Đánh giá cuối năm cho trẻ mầm non năm 2024

Sở GD&ĐT hướng dẫn phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các trường mầm non trên địa bàn đánh giá chất lượng cuối năm học 2016-2017 theo Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi thống nhất trong toàn trường.

Theo đó, yêu cầu nhà trường thông báo rộng rãi tới phụ huynh và nhân dân về kế hoạch đánh giá chất lượng cuối năm học 2016 -2017 theo Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi của trường, tổ chức địa điểm đánh giá trang trọng, an toàn, đảm bảo đầy đủ đồ dùng, trang thiết bị phục vụ việc đánh giá.

Tổ chức đánh giá nhẹ nhàng, phù hợp với tâm lý của trẻ, đảm bảo an toàn, khoa học và nghiêm túc.

Ngay sau khi hoàn thành việc đánh giá, lãnh đạo trường mầm non tổng họp số liệu, thông báo kết quả đánh giá tới các lớp 5 tuổi và phụ huynh; đối với những trẻ được đánh giá Chưa đạt, nhà trường xây dựng kế hoạch phối hợp với gia đình trẻ tiếp tục bồi dưỡng để đảm bảo cho 100% trẻ năm tuổi hoàn thành Chương trình GDMN với chất lượng tốt trước khi vào lớp 1.

Đối với những lớp có nhiều trẻ chưa đạt ở cùng một chỉ số, nhà trường cần có tư vấn cụ thể để giáo viên điều chỉnh kế hoạch giáo dục trẻ ở năm học 2017-2018.

Phiếu đánh giá là hồ sơ lưu của trường để theo dõi phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi. Kết quả đánh giá là minh chứng cho chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ của trường mầm non và chất lượng đánh giá thường xuyên theo Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi của giáo viên chủ nhiệm lórp.

Thời gian đánh giá hoàn thành trước ngày 12/5/2017. Đối tượng đánh giá là tất cả trẻ năm tuổi đang học tại các trường mầm non, các lớp mẫu giáo độc lập đã được cấp phép hoạt động và thực hiện đúng Chương trình GDMN do Bộ GD&ĐT quy định.

Sở GD&ĐT yêu cầu các phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch chỉ đạo các trường mầm non tổ chức đánh giá trẻ năm tuổi cuối năm theo Bộ chuẩn một cách khoa học, không làm ảnh hưởng đến hoạt chung của trường; hướng dẫn các nhà trường thành lập hội đồng đánh giá phù hợp với địa bàn, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi trẻ em năm tuổi đều được tham gia đánh giá.

Nhà trường xây dựng bộ công cụ đánh giá thống nhất trong toàn trường, bao gồm một số chỉ số được lựa chọn từ 120 chỉ số của Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi (số lượng chỉ số chọn để đánh giá tùy thuộc vào từng nhà trường song phải đảm bảo cân đối giữa các lĩnh vực). Phiếu đánh giá ghi rõ các minh chứng của chỉ số và phương pháp đánh giá.

Mỗi trẻ có một phiếu, giáo viên căn cứ theo minh chứng để đánh giá trẻ theo hai mức độ: Đạt; Chưa đạt.

Trẻ được đánh giá Đạt nếu hoàn thành 70% trở lên số chỉ số đưa ra đánh giá.

Theo GD&TĐ

Thực hiện kế hoạch năm học 2022 – 2023, ngày 09 tháng 5 năm 2023 trường mầm non Mỹ Đức tổ chức kiểm tra đánh giá, chất lượng trẻ cuối năm với 100% trẻ ở các độ tuổi, nhằm đánh giá chất lượng kết quả các hoạt động chăm sóc - giáo dục trẻ.

Trong 2 ngày 09 và 10 tháng 5, Ban giám hiệu và 1 số đồng chí giáo viên cốt cán trong nhà trường đã tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng trẻ cuối năm học tại 19 nhóm lớp. Hầu hết trẻ đều mạnh dạn, tự tin, kỹ năng sống tốt; trẻ biết đọc bài thơ, múa, hát, kể chuyện, biết thêm bớt trong phạm vi 5 đến 10, đọc và phát âm chuẩn 29 chữ cái.......

