Điều địch để đánh địch trong chiến dịch nào

[Bqp.vn] - Thắng lợi trong Xuân Mậu Thân 1968 thật to lớn, nổi bật nhất là ta đã giáng một đòn quyết định làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ; buộc chúng, dù ngoan cố và dù còn gây cho ta nhiều khó khăn nhưng đã phải bắt đầu quá trình xuống thang chiến tranh, bắt đầu rút quân Mỹ về nước, chuyển chiến lược sang “phi Mỹ hóa” chiến tranh và nhận đàm phán với ta ở Hội nghị Pa-ri, mở ra một mặt trận tiến công mới của ta về ngoại giao, cũng như ta có thêm điều kiện kết hợp đấu tranh quân sự - chính trị - ngoại giao với địch, tạo ra bước ngoặc quan trọng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước...

Phần I: Nắm bắt thời cơ chiến lược để chủ động tiến công địch, làm chuyển biến cục diện chiến tranh

Như chúng ta đều biết, trong tác chiến, thời cơ là một trong các yếu tố cực kỳ quan trọng mà mỗi bên tham chiến cần tích cực tạo ra [tạo thời cơ] hoặc chủ động phát hiện để kịp thời chớp lấy [nắm thời cơ] để làm tăng sức mạnh gấp bội của thế, của lực bên mình nhằm giành thắng lợi trong chiến tranh, chiến cục hay trong các chiến dịch, trận đánh... Ở vào hoàn cảnh của một nước nhỏ phải chống lại kẻ thù xâm lược lớn có ưu thế vượt trội hơn về nhiều mặt, Đảng ta luôn coi trọng vận dụng yếu tố thời cơ, tích cực tạo nắm thời cơ chiến lược, thúc đẩy và chớp lấy thời cơ có lợi để hạ quyết tâm chiến lược kịp thời, chủ động đánh địch, giành thắng lợi trong cuộc chiến... Cụ thể, ngay từ cuối năm 1965, khi ta nhận thấy Mỹ - ngụy chuyển chiến lược từ “chiến tranh đặc biệt” sang “chiến tranh cục bộ”, trong nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12 [tháng 12/1965] đã chỉ ra phương hướng giành thắng lợi trong chiến tranh, đó là: Trên cơ sở tiếp tục quán triệt phương châm đánh lâu dài, chúng ta “cần cố gắng cao độ, tập trung lực lượng của cả hai miền để tranh thủ thời cơ, giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn trên chiến trường miền Nam”. Phương châm chiến lược đó đã quán xuyến trong từng chiến dịch, từng đợt hoạt động quân sự và chính trị từ sau năm 1965.

Đồng thời, khi phân tích tình hình địch, Đảng ta cũng nhận thấy: Mặc dù quân số địch lên tới mức cao, nhưng tất cả ưu thế về binh lực, hỏa lực và sức cơ động của chúng bị hạn chế rất nhiều trước thế trận và cách đánh của ta. Những chỗ yếu của địch không được khắc phục mà ngày càng bị khoét sâu thêm, đặc biệt là chỗ yếu về chính trị. Vì thế, mặc dù địch vẫn còn rất chủ quan, nhưng nhìn chung “xu thế của tình hình trong cả nước năm 1968 là địch sẽ ngày càng chuyển vào phòng ngự một cách bị động hơn trước”, nhất là “So với mục đích chính trị, quân sự nhất định của chúng thì những cố gắng chiến tranh của Mỹ [cùng với những thiệt hại nặng nề của chúng] ở Việt Nam đã lên tới đỉnh cao”. Như vậy, địch vẫn đang ở thế thua, thế bị động và khó khăn… đây là một nhận định rất quan trọng, có ý nghĩa lớn để xác định thời điểm tiến hành đòn đánh quyết định trong việc hoạch định kế hoạch chiến lược “Tết Mậu Thân”. Đồng thời, Đảng ta còn nhận thấy những khó khăn đó trong nội bộ nước Mỹ càng bị nhân lên khi mà chính quyền Giôn-xơn đang gặp phải những khó khăn to lớn về chính trị, kinh tế, quân sự, xã hội, ngoại giao do hậu quả bị sa lầy trong chiến tranh Việt Nam và năm vận động bầu cử Tổng thống ở Mỹ đang xích lại gần... Mặt khác, về phía ta, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhược điểm [cả về tổ chức lực lượng, về khả năng đánh tiêu diệt lớn, về đảm bảo hậu cần, về phong trào ở đô thị...] nhưng diễn biến cơ bản của tình hình vẫn cho thấy ta đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi.

