Chính sách ngoại giao có mấy nguyên tắc

QPTD -Thứ Hai, 22/04/2019, 08:51 [GMT+7]

Giữ vững nguyên tắc chiến lược trong quan hệ đối ngoại

Những năm qua, thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế; đồng thời, đóng góp xứng đáng vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Công tác đối ngoại có được kết quả trên là do nhiều nguyên nhân, trong đó điểm mấu chốt là luôn quán triệt và thực hiện tốt phương châm: “Giữ vững nguyên tắc chiến lược; linh hoạt, mềm dẻo về sách lược”.

Đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng được hoạch định trên cơ sở kế thừa truyền thống ngoại giao hòa hiếu, thân thiện của dân tộc, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và từ thực tiễn tình hình trong nước, quốc tế. Qua từng thời kỳ, đường lối đó có sự bổ sung phù hợp, ngày càng hoàn thiện và là nhân tố quyết định thắng lợi trên “mặt trận ngoại giao” ở mọi bình diện, cấp độ, cả đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Giữ vững nguyên tắc chiến lược trong quan hệ đối ngoại tức là giữ vững độc lập, tự chủ, không lệ thuộc vào nước ngoài, không để họ can thiệp, chi phối trên các phương diện, đặc biệt về chính trị. Nguyên tắc chiến lược này, được kiên trì thực hiện kể từ khi nhân dân ta giành độc lập dân tộc bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại [1945] đến nay. Để giữ vững độc lập dân tộc, quân và dân ta đã bền bỉ đấu tranh anh dũng, chịu sự hy sinh, mất mát vô cùng lớn qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược [1954 - 1975], cũng như chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, chúng ta thấu hiểu tầm quan trọng và giá trị không gì có thể so sánh được của độc lập dân tộc. Có độc lập, tự do, sẽ có tất cả. Không có nó, tất nhiên sẽ không có bất cứ thứ gì, có chăng là “xiềng xích và nô lệ”. Vì thế, giữ vững độc lập, tự chủ là mục tiêu, nguyên tắc và là phương châm chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ hoạt động đối ngoại của Đảng. Thực hiện nguyên tắc chiến lược này, thể hiện sự thấm nhuần, quán triệt sâu sắc phương châm: “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng tư tưởng bất hủ đã trở thành chân lý của Người: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, chúng ta càng phải tỉnh táo, kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược này. Tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước gắn với bảo vệ Tổ quốc là chủ trương nhất quán của Đảng. Thực hiện hội nhập, hợp tác toàn diện, lấy hội nhập kinh tế làm trung tâm để phát triển đất nước nhanh, bền vững, nhưng không phải bằng bất cứ giá nào, nhất là những việc gây tổn hại đến lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc: độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chúng ta biết, để nước ta có được uy tín, vị thế như hiện nay trên trường quốc tế là điều không hề dễ. Đó là cả một chặng đường dài với sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trên mọi lĩnh vực; trong đó, có đóng góp tích cực của hoạt động đối ngoại, trên cơ sở thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đây cũng là thông điệp mà Việt Nam gửi tới tất cả các quốc gia trên thế giới, gồm các quốc gia đã, đang và sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao trong thời gian tới.

Thúc đẩy mở rộng quan hệ hợp tác, phát triển là nhu cầu của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhưng, trong tình hình phức tạp hiện nay, nhất là trước sự cạnh tranh chiến lược gay gắt của các nước lớn, nên trong quan hệ quốc tế dưới các hình thức cũng rất khó lường và không dễ để nhận biết thực chất của vấn đề trong các mối quan hệ hợp tác. Bên cạnh những mối quan hệ hợp tác hữu nghị, “bình đẳng, cùng có lợi”, vẫn còn đó những mối quan hệ thiếu trong sáng, không vì lợi ích chung của cộng đồng, mà chỉ vì lợi ích riêng của quốc gia - dân tộc mình. Thậm chí, có cả những quan hệ, hợp tác song phương mờ ám, mang danh nghĩa hợp tác nhưng thực chất là sự đổi chác, mặc cả thô bạo trên lưng nước khác, hoặc che đậy mục đích chính trị nhằm chống phá chế độ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, lãnh thổ của “đối tác”. Nói như vậy để thấy tính chất phức tạp trong quan hệ đối ngoại hiện nay không đơn thuần chỉ có đối tác và hợp tác, mà còn có cả đối tượng và đấu tranh. Điều đó đòi hỏi chúng ta hết sức tỉnh táo, phân biệt đúng đối tác, đối tượng và thấy rõ tính chất đan xen, sự chuyển hóa linh hoạt giữa đối tác và đối tượng, hợp tác và đấu tranh. Trong bối cảnh đó, hơn lúc nào hết, càng phải coi trọng việc giữ vững nguyên tắc chiến lược: “độc lập, tự chủ”; đồng thời, linh hoạt, mềm dẻo về sách lược trong quan hệ đối ngoại. Trong đó, giữ vững độc lập, tự chủ là nguyên tắc chiến lược, bất luận trong hoàn cảnh nào và với bất cứ ai, chúng ta cũng phải triệt để tuân thủ, nhằm bảo đảm cho hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước đúng định hướng, không phạm phải sai lầm nghiêm trọng. Còn linh hoạt và mềm dẻo là sách lược, phương pháp ngoại giao thông minh, khôn khéo, một mặt nhằm tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại, mặt khác có đối sách phù hợp với từng đối tác, đối tượng cụ thể, nhất là trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm.

Cùng với việc giữ vững nguyên tắc chiến lược, sách lược trong hoạt động đối ngoại, điều quan trọng là cần vận dụng đúng đắn quan điểm của Đảng về đối tác, đối tượng: “Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ đối tượng nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta”. Theo đó, trong mỗi đối tượng vẫn có thể có những mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh. Trên cơ sở phân biệt đúng đối tác, đối tượng, cần có cách ứng xử và đối sách phù hợp nhằm “thêm bạn, bớt thù”, tránh được xung đột, đối đầu, cô lập, phụ thuộc.

Như vậy, hợp tác và đấu tranh là hai mặt không thể thiếu và luôn gắn chặt với nhau trong quan hệ đối ngoại. Mở rộng hợp tác với các đối tác là tiền đề để phát triển đất nước và tạo sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trước các vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan đến nhân quyền, chủ quyền, tranh chấp lãnh thổ, v.v. Cùng với hợp tác, không được coi nhẹ mặt đấu tranh; hơn thế, phải “kiên quyết, kiên trì đấu tranh” với những thế lực có âm mưu và hành động chống phá, xâm hại độc lập, chủ quyền, lãnh thổ của ta. Trên thực tế, cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc đã và đang diễn ra hết sức cam go, quyết liệt và khó có thể kết thúc trong “một sớm một chiều”. Vì thế, cần phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, thông lệ quốc tế và sự thật lịch sử. Trước đây cũng như hiện nay, cuộc đấu tranh của nhân dân ta luôn là cuộc đấu tranh chính nghĩa, vì sự công bằng và lẽ phải, được nhân loại ủng hộ, nên sớm hay muộn cũng sẽ thành công là điều tất yếu.

Đối ngoại quốc phòng là một bộ phận của đối ngoại Đảng, Nhà nước, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để đạt hiệu quả cao trong hoạt động đối ngoại quốc phòng, đương nhiên phải quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, trong đó tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc độc lập, tự chủ. Vấn đề này càng trở nên quan trọng hơn, bởi lĩnh vực quốc phòng có tính đặc thù cao, tiềm ẩn nhiều nhân tố nhạy cảm, quan hệ trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Thời gian qua, nhờ kiên định thực hiện nguyên tắc chiến lược đi đôi với sách lược, phương pháp đối ngoại phù hợp với các đối tác, đối ngoại quốc phòng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp xứng đáng vào thành công chung trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Nổi bật là, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với các đối tác, nhất là các nước lớn, các đối tác chiến lược, các nước láng giềng và các nước trong khu vực; củng cố lòng tin, sự hiểu biết lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng lực lượng vũ trang, tham gia phối hợp diễn tập và các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống. Đặc biệt, đối ngoại quốc phòng đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nói chung của Đảng, Nhà nước, đưa các quan hệ đối tác đi vào chiều sâu, thực chất; chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, nhất là ASEAN và Liên hợp quốc. Việt Nam không chỉ tham gia tích cực, hiệu quả vào công việc chung của cộng đồng quốc tế, các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc mà còn góp phần kiến tạo hòa bình trong khu vực và trên thế giới. Việc tổ chức thành công cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm và Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 02-2019 tại Thủ đô Hà Nội là một ví dụ điển hình. Đó cũng là một trong những điểm sáng, sự khởi sắc của hoạt động đối ngoại, qua đó tiếp tục khẳng định uy tín, vị thế, tầm vóc của nước ta trên trường quốc tế.

Kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược: độc lập, tự chủ đi đôi với linh hoạt, mềm dẻo về sách lược trong hoạt động đối ngoại là quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời, cũng là bài học đối ngoại quý báu của dân tộc Việt Nam được đúc kết từ thực tiễn lịch sử. Điều quan trọng là, chúng ta cần thấu suốt và thực hiện tốt để không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Thiếu tướng NGUYỄN MẠNH HÙNG

Video liên quan

Chủ Đề