Quá trình kiểm tra đánh giá đã được thực hiện nghiêm túc trên 100% trẻ, các câu hỏi bám sát vào mục tiêu giáo dục của từng độ tuổi qua các lĩnh vực phát triển: Nhận thức, Ngôn ngữ, Thẩm mỹ, Thể chất, Tình cảm kỹ năng xã hội, hoạt động trải nghiệm thực tế và kỹ năng trong cuộc sống hàng ngày của trẻ.

Ban giám hiệu đánh giá trẻ đều đạt và vượt so với yêu cầu của độ tuổi. Bên cạnh đó thì vẫn còn một số bé cần cố gắng hơn, do còn nhút nhát, chưa tự tin.

Kết quả kiểm tra đánh giá cũng là cơ sở để xếp loại chất lượng, xếp loại thi đua cho từng giáo viên trong năm học. Giúp nhà trường có thêm cơ sở đánh giá, phân loại giáo viên từ đó có kế hoạch xây dựng bồi dưỡng công tác chuyên môn, năng lực đội ngũ giáo viên và sắp xếp giáo viên dạy các nhóm, lớp trong năm học tiếp theo.

Để có được kết quả như trên, tập thể cán bộ giáo viên, nhân viên trường MN Mỹ Đức đã thực hiện nghiêm túc chương trình GDMN theo quy định, làm tốt công tác phối kết hợp với cha mẹ trẻ trong quá trình thực hiện công tác CS-GD trẻ. Hầu hết giáo viên có nhiều biện pháp sáng tạo, ứng dụng các phương pháp đổi mới, tiên tiến trong quá trình dạy học. Trong năm học tới cô và trò trường mầm non Mỹ Đức sẽ cố gắng không ngừng để chất lượng năm học tiếp theo ngày càng tốt hơn.

Đánh giá trong giáo dục là một bộ phận hợp thành rất quan trọng của quá trình giáo dục, có vai trò phản hồi và tích cực trong việc điều chỉnh biện pháp tác động, hình thức tác động, nội dung giáo dục… hướng đến đạt mục tiêu.

Đánh giá sự phát triển của trẻ trong giáo dục mầm non (GDMN) là gì và khác biệt gì so với các cấp học khác?

Đánh giá sự phát triển của trẻ trong giáo dục mầm non là quá trình thu thập thông tin về trẻ một cách hệ thống và phân tích, đối chiếu với mục tiêu của Chương trình GDMN nhận định về sự phát triển của trẻ nhằm điều chỉnh kế hoạch chăm sóc, giáo dục trẻ một cách phù hợp.

Đánh giá trẻ trong GDMN xác định mức độ phát triển của trẻ so với mục tiêu của từng độ tuổi để có biện pháp thích hợp giúp trẻ tiến bộ. Đánh giá trẻ bao gồm: đánh giá hằng ngày và đánh giá theo giai đoạn. Ðánh giá sự phát triển của trẻ qua các hoạt động, các giai đoạn cho ta biết được những biểu hiện về tâm sinh lý của trẻ hàng ngày, sự phát triển toàn diện của trẻ qua từng giai đoạn, khả năng sẵn sàng, chiều hướng phát triển của trẻ ở những giai đoạn tiếp theo từ đó có thể phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau:

- Ðánh giá trẻ thường xuyên giúp giáo viên có được thông tin về sự tiến bộ của trẻ trong một thời gian dài;

- Xác định được những khó khăn và nguyên nhân cụ thể trong sự phát triển của trẻ làm cơ sở để giáo viên đưa ra các tác động giáo dục phù hợp với trẻ;

- Giúp giáo viên biết được hiệu quả của các hoạt động, mức độ kết quả đạt được theo dự kiến, làm sáng tỏ những vấn đề đòi hỏi phải có kế hoạch bổ sung;

- Ðánh giá là cơ sở để xác định những nhu cầu giáo dục cá nhân đứa trẻ, căn cứ cho việc xây dựng kế hoạch tiếp theo;

- Làm cơ sở để trao đổi, đưa ra những quyết định phối hợp trong giáo dục trẻ với cha mẹ trẻ, với giáo viên nhóm/lớp hoặc cơ sở giáo dục khác nơi sẽ tiếp nhận trẻ tiếp theo;

- Làm cơ sở đề xuất đối với các cấp quản lý giáo dục trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ của nhóm/ lớp/ trường/ địa phương.

