Gần đến ngày kinh nguyệt người mệt mỏi

Cảm thấy mệt mỏi, uể oải khi đến kỳ kinh nguyệt là một triệu chứng hoàn toàn bình thường của hội chứng tiền kinh nguyệt nhưng sẽ có ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Trong một số trường hợp, mệt mỏi quá mức có thể là dấu hiệu của những vấn đề nghiêm trọng hơn ví dụ như rối loạn tiền kinh nguyệt.

Nội dung chính của bài viết:

  • Cảm thấy mệt mỏi, uể oải khi đến kỳ kinh nguyệt là một triệu chứng hoàn toàn bình thường của hội chứng tiền kinh nguyệt nhưng sẽ có ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
  • Có thể khắc phục tình trạng mệt mỏi bằng các biện pháp sau: cải thiện chất lượng giấc ngủ; hạn chế tiêu thụ đường; tập luyện đều đặn; điều trị bằng các phương pháp y học cổ truyền; làm mát phòng ngủ; uống nhiều nước...
  • Trong một số trường hợp, mệt mỏi quá mức có thể là dấu hiệu của những vấn đề nghiêm trọng hơn ví dụ như rối loạn tiền kinh nguyệt.
  • Nếu bạn còn gặp các biểu hiện bất thường khác và nghi ngờ mình bị rối loạn tiền kinh nguyệt hoặc một vấn đề sức khỏe nào đó thì cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn biện pháp điều trị.
  • Rối loạn tiền kinh nguyệt là vấn đề hoàn toàn có thể điều trị được và nếu được chăm sóc đúng cách thì sẽ có thể tránh được các triệu chứng khó chịu vào kỳ kinh sau.

Hội chứng tiền kinh nguyệt

Đa số phụ nữ đều phải trải qua những triệu chứng khó chịu ở một mức độ nào đó vào ngay trước và trong thời gian có kinh nguyệt mỗi tháng. Tình trạng này được gọi chung là hội chứng tiền kinh nguyệt (premenstrual syndrome). Tâm trạng thay đổi thất thường, chướng bụng, đau bụng, mỏi lưng, đau đầu và mệt mỏi là những triệu chứng tiền kinh nguyệt rất phổ biến.

Cảm giác mệt mỏi và uể oải đôi khi còn ảnh hưởng đến công việc, học tập và các hoạt động thường ngày. Một số phụ nữ còn bị tình trạng này nặng đến mức không thể đi làm, đi học hoặc thậm chí chỉ có thể nằm một chỗ trong những ngày đèn đỏ.

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về nguyên nhân gây ra tình trạng mệt mỏi khi có kinh nguyệt và những gì cần làm để khắc phục.

Cảm giác mệt mỏi vào kỳ kinh có bình thường không?

Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Trên thực tế, mệt mỏi, uể oải là một trong những triệu chứng tiền kinh nguyệt phổ biến nhất. Vì vậy, mặc dù tình trạng cạn kiệt năng lượng ngay trước và trong khi đến kỳ có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày nhưng đây không phải vấn đề cần lo lắng.

Tuy nhiên, tình trạng mệt mỏi nghiêm trọng kèm theo một số cảm xúc tiêu cực có thể là dấu hiệu của rối loạn tiền kinh nguyệt (premenstrual dysphoric disorder) - một dạng nặng hơn của hội chứng tiền kinh nguyệt và thường phải điều trị.

Rối loạn tiền kinh nguyệt thường xảy ra vào khoảng từ 7 đến 10 ngày trước khi hành kinh và có nhiều biểu hiện giống như hội chứng tiền kinh nguyệt. Ngoài các biểu hiện về thể chất như mệt mỏi, đau bụng, chướng bụng, các vấn đề về tiêu hóa và đau đầu, những người bị rối loạn tiền kinh nguyệt còn có các biểu hiện về cảm xúc, tâm lý như:

  • Dễ khóc lóc vì những lý do nhỏ nhặt
  • Cáu giận vô cớ
  • Buồn bã, sầu não không rõ nguyên nhân
  • Không còn quan tâm đến các hoạt động và mối quan hệ thường ngày
  • Cảm giác mất kiểm soát
  • Thay đổi tâm trạng thất thường

Nguyên nhân gây mệt mỏi khi đến kỳ

Biểu hiện mệt mỏi khi đến kỳ kinh có liên quan đến tình trạng thiếu hụt serotonin - một chất hóa học trong não bộ có ảnh hưởng đến tâm trạng. Trước khi bắt đầu có kinh nguyệt vào mỗi tháng, mức serotonin sẽ có sự thay đổi đáng kể. Điều này dẫn đến sự sụt giảm mức năng lượng một cách nghiêm trọng và cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng.

