Các vấn đề về giao dịch liên kết

[TBTCO] - Câu chuyện về giao dịch liên kết luôn là đề tài thú vị đối với cả các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và cổ đông của các công ty đại chúng. Theo đó, mỗi bên quan tâm dựa trên những lợi ích và góc nhìn khác nhau. Trên thực tế, những chuyện “lệch pha” trong quan điểm và góc nhìn của từng đối tượng cũng thường xảy ra.

Ông Phạm Ngọc Long - Phó Tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực Dịch vụ thuế và giá giao dịch liên kết thuộc Công ty Tư vấn EY Việt Nam, đã có buổi trao đổi với Thời báo Tài chính Việt Nam quanh đề tài này.

PV: Các giao dịch liên kết thường được cơ quan quản lý thuế rất cảnh giác, do nghiệp vụ này có thể làm chuyển dịch doanh thu, lợi nhuận từ công ty này sang công ty khác [ngôn ngữ thông thường hay gọi là chuyển giá]. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

Ông Phạm Ngọc Long: Chuyển giá là một thuật ngữ có hàm ý đề cập đến việc doanh nghiệp, thông qua các nghiệp vụ mua bán hàng hóa, dịch vụ [thường là với các bên có liên quan], để chuyển doanh thu từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp, nhằm mục đích giảm nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.

Ông Phạm Ngọc Long

Ở góc độ của cơ quan quản lý thuế, rõ ràng cần phải kiểm soát chặt chẽ việc chuyển giá của các doanh nghiệp để đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế. Việc này đã được quy định tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP [Nghị định 132] của Chính phủ. Đây là văn bản pháp luật hiện hành, quy định nguyên tắc, phương pháp, trình tự xác định yếu tố hình thành giá giao dịch liên kết; quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong xác định giá giao dịch liên kết, thủ tục kê khai; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết.

PV: Thực tế có những loại hàng hóa dịch vụ không có cơ sở [hàng hóa dịch vụ tương đương] để so sánh và xác định mức giá tương đương giao dịch độc lập. Vậy hình thức xác định giá cho các giao dịch này phải thực hiện như thế nào?

Các phương pháp xác định giá giao dịch độc lập được chấp nhận theo quy định tại Nghị định 132:

- Phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập.

- Phương pháp giá bán lại.

- Phương pháp giá vốn cộng lãi.

- Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận thuần.

- Phương pháp phân bổ lợi nhuận.

Ông Phạm Ngọc Long: Hiện nay, có 5 phương pháp so sánh xác định giá giao dịch độc lập được chấp nhận.

Người nộp thuế khi áp dụng theo một trong năm phương pháp trên, nếu giá/tỷ suất lợi nhuận của giao dịch liên kết nằm trong khoảng giá trị giao dịch độc lập thì giá giao dịch đó là phù hợp.

“Khoảng giá trị giao dịch độc lập” là tập hợp các giá trị về mức giá, tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của các đối tượng so sánh độc lập, các giá trị thuộc tập hợp này có mức độ so sánh tin cậy tương đương nhau. Trong trường hợp cần thiết, doanh nghiệp có thể áp dụng phương pháp xác suất thống kê để xác định khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn và giá trị trung vị mang tính chất đại diện, phổ quát, phổ biến nhằm tăng độ tin cậy của tập hợp các đối tượng so sánh độc lập.

Các bên tham gia trong giao dịch liên kết thường có thể trực tiếp hoặc gián tiếp can thiệp vào quyết định của bên kia. Ảnh: T.L

Thực tế cũng có trường hợp mức giá/tỷ suất lợi nhuận/tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của doanh nghiệp không thuộc khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn của các đối tượng so sánh độc lập tương đồng. Khi đó, họ phải xác định giá trị thuộc khoảng giao dịch độc lập chuẩn, phản ánh mức độ tương đồng cao nhất với giao dịch liên kết để điều chỉnh mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của giao dịch liên kết.

Nhìn chung, đây là một vấn đề khá phức tạp và doanh nghiệp cũng phải đối diện nhiều rủi ro pháp lý nếu không nắm chắc quy định pháp luật cũng như kinh nghiệm thực tế. Do đó, các doanh nghiệp nên có sự tham vấn chuyên môn đầy đủ của các chuyên gia tư vấn nhằm đảm bảo tuân thủ cao nhất các quy định về kê khai và lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết.

Doanh nghiệp phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản gì trong giao dịch với các công ty có mối quan hệ liên kết?

Doanh nghiệp có giao dịch liên kết có trách nhiệm kê khai thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết, đồng thời phải lưu giữ và cung cấp hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo mẫu biểu tại Nghị định 132.

Trong đó, những thông tin cơ bản thể hiện trong hồ sơ gồm có thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết, chính sách và phương pháp xác định giá đối với giao dịch liên kết, hồ sơ toàn cầu là các thông tin về hoạt động kinh doanh của tập đoàn đa quốc gia, báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của công ty mẹ tối cao và nhiều thông tin cơ bản khác.