Từ những phân tích, đánh giá diễn biến và xu thế phát triển của tình hình như thế, Đảng ta đã đi tới nhận định: “Chúng ta đang đứng trước những triển vọng và thời cơ chiến lược lớn. Đế quốc Mỹ đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược”. Tình hình đó cho phép chúng ta có thể lợi dụng để buộc Chính phủ Mỹ phải quyết định chấm dứt chiến tranh “có thể chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định”... Trên cơ sở đó, trong quá trình lãnh đạo và chỉ đạo quân và dân ta ở cả hai miền Nam, Bắc đánh thắng chiến lược “chiến tranh cục bộ”, Đảng ta đã luôn luôn kiên định chủ trương “giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn trên chiến trường miền Nam”- chủ trương đó quán xuyến suốt gần 3 năm [1965 - 1967] mà Hội nghị Trung ương 12 [12/1965] và Hội nghị Trung ương 13 [l/1967] đã dự kiến. Do đó, khi phát hiện thấy động thái mới của địch sau mùa khô 1966 - 1967, Đảng ta đã sớm dự kiến được xu thế phát triển của cuộc chiến tranh, kịp thời phát hiện được thời cơ để hạ quyết tâm chiến lược bằng việc mở cuộc tiến công Tết Mậu Thân 1968. Rõ ràng, đây là một quyết định quan trọng sau 3 năm tạo thời cơ, chờ đón thời cơ và chớp lấy thời cơ để “giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn trên chiến trường miền Nam” của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng. Thực tế cũng đã cho thấy đây là một chủ trương chiến lược đúng đắn và sáng tạo, là một sáng kiến lịch sử của Đảng ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.

Chọn hướng, mục tiêu và nghi binh lừa địch sáng tạo

Trong đợt Tết Mậu Thân 1968, hướng tiến công chiến lược chủ yếu của ta là các thành phố, trung tâm đầu não của Mỹ - ngụy, trọng điểm là Sài Gòn - Gia Định, Huế, Đà Nẵng; hướng phối hợp chiến lược quan trọng là mở chiến dịch lớn ở Đường 9 - Khe Sanh nhằm diệt bộ phận quan trọng sinh lực Mỹ, căng kéo và kìm chân địch trên mặt trận này để hỗ trợ cho hướng tiến công chiến lược chủ yếu, đồng thời nghi binh thu hút địch. Trong đó, hướng tiến công chủ yếu nhằm vào đô thị miền Nam thực sự đã là một bất ngờ lớn, khiến cho địch trên chiến trường không kịp trở tay, khiến cho giới lãnh đạo Mỹ ở Oa-shing-tơn ngày đó đã phải “sững sờ, choáng váng”.

Đây là lần đầu tiên trong suốt nhiều năm kháng chiến, chúng ta đã đưa được chiến tranh vào đô thị; hoạt động đó đã biến hậu phương và hậu cứ địch thành chiến trường của ta. Đó là một thành công lớn của Đảng trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh - nghệ thuật đánh hiểm, đánh đau, đánh vào yết hầu, vào trung ương thần kinh địch. Bởi vì, cùng với bấy nhiêu quân, với thế trận và so sánh lực lượng khi bước vào Đông Xuân 1967 - 1968, nếu chúng ta vận dụng một chiến lược khác, chọn một hướng tiến công khác thì có lẽ cuộc chiến tranh sẽ không thay đổi một cách đột biến và đẩy địch vào thế bị nguy khốn cả về quân sự và chính trị như dịp Tết Mậu Thân.

