Cách làm Reading TOEIC

TOEIC – Test of English for International Communication [Bài kiểm tra tiếng Anh giao tiếp quốc tế] là một trong những chứng chỉ tiếng Anh phổ biến nhất hiện nay tại Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh thương mại quốc tế. Từ ngày 1 tháng 6 năm 2019, TOEIC đã có những chỉnh lý nhất định trong cấu trúc đề thi nhằm mục đích đánh giá khả năng tiếng Anh của người học một cách khách quan hơn. Theo đó, dạng bài Text Completion [Hoàn thành đoạn văn] đã được thêm vào Part 7 của phần thi TOEIC Reading, và dạng bài này có thể sẽ trở thành trở ngại cho thí sinh khi muốn chinh phục số điểm mong muốn trong bài thi TOEIC. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho thí sinh những hiểu biết cần thiết cũng như hướng dẫn chiến lược làm dạng bài Text Completion trong TOEIC Reading Part 7 một cách hiệu quả.

Đọc thêm:Các dạng đề và chiến lược làm bài TOEIC Reading Part 7

Cấu trúc phần thi TOEIC Reading Part 7

Phần thứ 7 của bài thi TOEIC – Reading Comprehension [Đọc hiểu], là phần thi khó nhất trong kỹ năng Reading vì nó không chỉ kiểm tra thí sinh về năng lực tiếng Anh mà còn về khả năng đọc hiểu, xử lý thông tin của các văn bản liên quan đến bối cảnh kinh doanh – thương mại. Sau đây là bảng so sánh giữa cấu trúc đề thi TOEIC cũ và cấu trúc đề thi TOEIC mới cho phần thi TOEIC Reading Part 7 giúp người học có cái nhìn tổng quan về độ khó và cách thức làm bài.

Bài thi

TOEIC cũ [trước tháng 6/2019]

TOEIC mới [6/2019-nay]

Số câu hỏi

48 câu

54 câu

Dạng văn bản

Email, Memo, Advertisement [quảng cáo], Articles [bài báo], Notes [ghi chú], Flyer[tờ rơi], …

Được bổ sung thêm dạng bài Text Messages [tin nhắn điện thoại, tin nhắn nhóm].

Phân bố câu hỏi

  • 28 câu hỏi cho bài đọc đơn: 9 bài đọc đơn [2-5 câu hỏi cho mỗi bài]

  • 20 câu hỏi cho bài đọc kép: 4 bài đọc kép [mỗi đoạn 5 câu hỏi]

  • 29 câu hỏi cho bài đọc đơn: 10 bài đơn [2-4 câu hỏi cho mỗi bài]

  • 25 câu hỏi cho bài đọc đa: 2 bài kép, 3 bài ba [mỗi bài 5 câu hỏi].

Dạng câu hỏi

  • Main idea: câu hỏi tổng quan [mục đích, nội dung chính của văn bản]

  • Specific idea: câu hỏi về một vấn đề cụ thể trong văn bản [tên người, thời gian, địa điểm, … ]

Có thêm dạng câu hỏi:

  • Word-in-context: thí sinh phải suy luận ra nghĩa của từ dựa vào bối cảnh của văn bản

  • Text Completion: hoàn thành đoạn văn bằng cách điền một câu cho trước vào các vị trí được định vị sẵn trong đoạn văn.

Để tìm hiểu thêm về phương pháp làm bài tổng quát và các dạng văn bản có trong TOEIC Reading Part 7, người học có thể tham khảo bài viết:

Giới thiệu các dạng bài trong TOEIC Reading Part 7 và chiến lược làm bài

Chiến lược làm bài cho dạng câu hỏi Text Completion

Text Completion [hoàn thành đoạn văn] là một trong hai dạng câu hỏi được bổ sung vào đợt 6/2019 vào Part 7 của bài thi TOEIC. Dạng câu hỏi này đã từng được ETS đưa vào bài thi TOEFL – Test of English as a Foreign Language [Bài kiểm tra Năng lực tiếng Anh Quốc tế] dưới hình thức Sentence Insertion [thêm một câu hoàn chỉnh]. Khác với TOEFL, TOEIC không yêu cầu thí sinh phải đọc một văn bản mang tính chất học thuật mà thay vào đó là một văn bản thuộc môi trường kinh doanh, gần gũi với đời sống của thí sinh hơn.

Nhận biết dạng bài

Với dạng câu hỏi này, thí sinh sẽ nhận được yêu cầu đề dưới mẫu như sau:

In which of the positions marked [1], [2], [3], and [4] does the following sentence best belong? [Tạm dịch: Vị trí nào trong số các vị trí được đánh dấu [1], [2], [3] và [4] phù hợp nhất cho câu dưới đây?]