PV: Ngoài cơ quan thuế, cổ đông và nhà đầu tư của các công ty đại chúng cũng khá quan tâm đến các giao dịch liên kết. Vậy, các cổ đông và nhà đầu tư có thể kiểm soát các giao dịch liên kết như thế nào để đảm bảo lợi ích cổ đông đại chúng?

Ông Phạm Ngọc Long: Các nội dung tại Nghị định 132 chỉ tập trung vào mặt quản lý thuế trong các giao dịch liên kết trên cơ sở góc độ quản lý nhà nước, còn với góc độ quan tâm của cổ đông và nhà đầu tư thì thuộc phạm vi quản trị của nội bộ công ty.

Về cơ bản, giao dịch liên kết giữa doanh nghiệp trong nội bộ tập đoàn nếu không làm thất thoát lợi ích chung của toàn tập đoàn ra bên ngoài thì cũng không ảnh hưởng đến lợi ích của các cổ đông.

Ngoài ra thực tế theo tôi được biết, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Chứng khoán năm 2019 cũng có những quy định yêu cầu doanh nghiệp phải thông qua đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị trong các giao dịch với bên liên quan có quy mô lớn. Các cổ đông khi tham gia xây dựng điều lệ công ty cũng có thể yêu cầu công ty đưa thêm những quy định để kiểm soát việc thất thoát lợi ích của doanh nghiệp bởi các giao dịch liên kết [nếu có].

PV: Xin cảm ơn ông!

Ông đánh giá như thế nào về hoạt động quản lý giá chuyển nhượng trong các giao dịch liên kết trong khối các doanh nghiệp FDI trong thời gian qua?

Có thể khẳng định, khu vực FDI ngày càng trở nên quan trọng và là một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế đất nước. Tính đến hết năm 2021, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có 34.527 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 408,1 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 251,6 tỷ USD, bằng 61,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Đây là nguồn lực quan trọng, góp phần tạo công ăn việc làm, xuất khẩu, thu ngân sách của đất nước.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến việc áp dụng chưa phù hợp giá giao dịch liên kết theo quy định của pháp luật thuế của một bộ phận trong khối doanh nghiệp FDI. Đây là thực trạng đau đầu của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.

Việc tuân thủ các quy định về giá giao dịch liên kết không chỉ đối với các doanh nghiệp FDI, mà các doanh nghiệp đại chúng có nhiều giao dịch liên kết phát sinh và đang được hưởng nhiều mức ưu đãi thuế khác nhau, cũng đang là đối tượng được cơ quan thuế quan tâm và đặt câu hỏi trong thanh, kiểm tra thuế. Thêm vào đó, trong một số cuộc họp đại hội đồng cổ đông, bắt đầu có cổ đông quan tâm việc giao dịch của công ty với các bên liên kết và bên liên quan, liệu có tuân thủ theo nguyên tắc giá giao dịch liên kết tại Nghị định 132 hay không.

Trong hơn hai năm qua, để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách như miễn, giảm, giãn thuế. Tuy nhiên, khi nền kinh tế đang vận hành trở lại và dần lấy lại đà tăng trưởng, công tác thanh, kiểm tra thuế, chống thất thu thuế, đặc biệt đối với hoạt động thanh, kiểm tra chuyên đề giá chuyển nhượng trong giao dịch của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, chắc chắn sẽ ngày càng được chú trọng. Thực tế, theo Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2022, cơ quan thuế các cấp đã thanh tra, kiểm tra 74 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu và xử phạt số tiền 288 tỷ đồng, giảm lỗ 488 tỷ đồng, giảm khấu trừ 0,87 tỷ đồng. Trong đó, qua thanh tra, kiểm tra đối với giao dịch liên kết đã truy thu 187 tỷ đồng, giảm lỗ 370 tỷ đồng.

Do đó, các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp đại chúng cần đặc biệt lưu ý để hiểu và tuân thủ quy định pháp luật liên quan tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP nhằm giảm thiểu nguy cơ bị truy thu thuế và các khoản phạt do hiểu sai về áp dụng chính sách giá trong các giao dịch liên kết chưa phù hợp với quy định hiện hành.

Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng trong thời gian qua?

Hoạt động thanh, kiểm tra về thuế và giá giao dịch liên kết của cơ quan quản lý ngày càng hiệu quả và được thực hiện bởi nhiều cán bộ thuế có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực này.

Ví dụ tại TP.HCM, Cục Thuế TP.HCM đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch 1525/KH-BCĐ ngày 13/5/2022 về quản lý, đôn đốc thu và chống thất thu ngân sách năm 2022, với 8 chuyên đề trọng tâm. Trong đó, cơ quan thuế tập trung chuyên sâu có chuyên đề quản lý thu đối với hoạt động chuyển giá.

Tại Hà Nội, trong tháng 6/2022, Cục Thuế TP.Hà Nội có gửi Công văn tới nhiều người nộp thuế yêu cầu giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu liên quan đến các giao dịch liên kết phát sinh và yêu cầu cung cấp hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết để kiểm tra, đánh giá thông tin kê khai của người nộp thuế.

