Có nên xây dựng đặc khu kinh tế

Đây là nội dung được trao đổi tại hội thảo với chủ đề: “Đặc khu – thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công” do Viện Kinh tế Việt Nam, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày 18/5 tại Hà Nội.

Có nên xây dựng đặc khu kinh tế
Các chuyên gia đại biểu thảo luận tại Hội thảo.Ảnh:VGP/Huy Thắng

Luật nên tiếp cận thận trọng nhưng không quá cầu toàn

Dự kiến tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV sẽ thông qua Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu), điều này thể hiện sự nhất quán và quan tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đối với mô hình này.

Hiện nước ta đang xây dựng mô hình đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang). Việc phát triển 3 đặc khu này thể hiện sự nhất quán, quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với việc xây dựng sân chơi mới, luật chơi mới, với thể chế, chính sách vượt trội, cạnh tranh để thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, theo nhiều nhà đầu tư, cần tạo điều kiện thuận lợi, chính sách ổn định, để doanh nghiệp yên tâm đầu tư kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự án Luật về Đặc khu kinh tế được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Dự án Luật đã được đóng góp ý kiến, chỉnh lý hoàn thiện và sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 5 khai mạc vào cuối tháng này.  Đây là vấn đề mới và là vấn đề khó chưa có tiền lệ. Do đó việc xây dựng bộ Luật cần phải tiếp cận theo hướng thận trọng, cạnh tranh, phải phù hợp với thông lệ quốc tệ là cần thiết, đảm bảo tính khả thi của Dự án là cần thiết. Thế nhưng chúng ta không quá cầu toàn, bởi đây là vấn đề mới đối với đất nước, trong khi thế giới thay đổi liên tục. Do đó, trong quá trình thực tế nếu cần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thì chúng ta lại tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa và bổ sung.

Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định, việc phát triển các đặc khu tại Việt Nam sẽ mang lại nhiều lợi ích, như tăng hấp dẫn trong thu hút nhà đầu tư lớn trên thế giới, tạo ra các phòng thí nghiệm để xây dựng và thử nghiệm chính sách mới… Yếu tố quyết định thành công là tạo ra thể chế chính sách thuận lợi, cung cấp được cơ sở hạ tầng chất lượng cao, đáng tin cậy, môi trường kinh doanh hiệu quả, thuận lợi. Bài học từ những nước thất bại với mô hình đặc khu là quá dè dặt trong xây dựng chính sách.

Ông Lê Minh Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bim Group chia sẻ, với vai trò nhà đầu tư, doanh nghiệp mong muốn có thể chế minh bạch. Đặc biệt đối với các nhà đầu tư chiến lược hiện nay các luật định rất chồng chéo có nhiều giấy phép vẫn phải về trình lên các bộ phụ trách. Các nhà đầu tư kỳ vọng nếu có cơ chế chính sách một cửa phân quyền về đầu tư, kỳ vọng vào thể chế minh bạch, cởi mở chứ không phải cơ chế xin cho. 

Các nhà đầu không chỉ quan tâm đến những ưu đãi về thuế, đất đai tại Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt mà rất chú trọng đến chính quyền tại Đặc khu, cơ chế chính sách, thủ tục cho các nhà đầu tư,  các cam kết về chính sách ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh bình đăng minh bạch; 

Ông Sebastian Eckardt cho hay, trên thế giới có hàng nghìn đặc khu kinh tế (ĐKKT), khu công nghiệp, khu chế xuất và các loại hình tương tự nhưng chỉ có vài khu là thành công trong việc tạo ra các hoạt động kinh tế đáng kể. Phần lớn còn lại thì không. Vậy Việt Nam cần có những gì để các đặc khu thành công?

Như vậy, các đặc khu ở Việt Nam phải là “phòng thí nghiệm thể chế” với môi trường chính sách tốt, còn nếu chỉ thu hút đầu tư bằng nhiều chính sách ưu đãi về đất đai, về thuế, như thế sẽ lại dẫn đến “một cuộc đua xuống đáy”.

Cần chính sách ổn định và thu hút người tài

Ông Teo Eng Cheong, Giám đốc Quốc tế (Singapore, Đông Nam Á, Bắc Á) của Tập đoàn Surbana Jurong (Singapore) góp ý, việc quan trọng nhất là phải xác định rõ ràng các mục tiêu của việc thiết lập một đặc khu. Thông thường, các đặc khu được tạo ra thường nhằm tạo ra việc làm, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển ngành đặc thù, chuyển giao công nghệ; rất khó tạo ra được một đặc khu có thể đáp ứng được tất cả các mục tiêu trên. Vì vậy, phải xác định được đâu là nhân tố quan trọng nhất với đặc khu. Như thế, các chiến lược phát triển sẽ được xác định rõ ràng hơn. 