“Câu đề sẽ được đặt trong ngoặc kép.”

Dưới đây là 4 đáp án được đưa ra, thí sinh phải chọn 1 trong 4 đáp án:

  • [1]

  • [2]

  • [3]

  • [4]

Ví dụ: [YBM 2020 – Test 1]

Làm cách nào để làm dạng Text Completion trong bài đọc TOEIC?

Cách tiếp cận

Đây là loại câu hỏi yêu cầu suy thí sinh phải suy luận logic và hiểu đc ý nghĩa của câu đề, ý nghĩa của văn bản và chức năng của câu đề trong văn bản. Từ đó đưa ra kết luận chính xác nhất cho vị trí của câu đề trong văn bản.

*Thí sinh có thể tham khảo phương pháp làm dạng bài Text Completion theo các bước dưới đây

Bước 1: Xác định dạng văn bản

Đầu tiên, thí sinh cần xác định dạng văn bản thí sinh đang đọc thuộc loại văn bản nào [Email, Memo hay thông báo, tờ rơi, …] Dựa vào dạng của văn bản để xác định những thông tin chính. Ví dụ như đối với dạng Email, thí sinh cần nắm được ai là người gửi, ai là người nhận, mục đích của Email này là gì. Ngược lại, đối với dạng thông báo, tờ rơi; thí sinh đọc thật kỹ tiêu đề và tìm câu chủ đề, nội dung chính của thông báo.

Bước 2: Phân tích thông tin trong câu đề

Tất cả các văn bản đều được viết theo một công thức chung nhất định: mởđầu với câu chủ đề [mang luận điểm chính] và theo sau là những luận điểm phụ, ví dụ minh hoạ nhằm chứng minh, làm rõ luận điểm chính]. Vì vậy, nếu câu trong đề bài mang một ý tưởng chung chung, chưa được phân tích cụ thể; rất có thể câu đề sẽ là luận điểm chính và được đặt trước một ví dụ hoặc một câu giải thích nào đó trong đề. Ngược lại, nếu câu đề mang thông tin cụ thể, là ví dụ minh hoạ cho một vấn đề; câu đề sẽ có vị trí sau một luận điểm chính, thông tin chung có trong bài.

Bước 3: Phân tích các từ nối [transition words] trong câu đề

Trong bài thi TOEIC Reading Part 7, câu đề của dạng câu hỏi Text Completion thường được bắt đầu bằng một hoặc một cụm từ nối. Từ nối sẽ giúp cho thí sinh trong việc nhận diện sự liên kết của câu đề với các vị trí trong bài.

  • Câu đề bắt đầu bằng nhóm từ nối chỉ sự đối lập [Adversative transition words] như However, On the contrary, But, … ➯ Vị trí của câu đề là sau một câu mang luận điểm trái ngược.

  • Câu đề bắt đầu bằng nhóm từ nối chỉ nguyên nhân – hệ quả [Casual transition words] như Therefore, Thus, So, … ➯ Vị trí của câu đề là sau câu đưa ra nguyên nhân, lí do xảy ra của một sự việc, hiện tượng mà dẫn tới một kết quả sau đó.

  • Câu đề bắt đầu bằng nhóm từ nối chỉ sự bổ sung [Additive transition words] như For example, Such as, … ➯ Vị trí của câu đề là sau một câu chỉ đến một khái niệm, quy trình, vấn đề cần được giải thích rõ ràng hơn.

Bước 4: Phân tích các đại từ [pronoun] trong câu đề

Thí sinh sẽ thường hay bắt gặp các câu đề có chứa những đại từ chưa được xác định như This, That, Those, These, They, … Thí sinh hãy phân tích những thông tin trong câu và tìm xem những đại từ này đại diện cho sự vật, sự việc, vấn đề gì trong văn bản. Qua đó, có thể tìm kiếm vị trí của câu đề hiệu quả hơn.

Bước 5: Xem xét sự logic về nghĩa của câu đề với các vị trí cho sẵn

Sau khi hoàn thành xong các bước phân tích trên, thí sinh đưa câu đề vào 4 vị trí được cho sẵn trong bài đọc. Cân nhắc về mặt ngữ nghĩa của câu đề htrong mỗi vị trí. Vị trí có thể thỏa 4 bước trên nhưng không phù hợp về nghĩa vẫn không phải là đáp án chính xác.

Các bước làm dạng Text Completion một cách hiệu quả

Lưu ý: 5 bước làm bài trên có thể thay đổi thứ tự hoặc lược bỏ một số bước để phù hợp với nội dung câu đề của từng đề thi.

