Việt Nam là gì của Liên Hợp Quốc

Ngày 20/9/1977, tại khóa họp thứ 32, Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết công nhận Việt Nam là thành viên của LHQ. [Ảnh: TTXVN]

[Stxdd.thanhuytphcm.vn] - Ngày 20/9/1977, lễ thượng cờ Việt Nam được chính thức tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc [LHQ], ghi dấu ấn Việt Nam trở thành thành viên thứ 149 của tổ chức lớn nhất hành tinh này. Đây là một quá trình đầy gian nan, thử thách để Việt Nam khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.

1. Tổ chức mang tính đại diện cho cộng động thời gian đầu tiên có tên là Hội Quốc liên, được thành lập sau Thế chiến I, đã bất lực trong việc ngăn chặn Thế chiến II. Tại Hội nghị Yalta [năm 1945], lãnh đạo của 3 cường quốc là Stalin [Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô], Roosevelt [Tổng thống Hoa Kỳ] và Churchill [Thủ tướng Anh] đã bàn về việc tổ chức lại thế giới và đã thống nhất thành lập tổ chức quốc tế để giữ gìn hòa bình và an ninh thế giới. Từ ngày 25/4 đến 26/6/1945, đại diện của 50 quốc gia đã họp tại San Francisco [California, Hoa Kỳ] để thông qua Hiến chương LHQ. Ngày 24/10/1945, LHQ chính thức được thành lập. Ngày 10/1/1946, tại Luân Đôn [Anh], Đại hội đồng LHQ [General Assembly] tổ chức khóa họp đầu tiên với sự tham dự của đại diện 51 quốc gia.

Chỉ 4 ngày sau khóa họp đầu tiên Đại hội đồng LHQ, ngày 14/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân danh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nộp đơn xin gia nhập LHQ. Trước đó, dù đã tuyên bố về sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945, song Việt Nam vẫn chưa được bất kỳ quốc gia nào công nhận. Tất cả những cố gắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Chính phủ Việt Nam đã không được đền đáp. 31 năm sau ngày gửi đơn xin gia nhập này, trải qua 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc với nhiều mất mát, hy sinh, lá cờ Việt Nam mới chính thức tung bay trước trụ sở LHQ.

2. LHQ hiện có 193 nước thành viên và 2 nước là quan sát viên. Về cơ cấu tổ chức, LHQ có 6 cơ quan chính là Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế, Hội đồng Thác quản, Tòa án Quốc tế và Ban Thư ký. Ngoài ra, LHQ còn có nhiều cơ quan chuyên môn khác như Tổ chức Lao động Thế giới [ILO], Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ [FAO], Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ [UNESCO], Tổ chức Y tế Thế giới [WHO], Ngân hàng Thế giới [WB], Quỹ Tiền tệ Quốc tế [IMF]…

Điều 2 Hiến chương LHQ khẳng định nguyên tắc hoạt động: “LHQ được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của tất cả các quốc gia thành viên”. Để đảm bảo nguyên tắc bình đẳng này, quốc kỳ các quốc gia thành viên được treo trước trụ sở LHQ theo nguyên tắc tuần tự mẫu tự Latin theo vần ABC tên các quốc gia đó. Hội đồng Bảo an [Security Council] là cơ quan thường trực quan trọng nhất và hoạt động thường xuyên của LHQ, có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Hội đồng Bảo an có 15 thành viên, bao gồm 5 thành viên thường trực [đương nhiên, không phải bầu, có quyền phủ quyết] và 10 ủy viên không thường trực được bầu với nhiệm kỳ 2 năm phân chia theo khu vực. Mọi nghị quyết của Hội đồng Bảo an phải được thông qua với 9/15 và có sự nhất trí của 5 thành viên thường trực.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, mặc dù Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời, đã tổ chức tổng tuyển cử tự do trên cả nước và thành lập Quốc hội, song thực dân Pháp đã dựng nên một chính phủ bù nhìn với tên gọi Quốc gia Việt Nam. Ngày 17/12/1951, chính phủ của cái gọi là Quốc gia Việt Nam đã đệ đơn xin gia nhập LHQ. 10 ngày sau, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng nộp đơn xin gia nhập. Pháp là quốc gia đề cử Quốc gia Việt Nam còn Liên Xô là nước đề cử Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dựa vào cơ chế phủ quyết, cả Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Quốc gia Việt Nam đều không được công nhận là thành viên. Các thực thể chính trị ở miền Nam Việt Nam là Quốc gia Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa sau này cũng đều không phải là thành viên LHQ.

Cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 thuộc Lực lượng Gìn giữ hòa bình LHQ trở về Việt Nam sau một năm làm nhiệm vụ tại Nam Sudan, vào tháng 11/2019. [Ảnh: plo.vn]

3. Từ khi tham gia LHQ, Việt Nam luôn nghiêm túc thực hiện Hiến chương LHQ, tham gia vào các nỗ lực chung của quốc tế trong việc bảo vệ hòa bình, luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp xung đột thông qua các biện pháp hòa bình…

Năm 1997, Việt Nam giữ cương vị Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ. Việt Nam cũng tham gia nhiều tổ chức của LHQ như: Hội đồng Kinh tế - Xã hội [ECOSOC, nhiệm kỳ 1998 - 2000 và 2016 - 2018], Hội đồng Chấp hành của Chương trình Phát triển LHQ [UNDP, nhiệm kỳ 2000 - 2002], Phó Chủ tịch thứ hai Ủy ban Luật pháp Quốc tế [ILC, năm 2016]... Việt Nam đã tham gia tất cả 3 trụ cột hoạt động của LHQ là Hòa bình - An ninh, Phát triển và Quyền con người. Đặc biệt, trong lĩnh vực hòa bình, Việt Nam chủ động, tích cực trong việc đấu tranh, bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ như nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực…

Việt Nam đã chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của LHQ. Việt Nam được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và là một quốc gia quyết tâm, nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu…

Trong lĩnh vực quyền con người, Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014 - 2016, góp phần thúc đẩy việc bảo vệ và phát huy quyền con người và đang vận động để ứng cử là thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025…

Trên cương vị là Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, năm 2020, theo đề xuất của Việt Nam, Đại hội đồng LHQ đã thông qua sáng kiến của nước ta với nghị quyết về việc lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh. Bằng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, Việt Nam đã có rất nhiều đối tác chiến lược, đối tác toàn diện…

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam là thành viên LHQ, ngày 17/10/2017. [Ảnh: VGP]

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam là: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”.

Những ngày tháng 9 này, sau khi thăm nước bạn truyền thống là Cuba, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm Mỹ và dự phiên thảo luận của Đại hội đồng LHQ khóa 76. Đây tiếp tục là những hoạt động khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, đa phương hóa của Việt Nam.

Mở đầu bản Hiến chương LHQ đã nêu rõ mục đích của tổ chức này: "Chúng tôi, những dân tộc của LHQ, quyết tâm cứu những thế hệ mai sau khỏi thảm họa chiến tranh...". Nhưng từ khi Hiến chương ra đời, xung đột, chiến tranh vẫn diễn ra khốc liệt ở nhiều nơi trên thế giới. Là một dân tộc chịu nhiều mất mát do chiến tranh, Việt Nam đã và đang có những đóng góp đầy trách nhiệm trong ngôi nhà chung của LHQ vì hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới.

Ngọc Anh

Tin liên quan

Với tư cách Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng 4, Việt Nam sẽ thúc đẩy 3 chủ đề ưu tiên.

Thông tin trên được ông Đỗ Hùng Việt, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế [Bộ Ngoại giao] cho biết tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 25/3.

Theo ông Đỗ Hùng Việt, chương trình hoạt động trong tháng 4 của HĐBA sẽ tương đối bận rộn với gần 30 cuộc họp cấp đại sứ, xử lý 12 vấn đề của các khu vực trên thế giới.

Để thực hiện vai trò đó, Việt Nam sẽ hết sức nỗ lực tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm, bảo đảm tính khách quan, minh bạch, xử lý khác biệt giữa các nước thành viên, cố gắng duy trì đoàn kết, đồng thuận để giải quyết các vấn đề.

Với tư cách Chủ tịch, Việt Nam sẽ thúc đẩy 3 chủ đề ưu tiên.

Một trong những chủ đề ưu tiên là khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hoà bình bền vững. Đây là vấn đề rất quan trọng với Việt Nam, có tác động sâu sắc đối với phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh an toàn cho người dân Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam kỳ vọng sự kiện này sẽ thu hút sự quan tâm của LHQ và cộng đồng quốc tế đối với vấn đề hậu quả bom mìn ở những nước mà chiến tranh đã chấm dứt từ lâu như Việt Nam.

Với sự kiện này, Việt Nam sẽ chủ trì một phiên họp cấp bộ trưởng vào ngày 18/4, với sự tham gia của Tổng thư ký LHQ, đại diện nhóm rà phá bom mìn gồm các thành viên nữ giới của Quảng Trị và diễn viên Daniel Craig sẽ gửi thông điệp bằng video. Daniel Craig là đại sứ đại diện của LHQ trong vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn.

Ngoài ra, trong tháng Chủ tịch, Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy 2 vấn đề ưu tiên khác gồm: Tăng cường hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột và bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu cho cuộc sống của người dân trong xung đột vũ trang.

Trước đó, từ ngày 2/1/2020, tại Trụ sở LHQ ở New York [Mỹ], Việt Nam đã tiến hành các hoạt động chính thức trên cương vị Chủ tịch HĐBA, mở đầu cho nhiệm kỳ thành viên HĐBA 2020-2021.

Thùy Dung  


Video liên quan

Chủ Đề