Nếu các cơ quan Nhà nước bị hấp dẫn quá nhiều mục đích đan xen, có thể khiến tính nhất quán mất đi, dẫn đến đặc khu không những không hoàn thành mục tiêu mà còn không thành công. 

Ông Teo Eng Cheong cũng cảnh báo, một thất bại chung của rất nhiều đặc khu là do trì hoãn đổi mới  các chính sách cần thiết vì e ngại tự do hóa diễn ra quá nhanh và mất kiểm soát.

Về vấn đề quản lý, ông Teo Eng Cheong cho rằng đặc khu sẽ tồn tại hàng thập kỷ nên công tác quản lý đặc khu mang tính dài hạn. Đội ngũ quản lý cần phải giữ vững tầm nhìn của đặc khu, tuân thủ theo quy hoạch tổng thể… 

Cơ chế giữa ban quản lý đặc khu và Chính phủ cũng là một vấn đề quan trọng. Đặc khu thường kỳ vọng có quyền tự chủ ở mức độ cao, giải phóng đặc khu khỏi các ràng buộc đối với các cơ quan nhà nước. Hiện ngày càng nhiều đặc khu được quản lý theo cơ chế PPP (hợp tác công tư), do đó đặc khu có thể được quản lý bởi công ty tư nhân. 

PGS.TS. Trần Đình Thiên – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, Dự thảo các quy định về đặc khu đã được thảo luận rất kỹ, đã được chỉnh lý sửa đổi nhiều lần, đã tham khảo đủ hết kinh nghiệm thế giới từ cả thành công lẫn không thành công. Tuy nhiên, trong trên thế giới, các đặc khu đã tới thế hệ thứ 4, thứ 5, còn Việt Nam mới chỉ ở điểm xuất phát.

“Đã xuất phát muộn mà muốn thành công thì chúng ta phải vượt lên, Việt Nam có cơ hội để vượt lên bằng các kinh nghiệm của quốc tế, cái chính chúng ta có muốn thật sự muốn thay đổi vượt lên không”, ông Trần Đình Thiên nói.

Trong dự thảo quy định mới, điểm gây tranh cãi cũng như kỳ vọng đột phá nhiều nhất chính là mô hình chính quyền ở đặc khu. Những lo ngại là có cơ sở khi ngay cả thời điểm hiện tại, ở các địa phương có bộ máy quản lý bình thường, đã xuất hiện các nhóm lợi ích câu kết thu lợi, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.

Theo dự thảo mới nhất, chính quyền địa phương tại đặc khu có Hội đồng nhân dân (HĐND) đặc khu (có 19 thẩm quyền) và Ủy ban nhân dân (UBND) đặc khu (có 14 thẩm quyền) và ở dưới là bộ máy giúp việc của HĐND, UBND gồm Văn phòng giúp việc chung HĐND và UBND, các cơ quan chuyên môn.

Ông Nguyễn Văn Phúc – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cố vấn đặc biệt của ban soạn thảo cho biết, tuy mô hinh chính quyền đặc khu như dự thảo có HĐND và UBND nhưng đây là một sự đổi mới mạnh mẽ, là một sự vượt trội với cơ cấu tổ chức có sự khác biệt lớn với mô hình chính quyền địa phương hiện hành.

Đặc biệt, người đứng đầu đặc khu là Chủ tịch UBND đặc khu được giao thẩm quyền rất lớn với 70 thẩm quyền liên quan đến thực hiện hầu hết các thẩm quyền về điều hành, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội tại đặc khu.

Mô hình chính quyền đặc khu như dự thảo được cho là có đổi mới mạnh mẽ nhưng lại xa với kỳ vọng về một mô hình đột phá với thể chế vượt trội. Vấn đề đang đặt ra là cần hoàn thiện mô hình này như thế nào để khả thi.

Có cùng quan điểm, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng cần có cơ chế chính sách minh bạch, đơn giản, thuận lợi cho nhà đầu tư.

“Nhưng khi có luật gì thì cốt lõi phải có cơ chế tìm được người tài có đủ trình độ, có năng lực để giúp hiện thực hóa những cơ chế đột phá trong luật. Cần có chính sách đột phá về thu hút người tài song song với chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư”, ông Trần Du Lịch nói.