Một số lưu ý về cách làm dạng Text Completion

Nhìn chung dạng bài này vẫn còn là một dạng câu hỏi nâng cao và mới lạ đối với các thí sinh TOEIC. Thí sinh cần lưu ý những điều sau đây trong quá trình làm dạng bài Text Completion:

  • Mặc dù khi thí sinh cảm thấy vị trí số [1] đã phù hợp với câu đề rồi thí sinh vẫn nên tiếp tục xem xét tất cả các vị trí khác vì có thể vị trí số [1] vẫn chưa phải là vị trí phù hợp nhất hoặc đúng với dụng ý của bài thi nhất.

  • Dạng câu hỏi Text Completion chỉ xuất hiện ở bài đọc đơn [bài đọc một văn bản], và ở mỗi bài đọc chỉ có tối đa một câu hỏi thuộc dạng này.

  • Đối với các bài đọc thuộc dạng văn bản Text Message, Group Message, chỉ xuất hiện dạng câu hỏi Word-in-context chứ không xuất hiện dạng Text Completion.

  • Trong 100 câu của phần Reading, dạng câu hỏi này chỉ chiếm từ 1-2 câu.

Đọc thêm: Phân chia thời gian làm bài hợp lý trong bài thi TOEIC

Ứng dụng thực tế trong TOEIC Reading Part 7

Ví dụ 1: [YBM TOEIC Reading 1000 Vol 2 – Test 1]

Bước 1: Xác định dạng văn bản

Nhìn vào văn bản trên, thí sinh dễ dàng nhận ra văn bản này thuộc loại Article [một mẫu tin tức nhỏ trên báo] nên thí sinh sẽ tập trung vào phân tích mục đích của bài báo này là gì? Những thông tin chính được đề cập đến trong bài? – Để làm được điều này, thí sinh phân tích tiêu đề của bài trước tiên – Glass Containers to Be Banned [Các loại hộp đựng thuỷ tinh bị cấm]. Từ tiêu đề, thí sinh thấy rằng nội dung chính của bài này sẽ thông báo về điều luật mới mà cụ thể là luật cấm sử dụng các loại hộp đựng đồ thuỷ tinh.

Bước 2: Phân tích thông tin trong câu đề

Câu đề có nội dung như sau: “These require a detailed cleanup plan before a permit is issued.” [Tạm dịch: Những [điều này, cái này, nơi này] yêu cầu một chiến lược dọn dẹp cụ thể trước khi được cấp phép hoạt động.] Nội dung của câu đề là để bổ sung ý nghĩa cho một vấn đề trước đó nên câu đề phải đứng sau một câu có nội dung chung chung, chưa được giải thích rõ ràng.

Bước 3: Phân tích các từ nối trong câu đề.

Vì câu đề không có bất kì từ nối nào nên thí sinh sẽ lược bỏ bước này.

Bước 4: Phân tích các đại từ trong câu đề

Câu đề có sử dụng một đại từ chưa được xác định “These” , nhiệm vụ của thí sinh là tìm xem sự vật, sự việc cụ thể mà These đại diện cho ở Bước 5.

Bước 5: Xem xét sự logic về nghĩa của câu đề với các vị trí cho sẵn

Phân tích câu hỏi Text Completion trong đề TOEIC thực tế

Lần lượt xem xét sự logic về nghĩa của câu đề với 4 vị trí được cho sẵn:

  • Vị trí [1]: Chủ ngữ của câu ở vị trí [1] là The Wynnedale City Council [Hội đồng thành phố Wynnedale] – đây là một chủ ngữ ở ngôi thứ ba số ít. Đại từ These trong câu đề lại là một đại từ số nhiều, không thể thay thế cho The Wynnedale City Council ➯ loại đáp án [A]

  • Vị trí [2]: Chủ ngữ của câu ở vị trí [2] là the proposal [lời đề nghị] – đây vẫn là một chủ ngữ ở ngôi thứ ba số ít nên đại từ These trong câu đề không thể thay thế cho chủ ngữ này được. ➯ loại đáp án [B]

  • Vị trí [4]: Chủ ngữ của câu ở vị trí [3] là The council [Hội đồng] – đây cũng là một chủ ngữ ở ngôi thứ ba số ít nên đại từ These trong câu đề không thể thay thế cho chủ ngữ này được. ➯ loại đáp án [D]

  • Vị trí [3]: Chủ ngữ của câu ở vị trí [3] là Large-scale events [Những sự kiện quy mô lớn] – là chủ ngữ ở ngôi thứ ba số nhiều nên đại từ These có thể dùng để thay thế cho chủ ngữ này. Xét về nghĩa khi chúng ta ghép câu đề vào vị trí thứ [3], Large-scale events such as concerts and festivals do not usually contribute to the litter problem. These require a detailed cleanup plan before a permit is issued.
    [Tạm dịch: Những sự kiện quy mô lớn như buổi hòa nhạc và lễ hội thường không góp phần lớn vào vấn đề xả rác bừa bãi. Những sự kiện này yêu cầu một kế hoạch dọn dẹp chi tiết trước khi được cấp phép hoạt động]. Như vậy vị trí [3] thoả mãn bước 1, bước 2 và bước 4. ➯ đáp án đúng là [C].