Nội dung đánh giá sự phát triển của trẻ trong trường mầm non gồm: Đánh giá sự phát triển về các lĩnh vực: thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm - kỹ năng xã hội và thẩm mỹ.

Đánh giá cuối năm cho trẻ mầm non năm 2024

Hoạt động trải nghiệm tại trường mầm non Mường Báng số 2, huyện Tủa Chùa

Về phương pháp đánh giá: Khác với các cấp học khác, chủ yếu đánh giá chất lượng học tập của học sinh qua các bài kiểm tra, các bài tập được đánh giá bằng điểm số, giáo dục mầm non theo dõi và đánh giá sự phát triển của trẻ thông qua: quan sát tự nhiên; trò chuyện với trẻ; phân tích sản phẩm hoạt động của trẻ; sử dụng tình huống; trao đổi với phụ huynh. Tuy nhiên, quan sát tự nhiên là phương pháp được sử dụng chủ yếu nhất trong trường mầm non.

Về hình thức: Hoạt động đánh giá sự phát triển của trẻ trong nhà trường chủ yếu do giáo viên tiến hành trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ. Các cán bộ quản lí giáo dục tiến hành đánh giá với các mục đích khác nhau nhưng cùng hướng đến là làm thế nào để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Đánh giá trẻ hằng ngày nhằm mục đích gì, đánh giá những gì và đánh giá như thế nào?

Hằng ngày giáo viên đánh giá những diễn biến tâm, sinh lý của trẻ trong các hoạt động, nhằm phát hiện những biểu hiện tích cực hoặc tiêu cực để kịp thời điều chỉnh kế hoạch chăm sóc, giáo dục trẻ.

Hằng ngày giáo viên thực hiện đánh giá về tình trạng sức khoẻ, thái độ, trạng thái cảm xúc, hành vi, kiến thức và kỹ năng của trẻ.

Đánh giá thông qua quan sát trò chuyện, giao tiếp với trẻ; phân tích sản phẩm hoạt động của trẻ, trao đổi với phụ huynh giáo viên theo dõi trẻ trong các hoạt động, ghi chép lại những tiến bộ rõ rệt của trẻ và những điều cần lưu ý để điều chỉnh kế hoạch và biện pháp giáo dục cho phù hợp với trình độ phát triển của mỗi trẻ.

Đánh giá trẻ theo giai đoạn hướng tới mục đích gì, đánh giá những gì và đánh giá như thế nào?

Nhằm xác định mức độ đạt được của trẻ ở các lĩnh vực phát triển theo từng giai đoạn, trên cơ sở đó điều chỉnh kế hoạch chăm sóc, giáo dục cho giai đoạn/chủ đề tiếp theo, giáo viên tiến hành đánh giá mức độ phát triển của trẻ theo giai đoạn về các lĩnh vực phát triển: thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm-kỹ năng xã hội (đối với trẻ nhà trẻ) và thẩm mỹ (đối với trẻ mẫu giáo).

Theo giai đoạn, giáo viên đánh giá kết quả đạt được của trẻ so với mục tiêu của chủ đề (đối với trẻ mẫu giáo), mục tiêu phát triển của độ tuổi (đối với trẻ nhà trẻ) về các lĩnh vực phát triển theo quy định của chương trình GDMN hoặc theo mục tiêu yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng, thái độ được xác định của chủ đề giáo dục/giai đoạn. Đồng thời đánh giá sự phù hợp của những nội dung cũng như các hoạt động giáo dục của chủ đề/tháng với năng lực của trẻ, xác định nguyên nhân để bổ sung, điều chỉnh kế hoạch hoạt động giáo dục của chủ đề/giai đoạn giáo dục tiếp theo.

