Điểu tận cung tàng thố tử cẩu diệt

ĐIỂU TẬN CUNG TÀNG

鸟尽弓藏

CHIM HẾT THÌ CUNG CŨNG CẤT


Điểu tận cung tàng thố tử cẩu diệt
Giải thích: chim không còn thì cung tên cũng đem cất không dùng đến nữa. Ví sau khi sự tình thành công, những người có công bị bỏ rơi hoặc bị giết chết.

Xuất xứ: Hán . Tư Mã Thiên 司马迁: Sử kí – Việt Vương Câu Tiễn thế gia 史记 - 越王勾践世家


          Năm 475 trước công nguyên, Việt Vương Câu Tiễn 越王勾践 trải qua một thời gian nằm gai nếm mật cuối cùng khôi phục lại quốc lực, cử binh phạt Ngô. Ngô Vương Phù Sai 吴王夫差 không biết làm sao, đành phái Thái tể Bá Bỉ 伯嚭 đi cầu hoà. Câu Tiễn nhớ đến sự việc lúc trước, có chút xiêu lòng, nhưng Phạm Lãi 范蠡 lại không đồng ý, khuyên Việt Vương không nên lưu hậu hoạn. Thế là Câu Tiễn cự tuyệt sự cầu hoà của Ngô Vương, tiếp tục công phạt kinh đô nước Ngô là Cô Tô 姑苏. Bá Bỉ đầu hàng trước tiên, Phù Sai bị bức, không còn con đường nào chạy bèn lấy áo che mặt rồi tự sát.

          Câu Tiễn làm Bá Vương, mở tiệc mừng công, đại thưởng công thần. Nhưng cả triều văn võ lại thiếu mất người có công lớn nhất là Phạm Lãi. Hoá ra, Phạm Lãi đã cùng Tây Thi 西施trong đêm khuya đã âm thầm ngồi trên một chiếc thuyền nhỏ rời khỏi nước Việt đi đến một nơi xa.

          Trước khi ra đi, Phạm Lãi đã để lại một bức thư cho người bạn cùng chung hoạn nạn là Văn Chủng , trong thư nói rằng:

          - Chim đã hết thì cung tên cũng đem cất (điểu tận cung tàng 鸟尽弓藏); thỏ đã không còn thì chó săn cũng bị nấu. Con người Việt Vương chỉ có thể cùng với người khác chung nhau hoạn nạn, chứ không thể chung hưởng phú quý. Ông hãy mau chạy đi.

          Văn Chủng xem xong mỉm cười, cảm thấy Phạm Lãi đa nghi.

          Nhưng chẳng bao lâu, Việt Vương nghe theo sàm ngôn, nghi ngờ Văn Chủng mưu phản, bèn phái người tặng Văn Chủng một thanh kiếm. Văn Chủng nhìn qua, hoá ra là thanh kiếm mà năm đó Phù Sai bảo Ngũ Tử Tư 伍子胥tự sát. Trong phút chốc, Văn Chủng hiểu ý của Việt Vương, cảm thán rằng:

          - Ta hối hận vị đã không nghe theo lời khuyên của Phạm Lãi.

          Thế là dùng kiếm tự sát.


                                                       Huỳnh Chương Hưng

                                            Quy Nhơn 18/02/2019


Nguyên tác Trung văn

ĐIỂU TẬN CUNG TÀNG

鸟尽弓藏

TRUNG QUỐC THÀNH NGỮ CỐ SỰ TỔNG TẬP

中国成语故事总集

(tập 1)

Chủ biên: Đường Kì 唐麒

Trường Xuân – Thời đại văn nghệ xuất bản xã, 2004

“Thố tử cẩu phanh” (Thỏ chết, chó săn bị thịt) và “Điểu tận cung tàng” (Chim hết thì bẻ cung) là hai câu thành ngữ nổi tiếng của Trung Hoa. Trong kho tàng văn học Việt Nam cũng có những câu thành ngữ với ý nghĩa tương tự, ví như “Qua cầu rút ván”, hay  “Được chim bẻ ná, được cá quên nơm”.   

Chim hết rồi cung tên xếp xó, Thỏ chết rồi chó bị phanh thây

Vào thời Chiến Quốc, vua nước Việt là Việt Vương Câu Tiễn có thể tiêu diệt được nước Ngô là nhờ công lao của hai vị công thần, quan văn Phạm Lãi và quan võ Văn Chủng.

Chuyện kể rằng, vào thời đại Chiến Quốc, nước Ngô và nước Việt giao tranh. Bấy giờ nước Việt thế cùng lực tận, nên Phạm Lãi đã khuyên Việt Vương tạm thời xin hàng, đợi thời cơ thích hợp mới ra đòn phản công. 

Quan đại phu Phạm Lãi vì đại sự nước nhà, không quản ngại gian nan vất vả, đi khắp cả nước tìm kiếm mỹ nữ, thấy nàng Tây Thi giặt áo bên sông vô cùng xinh đẹp, liền nảy kế dâng cho vua Ngô, khiến Ngô Vương trầm mê trong nữ sắc, không thể chuyên tâm việc quốc sự.