Nhất laÌ€, trong Tết Mậu Thân, đòn tiến công của ta đã nhằm trúng vào các cÆ¡ quan đầu não trung Æ°Æ¡ng và địa phÆ°Æ¡ng của chính quyền Sài Gòn [các sở chỉ huy, sân bay, bến cảng, kho tàng, căn cứ truyền tin, đầu mối giao thông]. Đó là các mục tiêu “yết hầu”, “huyết mạch”, “tim óc” của địch; laÌ€ những mục tiêu tập trung sinh lá»±c cao cấp của địch, những mục tiêu nhạy cảm nhất trong bá»™ máy chiến tranh của chúng ở miền Nam; trong đó “Tòa đại sứ Mỹ” - nÆ¡i biểu trÆ°ng cho quyền uy của Mỹ tại miền Nam Việt Nam đã bị ta tiến công và bị chiếm giữ trong nhiều giờ. Điều naÌ€y Ä‘ã laÌ€m cho trận Ä‘ánh vào “sứ quán Mỹ” vượt xa tầm vóc chiến  thuật vaÌ€ ý nghÄ©a của má»™t trận đánh cụ thể, khi toàn thế giá»›i hÆ°á»›ng về đó và phán xét hành Ä‘á»™ng này nhÆ° thể toàn bá»™ cuá»™c chiến tranh sẽ được quyết định bởi việc giành giật quyền kiểm soát “sứ quán” của cả hai bên.

Đặc biệt, các hoạt động nghi binh chiến lược nhằm phân tán lực lượng chủ lực địch, làm lạc hướng sự đề phòng của chúng đã được các cơ quan chỉ đạo chiến lược và các cấp chỉ huy chiến trường của ta triển khai thực hiện từ trước Tết Mậu Thân, bằng nhiều biện pháp, nhiều hình thức kết hợp như: Từ những tháng cuối năm 1967, chúng ta đã lần lượt mở một số chiến dịch ở vùng ven biên giới, ở Tây Nguyên, đồng thời chúng ta duy trì các hoạt động quân sự ở vùng ven đô thị và ở vùng nông thôn đồng bằng như thường lệ...

Các hoạt động như vậy khiến cho địch lầm tưởng rằng lực lượng của ta đã bị thương vong qua cuộc phản công chiến lược mùa khô 1966 - 1967, không còn khả năng mở các chiến dịch ở đồng bằng như trước. Trên mặt trận ngoại giao, vào tháng 12/1967, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tuyên bố phóng thích 2 tù binh Mỹ. Tiếp đó, Bộ trưởng ngoại giao ta ngỏ ý tại một buổi chiêu đãi đoàn ngoại giao rằng Việt Nam dân chủ cộng hòa sẽ đi vào đàm phán với Mỹ. Điều đáng lưu ý là trước đó, chưa bao giờ ta công khai tuyên bố sẽ làm gì nếu Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc. Tín hiệu ngoại giao này càng làm cho nội bộ chính quyền Mỹ bị phân hóa. Nhưng điều quan trọng hơn lại là ở chỗ, qua những cử chỉ ngoại giao đó, giới lãnh đạo Mỹ càng thêm tin chắc là ta đã thực sự bị suy yếu trên mặt trận quân sự. Nhất là, bước sang tháng 1/1968, ta đã chủ động mở hai chiến dịch quân sự lớn [một ở Nậm Bạc và một ở Đường 9 - Khe Sanh]. Ngay lập tức, Khe Sanh đã thu hút sự chú ý của Bộ Chỉ huy Quân sự Mỹ tại Sài Gòn và giới lãnh đạo Oa-shing-tơn.

Sau này, một tác giả Mỹ là Mai-cơn Mác-lia, đã bình luận rằng: đạn pháo của chủ lực miền Bắc giội xuống Khe Sanh đã “rơi ngay vào Thủ đô Oa-shing-tơn”. Giới lãnh đạo Mỹ khi đó nhận định Khe Sanh là một “Điện Biên Phủ” trong ý đồ chiến lược của Bộ thống soái Việt Nam. Vì vậy, Giôn-xơn đã lệnh cho Tham mưu trưởng liên quân Mỹ phải cam kết giữ Khe Sanh bằng mọi giá… Chính sự phán đoán sai lầm này của Mỹ đã buộc Mỹ phải chịu hậu quả nặng nề trong dịp Tết Mậu Thân. Rõ ràng, nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đã thể hiện rất rõ trong nghệ thuật chọn hướng, chọn mục tiêu và nghi binh lừa địch.

