhân Luật tương lai ắt hẳn cũng đã từng đắn đo vấn đề: Liệu có nên học song bằng khi là một sinh viên Luật?

Đầu tiên, xét về những ưu điểm của sinh viên Luật khi học song ngành, có thể thấy rõ điểm mạnh đó là chúng ta sẽ tích lũy thêm nhiều kiến thức đa dạng hơn những bạn học một ngành. Ở trường kinh tế, khi học thêm một chuyên ngành khác song song với chuyên ngành Luật, thì số môn chung của hai ngành sẽ không nhiều. Vì vậy, việc học song ngành sẽ giúp thỏa mãn những ai đam mê học hỏi, tìm tòi nhiều kiến thức khác nhau, đồng thời sự bổ trợ lẫn nhau giữa các ngành học giúp ta nâng cao kiến thức nền.

Không chỉ vậy, với kiến thức chuyên ngành ở hai lĩnh vực, cơ hội việc làm sẽ rộng hơn vì ta có khả năng làm việc ở các lĩnh vực khác nhau, hoặc kiến thức ngành này sẽ hỗ trợ thêm cho công việc của ngành kia. Ví dụ, việc học thêm ngành quản trị kinh doanh hoặc kinh tế, tài chính, đầu tư... có thể hỗ trợ tốt cho công việc pháp lý của chúng ta sau này. Hoặc ngược lại, nếu làm công việc ở ngành mà chúng ta chọn làm ngành học thứ hai, thì ngành luật cũng sẽ giúp đỡ cho ta rất nhiều. Việc hiểu biết luật pháp Việt Nam trong kinh doanh, cũng như hiểu biết về luật pháp tương ứng của các quốc gia khác là vô cùng quan trọng và cần thiết để hạn chế rủi ro, hạn chế thiệt hại khi giao dịch, làm ăn. Bên cạnh đó, ta cũng có thể làm việc trong các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế ở nhiều vị trí, lĩnh vực khác nhau mà đòi hỏi kiến thức tổng hợp của cả các ngành quản trị/kinh tế... và luật. Như vậy thì trên thực tế, việc lựa chọn và học hai ngành bổ trợ cho nhau nhiều sẽ rất có ích trong tương lai.

Cuối cùng, học song ngành là cơ hội để ta trải nghiệm, khám phá bản thân và tìm ra được điều mình thực sự muốn học, muốn làm sau này. Ta có thể thoải mái lựa chọn cho mình những con đường đi khác nhau trong tương lai mà không còn bị bó hẹp trong công việc thuộc phạm vi một ngành nghề cụ thể nữa. Đặc biệt, trường Đại học Kinh tế Quốc dân rất tạo điều kiện cho sinh viên, thủ tục đăng ký hay hủy bỏ học song ngành đều dễ dàng thực hiện. Nếu thực sự muốn học và có hứng thú với ngành học thứ hai, thì ta luôn có cơ hội học tập và thử sức!

Hãy cứ mạnh dạn làm những điều mình muốn và thử sức. Nếu nó thuộc về em, em sẽ thấy rất vui vẻ. Còn chẳng may không phải thì cũng không sao cả, vì nó khiến em hiểu sâu sắc bản thân muốn gì hơn. - Quách Thu Hà, sinh viên năm thứ ba, hiện đang học song ngành tại trường đại học Kinh tế Quốc dân.

Vậy còn những nhược điểm của học song ngành là gì? Tất nhiên đầu tiên phải kể đến đó là sự tốn kém thời gian và tiền của. Khi đã chọn học song ngành, ta nên vạch trước những dự định và mục tiêu trong tương lai nếu không muốn công sức và số tiền chúng ta bỏ ra bị phí phạm. Ta cũng nên tìm hiểu trước về các ngành học, về sở thích, thế mạnh của bản thân cũng như là cơ hội việc làm, từ đó chọn ra những ngành có liên quan đến ngành Luật nhất để tiết kiệm thời gian, chi phí mà đạt hiệu quả cao. Chỉ riêng chuyên ngành Luật đã có khối lượng kiến thức khổng lồ, đòi hỏi ta phải chăm chỉ tự mày mò nghiên cứu, học hiểu và tập lối suy nghĩ, vận dụng linh hoạt, nên học thêm cả một chuyên ngành nữa không phải là chuyện dễ dàng thực hiện. Nếu không thực sự yêu thích ngành học thứ hai và có dự định cụ thể với nó thì ta có thể rơi vào tình trạng mệt mỏi, nản chí do khối lượng công việc tăng, từ đó khiến ta dễ bị hoang mang rằng liệu lựa chọn của mình có sai lầm không. Việc học thêm chuyên ngành song song với chuyên ngành Luật cũng đòi hỏi sinh viên phải tự lập kế hoạch hợp lý, tham khảo các anh chị cùng học giống chuyên ngành với mình, hoặc tốt hơn nữa là các thầy cô, để từ đó có thể nắm bắt thêm những thông tin cụ thể và phương pháp học hợp lý nhất.

Ưu điểm của VB2:

Văn bằng hai đã và đang là xu hướng học thịnh hành, đặc biệt phổ biến ở trường đại học Kinh Tế Quốc Dân hiện nay. Tuy nhiên, khi hỏi ý kiến của nhiều bạn sinh viên, mình nhận được rất nhiều quan điểm có nội dung như sau:

Rất nhiều bạn đến năm 3, 4 khi đi thực tập mới phát hiện ra bản thân học nhầm ngành nên chọn học văn bằng 2. Nhưng văn bằng 2 không thể cung cấp đầy đủ các kiến thức về ngành học, cũng giảm cơ hội cạnh tranh khi đi xin việc với các bạn học chính quy. - đây là ý kiến của bạn Nguyễn Thị Phương, sinh viên năm 2 trường đại học Kinh Tế Quốc Dân và chắc hẳn cũng là cái nhìn của rất nhiều bạn khi nhắc đến loại hình đào tạo này.

Thế nhưng, khi tìm hiểu rõ hơn về văn bằng 2 tại NEU, các bạn sẽ có một cái nhìn hoàn toàn khác:

Văn bằng 2 đặc biệt phù hợp với các bạn năm 3, 4 và những bạn sinh viên đã tốt nghiệp đại học. Bởi văn bằng 2 có giá trị như một tấm bằng chính quy, giúp tăng thêm nhiều cơ hội làm việc. Do việc có thêm văn bằng thứ 2 sẽ tạo một ưu thế lớn cho bạn trên thị trường lao động cạnh tranh khắc nghiệt như ngành Luật - một ngành đòi hỏi bạn phải có kiến thức tổng quát ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây cũng là một điểm mạnh của đại học Kinh Tế Quốc Dân. Ở đây, bạn vừa có cơ hội tạo lập những mối quan hệ quý giá vừa có khả năng sở hữu cái nhìn đa chiều.

Ngoài ra, học văn bằng 2 sẽ là một lựa chọn tốt hơn việc học song ngành. Vì đối với các bạn sinh viên năm nhất không có điều kiện về tài chính thì việc học từng ngành sẽ bớt áp lực hơn. Với loại hình đào tạo và ca học linh hoạt, sinh viên học văn bằng 2 có thể lựa chọn những hình thức phù hợp, sắp xếp thêm thời gian thực tập, làm việc trong ngành luật.

Hạn chế:

Thay vì bạn bỏ ngang ngành mình đang theo học để chọn ngành mình thích thì bạn có thể chọn nó ở văn bằng 2

Bất kỳ vấn đề gì trong cuộc sống đều tồn tại hai mặt khác nhau, việc học thêm văn bằng 2 cũng vậy. Vì thế bạn cần phải cân nhắc về cả những nhược điểm của VB2 để có thể lựa chọn loại hình đào tạo phù hợp với bản thân và đạt được kết quả tốt nhất. Quyết định đi theo con đường nào ảnh hưởng rất lớn đối với tương lai của bạn.

Nhược điểm chính của việc học văn bằng 2 đó chính là tốn nhiều thời gian và chi phí đầu tư gấp đôi bình thường. Hãy nghĩ xem, bạn dành thời gian để tốn 4 năm mới nhận được một tấm bằng đại học và bây giờ bạn sẽ phải tốn thêm một khoảng thời gian từ 2 đến 2,5 năm để học một văn bằng thứ 2. Thực tế là bạn có thể tìm kiếm một công việc trái ngành để học hỏi thêm kinh nghiệm và kỹ năng sống sẽ tốt hơn việc tốn thời gian dài mài giũa bản thân trong nơi giảng đường đại học, nhìn chung đó là một quyết định không mấy khả thi.

Điều bạn cần lưu ý của việc học văn bằng 2 cũng xuất phát từ chính việc bạn chọn học "ngành thứ 2". Thực tế là học VB2 có sự thua thiệt với các bạn VB1 cùng chuyên ngành ở mức độ tập trung cho công việc chuyên môn, và thua thiệt so với các bạn sinh viên chính quy có cùng chuyên ngành với lĩnh vực VB2 mà chúng ta đang học ở góc độ tiếp cận công việc. Hơn thế nữa sự không liên quan giữa 2 ngành học sẽ không giúp bổ trợ kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ khi làm việc.

Học bên ngoài cũng là một lựa chọn không tồi vì hiện nay trong thời đại 4.0 có rất nhiều nguồn cũng như khóa học về các ngành có thể là mất phí, cũng có thể là miễn phí. Đối với sinh viên ngành Luật thì việc sở hữu thêm các kiên thức, kĩ năng bên ngoài sẽ hỗ trợ rất nhiều trong tương lai. Và việc tiếp thu mọi kiến thức, kĩ năng từ nền tảng số là một cách rất thuận tiện, tiết kiệm thời gian.

Các cụ đã có câu: Một nghề cho chín còn hơn chín nghề. Chỉ cần học thật tốt một ngành là đủ rồi

Lợi ích:

Thứ nhất, nếu lựa chọn học 1 ngành, sinh viên sẽ có nhiều thời gian để tập trung nghiên cứu vào một chuyên ngành, nhờ đó có thể đạt được kết quả học tập tốt nhất và trang bị cho mình kiến thức chuyên sâu về ngành nghề mà mình lựa chọn. Trên thực tế, có rất nhiều công ty hiện nay đang có nhu cầu tìm kiếm nhân sự có chuyên môn cao, vì thế tập trung vào một ngành học sẽ đem lại cơ hội việc làm lớn hơn về chuyên ngành người đó theo học.

Thứ hai, ngoài thời gian học, những sinh viên lựa chọn học 1 ngành sẽ có nhiều thời gian rảnh hơn để tìm kiếm các công việc partime hay nơi thực tập nhằm học tập các kiến thức thực tế. Một CV với kinh nghiệm thực tế phong phú sẽ là một điểm cộng rất lớn trong quá trình tìm việc đối với một người sinh viên.

Thứ ba, vì chỉ học một chuyên ngành nên việc học vượt để ra trường sớm là hoàn toàn khả thi. Khi đó bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm, áp dụng các kiến thức mình học được trên trường vào thực tế sớm hơn.

Cuối cùng, học một ngành là chỉ biết về ngành đó? Câu trả lời có lẽ còn tùy thuộc vào từng cá nhân. Như đã nói, học chuyên một ngành sẽ giúp bạn có nhiều thời gian hơn so với những người học song ngành, văn bằng hai,... điều này đồng nghĩa với việc bạn có thể tùy ý sắp xếp thời gian của mình để tìm hiểu các lĩnh vực khác mà mình quan tâm, yêu thích mà không có áp lực về mặt thời gian, điểm số,...

Hạn chế:

Đầu tiên phải kể đến là sinh viên lựa chọn học 1 chuyên ngành sẽ không có phông kiến thức rộng như những sinh viên lựa chọn học song ngành hay văn bằng hai. Đồng thời, vì giữa các chương trình học luôn có sự bổ trợ lẫn nhau nên khi lựa chọn học một ngành, sinh việc đôi khi sẽ gặp khó khăn trong việc tìm hiểu môn học hơn do với sinh viên học song bằng hay văn bằng hai.

Tiếp theo, sẽ là bất lợi về cơ hội việc làm trong tương lai nếu như sinh viên lựa chọn chỉ học 1 ngành có mong muốn tìm kiếm một công việc khác với chuyên ngành của mình. Việc không được đào tạo bài bản ở trường học sẽ khiến cho sinh viên đó mất rất nhiều thời gian để bổ sung những kiến thức cần thiết tại môi trường làm việc thực tế.

Ngoài ra, khi muốn tự tìm hiểu về các lĩnh vực khác thì sẽ gặp khó khăn trong việc tập bơi kiểu gì khi có vô số các đầu sách, kiến thức, vậy đâu là điểm ta bắt đầu? Điều này có lẽ sẽ khiến chúng ta mất nhiều thời gian tự mò mẫm tìm kiếm cái gì nên học trước, cái nào là nền tảng khi không có sự hỗ trợ từ giảng viên, chương trình thiết kế sẵn cho bản thân như khi đi học song bằng hay văn bằng 2.

Bài viết: Phạm Lan Anh, Nguyễn Vi, Trần Diễm Quỳnh, Hoàng Anh Thư, Hiền Nhi, Phạm Hải Sơn Hiếu, Kiều Anh - NEU CLE , Khoa Luật

Video liên quan

Chủ Đề