Đánh giá xe cx5 2018

Ngoài ra, hệ thống giải trí thông tin của Mazda CX-5 vẫn chưa có kết nối Apple CarPlay. Tuy nhiên theo thông tin mình được biết thì Mazda Việt Nam sẽ sớm đưa ra gói bổ sung kết nối Apple CarPlay cho các dòng xe Mazda có hệ thống giải trí thông tin MZD Connect trong năm sau. Chi phí bao nhiêu thì anh bạn làm bên Mazda vẫn chưa lộ cho mình biết.

Về mặt tiện nghi, CX-5 thế hệ mới tiếp tục là mẫu xe được trang bị đầy đủ nhất trong phân khúc. Bên cạnh những tiện nghi đã gần như trở thành tiêu chuẩn trong phân khúc như phanh tay điện có tính năng tự động giữ phanh Auto Hold, Cruise Control, ghế trước điều chỉnh điện, đèn/gạt mưa tự động, gương chiếu hậu trong xe chống chói tự động, chìa khóa thông minh, thì CX-5 còn là mẫu xe hiếm hoi trong phân khúc có HUD, nhớ vị trí ghế người lái, và hệ thống đèn LED trước thông minh.

Cụm đèn trước của CX-5 không chỉ mở rộng góc chiếu khi vào cua, một tính năng rất hữu ích khi đi những cung đường đèo cùi chỏ, mà nó còn có thể tự động chọn vùng chiếu ở chế độ pha sao cho không gây lóa mắt những xe đi phía trước hay xe chạy ngược chiều. Từ đó chúng ta không cần phải bật/tắt chế độ pha liên tục khi đi đường xa lộ vào ban đêm nữa. Tính năng này Mazda gọi là Adaptive LED Headlights và nó nằm trong gói trang bị an toàn i-Activsense bao gồm những tính năng an toàn cao cấp như:

- Hệ thống cảnh báo chệch làn đường Lane Departure Warning System - Hệ thống hỗ trợ giữ làn đường Lane Keeping Assist System - Hệ thống cảnh báo điểm mù Blind Spot Monitoring - Hệ thống cảnh báo phương tiện cắt ngang Rear Cross Traffic Alert Về trang bị an toàn cả phiên bản CX-5 đều có 6 túi khí, camera lùi, hệ thống ổn định thân xe điện tử DSC và kiểm soát lực kéo TCS.

Thật sự là ngày xưa mình cũng không có ấn tượng gì lắm với Mazda ngoài thiết kế đẹp, nhưng khi mình tìm hiểu sâu hơn về lịch sử của thương hiệu này thì mình bắt đầu yêu thích Mazda. Có thể nói Mazda là một hãng xe nhỏ nhưng nghị lực của họ thật sự đáng nể.

Họ đâm đầu vào làm những thứ mà những hãng khác chịu thua. Tỉ dụ như là động cơ Wankel Rotary đi, dường như chỉ có Mazda đủ kiên trì cải tiến nó đủ bền, đủ refined [đủ độ hoàn thiện] để ứng dụng vào sản xuất hàng loạt với số lượng lớn. Dĩ nhiên cũng có nhiều hãng làm được động cơ Wankel Rotary gắn vào xe thương mại nhưng chỉ ở số lượng nhỏ.

Hiện nay thì Mazda cũng đang rất thành công với thế hệ động cơ SkyActiv sử dụng tỉ số nén cao hơn nhiều những hãng khác. Động cơ này cho khả năng tiết kiệm nhiên liệu tốt và đạt mức mô men xoắn cực đại ở tua máy thấp hơn đa số những nền tảng động cơ hút khí tự nhiên trên thị trường.

Ngoài ra, Mazda đã hoàn thiện xong công nghệ động cơ đốt trong nổ đồng nhất hỗn hợp nạp [Homogeneous Charge Compression Ignition - HCCI] với tên gọi SkyActiv X. Đây là cảnh giới cao nhất của nền tảng động cơ xăng hút khí tự nhiên mà nhiều hãng xe đã phải bỏ cuộc. Đơn giản là nó sở hữu độ êm, công suất cao của xe máy xăng và đồng thời cũng có khả năng tiết kiệm và mô men xoắn lớn của xe máy dầu. Theo Mazda, khả năng tiết kiệm của SkyActiv X là tương đương với xe xăng lai điện hybrid. Việc họ ứng dụng tảng động cơ SkyActiv X lên các dòng xe thương mại sắp tới là chuyện sớm chiều.