Phần II: Tiến công bằng cách đánh hiểm, giành thế bất ngờ, đưa chiến tranh vào đô thị

Khi nghiên cứu về lịch sử chiến tranh và nghệ thuật tác chiến cho thấy: Thông thường, khi chiến tranh sắp đến hồi kết thúc, phía mạnh hơn và chiến thắng mới có thể mở những cuộc tiến công chiến lược lớn vào sào huyệt của đối phương. Thế nhưng, phương thức tác chiến [cách đánh] của ta trong Tết Mậu Thân quả thật là độc nhất vô nhị, nó vượt ra ngoài dự lường và mọi sự tính toán trước đó của “Nhà Trắng - Lầu năm góc”, của Bộ Tư lệnh MAC ở Sài Gòn. Vì nó diễn ra trong bối cảnh địch leo thang đến đỉnh cao, khi mà Tướng Oét-mo-len đang chuẩn bị đợt phản công thứ ba sau những thất bại của quân đội Mỹ trong hai mùa khô [1965 - 1966 và 1966 -1967], lực lượng ta dùng là lực lượng tổng hợp [cả quân sự, chính trị], nhất là lần đầu tiên, ta đã tổ chức và phát động một cuộc tiến công đồng loạt trên khắp chiến trường rộng lớn vào các sào huyệt của địch mà vẫn giữ được bất ngờ đến giờ nổ súng...

Bởi vậy, không phải tới bây giờ mà ngay từ ngày đó, một số nhà nghiên cứu Mỹ đã cho rằng vũ khí mạnh nhất của ta trong Cuộc tiến công Tết Mậu Thân là sự bất ngờ. Họ đánh giá “Tết Mậu Thân” là cuộc tiến công “xuất thần”; nó đã “chộp đúng” Bộ Chỉ huy Quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam và giới lãnh đạo Oa-shing-tơn vào đúng lúc bất ngờ nhất, làm sửng sốt một nước Mỹ vốn đầy kiêu hãnh và tự tin ở tiềm lực quân sự, kinh tế to lớn của mình.

Thành công của ta trong Tết Mậu Thân về giữ bí mật toàn bộ ý định, hoạt động cho đến khi nổ súng đã góp phần làm cho địch bị bất ngờ lớn và đương nhiên là một đảm bảo cho chiến thắng của ta cả về chiến lược, chiến dịch và chiến đấu. Song, nhiều người mới chỉ thấy được bí mật bất ngờ của Tết Mậu Thân về ngày giờ mở đầu cuộc tổng tiến công và nổi dậy của ta trên toàn miền Nam mà chưa thấy được một trong những bí mật quan trọng nhất làm cho sự kiện Tết Mậu Thân có tiếng vang trên toàn thế giới và kẻ địch hoàn toàn bị bất ngờ không thể nào phán đoán nổi. Đó là cách đánh về chiến lược, chiến dịch và chiến đấu; khi mà chỉ trong khoảng 24 tiếng đồng hồ, toàn bộ hậu phương an toàn nhất của địch đều bị ta tiến công, kể cả những nơi tối quan trọng của địch, như Bộ Tổng Tham mưu, Biệt khu Thủ đô, Dinh Tổng thống ngụy và tòa Đại sứ Mỹ cũng đều bị tiến công ác liệt. Các lực lượng vũ trang của ta đã thực hiện đánh địch từ trong nội đô đánh ra, kết hợp với từ bên ngoài đánh vào, đồng loạt khắp các nơi, bằng nhiều kiểu đánh của từng người, từng đơn vị lớn, nhỏ khác nhau, có sự kết hợp giữa tiến công và nổi dậy bằng mọi cách của quần chúng cách mạng với lực lượng vũ trang khiến cho địch đã bị bất ngờ càng thêm bất ngờ, lúng túng; đồng thời làm cho cái thế của đôi bên trong chiến tranh bỗng chốc bị đảo ngược [hậu phương của địch thành tiền tuyến và tiền tuyến của địch hóa hậu phương]. Các đơn vị thiện chiến được tung đi xa đến tận “xứ sở của địch” để “tìm và diệt” [search and destroy], thình lình nhận được lệnh cấp tốc chạy về “xứ sở của mình” để cứu nguy cho các cơ quan đầu não, cố ngăn chặn và phản kích rồi từ đó cố “quét và giữ” [clear and hold] cho đến khi rút lui khỏi cuộc chiến... Rõ ràng, đây là một cách đánh rất độc đáo của chiến tranh cách mạng kết hợp với khởi nghĩa vũ trang và có lẽ trong lịch sử chiến tranh, chưa bao giờ và chưa ở đâu xuất hiện lối đánh sáng tạo, độc đáo như thế.

Tuy nhiên, bí mật bất ngờ mà ta làm được trong Tết Mậu Thân 1968 không chỉ là ngày giờ nổ súng tiến công và cách đánh tài tình của một cuộc chiến tranh nhân dân cách mạng phát triển đến cao độ, mà đó còn là cuộc tiến công với một quy mô lớn, diễn ra trên toàn bộ miền Nam, với mức độ hết sức mãnh liệt của các trận đánh; nhất là việc đó kéo dài hơn nửa năm trời mà quân địch không thể nào nghĩ được, không lường nổi ý chí, sự dẻo dai, sự dồi dào về phương tiện cũng như sức lực của đối phương mà trước đó chúng đánh giá rất thấp. Bởi vậy, tài liệu mật của “Lầu Năm góc” đã thú nhận “... Cuộc tiến công [Tết Mậu Thân] đã làm cho Nhà Trắng và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân bị bất ngờ về sức mạnh, thời gian kéo dài và mức độ ác liệt của cuộc tiến công đã kéo dài sự kinh ngạc này”. Còn tờ Thời báo Mỹ số ra ngày 9/2/1968 gọi đây “chắc chắn là một hành động bất ngờ “thần thánh”, một lực lượng địch tản mát và không ai thấy được, bị săn đuổi khắp nơi không lúc nào ngừng, bỗng dưng xuất hiện và đồng loạt tiến công ở hàng trăm trận địa trên khắp nước”. Đúng là một quyết tâm chiến lược kiên quyết, táo bạo, biểu thị tập trung một tư duy quân sự lỗi lạc và rất sáng tạo.

Khéo tổ chức bố trí và sử dụng lực lượng, phát huy mạnh mẽ nhân tố con người

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 được khởi xướng trong điều kiện lực lượng quân sự của địch tại miền Nam vẫn còn gần 1 triệu 200 nghìn tên, bộ máy chiến tranh của địch vẫn còn hiệu lực và tiềm lực chiến tranh của chúng còn dồi dào. Để đạt được mục tiêu chiến lược đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ, Đảng ta chủ trương trong Tết Mậu Thân, dùng binh lực và hỏa lực mạnh của ta đánh vào các binh đoàn chủ lực địch, đánh mạnh vào Sài Gòn và các thành phố khác, tạo điều kiện cho hàng triệu quần chúng ở đô thị và các vùng nông thôn tạm bị chiếm nổi dậy khởi nghĩa, phối hợp với lực lượng quân sự của ta tiêu diệt và làm tan rã quân địch, đánh đổ bộ máy đầu não của ngụy quyền, làm rối loạn và tê liệt tận gốc bộ máy chiến tranh của Mỹ, ngụy, biến hậu phương và nơi dự trữ chiến tranh của địch thành hậu phương và nơi dự trữ chiến tranh của ta, làm thay đổi lực lượng so sánh một cách mau chóng và có lợi cho ta, bất lợi cho địch.

Theo phương hướng đó, trước và trong Tết Mậu Thân, các đơn vị bộ đội chủ lực ta đã mở một số chiến dịch ở vùng rừng núi miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên, miền Tây Trị - Thiên nhằm kéo một bộ phận quan trọng chủ lực Mỹ lên chiến trường rừng núi, tạo điều kiện thuận lợi cho đòn tiến công và nổi dậy ở các đô thị bị Mỹ, ngụy chiếm đóng. Ở các đô thị và ở vùng ven, ta sử dụng một số đơn vị bộ đội chủ lực đánh chiếm các mục tiêu, kìm chân các sư đoàn, trung đoàn chủ lực địch, tạo điều kiện cho lực lượng đặc biệt tinh nhuệ là các đội đặc công, biệt động, bất ngờ đánh chiếm một số cơ quan đầu não tại trung ương và địa phương của địch. Từ vùng ven, các tiểu đoàn mũi nhọn được tổ chức và trang bị gọn nhẹ, nhanh chóng đánh chiếm những mục tiêu được phân công. Một số tiểu đoàn đã tiến được vào các khu vực mục tiêu nằm sâu trong nội thành, trụ lại đánh địch phản kích trong nhiều ngày. Đồng thời, ta sử dụng pháo cối và rốc két đánh vào nhiều mục tiêu khác như sân bay, sở chỉ huy, trung tâm thông tin của địch... Phối hợp với lực lượng đặc công, biệt động, tiểu đoàn mũi nhọn, các đội vũ trang và bán vũ trang của các ban ngành, đoàn thể như thanh niên, công vận, phụ vận, hoa vận... cơ động đánh địch trên đường phố. Ở vòng ngoài, các sư đoàn, trung đoàn chủ lực của ta đón đánh không cho các đơn vị chủ lực địch tăng viện vào vùng ven và nội thành, giữ phía sau cho các tiểu đoàn mũi nhọn… song, tiêu điểm sự phát triển mới và đặc sắc của nghệ thuật quân sự trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân chính là nghệ thuật tổ chức bố trí, sử dụng và phương thức tác chiến sáng tạo, linh hoạt của lực lượng biệt động. Bằng tinh thần dũng cảm vô song, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, lực lượng biệt động đã mở đầu xuất sắc cuộc tiến công ở Sài Gòn và các đô thị, góp phần tạo nên hiệu lực chiến lược lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy.

Cũng trong đợt Tết, do yêu cầu giữ bí mật tuyệt đối để giáng đòn bất ngờ cho địch, nên ta đã chỉ đạo cho quần chúng không nổi dậy diệt ác, phá kìm, giành quyền làm chủ khóm, phường cùng lúc với lực lượng biệt động và các tiểu đoàn chủ lực đánh vào các cứ điểm quy định. Nhưng quần chúng đã tích cực tham gia vào công tác chuẩn bị cho đợt tiến công Tết, cũng như sau khi nổ súng họ đã tham gia rất đông đảo, trực tiếp và gián tiếp bằng nhiều hình thức trên nhiều lĩnh vực khác nhau... Với việc bố trí, tổ chức và sử dụng lực lượng như vậy, quân và dân ta trên chiến trường đã phát huy được đầy đủ và mạnh mẽ khí thế tiến công [nhất là trong đợt Tết], khiến cho giới lãnh đạo Oa-shing-tơn nhận thấy lực lượng quân sự của Mỹ không thể nào khuất phục nổi nhân dân Việt Nam... Đó là một thành công nổi bật trong nghệ thuật bố trí và sử dụng lực lượng, cũng như tổ chức tiến hành công tác bảo đảm cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của Đảng ta; nghệ thuật đó đã phát huy mạnh mẽ nhân tố con người, lấy ít địch nhiều, lấy trí tuệ người Việt Nam để chiến thắng vũ khí và trí tuệ của bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ...

Phần cuối: Điểm cốt lõi làm nên thắng lợi

Từ những nội dung đã trình bày, có thể rút ra mấy điểm cốt lõi đã làm nên thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân.

Thứ nhất, để có được những thành quả trên, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã vượt qua nhiều gian khổ hy sinh, nêu cao quyết tâm tiến công địch, xây dựng được “thế trận lòng dân”, thế trận chiến tranh nhân dân, trên khắp ba vùng chiến lược, tổ chức, bố trí hợp lý lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang ba thứ quân ở đô thị, vùng ven, vùng nông thôn đồng bằng và rừng núi. Đây còn là kết quả của một quá trình nắm bắt thực tiễn trên chiến trường và tình hình nội bộ nước Mỹ, từ đó tính toán chọn lựa và tìm ra cách đánh Mỹ, cách thắng Mỹ phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam, của Đảng ta, của các cấp chỉ đạo, chỉ huy chiến trường trong hoàn cảnh đối sánh lực lượng, vật chất chiến tranh giữa ta và địch có sự chênh lệch rất lớn.

Thứ hai, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã sớm phát hiện đúng chỗ sơ hở nhất của địch khi chúng đang có đông quân nhất và kịp thời hạ quyết tâm chiến lược đánh vào lúc bất ngờ nhất. Đó là đúng ngày Tết Mậu Thân, khi quân địch đang nghỉ và thiếu chuẩn bị. Quy mô và phạm vi tiến công rất lớn nhưng cơ bản giữ được bí mật, bất ngờ và rất táo bạo. Sử dụng lực lượng không nhiều, nhưng lại giành được thắng lợi rất lớn, gây được chấn động mạnh, trên phạm vi rất rộng, cả trên chiến trường, trong nước Mỹ và trên thế giới.

Thứ ba, Đảng ta đã biết dựa chắc vào dân, biết khơi dậy, tổ chức và phát huy sức mạnh đoàn kết, sức sáng tạo của nhân dân; phát huy mạnh mẽ nhân tố con người, lấy ít địch nhiều, lấy trí tuệ người Việt Nam để chiến thắng vũ khí và trí tuệ của bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ. Đồng thời, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã cho thấy sức mạnh của lòng tin, của cán bộ, quần chúng đối với Đảng, với Bộ thống soái tối cao, cũng như ý thức chấp hành mệnh lệnh kiên quyết, triệt để của cán bộ, chiến sĩ và tinh thần hy sinh xả thân cứu nước của bộ đội và nhân dân ta, nhất là lực lượng biệt động.

Tuy nhiên, trong khi đánh giá cao thắng lợi to lớn và tính đúng đắn, sáng tạo của chủ trương chiến lược, chúng ta không thể không nói đến một số khuyết điểm, mà sau này Trung ương Đảng ta cũng đã nêu rõ, đó là: Ta đã không nhận thấy có những cố gắng mới của địch trong kế hoạch bình định nông thôn, thực hiện quốc sách “Việt Nam hóa chiến tranh” của Ních-xơn, nên ta tiếp tục bị hút vào đô thị, bỏ lỏng nông thôn. Những khuyết điểm đó cũng đã gây cho ta một số tổn thất và gặp nhiều khó khăn về sau. Song, tất cả những kinh nghiệm thành công, chưa thành công trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đều là những kinh nghiệm quý báu, thiết thực đối với những người lãnh đạo chỉ đạo chiến tranh, chiến lược của Đảng, người chỉ huy điều hành tác chiến của các chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ sau này, nhất là đã trực tiếp góp phần vào thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975…

Ngày nay, nước ta đang ở một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Qua hơn 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đồng thời cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt, những năm tới, tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức. Ở trong nước, cả thế và lực, cả sức mạnh tổng hợp và uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là, những nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn tồn tại. Vì vậy, ngay trong hòa bình, trong xây dựng đất nước, những bài học kinh nghiệm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 vẫn còn giá trị lớn, đó là: Biết dựa vào dân, biết kết hợp chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Việt Nam với trí tuệ sáng tạo Việt Nam, từ những người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà Nước, Chính phủ cho đến đông đảo quần chúng nhân dân, thì sức mạnh trong sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân Việt Nam trở nên phi thường, có thể làm nên những chiến công hiển hách, những điều kỳ diệu như trong Tết Mậu Thân năm 1968.

Đặc biệt, những kinh nghiệm về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, nghệ thuật dùng binh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 không những có giá trị dự báo, hoạch định chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới, trong định hướng xây dựng lực lượng, thế trận và các tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân, của khu vực phòng thủ [các cấp] để tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn có khả năng phòng chống “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch một cách hiệu quả; sẵn sàng đánh bại mọi quy mô, mọi kẻ thù xâm lược trong cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc [nếu xảy ra], mà còn có ý nghĩa rất thiết thực đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong công cuộc xây dựng đất nước ở thời kỳ mới; nhất là trong cuộc chiến chống thiên tai, dịch bệnh, chống nghèo nàn, lạc hậu, chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ, cũng như giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc cho toàn dân.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam dạn dày kinh nghiệm, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào công cuộc đổi mới đất nước sẽ thành công; quân và dân ta có đủ nghị lực, niềm tin và sức mạnh để vượt qua mọi thử thách, hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Xuân Nhiên, Khoa Chiến lược, Học viện Quốc phòng nguồn: TTXVN

Video liên quan

Chủ Đề