Nguyên nhân gây mệt mỏi cũng có thể là do vấn đề về giấc ngủ liên quan đến các triệu chứng thể chất của hội chứng tiền kinh nguyệt. Các triệu chứng tiền kinh nguyệt như chướng bụng, đau bụng và đau đầu sẽ gây khó ngủ và ngủ không ngon giấc. Ngoài ra, nhiệt độ cơ thể tăng cao vào kỳ kinh cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ trong khoảng thời gian này.

Làm thế nào để giảm mệt mỏi do hành kinh?

Nếu bạn thường xuyên bị mệt mỏi mức độ nhẹ đến vừa trước và trong thời gian hành kinh thì có thể khắc phục bằng một số cách khác nhau.

Các biện pháp giảm mệt mỏi

  • Cải thiện chất lượng giấc ngủ: Điều này đặc biệt quan trọng trong những ngày trước khi đến kỳ. Một số biện pháp để dễ đi vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn gồm có tắm nước ấm vào buổi tối, không dùng điện thoại hay máy tính ít nhất một tiếng trước khi đi ngủ, đi ngủ cùng một khung giờ vào mỗi đêm và không ăn nhiều hay uống trà, cà phê trong 4 đến 6 tiếng trước giờ ngủ.
  • Hạn chế tiêu thụ đường: Một chế độ ăn uống lành mạnh và tránh xa đồ uống có cồn sẽ giúp cải thiện mức năng lượng cơ thể. Cố gắng tránh các loại thực phẩm và đồ uống có nhiều đường, chẳng hạn như soda và nước tăng lực. Những thứ này đều có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến, dẫn đến làm giảm mức năng lượng.
  • Tập luyện đều đặn: Theo một nghiên cứu vào năm 2015, thói quen tập thể dục với cường độ vừa phải có thể giúp tăng mức năng lượng, cải thiện sự tập trung và làm giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt. Tuy nhiên, không tập thể dục trong vòng một vài tiếng trước khi đi ngủ vì điều này sẽ gây khó ngủ hơn.
  • Điều trị bằng các phương pháp y học cổ truyền: Một nghiên cứu vào năm 2014 đã cho thấy việc sử dụng một số loại thảo dược và châm cứu giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng tiền kinh nguyệt và rối loạn tiền kinh nguyệt, bao gồm cả mệt mỏi. Vitex (vitex agnus-castus), St. John's wort và bạch quả (ginkgo biloba) là một số loại thảo dược đem lại công dụng này. Bạn có thể dùng những loại thảo được này dưới dạng viên uống bổ sung.
  • Làm mát phòng ngủ: Sử dụng quạt, điều hòa nhiệt độ hoặc mở cửa sổ để giữ phòng ngủ luôn mát mẻ. Điều này sẽ giúp ngủ ngon hơn, đặc biệt là vào khoảng thời gian trước ngày đèn đỏ, khi nhiệt độ cơ thể tăng cao.
  • Uống nhiều nước: Đừng quên bổ sung đủ nước cho cơ thể bằng cách uống ít nhất 8 cốc nước mỗi ngày. Mất nước sẽ khiến bạn thấy mệt mỏi, uể oải và làm cho các triệu chứng tiền kinh nguyệt khác trở nên nặng hơn.
  • Thử các biện pháp thư giãn: Hãy thử các biện pháp thư giãn trước khi đi ngủ như các bài tập thở sâu, ngồi thiền và liệu pháp căng – chùng cơ.

Khi nào cần đi khám?

Đa phần thì chỉ cần tập thể dục, ăn uống lành mạnh, uống đủ nước và thực hiện một số biện pháp hỗ trợ giấc ngủ là sẽ có thể tăng mức năng lượng và cải thiện chất lượng giấc ngủ, từ đó làm giảm tình trạng mệt mỏi, giúp cơ thể khỏe khoắn hơn khi đến tháng.

Tuy nhiên, nếu vẫn cảm thấy kiệt sức và gặp khó khăn trong các hoạt động thường ngày thì cần đi khám để được chẩn đoán nguyên nhân. Đây có thể là biểu hiện của rối loạn tiền kinh nguyệt hoặc các vấn đề tiềm ẩn khác.