Trong thế giới xe hiện nay có 2 hãng xe phổ thông mà người dùng nên biết ơn họ. Đó là Ford vì đã mang những công nghệ, tính năng xe cao cấp xuống xe phổ thông và Mazda vì đã giúp người dùng có được những trải nghiệm của xe cao cấp ở mức giá dễ tiếp cận nhất. Nhưng mà cách làm của Ford khác Mazda. Ford giống như là Robin Hood lấy công nghệ của nhà giàu mang về ứng dụng cho nhà nghèo, còn Mazda thì giống như anh nhà nghèo hiếu học. Bởi vì Mazda không có nhiều tiền để mua các hãng xe cao cấp về copy công nghệ như Ford nên họ phải tự học và Mazda học có chọn lọc. Ví dụ là hệ thống giải trí thông tin điều khiển qua núm xoay này là học hỏi theo iDrive của BMW. Đây là giải pháp thân thiện và ít gây mất tập trung nhất trong thế giới xe hiện nay. Ví dụ như những động cơ xăng tăng áp của Mazda có hệ thống tăng áp biến thiên cánh VGT để giảm độ trễ là học hỏi từ hãng xe thể thao lừng danh Porsche.

Mình cũng đánh giá cao Mazda ở một điểm là hãng xe phổ thông có một triết lý làm xe rõ ràng và thống nhất. Chính điều đó tạo nên cá tính của Mazda. Nhắc đến Mazda trong đám xe Nhật bây giờ là mọi người sẽ nghĩ ngay đến cảm giác lái thể thao hay một phiên bản BMW châu Á. Cũng giống như nhắc đến Xe Tinh Tế là mọi người sẽ nghĩ ngay đến Motor Trend phiên bản Việt Nam 😁

Như các bạn cũng biết một cái xe lái hay nó giống như một bộ phận cơ thể chúng ta vậy. Người lái ra lệnh [input] mà cái xe nó phản hồi ngay thì cái xe đó hay. Còn xe nào lờ đờ 1-2 nhịp sau mới phản ứng theo mệnh lệnh thì cái xe đó ko hay. Mazda có triết lý làm xe lái hay gọi là Jinba Ittai dịch ra tiếng Việt đại loại là Người-ngựa hợp nhất. Ngựa ở đây có nghĩa là chiếc xe.

Đó là lý do vì sao các mẫu xe của Mazda luôn được thiết kế để đem lại chất thể thao nhiều nhất. Từ việc làm khoang nội thất rộng vừa đủ thay vì dư dả như các hãng Nhật khác để có được trọng lượng nhẹ, cho đến việc làm hệ thống treo cứng hơn để đem lại phản hồi thân xe chắc chắn, gọn gàng. Thậm chí Mazda cũng không chạy theo xu hướng tăng áp hóa động cơ và xài hộp số biến thiên vô cấp như những hãng xe phổ thông khác để bảo đảm trải nghiệm lái thể thao và thuần tự nhiên nhất có thể. Thay vào đó họ chọn cách tiếp tục khai thác tiềm năng của động cơ xăng hút khí tự nhiên bằng thế hệ động cơ SkyActiv X sắp ra mắt. Nói chung về cảm giác lái, thì CX-5 thế hệ thứ 2 tiếp tục là một trong những mẫu xe lái hay nhất trong khúc. Cảm giác vô lăng trợ lực điện của Mazda miễn bàn, vì Mazda là một trong 3 hãng có hệ thống trợ lực điện xuất sắc nhất thế giới hiện nay. Vô lăng này cung cấp nhiều phản hồi từ mặt đường và thật sự đem lại sự tự tin khi chạy tốc độ cao. Độ nghiêng thân xe của CX-5 khi vào cua được kiểm soát rất tốt.