Ngô Vương vì say đắm sắc đẹp của Tây Thi, không để tâm chuyện đất nước, khiến quốc gia ngày một suy vong. Trong khi đó, nước Việt lại dốc sức gây dựng quân đội, binh hùng tướng mạnh, cuối cùng dẫn quân sang tiêu diệt nước Ngô, báo được mối nhục đầu hàng năm xưa. 

Điểu tận cung tàng thố tử cẩu diệt
Tranh vẽ nàng Tây Thi. (Ảnh: Tài sản công)

Đối với Câu Tiễn, và cả nước Việt, thì Phạm Lãi là đệ nhất đại công thần. Ông đáng lẽ có thể hưởng cao quan lộc hậu, nhưng lại cáo quan về ở ẩn, bỏ hết chức tước quyền uy, lui về nơi thôn dã vui với thú điền viên.

Ông còn viết thư cho tướng quân Văn Chủng, khuyên ông sớm ngày tránh xa chốn quan trường. Thư viết rằng: 

“Phi điểu tận, lương cung tàng;

Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh”.

Ý là nói:

Chim hết rồi, cung tên xếp xó,

Thỏ khôn chết rồi, chó bị phanh thây.

Ta và ông đều biết Việt Vương là người chỉ có thể chung hoạn nạn nhưng không thể cùng hưởng phúc. Nhớ lại năm xưa khi chiến đấu với nước Ngô, chúng ta và Việt Vương cùng vào sinh ra tử, ngài hết mực kính cẩn xem trọng chúng ta. Nhưng một khi nước Ngô đã bị tiêu diệt, nếu không kịp thời âm thầm rút lui, rất có thể sẽ gặp hoạ sát thân.

Giống như khi đi săn, chim muông đã bắn hết cả rồi, thì cung tên có tốt đến mấy cũng phải cất đi. Cũng như việc thỏ con tinh nhanh đã bắt được rồi, thì chó săn cũng không còn hữu ích nữa, chúng sẽ bị chủ đem đi giết thịt. Đây chính là đạo lý.

Kể từ đó, “Phi điểu tận, lương cung tàng; Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh”, đã trở thành hai câu thành ngữ nổi tiếng, dùng để hình dung một số người có thể có hoạ cùng chịu nhưng có phúc không thể cùng hưởng. Đồng thời hai câu thành ngữ trên cũng được hiểu là những thứ không còn tác dụng nữa sẽ bị bỏ đi.

Câu chuyện tương quan: Mượn chén rượu để rút binh quyền

Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn dù đã giành được thiên hạ nhưng vẫn vô cùng phiền não. Ông sợ những công thần giúp ông đoạt được cơ nghiệp sẽ có ngày lợi dụng binh quyền lớn mạnh trong tay mà phản bội mình. Khi ấy, ngôi vị hoàng đế của ông cũng khó bề an ổn.

Điểu tận cung tàng thố tử cẩu diệt
Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn. (Ảnh: Tài sản công)

Thế là ông đã nghĩ ra một kế khiến các công thần tình nguyện giao lại binh quyền cho vua. Một đêm nọ, ông mở tiệc chiêu đãi các công thần khai quốc gồm Thạch Bảo Tín, Vương Thẩm Kỳ…, còn đích thân châm rượu cho từng người để cảm tạ công lao vì nước vì dân của họ. Trước khi cạn chén rượu, Thái Tổ đã thở dài nói: 

“Thân làm Thiên tử, nhưng trẫm kể từ lúc đăng cơ đến nay hầu như không có đêm nào dám gối cao đầu mà ngủ”.

Thạch Bảo Tín cảm thấy kỳ lạ bèn hỏi: “Thiên hạ giờ đã thái bình, hoàng thượng vẫn còn điều gì trăn trở, chúng thần xin được cùng ngài phân ưu?”

Thái tổ mặt mày trầm tư nói: “Các khanh trung thành với trẫm như vậy, trẫm vô cùng cảm kích. Nhưng các khanh trong tay nắm giữ tam quân, vạn nhất có một ngày thủ hạ dưới quyền sinh tâm bất chính, ép buộc các khanh phải nghe theo họ phản bội trẫm. Vậy trẫm biết phải làm sao?”

Thạch Bảo Tín nghe xong liền giật thót tim, vội vàng quỳ xuống nói: “Chúng thần không dám!”

Một lát sau, Thái Tổ mới nhẹ nhàng khuyên nhủ: “Đời người ngắn ngủi như bóng câu qua cửa. Các khanh sao lại không buông bỏ binh quyền, kiếm một chức quan an nhàn, chọn vài thửa ruộng tốt, chuẩn bị sản nghiệp cho mình và con cháu đời sau, lại mời một ít ca nữ, mỗi ngày ngắm hoa thưởng nguyệt, vui vầy quanh năm suốt tháng. Đó chẳng phải niềm vui lớn nhất của cuộc đời hay sao?”

Thạch Bảo Tín và những người khác hiểu được ý của Hoàng đế, không dám làm trái, chỉ đành thỉnh cầu bãi miễn binh quyền của họ.

Đó là câu chuyện “Mượn chén rượu để rút binh quyền” nổi tiếng trong lịch sử. Thái Tổ chỉ dùng một chén rượu để thu hồi được binh quyền từ những công thần khai quốc vất vả cả đời mới đạt được. Câu chuyện này cũng có ý nghĩa tương tự như hai câu thành ngữ “Phi điểu tận, lương cung tàng; Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh” vậy.