Huy Thắng


Tại Hội thảo "Đặc khu - Thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công" được tổ chức sáng 18/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc phát triển ba đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà), Phú Quốc (Kiên Giang) thể hiện Việt Nam mạnh dạn xây dựng sân chơi mới, luật chơi mới với thể chế chính sách vượt trội để cạnh tranh thu hút đầu tư trong nước và quốc tế ngay tại lãnh thổ Việt Nam.

Các đặc khu kinh tế này được định hướng phát triển với hai mục tiêu chính là hình thành 3 khu vực tăng trưởng kinh tế cao có tác động lan toả với khu vực và toàn bộ nền kinh tế, thu hút công nghệ cao với lĩnh vực cạnh tranh phù hợp về kinh tế, phát triển bền vững về môi trường, nâng cao đời sống người dân.

Đồng thời, chủ động tạo ra sân chơi mới với các thể chế chính sách đặc biệt thuận lợi, vượt trội, cạnh tranh quốc tế cho phát triển khởi nghiệp….

Để xây dựng và thu hút đầu tư vào đặc khu, Dự án Luật Đặc khu kinh tế được xây dựng trên cơ sở không trái với Hiến pháp, không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia, môi trường, sức khoẻ của người dân. Luật quy định quyền tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm gắn với chính sách vượt trội, cạnh tranh như ưu đãi về thuế và đất đai, tổ chức chính quyền, thẩm quyền người đứng đầu…

Dự án Luật Đặc khu sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua vào Kỳ họp thứ 5 tới. 

Góp ý kiến về Dự thảo Luật Đặc khu kinh tế, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, 3 điểm thành công của đặc khu trên thế giới là địa điểm tốt, kết nối hạ tầng tốt và là nơi có môi trường chính sách tốt. Các khu kinh tế mới thực hiện từ năm 90 của thế kỷ trước, đặc khu kinh tế nổi tiếng nhất Thẩm Quyến, Thượng Hải (Trung Quốc) sau đó mô hình đặc khu này được làm phổ biến trên thế giới.

Tuy nhiên, những khu đặc khu kinh tế cũ thành công như ở Trung Quốc, Singapore... chưa chắc đã là kinh nghiệm tốt đối với Việt Nam.

Nếu áp dụng mô hình cũ, chúng ta sẽ gặp các rủi ro. Hạn chế đầu tư ở các đặc khu hiện nay là việc phân mảnh môi trường pháp quy, tạo ra sân chơi không bằng phẳng, chỉ có ở địa phương. Thứ nữa là hiệu ứng nghịch, một số ưu đãi về thuế có thể bị lạm dụng, điều này không có lợi.

"Quan trọng nhất, chúng tôi lo ngại là Việt Nam xây dựng và làm nhiều đặc khu khác nhau, điều này có thể phát sinh những "cuộc đua xuống đáy" của chính sách, ưu đãi. Thay vì đưa ra những chính sách bằng nhau thì các đặc khu cắt giảm khuôn khổ, xé rào chính sách. Điều này dẫn tới các ảnh hưởng không mong muốn, như tác động môi trường, thay đổi chuẩn mực môi trường", ông Sebastian nói.

Vị này nhấn mạnh: Chúng ta không muốn nhìn thấy đặc khu như một hòn đảo tách rời khỏi đất nước. Chúng ta cần chú ý, để đảm bảo đầu tư vào đặc khu có đóng góp cho phát triển tổng thể ở Việt Nam bền vững hơn.

Kinh nghiệm quốc tế thành công thì đòi hỏi có chiến lược công nghiệp tổng thể, các yếu tố như môi trường, cơ sở hạ tầng chính sách cần đồng bộ, hiệu quả để đầu tư lan toả.

Đặc khu 1960 xây dựng là lúc kinh tế thế giới đóng, vì thế mà các ưu đãi thuế phát huy hiệu quả. Nhưng hiện nay Việt Nam là mở nhất thế giới, chúng ta phải tìm kiếm nguồn đầu tư và tài nguyên phát triển trong tương lai trong mối quan hệ mới, cần những chính sách mới thay vì chỉ cởi bỏ thuế quan.

Việt Nam đã có những cơ hội là nhân lực thấp, chế biến chế tạo. Trong tương lai, ông Sebastian cho rằng, chúng ta nên tập trung vào tạo ra công việc làm cho tương lai, năng suất cao, sáng kiến về chi phí và lợi ích. Hơn nữa, cần tập trung vào trách nhiệm giải trình, không nên tập trung vào ưu đãi thuế, phải định hướng vào các ngành chiến lược và tránh phân mảnh chính sách.