Bệnh phong đòn gánh là gì

Bệnh phong đòn gánh là gì
3 years ago

Mục lục

  • 1. Uốn ván là gì?
  • 2. Nguyên nhân gây bệnh uốn ván
  • 3. Triệu chứng thường gặp của bệnh uốn ván
  • 4. Điều trị bệnh uốn ván
  • 5. Phòng tránh bệnh uốn ván

Bệnh phong đòn gánh là gì

1. Uốn ván là gì?

Bệnh uốn ván một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm do trực khuẩn Clotridium tetani trong môi trường yếm khí tiết ra ngoại độc tố Tetanus exotoxin gây tử vong cao. Khi những dây thần kinh điều khiển các cơ bắp bị tổn thương bởi độc tố bệnh nhân có triệu chứng cong cứng lưng, ngực ưỡn ra như cái đòn gánh nên dân gian còn gọi là bệnh phong đòn gánh.

Hiện nay có 3 loại uốn ván: toàn thân, cục bộ và trẻ sơ sinh mặc dù không lây nhiễm và có vắc-xin phòng ngừa nhưng số ca bệnh gặp nguy hiểm vẫn cao do chủ quan không điều trị kịp thời.

Bệnh phong đòn gánh là gì

Hình ảnh trực khuẩn uốn ván

2. Nguyên nhân gây ra bệnh uốn ván

Tác nhân gây bệnh uốn ván:

- Do một loại vi khuẩn có tên khoa học là Clotridium tetani thuộc họ Bacillaceae, là loại trực khuẩn kỵ khí.

- Hình thái: thân mảnh hình bầu dục, hơi cong, có lông di chuyển, sinh nha bào và bắt màu Gram(+).

- Khả năng tồn tại: trong khi vi khuẩn uốn ván chết ở nhiệt độ 56oC thì nha bào lại sống rất vững chết khi đun sôi trong 30 phút. Nha bào tồn tại trong đất 5 năm vẫn có khả năng gây bệnh.

Ổ bệnh:

- Môi trường sống của vi khuẩn uốn ván có ở khắp nơi chủ yếu trong đất, cống rãnh, phân của loài gia súc ăn cỏ như trâu, bò, ngựa,...
- Các vận dụng sinh hoạt như kéo, dao, dụng cụ phẫu thuật chưa được tiệt trùng kỹ.
- Điều kiện lí tưởng để vi khuẩn gây bệnh là các vết thương hở không được vệ sinh sạch sẽ.

Đường nhiễm bệnh:

- Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở trên cơ thể từ nhẹ đến nặng, vết bỏng, vết dập, vết tiêm chích bị nhiễm bẩn.
- Sau khi phẫu thuật vết thương không được xử lí kỹ nhất là tình trạng nạo phá thai tại các cơ sở không uy tín nhiều như hiện nay.
- Đối với trẻ sơ sinh dễ bị truyền nhiễm bệnh uốn ván do tập quán sinh nở cổ hũ tại một số địa phương không đảm bảo được việc cắt rốn và vệ sinh rốn sạch sẽ.

Nguy cơ mắc bệnh uốn ván:

- Không được tiêm phòng vắc-xin uốn ván.
- Bị thương do nhiều nguyên nhân nhưng không xử lí vết thương để nhiễm trùng như bỏng, đạn bắn, gãy xương hở, vết loét, vết cắn do động vật, xăm hình, vật nhọt đâm, vết kim tiêm.
- Người bị suy giảm chức năng miễn dịch.
- Người làm các công việc như: làm vườn, chăn nuôi gia súc, nhân viên vệ sinh cống rãnh, công nhân xây dựng.
- Trẻ sơ sinh cũng thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh uốn ván.

3. Triệu chứng của bệnh uốn ván

Tùy vào tình trạng vết thương bị nhiễm bẩn nhẹ hoặc nặng mà thời kì ủ bệnh nhanh hoặc lâu thông thường trung bình khoảng 10 ngày. Khởi phát triệu chứng với từng thể bệnh:

- Thể uốn ván toàn thân: đây là thể thông thường hay gặp nhất. Bắt đầu trương lực cơ mặt khiến bệnh nhân khó nhai, khó nuốt làm mặt bị nhăn lại. Tiếp đến co cơ cổ, gáy, vai, lưng và bụng với các tư thế bất thường cong ưỡn người ra sau, cả người bị thẳng cứng như tấm ván, cơ thể bị cong sang một bên, gập người ra phía trước. Trường hợp chuyển biến nặng gây ra cơn co giật, rối loạn thần kinh thực vật, bệnh nhân tử vong do lồng ngực bị co cứng khó thở.

- Thể uốn ván cục bộ: ít bắt gặp hơn các triệu chứng chủ yếu xảy ra xung quanh vết thương. Ảnh hưởng đến chức năng của một hoặc nhiều dây thần kinh sọ, nguy hiểm nhất là dây thần kinh số 7.

- Thể uốn ván ở trẻ sơ sinh: Trẻ sinh ra bình thường cho đến khi xuất hiện các dấu hiệu khởi phát như bỏ bú do cứng hàm, toàn thân co cứng, người ưỡn cong từ khoảng trong hai tuần đầu sau sinh.

Biến chứng của bệnh uốn ván:

- Uốn ván để lại biến chứng nặng nề khi không được điều trị kịp thời bệnh nhân có nguy cơ tàn tật vĩnh viễn, trẻ bị tổn thương não, bại não.
- Co thắt cơ ngực gây suy hô hấp, khó thở cơ thể thiếu oxy làm tim ngừng đập và tử vong.

Phương pháp chẩn đoán bệnh uốn ván:

- Chủ yếu qua thăm khám lâm sàng và hỏi lịch sử bệnh.
- Các xét nghiệm trong việc phát hiện ra vi khuẩn uốn ván không có giá trị nhiều nên ít khi thực hiện.

Bệnh phong đòn gánh là gì

Những triệu chứng thường gặp của bệnh uốn ván

4. Điều trị bệnh uốn ván

Nhằm giảm tỉ lệ tử vong do uốn ván của bệnh nhân việc điều trị cần dựa trên các nguyên tắc sau: Bất kì vết thương nhẹ hay nặng đều cần xử lý ngay, sát trùng vệ sinh sạch tránh nhiễm trùng. Khi phát hiện nhiễm bệnh cần diệt trừ vi khuẩn, trung hòa độc tố và ngăn ngừa các cơn co cơ.

Các thuốc sử dụng:

- Dùng kháng sinh theo phát đồ điều trị tại bệnh viện tiêu diệt tận gốc tế bào vi khuẩn. Cần tuân thủ uống đúng liều lượng, đúng thời gian.
- Các thuốc kháng độc tố có tác dụng vô hiệu hóa độc tố do vi khuẩn tiết ra trong cơ thể bệnh nhân thường kết hợp với globulin. Bác sĩ sẽ tiêm thuốc trước khi tiến hành điều trị vết thương cho bệnh nhân.
- Thuốc giảm cơn co cứng gồm thuốc nhóm an thần diazepam.

Kết hợp điều trị hỗ trợ:

- Giúp bệnh nhân dễ thở khi bị cứng hàm, khó nuốt.
- Bù nước, điện giải và bổ sung chất dinh dưỡng qua đường truyền dịch hoặc qua ống thông dạ dày.
- Phối hợp các phương pháp điều trị bằng vật lí trị liệu để phòng ngừa co cứng cơ.
- Nhân viên y tế theo dõi các chức năng của ruột, thận, bàng quang bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị.
- Phòng ngừa tắc mạch phổi, xuất huyết và loét tiêu hóa.

5. Phòng ngừa bệnh uốn ván

Một số biện pháp giúp phòng ngừa bệnh uốn ván:

Bệnh uốn ván có thể chủ động phòng ngừa bằng phương pháp tiêm phòng vắc-xin uốn ván. Lưu ý tiêm cho trẻ từ tháng thứ 2 theo chuẩn của Bộ Y tế, và cần tiêm liều nhắc lại sau 10 năm. Khi mang thai cũng cần tiêm vắc-xin uốn ván để phòng ngừa cho cả mẹ và con.

Khi bị thương cần lấy vật ra khỏi vết thương và sát trùng sạch sẽ cho tới khi vết thương lành. Đến cơ sở y tế nếu có bất kì nghi ngờ bị nhiễm uốn ván.

Uốn ván là bệnh nguy hiểm dù đã tiêm phòng cũng cần chú ý không chủ quan với các vết thương hở trên cơ thể.

Bệnh phong đòn gánh là gì

Mẹ mang thai cần tiêm vắc-xin uốn ván đúng theo lịch để phòng ngừa bệnh uốn ván cho mẹ và con

 

Nguồn video: Y Học 360