Các phương pháp điều trị chứng rối loạn tiền kinh nguyệt có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng, gồm có cả mệt mỏi. Một số phương pháp điều trị phổ biến gồm có:

  • Thuốc chống trầm cảm: Các thuốc ức chế tái hấp thu serotonin (SSRI), ví dụ như fluoxetine (Prozac) và sertraline (Zoloft) có tác dụng giảm mệt mỏi cũng như là các triệu chứng về cảm xúc của chứng rối loạn tiền kinh nguyệt, giảm cảm giác thèm ăn và cải thiện giấc ngủ.
  • Thuốc tránh thai: Các loại thuốc tránh thai hàng ngày có tác dụng dừng kinh nguyệt hoàn toàn sẽ giúp làm giảm hoặc loại bỏ các triệu chứng rối loạn tiền kinh nguyệt.
  • Bổ sung chất dinh dưỡng: Các chuyên gia khuyến nghị mỗi người nên bổ sung 1.200mg canxi mỗi ngày (qua chế độ ăn và viên uống bổ sung) cũng như là vitamin B6, magiê và L-tryptophan. Nhưng cần nói chuyện với bác sĩ trước khi bắt đầu dùng bất kỳ sản phẩm viên uống bổ sung nào.


Page 2

Chướng bụng, đầy hơi là vấn đề phổ biến xảy ra trước và trong vài ngày đầu có kinh nguyệt mà nhiều phụ nữ gặp phải. Tình trạng này khiến cho bụng phình lên, căng cứng và tạo cảm giác nặng nề giống như đã tăng cân. Chính vì lý do này nên nhiều chị em nhận thấy bụng to hơn và mặc quần chật mỗi khi đến kỳ.

Nội dung chính của bài viết:

  • Tình trạng chướng bụng thường diễn ra ngay trước khi kinh nguyệt bắt đầu và kéo dài trong vài ngày đầu. Thủ phạm gây nên hiện tượng chướng bụng và các triệu chứng khác khi đến kỳ kinh nguyệt là hormone trong cơ thể.
  • Có nhiều biện pháp để giảm bớt cảm giác khó chịu này, bao gồm: giảm lượng muối trong chế độ ăn, bổ sung nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc và protein nạc, uống nhiều nước, tập luyện đều đặn...
  • Nhưng nếu tình trạng chướng bụng, đầy hơi quá nghiêm trọng và ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày thì nên đi khám bác sĩ.

Tại sao lại bị chướng bụng khi có kinh nguyệt?

Thủ phạm gây nên hiện tượng chướng bụng và các triệu chứng khác khi đến kỳ kinh nguyệt là hormone trong cơ thể. Các triệu chứng tiền kinh nguyệt xảy ra trong giai đoạn hoàng thể của chu kỳ kinh nguyệt. Đó là khi nồng độ hormone estrogen và progesterone có sự dao động. Trong giai đoạn hoàng thể, niêm mạc tử cung dày lên để chuẩn bị mang thai. Nếu gặp được tinh trùng, trứng sẽ được thụ tinh và bám vào lớp niêm mạc tử cung dày lên này để làm tổ và phát triển thành bào thai. Nếu như không diễn ra sự thụ tinh thì lớp niêm mạc sẽ bong ra và rời khỏi cơ thể qua âm đạo cùng với máu, tạo nên hiện tượng hành kinh.

Hormone không phải là nguyên nhân duy nhất gây nên những triệu chứng mà phụ nữ gặp phải khi đến tháng. Các nguyên nhân khác còn có:

  • Gen di truyền
  • Loại, lượng vitamin và khoáng chất được nạp vào cơ thể mỗi ngày
  • Chế độ ăn uống, đặc biệt là những món có nhiều muối
  • Các loại đồ uống và thực phẩm có chứa caffeine hoặc cồn

Triệu chứng chướng bụng xảy ra khi nào?

Chướng bụng, đầy hơi thường xảy ra trước khi bắt đầu có kinh nguyệt. Đây là một triệu chứng rất phổ biến của hội chứng tiền kinh nguyệt. Các triệu chứng tiền kinh nguyệt có thể xuất hiện từ một đến hai tuần trước khi bắt đầu hiện tượng ra máu. Chướng bụng có thể xảy ra vào mỗi tháng, tháng bị tháng không hoặc cũng có người hoàn toàn không bị chướng bụng. Hiện tượng này thường giảm bớt ngay lập tức khi bắt đầu ra máu hoặc một vài ngày sau đó.

Thông thường, chướng bụng còn đi kèm với các triệu chứng tiền kinh nguyệt khác. Theo Hội Bác sĩ Sản phụ khoa Hoa Kỳ, có tới 85% phụ nữ có các triệu chứng về thể chất xảy ra trước và trong khi đến kỳ. Bên cạnh chướng bụng, đầy hơi, các triệu chứng phổ biến khác còn có:

  • Đau bụng
  • Đau mỏi thắt lưng
  • Thèm ăn
  • Tâm trạng chán nản, ủ rũ
  • Da tiết nhiều dầu
  • Nổi mụn trứng cá
  • Người mệt mỏi

Các triệu chứng mà mỗi người gặp phải là khác nhau và có thể thay đổi theo từng tháng hoặc từng giai đoạn trong cuộc đời.