Để đánh giá sự phát triển của trẻ theo giai đoạn, giáo viên kết hợp sử dụng một hoặc nhiều phương pháp như: quan sát, trò chuyện, giao tiếp với trẻ, cho trẻ thực hiện một số bài tập, phân tích sản phẩm hoạt động của trẻ, sử dụng tình huống có vấn đề hay trao đổi với phụ huynh để đánh giá sự phát triển của trẻ so với mục tiêu giáo dục, kết quả mong đợi của từng độ tuổi.

Đối với trẻ nhà trẻ, đánh giá vào thời điểm cuối độ tuổi (6, 12, 18, 24 và 36 tháng tuổi) dựa vào các chỉ số theo các giai đoạn phát triển của trẻ. Đối với trẻ mẫu giáo, đánh giá theo các chỉ số phát triển của độ tuổi vào thời điểm cuối năm học căn cứ vào kết quả đánh giá các chủ đề, đánh giá hằng ngày và có thể thực hiện đánh giá các chỉ số thông qua các bài tập dưới hình thức các trò chơi, tình huống...

Đánh giá cuối năm cho trẻ mầm non năm 2024

Giao lưu tiếng Anh các bé 5 tuổi tại trường mầm non Thanh Xương, huyện Điện Biên

Đánh giá sự phát triển giai đoạn cuối độ tuổi của trẻ với mục đích gì, đánh giá những gì và đánh giá như thế nào?

Kết quả đánh giá sự phát triển của trẻ sau một quá trình giáo dục có thể là căn cứ đề xuất xây dựng, điều chỉnh kế hoạch giáo dục năm, kế hoạch hoạt động chủ đề, các điều kiện chăm sóc giáo dục trẻ: về cơ sở vật chất, về thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, về nhân lực, thời gian, về chính sách… nhằm tác động tích cực đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Nội dung đánh giá tập trung vào đánh giá mức độ phát triển của trẻ ở các lĩnh vực: thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm - kỹ năng xã hội, thẩm mỹ ở cuối mỗi độ tuổi so với mục tiêu giáo dục theo từng độ tuổi.

Đánh giá sự phát triển của trẻ cuối độ tuổi được tiến hành vào tháng cuối cùng của năm học.

Các phương pháp đánh giá sự phát triển của trẻ cuối độ tuổi tuỳ thuộc vào sự lựa chọn và sử dụng của giáo viên sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của lớp, của trường. Giáo viên có thể sử dụng kết quả đánh giá trẻ hằng ngày và đánh giá trẻ sau chủ đề để làm cơ sở đánh giá sự phát triển của trẻ cuối độ tuổi.

Kết quả đánh giá được ghi vào phiếu đánh giá sự phát triển của trẻ, được lưu vào hồ sơ cá nhân và thông báo cho cha mẹ trẻ cũng như giáo viên phụ trách nơi trẻ sẽ nhập học tiếp theo để cùng phối hợp đề xuất các biện pháp giáo dục phù hợp.

Để thực hiện đảm bảo thực chất, hiệu quả hoạt động đánh giá chất lượng trẻ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non cần lưu ý:

Một là, đánh giá đúng khả năng của mỗi trẻ để có những tác động phù hợp và tôn trọng những gì trẻ có.

Hai là, đánh giá sự phát triển của trẻ phải dựa trên cơ sở sự thay đổi của từng trẻ, không kỳ vọng giống nhau với tất cả trẻ.

Ba là, đánh giá sự phát triển của từng trẻ dựa trên mức độ đạt so với mục tiêu, trên cơ sở đó sử dụng kết quả đánh giá để xây dựng kế hoạch giáo dục, điều chỉnh kế hoạch giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục tiếp theo cho phù hợp với khả năng, nhu cầu, sở thích, kinh nghiệm sống của trẻ và điều kiện thực tế của trường, lớp.

Bốn là, tôn trọng sự khác biệt của mỗi đứa trẻ về hứng thú, cách thức và tốc độ học tập; chú trọng và thúc đẩy tiềm năng của mỗi trẻ.

Năm là, kết quả đánh giá sự phát triển của cá nhân trẻ, của nhóm, lớp không sử dụng để đánh giá thi đua, thành tích của giáo viên, của tập thể nhóm lớp, không xếp loại trẻ, không dùng để so sánh giữa các trẻ hoặc tuyển chọn trẻ vào lớp một.