Trong thực tế, có nhiều doanh nghiệp không thực hiện việc xây dựng chính sách giá giao dịch liên kết một cách bài bản và áp dụng nhất quán trong năm, dẫn tới kết quả kê khai thuế có thể không phù hợp với Nghị định 132/2020/NĐ-CP và phải thực hiện điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế tại thời điểm cuối năm hay trong thanh, kiểm tra thuế.

Khá nhiều doanh nghiệp đang hiểu nhầm rằng, khi giao dịch với bên liên kết thì có hợp đồng kinh tế, chứng từ thanh toán kê khai thuế thì được coi là đủ hồ sơ chứng minh giá giao dịch liên kết, dẫn tới khi cơ quan thuế yêu cầu bộ hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết và các mẫu kê khai thông tin giao dịch liên kết thì không xuất trình được và bị rơi vào trường hợp cơ quan thuế có quyền ấn định thuế trong thanh tra.

Trong bối cảnh các biện pháp thực thi pháp luật về giá giao dịch liên kết đã và đang được tăng cường, việc nắm vững quy trình và xu hướng thanh, kiểm tra thuế về giá giao dịch liên kết sẽ là một biện pháp hiệu quả, giúp các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị cho thanh, kiểm tra thuế trong tương lai cũng như giải trình một cách phù hợp với cơ quan thuế trong quá trình thanh, kiểm tra thuế.

Những yêu cầu của cơ quan thuế trong quá trình thanh tra, kiểm tra thuế và giá giao dịch liên kết là gì, thưa ông?

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, trước khi tiến hành thanh, kiểm tra tại trụ sở của doanh nghiệp, cơ quan thuế thường yêu cầu doanh nghiệp cung cấp một số thông tin, tài liệu như: thông tin về các bên liên kết và sơ đồ mô tả mối quan hệ của các bên liên kết, các giao dịch liên kết và chính sách giá của các giao dịch liên kết; các hợp đồng và thỏa thuận giao dịch liên kết cũng như các thông tin về quá trình thương lượng, ký kết, thực hiện và thanh lý các hợp đồng, thỏa thuận này.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng yêu cầu cung cấp tài liệu bao gồm: sơ đồ tổ chức chi tiết, chức năng hoạt động của doanh nghiệp, sơ đồ mô tả quy trình sản xuất kinh doanh và sự tham gia của các bên độc lập và các bên liên kết vào từng khâu của quy trình sản xuất kinh doanh; bảng kê chi tiết sản phẩm, hàng hóa mua vào, bán ra với các bên độc lập và các bên liên kết.

Ngoài ra, người nộp thuế cũng phải chuẩn bị một số tài liệu như: các bản giải trình và cung cấp báo cáo chi tiết tờ khai xuất,nhập khẩu; sổ theo dõi tài sản cố định của công ty và hồ sơ tài sản nhập khẩu, giải trình và cung cấp hồ sơ các khoản vay nợ ngắn hạn và dài hạn; bảng theo dõi chi phí lãi vay phát sinh; các tài liệu, báo cáo về chiến lược kinh doanh, kế hoạch đầu tư, sản xuất kinh doanh của người nộp thuế; quy định và quy trình về chế độ báo cáo tài chính và kiểm soát nội bộ của người nộp thuế.

Sau khi xem xét các thông tin, tài liệu yêu cầu, tùy thuộc vào tình hình cụ thể của người nộp thuế, cơ quan thuế có thể yêu cầu thêm các thông tin, tài liệu bổ sung liên quan trước và trong quá trình thanh, kiểm tra thuế.

Trong bối cảnh các cuộc thanh, kiểm tra về thuế liên quan đến giá giao dịch liên kết đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam, việc người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ tuân thủ về giá giao dịch liên kết và chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết cùng với các thông tin liên quan để cung cấp cho cơ quan thuế đúng thời hạn là yếu tố rất quan trọng.

Hơn nữa, việc người nộp thuế nắm bắt quy trình thanh, kiểm tra thuế, xu hướng thanh, kiểm tra và các yêu cầu, truy vấn điển hình của cơ quan thuế, đồng thời chủ động soát xét giá giao dịch liên kết để phát hiện các rủi ro liên quan và thực hiện điều chỉnh kịp thời trước khi kết thúc năm tài chính và trước các cuộc thanh tra, kiểm tra thuế là rất cần thiết.

Điều đặc biệt quan trọng là người đại diện pháp lý của các doanh nghiệp cần có sự tham vấn chuyên môn đầy đủ của giám đốc tài chính, kế toán trưởng, các chuyên gia tư vấn thuế về giá giao dịch liên kết, nhằm đảm bảo tuân thủ cao nhất các quy định về kê khai và lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết khi doanh nghiệp mình thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 132/2020/NĐ-CP. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát tốt hơn các rủi ro bị điều chỉnh thuế và giảm thời gian giải trình trong thanh, kiểm tra thuế về vấn đề giá giao dịch liên kết.

VnEconomy02/08/2022 06:00

Video liên quan

Chủ Đề