Khi nào cần đi khám?

Bạn nên đi khám nếu tình trạng chướng bụng, đầy hơi:

  • không đỡ sau khi có kinh nguyệt
  • nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày

Chướng bụng, đầy hơi nghiêm trọng có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe và cần được can thiệp điều trị theo các cách khác.

Khắc phục và ngăn ngừa chướng bụng khi đến kỳ

Mặc dù không có cách nào để ngăn chặn hoàn toàn hiện tượng chướng bụng mỗi khi đến kỳ nhưng có thể dùng một số loại thuốc và thay đổi một vài thói quen hàng ngày là có thể cải thiện đáng kể triệu chứng này.

1. Chú ý đến chế độ ăn

Nên tránh ăn quá nhiều muối. Vậy thế nào là nhiều muối và nên ăn bao nhiêu muối một ngày là đủ? Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (American Heart Association), mỗi người chỉ nên tiêu thụ không quá 2.300mg muối mỗi ngày.

Các loại thực phẩm chế biến sẵn ví dụ như xúc xích, bim bim hay đồ hộp đều có chứa rất nhiều muối cũng như là các thành phần không lành mạnh khác. Do đó, cần tránh xa những loại thực phẩm này và thay vào đó nên ăn nhiều trái cây và rau xanh, cũng như các thực phẩm lành mạnh khác như ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc, các loại quả hạch và hạt.

2. Uống nhiều nước

Dù là thời điểm nào trong tháng thì cũng nên uống nhiều nước nhưng điều này lại càng quan trọng vào những ngày trước và trong kỳ kinh nguyệt. Không có khuyến nghị nào về lượng nước chính xác cần uống mỗi ngày, điều này còn tùy từng người do phụ thuộc vào môi trường sống, tình trạng sức khỏe, chiều cao, cân nặng và các yếu tố khác. Tuy nhiên, nên cố gắng uống đủ ít nhất 6 - 8 tám cốc nước mỗi ngày, có nghĩa là từ 1.5 – 2l nước. Nên đặt một chai nước cạnh bàn làm việc và nhớ uống liên tục.

3. Không uống rượu và cà phê

Đồ uống có cồn và caffeine trong cà phê đều góp phần gây chướng bụng, đầy hơi và các triệu chứng khác của hội chứng tiền kinh nguyệt. Do đó, trong thời gian đến kỳ thì hãy uống nhiều nước thay vì những loại đồ uống này.

Nếu như có thói quen uống cà phê vào mỗi buổi sáng để giữ đầu óc tỉnh táo thì có thể thay bằng một loại đồ uống có ít caffeine hơn, ví dụ như trà hoặc chọn các loại cà phê khử caffeine.

4. Tập thể dục thường xuyên

Mặc dù đa số phụ nữ đều không muốn vận động trong thời gian hành kinh nhưng tập thể dục thường xuyên là cách hữu hiệu để làm giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt. Các chuyên gia khuyến nghị nên cố gắng đạt được một trong những mục tiêu tập luyện như sau:

  • Một vài giờ tập luyện cường độ vừa phải mỗi tuần
  • Ít nhất một giờ tập luyện cường độ cao trở lên mỗi tuần
  • Kết hợp các mức cường độ tập luyện

Để đạt được hiệu quả tối đa thì nên kết hợp thêm các bài tập tăng cơ một vài lần một tuần.

5. Dùng thuốc

Nếu các biện pháp khắc phục nêu trên đều không giúp ích gì cho tình trạng chướng bụng, đầy hơi trước và trong những ngày có kinh nguyệt thì nên đi khám bác sĩ để được tư vấn về các phương pháp điều trị khác, ví dụ như:

  • Thuốc tránh thai: Uống thuốc tránh thai có thể giúp làm giảm các triệu chứng khó chịu do hành kinh. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn về phương pháp tránh thai phù hợp nhất.
  • Thuốc lợi tiểu: Những loại thuốc này có tác dụng giảm lượng chất lỏng tích trữ trong cơ thể, từ đó giúp làm giảm cảm giác chướng bụng, nặng nề.

Kết luận

Hiện tượng chướng bụng mức độ nhẹ đến vừa trước ngày có kinh nguyệt và đỡ hơn ngay sau khi bắt đầu ra máu thường không có gì phải lo lắng. Miễn là vẫn có thể hoạt động bình thường và các triệu chứng xảy ra quanh khoảng thời gian có kinh thì thường chỉ cần thay đổi một số thói quen lối sống là đủ để làm giảm các triệu chứng khó chịu. Tuy nhiên, nếu bị chướng bụng nghiêm trọng và cản trở công việc, học tập hay sinh hoạt hàng ngày thì cần phải đi khám bác sĩ để chẩn đoán nguyên nhân.