Ví dụ 2: [YBM TOEIC Reading 1000 Vol 2 – Test 8]

Bước 1: Xác định dạng văn bản

Văn bản trên thuộc dạng Email [thư điện tử]. Để làm tốt các câu hỏi với dạng Email, đầu tiên, thí sinh phải xác định được người gửi và người nhận Email, nội dung chính của Email. Trong trường hợp này, người gửi Email là Customer Service [bộ phận chăm sóc khách hàng] của Field Hughes [có vẻ là tên của một công ty mỹ phẩm]; nhằm thông báo xác nhận đăng ký và chuyển phát đơn hàng đầu tiên cho bà Lacy Joo.

Bước 2: Phân tích thông tin trong câu đề

Câu đề “The ingredients of all cosmetics and edible good are listed in full.” [Tạm dịch: Thành phần của tất cả các loại mỹ phẩm và vật phẩm có thể ăn được đều được liệt kê đầy đủ.] Như vậy, câu đề phải đứng sau một câu liên quan tới các loại mỹ phẩm hoặc thành phần của các loại mỹ phẩm.

Bước 3: Phân tích các từ nối trong câu đề

Câu đề không có từ nối nên thí sinh sẽ bỏ qua bước này.

Bước 4: Phân tích các đại từ trong câu đề

Câu đề không có đại từ mà thay vào đó là chủ ngữ The ingredients, nhiệm vụ của thí sinh là tìm xem nội dung của câu đề bổ nghĩa cho câu nào trong bài.

Bước 5: Xem xét sự logic về nghĩa của câu đề với các vị trí cho sẵn

Phân tích câu hỏi Text Completion trong đề TOEIC thực tế [2]

Lần lượt xem xét sự logic về nghĩa của câu đề với 4 vị trí cho sẵn:

  • Vị trí [1]: Khi ghép câu đề vào vị trí [1], không có sự phù hợp về nghĩa vì câu trước vị trí [1] là câu cảm ơn Ms. Joo vì đã mua hàng ở Field Hughes. ➯ loại đáp án [A]

  • Vị trí [2]: Khi ghép câu đề vào vị trí [2], cũng không có sự phù hợp về nghĩa vì câu trước vị trí [2] là câu thông báo cho Ms. Joo rằng sẽ có tin nhắn nhắc Ms. Joo về ngày nhận được kiện hàng hàng tháng. ➯ loại đáp án [B]

  • Vị trí [4]: Khi ghép câu đề vào vị trí [4], cũng không có sự phù hợp về nghĩa vì câu trước vị trí [4] là câu giới thiệu về chương trình khuyến mãi khi Ms. Joo đề xuất với bạn bè của mình sử dụng dịch vụ ở Field Hughes.

  • Vị trí [3]: Câu trước của vị trí [3]: “Please examine it closely beforehand to avoid any potential problems with allergy-inducing products.” [Tạm dịch: Xin kiểm tra nó thật kỹ trước khi sử dụng để tránh những vấn đề có thể xảy ra với những sản phẩm có thể gây dị ứng.] Khi ghép câu đề vào vị trí [3], có sự thích hợp về nghĩa vì để tránh những sản phẩm dị ứng, Ms. Joo cần kiểm tra thật kỹ bản thành phần sản phẩm. ➯ đáp án đúng là [C]

Tổng kết

Tuy dạng bài Text Completion còn khá mới lạ với người học trong 1 năm gần đây, người học có thể tự tin chinh phục dạng câu hỏi này nếu nắm vững chiến thuật làm bài cũng như các phân tích các từ khóa trong bài đọc và câu hỏi đề. Cách làm dạng bài Text Completion gồm 5 bước cơ bản, và người học cần nhiều nỗ lực ghi nhớ, hay nói cách khác là học ngữ pháp và từ vựng, cũng như luyện tập thường xuyên để việc phân tích đề và đưa ra đáp án được nhanh chóng và chính xác hơn.

Tìm hiểu thêm: Cách xử lý dạng Word-in-context trong TOEIC Reading Part 7

Bùi Hoàng Phương Uyên

Video liên quan

Chủ Đề