Động cơ xăng SkyActiv 2,5 lít, 4 xy lanh thẳng hàng, có công nghệ phun nhiên liệu trực tiếp, cho công suất tối đa 188 mã lực, lớn nhất trong phân khúc. Cấu hình hộp số tự động 6 cấp giống thế hệ trước, nhưng Mazda đã hiệu chỉnh thuật toán để hộp số CX-5 mới thông minh hơn, các bước chuyển số nhanh hơn. Chính xác là nhanh hơn lúc về số [downshift], còn lúc lên số [upshift] thì vẫn còn một độ khựng khá rõ. Hơi tiếc là Mazda không trang bị cho CX-5 lẫy chuyển số sau vô lăng. Nhiều bạn hỏi mình là nên mua CX-5 bản dẫn động cầu trước hay dẫn động 4 bánh, thì mình luôn tư vấn là nên mua bản cầu trước nếu chỉ đi đường onroad và không sống ở vùng cao nhiều đèo dốc. Bởi vì với những hệ thống dẫn động bốn bánh bán thời gian part time AWD như trên CX-5 thì nó thiên về tính năng an toàn hơn là tính năng offroad.

Mặc định hệ thống part time AWD bình thường chỉ dẫn động cầu trước, cho đến khi bánh trước có hiện tượng trượt thì nó mới truyền lực ra cầu sau hỗ trợ. Thế nên trong điều kiện chạy onroad bình thường 99% CX-5 chỉ chạy bằng cầu trước. Theo mình ở Việt Nam chỉ cần bản cầu trước là vừa đủ đáp ứng rồi. Chừng nào các bạn hay di chuyển ở những nơi đường dốc và mưa thường xuyên thì mới chỉ cần bản AWD. Khi đó hệ thống part time AWD sẽ giúp bạn di chuyển an toàn hơn thế thôi.

Bởi vì hệ thống treo của CX-5 nghiên về hướng cứng đem lại cảm giác lái chắc chắn nên Mazda trang bị cho CX-5 hệ thống G-Vectoring Control, một dạng hỗ trợ lái để giúp việc vào cua ít giật lắc và mượt mà hơn. Có lẽ do CX-5 có nhiều chất thể thao nên mới cần một hệ thống hỗ trợ lái thoải mái. Còn CR-V của Honda thì ngược lại, không có nhiều chất thể thao bằng nên mới có hê thống Agile Handling Assist giúp hỗ trợ vào cua bén hơn. AHA thật ra là tên marketing hệ thống kiểm soát hướng kéo bằng phanh Torque Vectoring Control by Brake.

Khi bắt đầu vào cua, G-Vectoring Control của Mazda sẽ tự động giảm bớt một chút ga giả lập như xe đang thắng nhằm chuyển bớt trọng tải [Load Transfer] về phía trước. Tải trọng dồn về 2 bánh trước sẽ giúp 2 bánh này có độ bám tốt hơn. Khi gần hết góc cua thì hệ thống này sẽ tự động bù ga thêm một chút để đẩy tải trọng dồn về 2 bánh sau. Hình dung như thế này, nếu ngồi trong xe của tài xế có thói quen lên ga, đạp thắng liên tục thì mức chuyển dịch tải trọng lớn và thường xuyên sẽ gây ra hiện tượng giật lắc làm người trong xe nhanh mệt. Còn ngồi trong xe của người tài xế ga/thắng nhịp nhàng, hợp lý thì mọi thứ sẽ ngược lại. G-Vectoring Control được sinh ra để giúp người lái có thể ga/thắng một cách nhịp nhàng và hợp lý hơn. Ngoài ra, cách âm môi trường, khoang máy, cách âm gầm của CX-5 đều thật sự tốt. Mình không có phàn nàn gì ở điểm này.

Thay vì chạy theo hướng một chiếc crossover cỡ nhỏ 5+2 như những mẫu xe khác trong phân khúc, CX-5 vẫn tiếp tục tập trung vào điểm mạnh nhất của mình là trải nghiệm sử dụng và cảm giác lái. Chúng ta không thể mua được hạnh phúc, nhưng chúng ta có thể mua một chiếc xe lái hay như CX-5 và cảm thấy hạnh phúc. Trường hợp bạn thích BMW X3 nhưng tài chính lại không cho phép thì các bạn có thể mua Mazda CX-5 và tận hưởng sự tinh tế của một chiếc xe cao cấp ở một mức giá phổ thông. Quan trọng là bạn vẫn hạnh phúc.

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề